'Giai đoạn phát triển kinh tế dễ dàng đã qua'
Dưới góc nhìn của các nhà báo quốc tế, Chính phủ Việt Nam đã xác định thành công ba khu vực cần cải cách. Tuy nhiên, việc cải cách diễn ra theo hướng nào hiện vẫn là câu hỏi bị bỏ ngỏ.
> 'Việt Nam - lựa chọn mới ở châu Á'
Tại TP HCM, một bên chợ Hòa Bình, quận 5, xuất hiện khu chợ cóc trái phép tập trung những người bán hàng nhỏ lẻ vòng dây trên những chiếc ô lớn để thắp đèn và bày bán các mặt hàng thực phẩm đa dạng. “Kể từ năm ngoái, thu nhập của gia đình chúng tôi giảm gần như một nửa so với mức bình thường”, cô Phan Thị Khanh chia sẻ trong khi tay vẫn thoăn thoắt xếp những bó rau diếp đặt trên chiếc mẹt tre.
Cô Khanh phải làm việc 16 giờ mỗi ngày với thu nhập 100.000 – 200.000 đồng (tương đương 5-10 USD). Người chồng giúp đỡ công việc bán hàng thường nhật trong khi các con cô xin vào làm công nhân trong những nhà máy. Tất cả mọi người đều ở cùng nhà do các con cô không đủ khả năng tự trang trải.
“Hầu hết người mua hàng ở đây là công nhân nhà máy hoặc khách du lịch. Những người giàu có với thu nhập cao thường không đi chợ khu vực này”, cô Khanh nói, “Giá cả ngày một leo thang trong khi mức lương công nhân vẫn không đổi, do đó họ cũng không còn nhu cầu mua nhiều thứ”.
|
Sự gia tăng lạm phát trong những năm gần đây làm người dân lo lắng. Ảnh: The Diplomat. |
Những lo lắng về thu nhập càng trở nên nghiêm trọng hơn do sự gia tăng của lạm phát trong những năm gần đây mà đỉnh cao là vào tháng 8 năm ngoái, sau đó có giảm xuống. Dù vậy, tăng trưởng kinh tế năm nay được dự đoán vẫn không vượt qua nổi ngưỡng 5,2%.
Công ty nghiên cứu thị trường Cimigo cho biết, niềm tin của người tiêu dùng liên tục giảm kể từ tháng 10/2011. Richard Burrage, một cán bộ quản lý của công ty chia sẻ: “Chỉ số niềm tin của người tiêu dùng vào tháng 10 năm ngoái là mức thấp nhất tôi từng thấy. Việc tăng giá xăng càng khiến con số này xuống sâu hơn”. Thời điểm cuối tháng 3 và 4 năm nay, chỉ số thực phẩm tiêu dùng cùng giá xăng đã đồng loạt tăng.
“Với các cấp độ lạm phát, số tiền họ kiếm được ngày một ít hơn so với trước đây” - Burrage nói.
Giá gas không không phải thứ duy nhất các nhà phân tích tập trung vào, doanh số bán điện thoại cũng được nhìn nhận như một hình thức dự phòng để đánh giá chỉ số niềm tin tiêu dùng. Việt Nam là nơi có rất nhiều người sử dụng di động, phần lớn mỗi người trẻ tuổi đều tự trang bị cho mình một chiếc.
Trương Thị Ái Châu, 30 tuổi, làm quản lý cho một cửa hàng điện thoại ở TP HCM suốt 6 năm qua. Nhưng chị cho biết, việc kinh doanh ngày càng khó khăn khi hệ thống siêu thị đang cắt giảm số lượng các đơn vị bán lẻ. Chị chia sẻ: “Trước kia, người dân sẵn sàng mua điện thoại của các thương hiệu lớn, nhưng ngày nay người ta chỉ tới để sắm một chiếc bình thường phục vụ các nhu cầu cần thiết”.
Hiện tại, Chính phủ Việt Nam đang triển khai các kế hoạch cải cách với ba khu vực chính: khối doanh nghiệp nhà nước tốc độ tăng trưởng chậm, các ngân hàng, và khu vực đầu tư công. Trong đó, doanh nghiệp nhà nước là nhóm lỗ nhiều nhất trong những năm vừa qua mà minh chứng điển hình là Công ty vận tải biển Vinalines và Công ty đóng tàu quốc gia Vinashin.
Một đại diện ở TP HCM giấu tên chia sẻ trên báo chí: “Đã tới lúc chúng ta cần điều tra về các thương vụ đầu tư dẫn tới các khoản lỗ khổng lồ bằng vốn nhà nước và buộc những người có liên quan phải chịu trách nhiệm”. Ông này cho rằng, những sai phạm của Vinashin và Vinalines gần đây đã cho thấy rõ những yếu kém trong lĩnh vực quản lý tại các doanh nghiệp nhà nước.
Tới nay, rất nhiều công ty bị yêu cầu công khai mọi khoản tiền dù dự án chỉ mới đang ở giai đoạn đầu triển khai. Jonathan Pincus, một chuyên gia kinh tế tại Đại học Harvard và từng giảng dạy ở Việt Nam hơn 8 năm cho biết, ông tin rằng, Chính phủ đã xác định thành công ba khu vực cần cải cách, vấn đề hiện nay chỉ là phương án hành động như thế nào.
Thời điểm này, nhiều sự khác biệt về quyền lợi thương mại có thể bắt đầu xuất hiện. "Vấn đề hiện nay là khá nghiêm trọng. Chúng ta sẽ bị tắc trong vòng quay bùng nổ và phá sản cho tới khi tìm ra giải pháp”, Pincus nói, “giai đoạn dễ dàng để phát triển kinh tế đã chấm dứt”.
Tường Vi (Theo The Diplomat)