- Nhân vụ việc ở Đồi Ngô, Bắc Giang, nhiều ý kiến bày tỏ nên bỏ thi tốt nghiệp THPT. Từ thực tiễn dạy học ở cơ sở, ông Vũ Quốc Lịch – GV Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam có bài viết nêu quan điểm phải duy trì cuộc thi quan trọng này. Thi hay không thi tốt nghiệp THPT là một việc hệ trọng. VietNamNet xin đăng tải nguyên văn bài viết và mong nhận được nhiều ý kiến phản hồi của độc giả trên cả nước.
TIN BÀI LIÊN QUAN:
Toàn cảnh kết quả tốt nghiệp 2012
Nhiều địa phương có tỷ lệ tốt nghiệp hơn 99%
Tốt nghiệp: 'Các tỉnh thấy có nhiều nơi làm tốt"
Đồi Ngô:Bộ trưởng, việc đúng nên làm
Bộ Giáo dục đang làm ngơ trước một sự thật?
Tôi thấy so với trước, học trò thời nay thông minh hơn, năng động hơn, nhưng cũng “quái” hơn và thực dụng hơn rất nhiều.
Ảnh Phạm Hải |
Xưa thầy bảo gì trò nghe nấy. Giờ trò nghe có chọn lọc, kênh thông tin không chỉ ở người thầy, thậm chí trò còn phán xét thầy. Xưa học trò ít khi có hiện tượng quay cóp, nếu có thì cũng chỉ biết dùng các tài liệu “thô” như quyển vở, quyển sách. Nay thì có cả một công nghệ hiện đại phục vụ quay cóp. Máy in, máy photocopy tạo ra các phao thi “ruột mèo” giờ cũng là bình thường. Giờ họ sử dụng phương tiện thu phát để nhận thông tin từ ngoài phòng thi, dùng điện thoại di động đời cao, iPad để quay cóp, dùng tín hiệu mooc-xo để trao đổi bài, hay dùng kí hiệu tay cụp tay duỗi, sờ tai vuốt tóc … để thông tin cho nhau mã đề, đáp án đề thi trắc nghiệm – một chiêu đơn giản mà làm không ít giám thị phải bó tay. Phòng thi lặng im như tờ mà thực ra vẫn đang có sự trao đổi.
Học trò xưa được giáo dục “học đều”, ít chú ý đến khái niệm môn “chính”, môn “phụ”, nhưng giờ thì rất khác. Ở bậc PTTH hiện nay, trước khi Bộ GD&ĐT công bố môn thi tốt nghiệp thông thường học trò dành 70-80% quỹ thời gian và công sức đầu tư cho môn mà các em sẽ thi đại học. Nếu thi khối A các em sẽ chỉ quan tâm đến toán, lí, hóa, có chăng thêm nữa là ngoại ngữ. Có học sinh hầu như không quan tâm đến các môn còn lại, lên lớp có mặt chỉ là để điểm danh, ghi bài chỉ là hình thức. Nên mới có hiện tượng giờ sử thì học toán, giờ sinh thì học hóa … là các môn các em vừa học trên lớp vừa học thêm ở các trung tâm với quá nhiều bài tập.
Cá biệt có những học sinh làm các cô giáo trẻ dạy giáo dục công dân, dạy sử phải phát khóc lên vì cô bỗng mất hết cả tình yêu nghề nghiệp khi mà lần nào gọi học sinh lên kiểm tra cũng chỉ nhận được câu trả lời “em chưa học”. Ra câu hỏi thật dễ chỉ với mục đích giải cứu cho em kiếm điểm vậy mà em cũng không có chút ý niệm nào để trả lời. Theo quy chế học sinh như vậy thì cứ cho điểm kém nhưng cô lại không nỡ. Và thế là cuối học kì khi chuẩn bị tổng kết điểm cô giáo bộ môn và cả cô chủ nhiệm phải gọi bố mẹ giục em mới làm vài bài tập sưu tầm để có điểm.
Qua khảo sát tỉ lệ đăng kí thi vào đại học, cao đẳng, thí sinh thi khối C chỉ có khoảng 1%. Ngay ở các trường chuyên, học sinh vào học văn, sử, địa thì cũng chỉ vì muốn có môi trường học tốt chứ chưa phải vì yêu thích môn học của mình. Thời gian dành cho các môn xã hội vì thế không nhiều.
Chất lượng học các môn xã hội của học sinh chúng ta đang rất thấp. Không chỉ là sự hiểu biết về lí luận văn học hay một tác phẩm văn học mà đơn giản chỉ là viết một lá đơn thôi nhiều em cũng không biết phải trình bày ra sao. Còn lịch sử và địa lí thì cái nọ nhầm sang cái kia. Cơ bản đến như đề thi lịch sử năm nay là trình bày ý nghĩa lịch sử của Cách mạng tháng Tám, nội dung cơ bản của Hiệp định Pari năm 1973 về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam vậy mà nhiều học sinh vẫn không làm được. Thậm chí có thí sinh còn trình bày nhầm sang ý nghĩa chiến dịch Điện Biên Phủ - một điều thật khó tưởng tượng nổi.
Kết thúc một cuộc thi, người ta lại lí giải vì sao học sinh học văn, học sử lại tệ hại thế. Và nhiều người lại đổ tội cho chương trình, cho nội dung sách giáo khoa… Theo tôi có một lí do quan trọng là người học khối C ít có cơ hội quá. Mà thí sinh thì thực dụng, họ chỉ để tâm đến các môn liên quan đến kì thi quyết định của họ mà thôi.
Có học phải có thi. Tổ chức thi đương nhiên là tốn kém, nhưng cái được cũng không hề nhỏ. Thi để đánh giá, kiểm chứng chương trình, nội dung dạy học, phương pháp dạy của thày và kết quả lĩnh hội của trò ra sao… Hiển nhiên rằng kì thi phải huy động bao nhiêu giáo viên và người phục vụ, tiêu tốn bao nhiêu tiền thì đều là các con số rất cụ thể dễ định lượng, còn cái được lại thuộc lĩnh vực trừu tượng khó tính đếm đòi hỏi phải có sự suy xét thấu đáo, một tầm nhìn chiến lược.
Chúng ta đã bỏ kì thi tốt nghiệp tiểu học và THCS. Dư luận từng kêu ca học sinh đã vào lớp 1 rồi thì đương nhiên sẽ tốt nghiệp tiểu học dù có em chẳng biết đọc biết viết (ví dụ báo chí đã đưa tin về học sinh một số trường THCS ở Gia Rai, Bình Thuận, Quảng Ngãi …) , và đã vào lớp 6 rồi thì không thể không tốt nghiệp THCS (?)
Tôi băn khoăn tự hỏi tại sao lại có ý nghĩ thi tốt nghiệp nếu đỗ gần như 100% thì chẳng nên thi nữa làm gì. Theo cách suy diễn đó thì có lẽ ta nên bỏ luôn cả khâu xét duyệt tốt nghiệp tiểu học và THCS bởi có mấy em trượt đâu mà phải xét duyệt cho nhiêu khê, phiền phức (!)
Tại sao thấy tiêu cực trong thi cử ta lại nghĩ là phải bỏ thi mà không nghĩ phải chấn chỉnh lại làm sao cho hết tiêu cực hoặc giảm thiểu tiêu cực trong thi cử. Kẻ làm tiêu cực để mong được tốt nghiệp và tốt nghiệp với tỉ lệ cao. Ta thấy tiêu cực mà nản, mà bỏ thi, cho tốt nghiệp luôn thì có khác gì ta đầu hàng tiêu cực?
Trộm nghĩ nếu dùng công nghệ cao để gian lận, để tiêu cực thì phải xử nghiêm, thậm chí thí sinh đó trong 5-10 năm kế tiếp không được dự thi cấp tương đương. Còn dùng công nghệ cao để vạch tiêu cực thì phải được hoan nghênh, trọng thưởng. Có lẽ từ vụ Đồi Ngô ta nên nghĩ đến một hình thức mới là sử dụng công nghệ cao để giám sát thi cử, tôi nghĩ nếu giám thị làm đúng chức trách thì đâu sợ áp lực gì.
Từ vụ Đồi Ngô, việc có nên duy trì kì thi tốt nghiệp THPT hay không lại được xới lên. Nhiều người trong đó có cả các học giả uy tín lên tiếng nên bỏ kì thi quan trọng này đã làm dư luận hoang mang thật sự. Học sinh giờ tinh ý lắm, môn không phải thi thì học chỉ để cho vui. Và môn dù phải thi nhưng nếu thày cô dễ dãi coi thi không nghiêm túc là thôi ngay không chịu học. Nhà trường là môi trường để trang bị tri thức và rèn luyện ý thức cho học sinh. Ý thức đó được rèn luyện qua cả quá trình dạy học mà trong đó các cuộc thi là một phần tất yếu. Nếu một ngày nào đó cả bậc phổ thông chẳng cần có cuộc thi nào thì rồi sự thể sẽ ra sao?
Học sinh học qua chương trình phổ thông mà không biết dùng lời văn tiếng Việt để trình bày ý tưởng của mình, không nhớ và không biết ý nghĩa các sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc, không biết vị trí và vai trò của các vùng lãnh thổ của đất nước … thử hỏi điều đó có quan trọng không, có cần chấn chỉnh không?
Một thực tế là ngoài các môn văn, toán, ngoại ngữ, học sinh và cả phụ huynh thường đợi đến khoảng 26-3 hàng năm, khi Bộ GD&ĐT công bố môn thi tốt nghiệp THPT để đầu tư cho con em mình học ôn các môn thi tốt nghiệp còn lại. Nếu không còn thi tốt nghiệp tất nhiên cũng không còn việc đầu tư đó nữa. E rằng không chỉ chất lượng dạy học các môn xã hội mà cả các bộ môn khác cũng sẽ đi xuống, và đấy sẽ là bước thụt lùi nghiêm trọng mà hậu quả thật khó lường.
Từ thực tiễn dạy học ở trường phổ thông, chúng tôi khẩn thiết mong Bộ GD&ĐT, các cơ quan chức năng, các nhà hoạch định chính sách nhìn nhận thấu đáo sự việc để có cách cải tiến việc thi cử cho tốt hơn chứ không nên xóa bỏ kì thi vô cùng quan trọng này.
Cũng không nên đánh đồng, hợp nhất 2 kì thi TNPT và thi vào đại học. Vì thật dễ nhận thấy 2 cuộc thi này có tiêu chí hoàn toàn khác nhau: một bên là để công nhận có trình độ học vấn phổ thông, còn một bên là để chọn người giỏi vào học tập nghiên cứu trong các ngành nghề phù hợp.
- Vũ Quốc Lịch