Thứ tư, 13/6/2012, 01:00 GMT+7

Người Việt càng ăn càng xài thì càng giàu

Việt Nam ta có hơn 80 triệu người tức hơn 80 triệu miệng ăn, nhu cầu tiêu dùng rất lớn. Giải pháp hữu hiệu để cứu nền kinh tế lúc này là khuyến khích người dân rút tiền tiết kiệm ra chi tiêu, đầu tư để quay vòng vốn.
>Siết chặt đầu tư công để phát triển kinh tế/Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước mới cứu được nền kinh tế

Tôi còn nhớ bài phát biểu của GS. Morris Kotler năm 2008, khi ông phân tích rõ động lực tăng trưởng của một quốc gia phụ thuộc vào ba yếu tố: nguồn vốn đầu tư (Capital) + cải thiện năng suất lao động (Labor efficiency) + cải tiến công nghệ (Innovation).

Trong ba yếu tố này thì tăng trưởng của Việt Nam dựa vào hơn 90% yếu tố đầu tiên (vốn đầu tư), khi những năm 2006 - 2008 sự bùng nổ của chứng khoán và bất động sản kéo theo số vốn FDI lên đến 100% GDP của Việt Nam.

Điều đó dễ dàng giải thích vì sao khi nguồn vốn mới giảm mạnh, tăng trưởng của Việt Nam khó gượng dậy vì hai động lực tăng trưởng còn lại đều là những yếu tố mang tính dài hạn, không thể bỗng chốc cải thiện được ngay.

Bây giờ ta trở về với phương trình vĩ mô kinh điển và cơ bản: GDP = C + I + G + (Ex-Imp).

Trong đó: GDP là tổng sản phẩm quốc nội

C: tiêu dùng cá nhân

I: tổng đầu tư

G: chi tiêu Chính phủ

Ex: xuất khẩu

Imp: nhập khẩu

Chúng ta hãy cùng phân tích để tìm động lực phát triển kinh tế nước nhà.

1. Chữ I (tổng đầu tư)

Chữ "I" như đã nói ở trên nay "đuối" rồi, vốn ngoại giảm, tín dụng "thắt", ai cũng "kẹt" (hoặc bị "kẹp"). Tuy nhiên sự đáng lo là tỷ lệ hoàn vốn đầu tư ROI (Return On Investment), cái "roi" nó "đánh" chữ I.

Nếu như nguồn vốn ngoại trong 3 năm qua + tăng trưởng tín dụng chóng mặt (>30% những năm 2006-2010) thì với ROI "khả dĩ" 5% - 7%/năm thì chúng ta đâu đến nỗi chật vật với cái tỷ lệ tăng trưởng 4.5% của quý I.

Vậy tiền đi về đâu? Đầu tư vào cái gì? Hầu hết đầu tư vào bất động sản và hạ tầng, những thứ một khi đã "tắc" là "chết".

2. Chữ G (chi tiêu Chính phủ)

Nhìn vào chữ G càng đáng lo hơn. "Bẫy" GDP là ở đây. Khi Chính phủ bỏ tiền ra xây một con đường thì số tiền X được ghi nhận vào GDP. Vài tháng sau đường ngập phải đôn lên vài chục cm, ghi nhận X+ vào GDP.

Nửa năm sau sụt lún, nứt, ổ voi, hố từ thần, sửa, lại cộng X++ vào GDP. Một năm sau ông ống nước, ông nhà đèn, bứng toàn bộ lên cho thêm mấy cái ống vào, phải làm lại toàn bộ mặt đường, lại X++++ thêm vào GDP...Cứ như thế một đoạn đường giá trị đã tăng lên gấp n lần và "đóng góp tích cực" vào GDP nước nhà.

Rồi một dự án khác ngốn đến tiền tỷ USD trong chục năm qua tại thành phố là dự án đào đường lắp cống...

Tuy nhiên cái khả năng hủy hoại tiểu thủ thương nghiệp địa phương thì vô song, từ các cửa hàng mặt tiền tại các quận sầm uất nhất sa sút, rồi đóng cửa, đổi chủ đến giao thông tắc nghẽn... cái chi phí này ko biết "hạch toán" vào đâu? Thực tế về phía cạnh "đầu tư" thì chi phí cơ hội này là chi phí trực tiếp của dự án, nếu tính thế thì sẽ dễ hiểu cái ROI của chữ I nhà ta.

Một đề án "cải cách chương trình giáo dục" ngốn hết 1 tỷ USD để rồi sách giáo khoa càng ngày càng "to", càng "dày", con cái nhà ta càng khổ, mà đã "khổ" thì làm sao mà "khôn"?

Ấy thế nên nhiều phụ huynh phải giẫm đạp nhau cho con vào trường quốc tế, trường tư, thực nghiệm... chả biết thế nào nhưng ít ra "đỡ khổ".

3. Chữ "Ex" chữ "Imp" (xuất nhập khẩu)

Cái này thì khỏi bàn vì ai cũng biết cán cân thương mại chúng ta "lệch" cỡ nào. Gần đây thâm hụt "giảm", chẳng qua vì hết tiền mua ôtô - ipad - vàng nên nhập siêu giảm thôi. Chứ cái Ex thì tăng trưởng chậm lại thấy rõ mà!

4. Chữ C (tiêu dùng cá nhân) - niềm hy vọng lớn

Chữ C có lẽ là hy vọng cuối lớn lao. Hơn 80 triệu người, 80 triệu cái miệng ăn, tuyệt vời hơn (so với cả các nước phương Tây) là 80 triệu miệng ăn này há ra chưa "mắc quai (nợ)" nhiều.

Tỷ lệ nợ trên mỗi cá nhân Việt Nam thấp thế nào ai cũng biết, tỷ lệ tiết kiệm (saving), đặc biệt bằng "đô" - bằng "vàng" là 1 khối tài sản khổng lồ không ai biết rõ bao nhiêu, chỉ biết là nhiều, nhiều lắm!

Có lẽ hy vọng bây giờ là khiến 80 triệu người dân Việt Nam móc túi ra tiêu, rồi lại làm, rồi lại tiêu, cứ thế là giàu thôi. Nghe có vẻ lạ, càng "ăn" càng "xài" càng giàu! Nhưng nó là quy luật phát triển tất yếu của nền kinh tế.

Đỗ Chí Hiếu

Tác giả Đỗ Chí Hiếu, sinh năm1983, tốt nghiệp Đại học chuyên ngành QTKD-Tài chính Kế toán tại Đại học Macquarie - Sydney, MBA của ĐH Hawaii. Đã từng công tác tại Great Eastern Life Assurance, VinaCapital và hiện nay làm cho Deloitte Vietnam.

Cẩn thận giữa C và Imp

C là consumption, được tính theo người trong nước xài hàng sản xuất trong nước. hàng nước ngoài mà sản xuất tại việt nam cũng tính vào C. Miễn sao người VN xài hàng sản xuất bên trong nước VN. Còn bạn mua Laborghini, iPad, iPhone, nó sản xuất ở nước ngoài, nhập vào VN, cho nên nó là Imp (Nhập khẩu). Cho nên dễ thấy nếu tăng chi tiêu mà đổ hết vào hàng ngoại => Imp cao. Mà Imp trong công thức thì bị trừ ra. Cho nên Imp càng cao thì làm cho GDP càng thấp đấy. Coi chừng giữa C và Imp. Kết quá trái ngược nhau đó

Ko có tiền

Tiền có đâu mà rút ra tiêu? (70% sẽ hỏi như thế)

Bạn đã quên đi chênh lệch giàu nghèo.

Đúng là Việt Nam có 80 triệu cái miệng ăn nhưng thử hỏi có bao nhiêu cái miệng ăn đó có răng để nhai (có tiền). Tiền dù có nhiều thì nó cũng chỉ chọn một số nhà làm ổ hehehe. Những người giàu chiếm thiểu số mà họ chỉ có một cái miệng, họ có thể ăn bằng 10 bằng 100 chứ sao có thể bằng ngàn bằng vạn cái miệng.Hay bạn muốn nói đến mua trước trả sau. Đừng hướng dẫn người dân tiêu dùng đồng tiền không phải của mình (mua trước trả thẻ sau), mà bạn có muốn cũng không được, chẳng ai làm công ăn lương mà dám tiêu hết phần lương của mình như Tây vì họ phúc lợi cao.

Không phù hợp cho VN

Giá tiêu dùng và thu nhập của người Việt còn khoảng cách khá xa, nếu bỏ tiền ra tiêu dùng thì chỉ tiêu dùng cho những giá trị ảo, không đúng với giá trị thực

Không thực tế

Tôi chỉ thấy hay với cái cách bạn nói về chữ "G" với X,->X+ ->X++... những vấn đề còn lại chưa ổn lắm. Tôi xin lấy ngay câu của bạn phân tích "Cái này thì khỏi bàn vì ai cũng biết cán cân thương mại chúng ta "lệch" cỡ nào. Gần đây thâm hụt "giảm", chẳng qua vì hết tiền mua ôtô - ipad - vàng nên nhập siêu giảm thôi. Chứ cái Ex thì tăng trưởng chậm lại thấy rõ mà!" đấy là người giàu còn người nghèo thì chủ yếu tiêu dùng những hàng rẻ tiền mà chủ yếu là hàng TQ Như vậy "Người Việt càng ăn xài thì càng giàu" có còn đúng không bạn???????????????

Bổ sung

Đồng ý với bài phân tích của tác giả, ý kiến của bạn tuấn. Tuy nhiên thu nhập của người Việt Nam xét tổng thể là còn khá thấp là vì nền kinh tế Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, xuất khẩu tài nguyên thô, lắp ráp thủ công... vốn dĩ có hàm lượng giá trị đóng góp vào sản xuất rất thấp trong khi đó năng suất lao động còn thấp, trình độ công nghệ lạc hậu. Nếu chúng ta cứ đẩy mạnh tiêu dùng, đặc biệt là những mặt hàng xa xỉ: ô tô nhập khẩu, iphone, ipad... thì thực chất chỉ làm giàu cho nước ngoài, không có lợi cho nền kinh tế nước nhà. Do vậy để tăng trưởng bền vững, một mặt khuyến khích tiêu dùng khơi thông vốn nền kinh tế (người Việt nên dùng hàng Việt), chúng ta NÊN tiết kiệm để đầu tư chất lượng con người có chiều sâu; nghiên cứu, đổi mới, ứng dụng công nghệ phục vụ sản xuất. Chúng ta có thể tham khảo kinh nghiệm các nước Nhật, Hàn, Đức... sau chiến tranh.

Cẩn thận nhé

Bài phân tích khá hay nhưng chưa đầy đủ. Ví dụ "ăn" nhiều hàng nhập khẩu thì sao? càng ăn càng nhập siêu.

Lối tiết kiệm

Cái lối tiết kiệm của phương Tây nó khác với người Việt. Người phương Tây tiết kiệm bằng cách bỏ tiền vào ngân hàng, mua chứng khoáng, vv làm số tiền đó bơm ngược lại nền kinh tế và làm nền kinh tế phát triển . Người Việt thì ngược lại tiết kiệm bằng cách mua vàng mua đô la dấu đi, lấy số tiền đó ra khỏi nền kinh tế . Nền ngân hàng nên nghĩ cách thu hút số vốn chết này của người Việt làm nó luân chuyển .

Công thức của Tổng thống Pháp

Có lẽ đây chính là công thức mà Tân tổng thống Pháp Francois Holland đang áp dụng, đó chính là thúc đẩy mạnh chi tiêu, kêu gọi nới nỏng việc thắt lưng buộc bụng. Nhiều người trông chờ bước đi này của ông sẽ cứu nền kt Pháp cũng như Eurozone. Đây đúng là quy luật thú vị!

Phản biện từ thực tế

Chữ C đấy đúng như bạn phân tích "chỉ là niềm hy vọng" trong khi thực tế rất khác. - Dân mình ưa đồ ngoại thì càng tiêu sẽ càng đẩy tiền ra nước ngoài. - Đất nước mình vẫn còn là đất nước nông nghiệp, chưa thể gọi là công nghiệp. Do vậy, khi nông dân ấy tiêu xài nhiều sản phẩm công nghiệp, họ sẽ càng nghèo hơn và nếu sử dụng hàng Việt Nam nhiều thì tiền cũng chảy vào túi người giàu (4 người giàu nhất sàn chứng khoán nắm giữ 29.000 tỷ). Nếu nhìn vào công thức của bạn, ta hạn chế nhập khẩu (cũng có nghĩa tăng xài hàng Việt), tăng cường xuất khẩu, tiết kiệm gởi ngân hàng (mua vàng cất ở nhà là vốn chết, nhưng mà lãi suất thấp hơn lạm phát thì người gởi cũng xem như bị mất tiền).

Tiêu xài

Ở Mỹ, trẻ con từ nhỏ được dạy rằng: tiêu xài là kích thích nền kinh tế, ko có tiền vẫn cứ xài, vì có thẻ tín dụng lo. Ở VN, trẻ con từ nhỏ được dạy rằng: tiết kiệm là quốc sách, ví dụ là người phụ nữ chết để lại tài sản nghìn tỷ. Vậy cái nào đúng với VN thời đại ngày nay ?

Không chỉ tiêu xài mà còn đầu tư nữa

Gửi các bạn phản đối: Ý của tác giả là người dân rút tiền tiết kiệm ra không chỉ để tiêu xài mà còn là để đầu tư sinh lợi nữa, để góp phần thúc đẩy cả nền kinh tế.

Lý thuyết nhưng áp dụng không đúng !

Toàn lý thuyết nhưng không áp dụng đúng ! VN là nền kinh tế nhập siêu vì chẳng SX được gì. Hàng hoá đa phần nhập khẩu hoặc chí ít là hàm lượng ngoại nhập cao (hàm lượng lao động VN rất ít). Đến cái kim khâu, bật lửa mà còn phải nhập bằng những đồng ngoại tệ hiếm hoi có được từ XK. Rồi còn tô phở chén cơm chúng ta ăn cũng đầy ngoại tệ trong đó: phân bón, xăng dầu, năng lượng, thuốc BV thực vật,...v....v... Càng tiêu xài thì VN càng dễ phá sản quốc gia như Hi Lạp mà thôi. Hậu quả cuối cùng là VNĐ mất giá so với ngoại tệ.

Tiêu xài nhiều chưa chắc đã tốt

Tiều xài nhiều hoang phí sẽ sinh ra các tệ nạn.
Mua sắm hàng hóa thúc đẩy sản xuất nhưng cũng thúc đẩy khai thác tài nguyên và gây ô nhiễm môi trường. Chưa kể nếu hàng hóa sản xuất không đủ đáp ứng thì lại phải đi nhập.
Đất nước muốn phát triển bền vững cần phải có bộ máy quản lý tốt, dẹp được hết nạn tham những, người dân được chăm sóc y tế giáo dục, đời sống văn hóa lành mạnh.
Suy cho cùng sự giàu có không ý nghĩa bằng có đời sống tốt.

Đúng về lý thuyết

Bài viết của tác giả đúng, nhưng chỉ về lý thuyết. Còn trong thực tế nên nhớ rằng dân số nước ta 70% là nông dân, tức là nghèo. Vậy thì tiền đâu để "cứ xài thoải mái" để dòng vốn được luân lưu và phát triển đây!!!

đúng ý của mình rồi

Trước kia tôi có đoạn viết trên Vnexpres.net cũng về đề tài này. nhưng do không có kiến thức về tài chính nên nói nôm na thế này, nếu các doanh nghiệp trả lương cho nhân viên thật cao, kết quả các doanh nghiệp càng ngày càng giàu mà nhân viên cũng sướng, đó mới là kích cầu. Nước Mỹ giàu vì họ có quan điểm " tôi trả lương cho công nhân tôi cao để họ mua xe của tôi" nếu cả xã hội này ai cũng nghĩ vậy thì sức mua là động lực cho sự phát triển sẽ được nuôi dưỡng. Đồng thời nhà nước cũng nên thay đổi cách kích cầu, cả thế giới kích cầu bằng cách tặng tiền người tiêu dùng, hỗ trợ người tiêu dùng chứ không tung các gói hỗ trợ giảm lãi suất hay giảm giản thuế vì như thế là kích cung chứ không phải kích cầu, mà trong khi cầu không có sức kích cung cũng bằng thừa.

Dân giàu nước mới mạnh

Xét nền kinh tế Việt Nam ở lớp vĩ mô mà không tính toán đến thực tế vi mô cũng bằng thừa. Biết là hiện giờ đồng vốn đại đa phần nằm trong nhân dân, kinh tế nhỏ lẻ chiếm đa số. Muốn huy động được nguồn vốn thì phải làm sao dân tin, doanh nghiệp nhỏ tin. Đại đa phần vốn nước ngoài và chính phủ rót vào chỉ toàn danh cho những dự án lớn, công trình lớn... có được cái lợi lớn thì vẫn là những doanh nghiệp quốc doanh, những tập đoàn lớn hưởng lợi... người bỏ vốn nhỏ lẽ thu lợi không cao, rủi ro thì lại quá lớn... Bây giờ nói đến tiêu xài, nếu dân mạnh tay tiêu xài thì ai được lợi lớn nhất: Doanh nghiệp. Ai bất lợi nhiều nhất- người tiêu dùng nhỏ lẻ ( Đa phần dần nghèo- thu nhập thấp- đồng lương ít ỏi không bao giờ tăng theo thời giá....) Nói đi nói lại cũng là dồn tiền dân vào túi doanh nghiệp...

Nhớ 1 câu rằng dân giàu thì nước mới mạnh được. Việc cần làn là phải cố gắng tạo mặt bằng kinh tế chung cho đại bộ phân nhân dân, doanh nghiệp, rồi từ từ tăng cấp... Làm vậy quản lý sẽ chặt chẽ hơn, mạnh mẽ hơn và khi có rủi ro.. sẽ có nhiều cách thoát khỏi khủng hoảng hơn. Sau việc này thì việc kế tiếp là chính sách thuế nhà đất và thuế doanh nghiệp. Ai cũng biết bất động sản là nghành nghề kinh doanh đỏi hỏi nhiều vốn... nhưng hiện giờ tôi thấy ai cũng làm, ai cũng lao vào như con thiêu thân vì siêu lợi nhuận.... thậm chí vay nóng vay nguội- cầm cố nhà cửa để làm... hỏi tiền lợi nhuận ấy hằng năm thuế thu vào được bao nhiêu? Những miếng đất giá hàng trăm tỷ hằng năm đóng thuế bao nhiêu? Chính thuế đất quá thấp ( Ở những nơi giá trị đất quá cao...) làm cho thị trường bất động sản đóng băng mà không lạnh...

Phân tích GDP

Tác giả nói đúng. Tuy nhiên, chữ C ở đây nên hiểu là sức mua đối với hàng hóa được trong nước sản xuất. Chứ không đánh đồng với hàng nhập khẩu mà dẫn đến nhập siêu, cái phần nhập siêu ấy nên bị hạn chế bằng cách đẩy E lên.

Muốn kiếm tiền phải tiêu tiền

Có câu hài hước " Muốn kiếm tiền phải tiêu tiền" Nghe ra có vẻ đúng cả thực tiễn và lý luận...

Cần nhìn nhận bản chất của nền kinh tế

Tôi thấy cũng có lý, nhưng bao nhiêu người thuộc diện có thể dám ăn xài chi tiêu như bạn mô tả ở Việt Nam này? Theo tôi nghĩ muốn chi tiêu 'bền vững' thì bản thân nền kinh tế phải phát triển đúng định hướng đã. Làm sao người dân dám chi tiêu khi các yếu tố vĩ mô còn hết sức bấp bênh, không có gì là chắc chắn? Trước mắt là hãy cơ cấu lại nền kinh tế nước nhà đã, xem lại khu vực công, và cần một cái nhìn đúng đắn vào khu vực kinh tế tư nhân. Tôi vẫn nghĩ chúng ta có thể tìm cách tăng GDP bằng cách tăng đầu tư (I), nhưng phải đầu tư đúng ngành, đúng trọng điểm, khuyến khích đầu tư hiệu quả, mà 1 trong những yếu tố để đánh giá như bạn nói là chỉ tiêu hoàn vốn đầu tư ROI.

Ý kiến của bạn

 
 Thay hình khác
  
Off Telex VNI VIQR
 
Link Site
Bài viết của độc giả trên chuyên mục này không nhất thiết trùng với quan điểm của tòa soạn, và không có nhuận bút.
Muôn kiểu giao thông Việt Nam

Chụp trên đường Nguyễn Trãi, TP HCM ngày 30/5. Ảnh: Nguyen Chi Ba Huy
Chia sẻ ảnh giao thông do bạn chụp được tại đây
 
Cuộc sống qua ống kính độc giả

Chia sẻ ảnh cuộc sống xã hội do bạn chụp được tại đây

 
 
 
Lien he quang cao