Thứ sáu, 22/06/2012 09:14
22/06/2012 | 07:31

Làm "bầu" ca sĩ: Khổ như... nuôi con mọn

(Dân Việt) - “Người làm báo giống như một bác sĩ bắt được bệnh của con bệnh và biết được bệnh nhân muốn và cần gì, chính vì vậy nó hỗ trợ nhà báo rất nhiều trong nghề tay trái là làm bầu show”.

Nhà báo, đạo diễn Việt Thanh đã chia sẻ như vậy trong cuộc trò chuyện cùng PV NTNN.

Cơ duyên nào đã đưa chị đến với công việc là người quản lý cho ca sĩ?

- Năm 1998, tôi tốt nghiệp đại học báo chí và được nhận vào Ban Văn nghệ của Đài Truyền hình Hà Nội, đây cũng là thời điểm các chương trình game show, ca nhạc được truyền hình trực tiếp nở rộ.

Lúc bấy giờ, tôi nhận ra rất nhiều anh chị em nghệ sĩ chỉ chú trọng đến giọng hát, đến kỹ năng mà còn lúng túng, chưa biết hoàn thiện cũng như để ý quảng bá hình ảnh của mình.

Nhà báo Việt Thanh (trái) cùng ca sĩ Ý Lan.

Từ sự phân tích, nắm bắt đó nên có rất nhiều người muốn hợp tác cùng tôi, nên năm 2000, tôi chính thức mở công ty về quản lý cũng như lăng xê hình ảnh cho ca sĩ, người đầu tiên tôi làm quản lý là ca sĩ Hồ Quỳnh Hương.

Chị đã có những tiêu chí như thế nào trong việc tuyển chọn ca sĩ trong việc làm quản lý?

- Tôi có hai tiêu chí rõ ràng khi bắt đầu làm hợp đồng. Trước tiên, khi đầu quân ở công ty của tôi thì ca sĩ đó phải làm theo kịch bản tôi đề ra, phải tập trung vào chuyên môn hát, như trong chiến lược của tôi, có những lúc tôi sẽ yêu cầu ca sĩ của mình nghỉ một tháng để giữ hình ảnh mới của mình cho một album hay một liveshow sắp diễn ra.

Nhưng thường thì với một chút thành công, có chỗ đứng, có lợi nhuận từ những lời mời chào ở các event, các chương trình ca nhạc…, các ca sĩ cứ tặc lưỡi cho qua, liên tục đi diễn và diễn, như thế vô hình trung, họ tự phá hỏng hình ảnh của mình trước công chúng. Đó là điều tôi không thể chấp nhận.

Tiếp đến khi đào tạo một ca sĩ, người quản lý phải có một chiến lược, hoạch định rõ ràng, một con đường dài hơi. Ví dụ như ở Hàn Quốc, khi muốn lăng xê một nhóm nhạc hay một ca sĩ, họ phải có một kịch bản hoàn chỉnh từ hôm nay cho đến 3 năm, 5 năm sau, chứ không thể cứ lấy một bài hát “hit” để thành nổi tiếng.

Với sự hỗn loạn của giới showbiz hiện nay, có một thực trạng đang diễn ra là “bóc ngắn cắn dài”, chỉ thấy cái lợi trước mắt mà không nhìn về lâu dài.

Là người quản lý lâu năm trong nghề, chị có thể chia sẻ những khó khăn, thuận lợi?

- Nhà báo làm bầu show có rất nhiều thuận lợi. Bởi nhà báo có kiến thức, chuyên môn về âm nhạc, đặc biệt là có quan hệ rộng. Từ những mối quan hệ này, khi ra album cho ca sĩ, người quản lý sẽ tạo được những hình ảnh liên tục và gây được hiệu ứng với công chúng.

Tôi đánh giá rất cao những nhà báo đã giúp đỡ cho các ca sĩ, như nhà báo H.T quản lý cho ca sĩ T.H hay như nhà báo L.T.N quản lý cho ca sĩ N.C. Nhà báo có khả năng nắm bắt, phân tích thị trường sẽ giúp ích, định hướng cho ca sĩ mà mình quản lý.

Một điều nữa tôi muốn chia sẻ, đó là làm người quản lý cho ca sĩ đòi hỏi rất nhiều thứ, giống như nuôi con mọn. Người quản lý sẽ phải làm rất nhiều thứ, từ việc phải lên ý tưởng sản xuất ra một album, cộng tác với ekip, trang phục biểu diễn, cách tiếp cận fan và khi lên sân khấu thì phải chọn bài hát như thế nào cho hit, cho được nhiều khán giả biết đến… Điều này không hề đơn giản chút nào và phải là người cực kỳ có tâm huyết với nghề mới có thể theo được.

Chị nghĩ sao khi một số ít nhà báo trẻ đã dùng chiêu trò bôi nhọ nói xấu ca sĩ là đối thủ với ca sĩ của mình làm quản lý?

- Tôi thấy cũng rất là nhiều, hiện nay có rất nhiều nhà báo trẻ đặc biệt trong TP.HCM đang trở thành bầu show của các ca sĩ và tôi không lên án việc đó. Nó vừa giúp có thêm thu nhập cho các nhà báo trẻ, vừa là một cơ hội tốt để hiểu rõ hơn về nghề. Nhưng nếu các bạn quá dễ dãi với nghề này và đặc biệt đi lên từ những chiêu trò đó sẽ không thể bền lâu.

Tôi nhận thấy có một thực tế hiện nay các nhà báo trẻ đang đi làm với chức danh là trợ lý chứ không phải là người quản lý, một người quản lý như tôi đã nói phải là người tổng hợp, là một người nhìn được con đường đi dài, và trong quãng đường đó phải xử lý được tất cả những sự cố, tai nạn những vấn đề xảy ra.

Còn như ngày hôm nay, chúng ta nhìn thấy thì hầu hết là các nhà báo trẻ đang là trợ lý cho các ca sĩ, và bị chính ca sĩ lái đi theo hướng của họ, làm những công việc lặt vặt cho họ.

“Có những ca sĩ trẻ tài năng thuở ban đầu chưa có vị trí trong giới showbiz đã nhờ cậy đến tôi, nhưng tiếc thay khi giúp họ có một vị trí nhất định rồi, họ lại có những suy nghĩ khác, những cái nhìn khác và chúng tôi không thể cùng đồng hành với nhau. Đây thật sự là điều đáng buồn với tôi”.

Chị đã có những kỷ niệm và ấn tượng nào nhất trong những ca sĩ chị làm quản lý?

- Trong 15 năm làm báo và làm quản lý cho các ca sĩ thì tôi có 10 năm sát cánh cùng ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, tôi không chính thức là người quản lý Vĩnh Hưng bởi Đàm Vĩnh Hưng không có quản lý. Tôi nói dưới góc độ thân thiết như một người bạn với Đàm Vĩnh Hưng.

Tôi và Đàm Vĩnh Hưng cùng nhau bước qua những khó khăn, nhiều khi nói đến còn thấy cay mắt, Đàm Vĩnh Hưng là người ứng xử tình nghĩa với những người đồng hành cùng mình và cũng là một trong những ca sĩ còn tạo cho tôi hứng khởi khi làm công việc của người quản lý.

Tôi nhớ như in thời gian Đàm Vĩnh Hưng đi lưu diễn bên Mỹ và bị một khán giả xịt hơi cay vào mắt, khi ấy anh tỏ ra rất hoang mang, lo lắng. Thời gian đó hầu như hôm nào tôi cũng phải ngồi “chat” tới sáng để động viên, an ủi Đàm Vĩnh Hưng…

- Xin cảm ơn chị!

  • Tin nổi bật
  • Tin đọc nhiều nhất