(GDVN) - Nhà thơ Vũ Quần Phương đưa ra giả thiết nêu trên với ý rằng: để giải quyết những nhiệm vụ lớn người ta phải vượt qua những quy định nhỏ.
Những clip quay cóp trong kì thi tốt nghiệp tại hội đồng thi Trường THPT Dân Lập Đồi Ngô - Bắc Giang đã thực sự là hồi chuông báo động tình trạng tiêu cực trong nền giáo dục Việt Nam. Rất nhiều chuyên gia giáo dục cũng như những người tâm huyết với giáo dục quốc gia đã cùng lên tiếng về vụ việc này.
Lần lượt những clip tiêu cực trong thi cử của hội đồng thi Trường THPT Dân lập Đồi Ngô Bắc Giang được tung lên mạng và nhận được rất nhiều sự quan tâm của độc giả. Không chỉ riêng môn Hóa mà tất cả 6 môn thi ở hội đồng này đều xảy ra tình trạng giáo viên buông lỏng kỉ luật cho học sinh coi cóp, thậm chí là giải bài và ném vào cho học sinh.
HÌNH ẢNH GIAN LẬN THI TỐT NGHIỆP MỚI NHẤT Ở PHÒNG THI THỨ HAI TẠI BẮC GIANG
|
Nhà thơ Vũ Quần Phương cho rằng:"Ý kiến ông Phạm Vũ Luận là một ý kiến đúng nhưng ở một tầm nghĩ hẹp, máy móc”. |
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo Phạm Vũ Luận đã từng trả lời trên báo chí về việc làm của em học sinh quay clip là vi phạm quy chế rằng: “Nếu theo quy chế về thi tốt nghiệp THPT, thì việc các cháu làm như vậy là vi phạm quy chế. Nhưng việc xử lý các cháu như thế nào cần phải cân nhắc theo hướng: Giúp các cháu nhận ra sai phạm, làm bài học và nhằm mục đích giúp các cháu trở thành người tốt”.
Theo Nhà thơ Vũ Quần Phương, dường như cách nhìn nhận của Bộ Giáo dục về trường hợp của em học sinh quay clip này là một cách máy móc, chúng ta không nên nghĩ hẹp như vậy mà cần phải nhìn xa trông rộng hơn nữa. “Cần phải nghĩ đến cái đích việc làm của các em là làm vì điều gì?”, Nhà thơ bày tỏ sự quan ngại sau phát biểu của Bộ trưởng Luận.
HÌNH ẢNH GIAN LẬN THI TỐT NGHIỆP MỚI NHẤT Ở PHÒNG THI THỨ HAI TẠI BẮC GIANG
"Tôi sẵn sàng cầm sào kéo ông Luận khỏi chết đuối..."
Theo lí giải của nhà thơ: Qua những clip đã được phanh phui chúng ta hiểu rằng các em học sinh này quay clip đơn giản là vì muốn có bằng chứng cho sự tiêu cực trong thi cử của Việt Nam. Việc làm đó của các em đang được toàn xã hội lên tiếng ủng hộ, tuyên dương.
Trước đây chúng ta được chứng kiến việc phanh phui tiêu cực của Thầy giáo Đỗ Việt Khoa ở trường Phú Xuyên A Hà Tây cũ. Cách làm của em học sinh này cũng giống như của thầy Khoa và mục đích cũng vậy. Khi ấy Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân đã nhanh chóng kịp thời xử lí vụ việc, đã lên tiếng tuyên dương, bảo vệ thầy Khoa.
Đồng thời cái được nhất sau khi phanh phui tiêu cực năm 2006 chính là phong trào hai không trong giáo dục: Nói không với tiêu cực, nói không với bệnh thành tích trong giáo dục. Và trong năm đầu thực hiện chủ trương đó, nền giáo dục đã được chấn hưng một phần rất đáng khen ngợi. Thiết nghĩ, Bộ GD&ĐT cũng cần phải có cách nhìn nhận và đánh giá vụ việc Đồi Ngô một cách nhanh chóng và sáng suốt như vụ ở Hà Tây cũ.
Nhà thơ Vũ Quần Phương chia sẻ rằng: “Nếu chỉ nghĩ như ông Luận thì trước khi tuyên dương anh hùng Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn pháo thì phải kỷ luật anh đã vi phạm kỷ luật lao động trong kéo pháo”. Nhưng quả thật trên thực tế có ai phê bình người anh hùng trẻ tuổi họ Tô ấy đâu.
Đồng thời nhà thơ cũng đưa ra một giả thiết rằng: “Nếu thấy ông Luận đang chới với ở dưới ao, sắp chìm chắc chắn tôi sẽ rút trộm một sào nứa mà kéo ông lên, mặc dù tôi có thể bị vu là phá hoại hàng rào của người ta”. Theo nhà thơ Vũ Quần Phương, giả thiết cho thấy rằng, để giải quyết những nhiệm vụ lớn người ta phải vượt qua những quy định nhỏ.
Nếu mạnh tay thì sẽ đạt được kết quả tốt
Hiện tượng tiêu cực trong thi cử thực tế đang xảy ra ở các cấp học kể cả PTTH và Đại học. Chính sự không nghiêm minh của pháp luật, của xã hội càng tạo điều kiện cho tiêu cực bùng nổ. Nhà thơ Vũ Quần Phương chia sẻ: “Nếu những sự không minh bạch mà được bảo vệ, được dung dưỡng thì con người sẽ chọn cách sống thu lợi cho mình, không có trách nhiệm với cộng đồng. Điều này dội vào trong ngành giáo dục. Đối với thầy là chạy theo thành tích, chứ không phải chất lượng giảng dạy. Đối với trò chạy theo điểm số, bằng cấp chứ không quan tâm đến kiến thức thật của mình”.
|
Vụ bê bố thi cử tại Bắc Giang liệu có được giải quyết một cách thấu tình đạt lí hay không?
|
Vấn nạn tiêu cực đó đã xảy ra từ hàng mấy chục năm nay và muốn giải quyết không phải chỉ có ngành giáo dục mà còn cần có sự góp sức của toàn Xã hội và cũng không chỉ giải quyết trong phạm vi giáo dục mà còn các ngành khác. Vì nếu còn có gian dối thì ngành giáo dục vừa là nguyên nhân vừa là nạn nhân của sự gian dối đó.
Theo ý kiến của nhà thơ, để giải quyết nạn tiêu cực trước hết cần bắt đầu từ chống tham nhũng trong giáo dục: thi cử, trong dạy và học. Nhưng muốn chống tham nhũng thì phải bắt đầu từ những quy chế xã hội, quy chế ngành nghề, nói chung là luật pháp. Chúng ta cũng cần tin tưởng rằng nếu thực sự muốn chống tham nhũng tiêu cực và làm thẳng tay thì chắc chắn là chúng ta sẽ đạt được kết quả tốt.