Clip thi tiêu cực: Nguyên quan chức QH nêu nghi vấn

Thứ bảy 23/06/2012 07:11
(GDVN) - “Giả sử cấp trên của họ có bắt phải làm những việc tiêu cực đó thì cũng phải từ chối, không làm việc đó. Tuy nhiên tôi nghĩ rằng, nếu chỉ do giáo viên tự ý làm, với mức độ 6 cán bộ bị sa thải như vậy thì cũng chắc là khó”.
Vụ tiêu cực xảy ra trong kỳ thi tốt nghiệp tại hội đồng thi trường THPT Đồi Ngô (huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) đã được xử lý. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề khiến dư luận quan tâm đặc biệt. Đó là những câu hỏi về trách nhiệm đặt ra với lãnh đạo ngành Giáo dục tỉnh Bắc Giang cho tới các băn khoăn về sự công bằng giữa những giáo viên bị sa thải vì vi phạm quy chế thi với các thành viên khác tham gia hội đồng thi như thanh tra thi, lãnh đạo hội đồng thi…

Trao đổi với phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Viết Chức – Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết: “Dựa vào kết quả xử lý tôi đoán người vi phạm quy chế thi trực tiếp thì bị xử lý nặng hơn những người khác không trực tiếp vứt bài, tạo điều kiện cho học sinh chép tài liệu.

TS. Nguyễn Viết Chức – Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội

Một người là giáo viên mà lại lơ là rồi có thể vứt tài liệu vào cho học sinh chép bài thì rất đáng trách. Còn lãnh đạo liên đới chịu trách nhiệm bằng hình thức cách chức thì cũng được coi là nghiêm khắc. Theo tôi vấn đề ở trường Đồi Ngô xử lý như vậy là nhanh. Trong chừng mực nào đấy thì đã đúng người đúng lỗi và tôi ủng hộ cách xử lý nghiêm như vậy, đó là một biện pháp làm giảm thiểu vấn đề gian lận trong thi cử”.

Ông Chức cho rằng: “Các giáo viên bị sa thải trước tiên phải tự trách mình rằng tại sao lại có thể vi phạm quy chế thi như vậy? Giả sử nếu không phải họ tự ý làm mà cấp trên của họ có bắt phải làm những việc tiêu cực đó thì cũng phải từ chối, không làm việc đó. Tuy nhiên tôi nghĩ rằng, nếu chỉ do giáo viên tự ý làm, với mức độ 6 cán bộ bị sa thải như vậy thì cũng chắc là khó”.

Phân tích rõ hơn nhận định này, ông Chức nói: “Lúc tôi còn làm ở Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội thì tôi đã nói rất nhiều về vấn đề này. Hiện nay có một thực trạng trong vấn đề về thành tích là: người đứng đầu ngành giáo dục mà “để” tỷ lệ đỗ tốt nghiệp ở địa phương mình thấp hơn tỉnh khác thì sẽ bị “hỏi” ngay. Trong quá trình xét thi đua, người lãnh đạo ở khu vực có thành tích cao hơn thì được xét thi đua cao hơn.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tiêu cực trong đó phần lớn từ vấn đề đang rất nan giải là giáo dục không thể tự tách ra khỏi “dòng” phát triển của xã hội. Hiện tượng giả dối đang tồn tại quá nhiều: từ bà bán rau ở ngoài chợ bắt sâu bỏ lên rau để chứng tỏ rau không có thuốc sâu cho đến ông tiến sỹ đạo văn, đạo công trình khoa học…”.

Hiện tượng giả dối không chỉ có ở học sinh mà còn xuất hiện ở những vị tiến sỹ đạo văn...

Nói về thực trạng của nền giáo dục Việt Nam, ông Chức cho rằng chúng ta đang xa rời truyền thống mà lại không bắt kịp thời đại. Theo ông, bắt kịp thời đại ở đây là bắt kịp về xu hướng, xu thế. Còn giáo dục truyền thống xuất phát từ những khẩu hiệu như “Dạy tốt, học tốt”, “Kính thầy, yêu bạn”… Trong đó “Dạy tốt, học tốt” là hai công đoạn không thể thiếu được. Vấn đề đặt ra là học để làm người, Bác Hồ cũng đã dạy như thế.

“Chuyện giáo dục là chuyện của cả thế giới chứ không phải riêng Việt Nam. Chúng ta chưa tạo ra được môi trường giáo dục tốt: không chỉ trong nhà trường mà còn trong xã hội nữa.

Thêm nữa, chúng ta đang phát triển về số lượng mà không đi kèm với chất lượng. Hiện nay, yêu cầu của xã hội là một yêu cầu hình thức đòi hỏi các thành viên trong xã hội muốn tiến thân thì phải có bằng cấp dẫn đến tình trạng thi đua nhau đi lấy bằng chứ không phải thi đua nhau đi học. Makarenko – một nhà sư phạm lỗi lạc của Nga đã từng nói với ý rằng: Trong giáo dục mà pha chút dối trá thì toàn bộ sự nghiệp thời đại đã sụp đổ rồi”, ông Chức nói.

Khi được hỏi về những biện pháp để có thể góp phần cải thiện tình trạng này, ông Chức “hiến kế”: “Trong giáo dục chúng ta phải lấy học sinh làm trung tâm. Đó mới là giáo dục hiện đại. Thứ hai là phải khơi được niềm đam mê học đối với học sinh. Nếu không tạo ra được sự đam mê mà chỉ lấy thi cử làm áp lực thì chắc chắn là không có tiêu cực kiểu này thì sẽ có tiêu cực kiểu khác bởi bằng chứng cho thấy là làm mạnh phong trào “Hai không” thì tỷ lệ đỗ thấp xuống, nếu không quyết liệt thì con số tỷ lệ đỗ lại cao vọt lên ngay.

Bản chất thi không phải là áp lực đến như hiện nay. Và để tạo niềm đam mê thì phải lâu dài và bắt đầu từ lớp 1 cho đến các lớp lớn hơn. Nếu học chỉ vì điểm số hoặc học nhồi nhét để kiếm điểm thì chắc chắn sẽ có tiêu cực”…
 


Hồng Chính Quang