(VnMedia) - Sáng 14/6, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ công thương Vũ Huy Hoàng. Sự độc quyền kéo dài trong lĩnh vực điện và xăng dầu là những vấn đề “nóng” được nhiều đại biểu quan tâm. Độc quyền lâu dài là do... thận trọng Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) hỏi thẳng: “Tôi xin Bộ trưởng hãy cho biết trách nhiệm của mình trước Đảng, Nhà nước và nhân dân trong việc đã để tồn tại quá lâu dài sự độc quyền của ngành điện lực và ngành xăng dầu?” Cùng với câu hỏi này, đại biểu Bùi Mạnh Hùng cũng đề nghị Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng giải thích tại sao yêu cầu phá độc quyền của hai ngành này là rất cấp bách, nhưng lộ trình để có thể xóa được độc quyền của ngành điện lực lại có thể kéo dài tới 17 năm (từ 2005 tới năm 2022) như phương án của Chính phủ. Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói: “Điện là một mặt hàng đặc biệt liên quan đến toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội, cho nên bất cứ một sự thay đổi nào mà nó ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân, ảnh hưởng đến sản xuất, điều đó chúng ta phải có giải pháp để khắc phục. Chính vì thế bước đi của chúng ta phải thận trọng.” “Đối với xăng dầu cũng tương tự như vậy. Trong thời gian vừa qua cũng thực hiện lộ trình thị trường vấn đề phân phối sản phẩm xăng dầu và đặc biệt thực hiện Nghị định 84 của Chính phủ, đến nay chúng ta đã có 12 đầu mối về nhập khẩu xăng dầu và phân phối xăng dầu. Trong đó có cả khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh, chứ không phải chỉ có các khu vực doanh nghiệp Nhà nước.” - Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng giải trình. Nói về độc quyền của Tổng công ty xăng dầu Việt Nam, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng khẳng định: “Trong tình hình biến động về xăng dầu thế giới như thời kỳ năm 2010 - 2011, nếu không có những tập đoàn kinh tế nhà nước, các tổng công ty nhà nước vì lợi ích của nhà nước, có thể ảnh hưởng đến lợi ích của doanh nghiệp, thậm chí chịu lỗ nhưng theo yêu cầu của Chính phủ và trước yêu cầu cuộc sống của nhân dân thì họ vẫn phải duy trì mạng lưới cung cấp xăng dầu. Tôi nghĩ đó là vai trò tích cực được xã hội và nhân dân ghi nhận.” Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Công thương cũng thừa nhận, Bộ chưa hết trách nhiệm trong việc để tình trạng độc quyền doanh nghiệp kéo dài. “Chúng tôi xin nhận một phần trách nhiệm này, bởi vì trong quá trình vừa qua, không ít trường hợp sự tham mưu với Chính phủ, sự đôn đốc, kiểm tra phát hiện tình hình mới, qua đó kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội, Trung ương các giải pháp thúc đẩy nhanh quá trình tránh độc quyền của doanh nghiệp, chúng tôi làm chưa hết trách nhiệm, xin nhận trách nhiệm này.” - Bộ trưởng nói. Bộ trưởng cũng cho biết, thực hiện theo Nghị định 84 về việc đa dạng hóa các hình thức phân phối xăng dầu, các thành phần tham gia vào xăng dầu đã bước đầu được thực hiện. “Tôi tin rằng nếu chúng ta tiếp tục kiên trì Nghị định 84 thì thị trường xăng dầu sẽ là thị trường vận hành theo cơ chế thị trường và có sự quản lý của nhà nước. Riêng về xăng dầu chúng ta chưa cho phép nước ngoài tham gia vào đây.” Bộ trưởng khẳng định.
| Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn tại Quốc hội sáng 14/6 | Viễn thông làm được, sao xăng, điện không làm được?
Thừa nhận phần trả lời của Bộ trưởng rất rõ và rất thẳng thắn, tuy nhiên, đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) vẫn tái chất vấn: “Tôi vẫn băn khoăn về lộ trình, tại sao lại phải kéo dài như vậy vì càng để dài lâu thì càng bất lợi cho nền kinh tế. Tôi nghĩ rằng Bộ cũng chưa thực sự tích cực. Chúng tôi theo dõi không biết tại sao trong dự thảo Luật điện lực (sửa đổi) vừa trình Quốc hội mới đây, tôi chưa thấy một ý tưởng nào, một thiết kế pháp luật nào để mở đường cho việc xóa bỏ độc quyền của ngành điện.” Đại biểu tỉnh Bình Phước cũng lập luận: “Đất nước ta đã có một thực tiễn xóa bỏ độc quyền của ngành bưu chính viễn thông. Đây là một bài học rất tốt bởi vì ngành bưu chính viễn thông cũng từng được coi là một ngành kinh tế đặc biệt, một doanh nghiệp đã từng được coi là độc quyền tự nhiên giống như ngành điện hiện nay. Nhưng với quyết tâm thì đã nhanh chóng xóa bỏ được độc quyền, đã phát triển ổn định và đem lại nhiều lợi thế cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.” Đại biểu Bùi Mạnh Hùng còn khẳng định: “Tôi nhận thấy Bộ trưởng cũng phải có trách nhiệm cao hơn nữa trước dân. Theo tôi, cần phải có một kế hoạch thật tích cực để rút ngắn lộ trình này và càng rút ngắn được thì càng tốt. Tôi có đủ cơ sở và niềm tin là Bộ trưởng sẽ làm được việc này, phải chăng ở đây thiếu sự nhiệt tình và tâm huyết cũng như trách nhiệm đối với nhân dân?” Sau phần tái chất vấn của đại biểu Bùi Mạnh Hùng, người đứng đầu ngành Công thương một lần nữa khẳng định đã nhận trách nhiệm và hứa sẽ cố gắng “làm hết khả năng, làm hết trách nhiệm của mình”. Tuy nhiên, ông vẫn nói: “Còn việc có rút ngắn được hơn lộ trình này hay không thì phụ thuộc vào những điều kiện chúng ta có thể thực hiện. Tôi nói câu chuyện về thị trường điện, câu chuyện về điều chỉnh giá điện, nghe thì đơn giản nhưng mỗi một lần tính toán để đi theo lộ trình đó thì sự phản ứng của dư luận cũng rất khác nhau. Chính vì thế, Chính phủ yêu cầu chúng tôi, trong đó có Bộ công thương, Bộ tài chính, các Bộ có liên quan phải rất thận trọng.”
Xuân Hưng
|