Anh chàng thi đại học 16 lần chưa đỗ
Hầu hết các học sinh Trung Quốc coi kỳ thi đại học là một cơn ác mộng không muốn gặp lại trong đời. Nhưng đối với Liang Shi, 45 tuổi, cơn ác mộng ấy tái diễn 16 lần.
> Trung Quốc căng mình thi đại học
|
Liang Shi đến trung tâm khảo thí ở Tứ Xuyên đi thi đại học lần thứ 16, tuần trước. Ảnh: CFP |
"Lần này tôi làm bài không tốt và tôi chắc không đạt nguyện vọng vào đại học rồi", Liang nói chuyện với Global Times qua điện thoại.
Năm ngoái, Liang có một trải nghiệm mới: thi đại học cùng năm với con trai của anh. Tuy nhiên, hai cha con không có cơ hội học đại học cùng nhau, bởi Liang chỉ được 350/750 điểm, thậm chí không đủ để vào một trường cao đẳng.
Dù kỳ thi đại học năm nay Liang cho rằng điểm của anh cũng chỉ đạt mức năm ngoái, anh vẫn chẳng nản lòng, thậm chí còn nói chuyện sẽ đỗ đạt trong kỳ thi năm sau, để hoàn thành giấc mơ suốt đời là được học đại học.
"Đại học Tứ Xuyên sẽ là lựa chọn đầu tiên của tôi, và tôi muốn học ngành toán", Liang nói. Nhưng khi được hỏi về ngành nguyện vọng hai, anh ngập ngừng.
"Tôi sẽ nghĩ tới điều đó sau khi nhận được giấy báo trúng tuyển", anh nói.
Ôn thi bên chén trà
Kể từ tháng 1 năm nay, Liang đã dành khoảng 6 tiếng một ngày để ôn thi trong một quán trà tại thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, trước và sau khi đi làm tại cửa hàng cung cấp vật liệu xây dựng do anh làm chủ.
Liang cho biết điểm thi đại học của anh đã giảm dần kể từ lần đầu đi thi những năm 1980. Hồi đó anh đã "gần với tới giấc mơ đại học".
"Chỉ cần thêm 10 điểm nữa thôi là tôi đã được nhận", Liang cay cú nói.
Sau khi đều đặn thi đại học suốt từ năm 1983 tới 1992, Liang bị buộc phải dừng thi do một quy định khiến anh không đủ điều kiện: cuộc thi chỉ dành cho những người dưới 25 tuổi và chưa lập gia đình. Tuy nhiên chính sách này đã thay đổi năm 2001.
Liang thực sự là một học sinh chăm chỉ, có khi anh dành cả hai ngày để làm một bài kiểm tra thử trong khi một học sinh cấp 3 làm việc đó chỉ mất ba tiếng.
Do không được học trung học phổ thông, Liang gặp khó khăn để hoàn thành bài thi trong thời gian quy định. Anh thừa nhận thỉnh thoảng vẫn không hiểu yêu cầu của đề bài.
Ôn thi để tránh xa bài bạc
|
Liang Shi trong kỳ thi đại học 2011. Ảnh: Huaxi Metropolis Daily |
Sau khi thi trượt 10 lần, Liang đã từng "khoan nhượng". Năm 1992, anh được nhận vào chương trình bổ túc dành cho người lớn của trường đại học Lâm nghiệp Nam Kinh. Tuy nhiên anh bỏ học sau một tháng.
"Khi bước vào căngtin của trường, tôi thấy mình kém cỏi hơn các sinh viên đại học khác", Liang nói và cho biết kể từ đó anh quyết tâm học đại học bằng được như các bạn cùng trường cấp ba của anh.
"Thành thực mà nói, tôi tôn thờ những người trí thức, đặc biệt là các nhà khoa học, và tôi không thể không ngưỡng mộ những người nghiên cứu về máy bay và tên lửa", Liang hồ hởi nói.
Anh tự tin vào khả năng học đại học của mình. Anh tin trí thông minh của mình không kém những người bạn đồng trang lứa từng đỗ đại học.
"Dù có già đến mấy, tôi sẽ thấy ân hận nếu không được trải nghiệm cuộc sống sinh viên một lần trong đời", Liang nói và cho biết càng thêm tuổi, anh càng có cái nhìn thực tế hơn về đại học.
Nhiều người bạn của Liang không hiểu nổi vì sao anh phí phạm thời gian và tiền bạc để ôn thi, nhưng cũng có những người ủng hộ.
Tuy nhiên, điều Liang quan tâm là suy nghĩ của vợ mình. Cưới Liang năm 1991, hiện điều hành công việc kinh doanh nhỏ lẻ, vợ anh ủng hộ Liang bởi việc chuẩn bị cho kỳ thi đại học giúp anh tránh xa khỏi mạt chược.
"Lần nào tôi cũng thua tiền", Liang cho biết đó là điều luôn khiến vợ anh nổi giận.
Liang được các phương tiện truyền thông phát hiện vì sự kiên trì kể từ năm 2006, điều này cũng gây áp lực lên cuộc hôn nhân của anh do vợ Liang không muốn bị chú ý. "Thi đại học cũng được thôi, nhưng anh không cần phải quá nổi tiếng", Liang dẫn lời vợ mình và kể tiếp, "Nếu anh thích được nổi tiếng, hãy cho em xem điểm thi thật cao".
Cân bằng giữa công việc và học hành
|
Liang Shi thắp hương cầu đỗ đại học. Ảnh: MinistryofTofu |
Liang là người con thứ 4 trong số 5 anh chị em. Không ai trong 5 người từng được học đại học. Bởi cha anh bị gắn mác phản cách mạng trong cuộc Cách mạng Văn hóa (1966-1976), Liang và gia đình bị buộc phải bỏ nhà đến sống ở vùng nông thôn tỉnh Tứ Xuyên tới năm 1979.
Sau đó, Liang làm việc ở một xưởng gỗ vài năm. Không may cho anh, nhà máy đóng cửa một năm sau đó, và anh tự mở cơ sở kinh doanh.
Năm 1993, Liang đến thành phố Thành Đô mở cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng của riêng mình. Mới đầu khi công việc làm ăn suôn sẻ, anh nhận được hợp đồng với nhà máy và có thu nhập khá cao.
"Lúc đó tôi tưởng kiếm tiền thật dễ", Liang nói. Nhưng thành công của anh kéo dài không lâu. Chỉ trong hai năm, anh mất 3 triệu nhân dân tệ, nguyên nhân theo anh là do không theo kịp những "chiến lược kinh doanh mới" như marketing.
Kể từ đó, anh sống một cuộc sống bình thường và vẫn bán vật liệu xây dựng. "Hầu hết các bạn tôi kiếm sống khá hơn tôi, nhưng tôi không kêu ca", anh cho biết.
Trọng Giáp (theo Global Times)