Mẹ GS Ngô Bảo Châu: "Châu vẫn còn kỳ vọng vào nền giáo dục Việt Nam"

Thứ tư 13/06/2012 06:10
(GDVN) - Cả 6 môn thi tốt nghiệp của Hội đồng thi Đồi Ngô - Bắc Giang đều xảy ra hiện tượng quay cóp, đã thực sự gây ra một cú sốc vô cùng lớn đối với nền giáo dục Việt Nam. Đứng trước sự việc đó, PGS.TS Trần Lưu Vân Hiền vẫn còn tin tưởng nhiều ở chữ tâm đọng lại nơi người thầy, và GS.Ngô Bảo Châu vẫn còn kỳ vọng ở giáo dục nước nhà.
Nghề giáo còn đọng lại nhiều “chữ tâm” nhất

- Thưa PGS. Trần Lưu Vân Hiền, bà có thể đưa ra những lí giải về hiện tượng tiêu cực vừa được phanh phui tại hội đồng thi Đồi Ngô - Bắc Giang?

PGS. Trần Lưu Vân Hiền: Tôi nghĩ rằng hiện tượng học sinh lười học, ham chơi ở thời nào cũng có. Ngày nay phương tiện khoa học kĩ thuật phát triển, học sinh lại càng có thể để xao nhãng việc học hơn. Do đó việc học trò học kém dẫn đến việc phải chuẩn bị phao thi trước khi vào phòng thi cũng là chuyện dễ hiểu. Tuy nhiên, nhiều học sinh giỏi vẫn chuẩn bị phao cho mình đơn giản là họ nghĩ rằng có còn hơn không và như thế sẽ an tâm hơn khi vào phòng thi.

Điều kiện của người giáo viên còn chưa thật sự đảm bảo. Cuộc sống của người giáo viên thật sự là thấp hơn so với yêu cầu và mặt bằng chung của xã hội. Nhưng ở Việt Nam mình thì hầu như ai cũng không đủ sống, đủ với nhu cầu tối thiểu của bản thân.

Chính vì người giáo viên chưa được quan tâm  đúng mức nên đã nảy sinh nhiều tiêu cực. Người thầy vì miếng cơm manh áo của mình nên tổ chức dạy thêm, ép học sinh đi học thêm. Người thầy còn phải chạy vạy, lo nhiều thứ vật chất sẽ không thể tập trung vào nghiên cứu khoa học, nâng cao trình độ nghiệp vụ của bản thân. 

PGS. Trần Lưu Vân Hiền


- Khi xem xong những clip đó bà cảm thấy như thế nào?

PGS. Trần Lưu Vân Hiền: Tôi tin rằng chắc chắn những ai từng đứng trên bục giảng đều rất đau lòng và không muốn đi "buôn bán chữ". Và tôi cũng tin rằng trong tất cả các ngành nghề thì nghề giáo còn đọng lại được chữ tâm nhiều nhất. 

- Bà có thể chia sẻ đôi điều về việc học hành trước kia của bà? Có bao giờ bà nghĩ mình sẽ tiêu cực, sẽ quay cóp các bạn khác?

Ngày xưa thời tôi đi học sao mà thấy sự học nó nhàn và ý nghĩa thế. Lúc đi học mình chỉ vì một mục đích là làm sao đạt được kết quả tốt vì chỉ khi học tập tốt thì mới có được công việc tốt nhất. Hồi đó không thấy có tiêu cực như quay cóp bài là gì cả. Hình ảnh người thầy cô cũng cao quý vô cùng, họ là cả một thế giới rất thanh cao, quý phái, biểu trưng của đạo đức để cho học trò noi theo. 

Còn hiện nay thì tôi thấy sao mà tiêu cực nhiều quá, sao không thể quay lại thời ngày xưa của chúng tôi được nhỉ? Học sinh mẫu giáo bây giờ mới chuẩn bị vào lớp 1 là đã phải còng lưng cõng chữ cả ngày lẫn tối. Rồi bé tí các cháu đã bị đối diện với những điểm số, xếp hạng học tập. Trẻ càng lớn lại càng bị nhồi nhét kiến thức nhiều hơn, với những kì vọng cũng nặng nề không kém từ gia đình và nhà trường.

GS. Ngô Bảo Châu vẫn còn nhiều kì vọng vào nền giáo dục

- Trước thực trạng đó của nền giáo dục Việt Nam bà còn có nhiều kì vòng vào hệ thống giáo dục này hay không?

PGS. Trần Lưu Vân Hiền: Tất nhiên là tôi vẫn còn thấy nhiều điểm sáng trong giáo dục lắm. Tôi luôn kì vọng cho một nền giáo dục không còn nhiều sạn nữa.

Đồng thời qua đây tôi cũng muốn chia sẻ câu chuyện như thế này, con trai tôi (GS Ngô Bảo Châu) vẫn còn kì vọng nhiều lắm vào nền giáo dục Việt Nam. Chính vì vậy mà Châu thành lập ra viện Toán học cao cấp là mong muốn tạo ra một môi trường sư phạm đầu đủ vật chất cũng như tinh thần cho những người tham gia. Với bất kì thầy cô nào vào trong viện toán đều có thể sống tốt, ít nhất là trong thời gian nghiên cứu tại đây, không phải lo lắng về vật chất người ta mới có thể đầu tư tất cả thời gian cũng như công sức để cống hiến cho nghiên cứu giáo dục. 

Lúc đầu, Viện toán cũng không được nhiều thầy cô nhiệt tình ủng hộ, nhưng rồi rất nhiều GS, PGS nổi tiếng cùng đăng kí tham gia. Mô hình này là nơi để cho những người thầy gắn bó với nghề thực sự sẽ không cần lo về vật chất mà chỉ chuyên cho nghiên cứu khoa học. Giá như mô hình được nhân rộng ra mọi lĩnh vực nghiên cứu chắc chắn sẽ giúp những người tâm huyết được nâng cao tay nghề và cống hiến cho nền giáo dục một cách trọn vẹn nhất.

Hình ảnh tiêu cực khiến nhiều người giật mình về tiêu cực trong giáo dục

- Theo bà muốn giải quyết được tận gốc vấn đề gian lận, tiêu cực trong thi cử cần làm như thế nào?

PGS. Trần Lưu Vân Hiền: Nếu như người thầy được quan tâm đúng mức đến đời sống tinh thần cũng như vật chất thì khi đó chắc chắn người thầy đó sẽ toàn tâm toàn ý dạy học trò những điều tốt đẹp nhất. Do đó chăm lo cho đời sống của người giáo viên không phải là trách nhiệm của riêng ngành giáo dục. Thầy giỏi làm gương chắc chắn sẽ có những người học trò chăm ngon, học giỏi và hiện tượng tiêu cực trong thi cử sẽ dần bị đẩy lùi.

Trước mắt để giải quyết tận gốc vấn đề cần phải nâng cao nghiệp vụ cũng như đời sống vật chất cho đội ngũ giáo viên. Đồng thời nên tiến tới thi cử bằng máy móc tránh việc gian lận, coi cóp. Thời đại khoa học kĩ thuật con người sáng chế ra để phục vụ cho con người, vì vậy cũng nên áp dụng việc thi cử bằng máy móc để có thể đảm bảo công bằng cho mọi thí sinh.

Đồng thời, tôi cho rằng các vị lãnh đạo Bộ Giáo dục & Đào tạo nên huy động tất cả những người tâm huyết với ngành sự phạm để có thể  lắng nghe những ý kiến. Từ đó cùng nhau tháo gỡ vương mắc về chuyên môn, đạo đức có những thay đổi hợp lí hơn để nền giáo dục Việt Nam ngày càng phát triển vững mạnh hơn.

Cảm ơn bà đã dành thời gian cho báo!
Bích Thảo (Thực hiện)