Sau khi kỳ thi tốt nghiệp THPT kết thúc, clip tố cáo tiêu cực từ Trường THPT Dân Lập Đồi Ngô (Bắc Giang) đã một lần nữa vạch trần "thói dối trá" của ngành giáo dục. Kỳ thi tốt nghiệp đã diễn ra hơn nửa tháng qua, thế nhưng sức nóng hổi của vụ gian lận thi cử "đình đám" tại Bắc Giang vẫn còn chưa hạ nhiệt.
Trong cuộc trao đổi với PV Báo Giáo dục Việt Nam, PGS.TS - Nhà văn Ngô Văn Giá, Trưởng khoa Viết văn - Báo chí (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) đã chia sẻ những nhận định hết sức sâu sắc, trực diện về thói dối trá trong ngành giáo dục, bao quát hơn là đối với toàn xã hội.
|
PGS.TS - Nhà văn Ngô Văn Giá |
- Thưa PGS.TS Ngô Văn Giá, những hình ảnh, clip ghi lại cảnh thí sinh gian lận trắng trợn trong phòng thi, giám thị thờ ơ, bỏ “đi chơi” để thí sinh chép bài trong 6 môn thi tại kỳ thi tốt nghiệp tại Hội đồng thi trường THPT DL Đồi Ngô đã gấy được nhiều ý kiến trái chiều từ phía dư luận. Bản thân ông nghĩ như thế nào về vấn đề này?
PGS.TS Ngô Văn Giá: Đây không phải là lần đầu tiên để khiến dư luận phải sốc, hiện tượng này đã có tiền lệ từ trước. Thầy Đỗ Việt Khoa đã từng tố cáo chống tiêu cực tại THPT Vân Tảo (Hà Tây cũ), sự việc tại Đồi Ngô một lần nữa khẳng định rằng tiêu cực trong giáo dục hiện nay quá nhiều. Từ giảng dạy đến thi cử, học sinh, sinh viên tới các nhà quản lý, đụng vào đâu cũng thấy tiêu cực. Câu chuyện của Trường THPT DL Đồi Ngô chỉ như là một trong nhiều cây chuyện xấu xí của ngành giáo dục tồn tại, nay bị phanh phui ra mà thôi.
- Những người dám đứng lên chống tiêu cực luôn được đa số nhân dân ủng hộ, nhưng cũng có kẻ chê bôi, gọi họ là "tội đồ". Song hành với công lao thường là những thiệt thòi. Ông nghĩ sao về nghịch lý này?
PGS.TS Ngô Văn Giá: Bên cạnh clip chống tiêu cực còn có những thân phận người liên quan. Trường hợp em học sinh quay clip mỗi người nhìn vào đều có lý lẽ riêng của mình. Quả thực như vậy, nhìn từ phía góp phần chống tiêu cực thì đây là một việc làm tốt, một cách để phanh phui hiện trạng giả dối bị che đậy quá lâu.
Thế nhưng, nếu nhìn theo một khía cạnh khác thì việc chống tiêu cực không xuất phát từ nhu cầu tự thân của các em, mà là có sự sắp đặt của một thế lực không mang lại động cơ chống tiêu cực, có thể là động cơ tiêu diệt lẫn nhau, hạ bệ nhau, làm hại nhau, trả thù nhau...
Nhiều người cho rằng, các em vừa đáng thương, vừa đáng trách. Tuy vậy, tôi cho rằng hành động của em thí sinh này là sự dũng cảm, đáng biểu dương.
- Sau khi những gian dối ở kỳ thi này bị đưa ra ánh sáng, thêm một lần nữa người ta đã nói tới chuyện "dẹp" kỳ thi này. Quan điểm của ông thế nào?
PGS.TS Ngô Văn Giá: Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT quá cao, rất nhiều trường đạt tỷ lệ thí sinh đỗ tốt nghiệp 100%. Đến trường THPT DL Đồi Ngô cũng đỗ gần 80%. Tôi thấy rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện nay đang rất lúng túng trước câu chuyện có nên duy trì kỳ thi tốt nghiệp này hay không? Phần đa dư luận và kể cả bản thân tôi có ý kiến: Ngay lập tức phải xóa bỏ ngay kỳ thi tốt nghiệp THPT. Nên nhập kỳ thi Tốt nghiệp THPT vào Đại học, cao đẳng là một.
Qua đây, chúng ta nhận thấy rằng kỳ thi tốt nghiệp THPT được hiểu như một xác nhận học sinh đã vượt qua lớp 12, cho các em ra ngoài cuộc đời, tạo cơ hội ngang nhau cho các em được quyền lựa chọn vào Đại học, Cao đẳng hoặc dạy nghề. Trong kỳ này, chúng ta cần phải làm hết sức công khai, trung thực, nghiêm minh chống sự giả dối để lựa chọn đầu vào cho tốt cho môi trường Đại học. Như vậy, giảm thiểu được một cuộc thi sẽ đỡ gây tốn tiền của nhân dân, học sinh ít bị tâm lý thi cử và góp phần chống được tiêu cực.
- Ở kỳ thi này luôn tồn tại sự gian dối, điều đó quả thực là nguy hiểm, ông đánh giá gì về sự dối trá đã diễn ra ở một kỳ thi lớn, mà lại được bắt nguồn từ sự tiếp tay của những người làm công tác giáo dục?
PGS.TS Ngô Văn Giá: Kỳ thi tốt nghiệp tại Trường THPT DL Đồi Ngô (Bắc Giang), bản thân cán bộ coi thi tiếp tay cho sự gian dối, học sinh là người thụ hưởng sự gian dối đó. Trong khi đề thi tốt nghiệp THPT đang bàn về câu chuyện chống gian dối. Thói dối trá đã là một chuyện đáng lên án rồi. Thế nhưng trước đề thi này mà học sinh vẫn quay cóp, đặc biệt là giám thị vẫn đồng lõa với gian lận thì con người không còn ý thức, tự trọng, liêm sỉ gì nữa. Đáng ra trước câu chuyện về gian dối người ta phải cảm thấy rùng mình, đằng này lại coi gian dối là chuyện bình thường của xã hội.
|
Giáo viên đưa "phao" cho thí sinh, cú sốc cho ngành giáo dục
|
- Có nhiều ý kiến cho rằng: “Quay cóp là nỗi nhục quốc thể?”, ông nghĩ sao về nhận định này?
PGS.TS Ngô Văn Giá: Quay cóp trong giáo dục đúng là nỗi nhục quốc thể. Lớn hơn quay cóp là tình trạng giả dối, gian dối, ăn điêu làm bớt. Đây là một tình trạng của toàn xã hội, rất đau lòng đáng xấu hổ, là sự thụt lùi của văn minh, văn hóa Việt.
Trước thời kỳ đổi mới năm 1986, đất nước còn chiến tranh, đầy gian khổ là thế nhưng đời sống "trong veo". Dạy thực đi liền với học thực. Con người đầy lòng tự trọng, nếu như quay cóp mà bị nhắc nhở là một điều vô cùng xấu hổ. Trải qua quá trình học thật, thi thật nên những người có năng lực đóng góp cho xã hội tương đối nhiều.
- Ông có lo sợ về một thế hệ trẻ lớn lên trong gian dối đó?
PGS.TS Ngô Văn Giá: Việt Nam hiện nay đang tồn tại tình trạng rất nguy hiểm, đó là sự lì lợm trước tất cả những cảnh báo hoặc những công việc của đời sống, trước sự lên tiếng của báo chí, của công luận. Báo chí nói cứ nói, dư luận nói cứ nói, người ta muốn làm gì thì cứ làm. Những biểu hiện này đều có trong các cơ quan hành chính, công vụ, trường học.
Ngành giáo dục luôn tồn tại “thượng vàng hạ cám”. Có những người chữ nghĩa nát be nát bét, tư duy thảm họa nhưng vẫn vào được cổng trường Đại học. Những người giỏi đương nhiên trong môi trường nào người ta cũng cố gắng vươn lên, thế nhưng họ lại bị tổn thương. Điều đó là do đâu? Hóa ra bởi vì "lỗ hổng" tiêu cực trong giáo dục con voi cũng chui lọt chứ không phải chỉ con người. Một sự tiêu cực nghiêm trọng.
- Là người công tác trong ngành giáo dục, có khi nào ông cảm thấy chạnh lòng vì những điều sai trái mà các đồng nghiệp đã làm?
PGS.TS Ngô Văn Giá: Là người công tác trong ngành giáo dục, tôi cảm thấy rất buồn. Nếu cứ như thế này, chúng ta đang có một nền giáo dục xấu hổ và thảm hại. Bởi cái phần tối, tiêu cực, nhếch nhác, gian dối ngày một trương nở, ngày một phình to. Đáng ra tiêu cực chỉ là số ít, ngày càng giảm thiểu số lượng thì con người ta còn có quyền hi vọng. Đằng này tiêu cực mỗi ngày thêm trắng trợn và thách thức dư luận. Qua đây cho thấy một ngành giáo dục đi xuống và đầy thất bại.
- Thưa ông, tạm đặt Trường Đồi Ngô sang một bên, tôi muốn ông nhìn nhận sâu sắc hơn về thói dối trá trong xã hội hiện tại, trách nhiệm của mỗi cá nhân đối diện với nó cần xử lý như thế nào?
PGS.TS Ngô Văn Giá: Thứ nhất, trẻ con mới bước vào đời không được dạy những cái trung thực và lương thiện. Bản thân sự gian dối không đồng thời được chấn chỉnh. Cần phải dạy dỗ, đánh thức lòng tự trọng để các em hướng thiện. Cái thứ hai người lớn cũng đồng lõa và gian dối cùng. Có những trường hợp những người làm công tác quản lý cũng bất lực, và như vậy gian dối trở thành một "đại dịch hạch" như một axit cực mạch có thể ăn mòn nhân cách con người, hủy hoại nền giáo dục này.
Như vậy, cần làm thế nào đó để đánh thức được lòng tự trọng trong mỗi người. Cần có một cơ thế để minh bạch hóa, công khai hóa trên toàn xã hội thì may chăng loại bỏ được gian dối .