Thứ Bảy, 23/06/2012, 06:30 [GMT+7]
.
.

Tôi, gái Hà Nội thề kiếp sau không lấy chồng tỉnh lẻ

(Cân đàn ông) - Đọc bài Ế vợ tôi cũng không lấy con gái tỉnh lẻ của bạn Hoàng Mạnh Hùng tôi thấy thật đúng và ủng hộ quan điểm của bạn. Tôi cứ suy từ mình và tự nhủ nếu có kiếp sau không bao giờ lấy chồng tỉnh lẻ.


Thật nực cười khi đa số các bạn đều commet phản đối suy nghĩ của bạn Hùng vì các bạn coi đó là ích kỷ. Các bạn ở tỉnh lẻ cứ tiếp tục "ném đá" quan điểm của chúng tôi nếu các bạn bị chạm vào lòng tự ái quê mùa.

Nhưng các bạn cũng nên nhìn vào sự thật là người ở quê đúng là không hợp với phố, họ sinh ra như số phận đã định chỉ nên ở góc làng. Tôi đưa thêm minh chứng cho sự phiền hà mà người chồng tỉnh lẻ mang lại cho tôi.

Tôi đã lấy chồng được 10 năm nhưng cũng vì chuyện gia đình nhà chồng mà hạnh phúc gia đình tôi không được trọn vẹn. Hai vợ chồng rất yêu nhau nhưng thường xuyên cãi vã nhau về chuyện không đâu mà nguồn gốc sâu xa cũng chỉ từ những người thân của chồng tôi.

Nhà tôi ở phố Khương Trung, cái nhà vợ chồng tôi đang ở là của bố mẹ tôi cho từ ngày trước. Chúng tôi tu sửa và mở rộng thêm để thoáng hơn nhưng nó cũng đáp ứng được cho cuộc sống của bốn người.

Tôi vốn là người khó tính, thích sạch sẽ và cực kỳ để ý. Khi tôi đã không thích một điều gì đó thì tôi không bao giờ chấp nhận giữ miệng mà phải trao đổi thẳng thắn.
 

Chỉ vì chuyện gia đình nhà chồng mà vợ chồng tôi hay cãi nhau. Ảnh minh họa
Chỉ vì chuyện gia đình nhà chồng mà vợ chồng tôi hay cãi nhau. Ảnh minh họa

Khi yêu anh chàng tỉnh lẻ tôi cứ nghĩ lấy chồng chứ chẳng sống với gia đình chồng. Tôi đã nhầm. Từ ngày lấy chồng dù không sống cùng nhà chồng ở quê nhưng họ cũng mang lại cho tôi biết bao phiền hà, bực tức.

Bố chồng tôi, mỗi lần lên thăm các cháu là ông lại lếch thếch gọi con ra bến xe đón. Nhìn ông, tôi thấy nó mới quê kệch làm sao với dép tổ ong, ống quần bên cao bên thấp, mùi mồ hôi khó chịu như được trộn lẫn với bùn đất. Nói chung, tôi thấy xấu hổ khi đón những người như thế và gọi là bố.

Tôi đã nói với chồng bao nhiêu lần, bố ở quê thế nào cũng được nhưng lên đến đây phải ăn mặc đàng hoàng, sạch sẽ. Chồng tôi cứ ậm ừ bảo để anh nói với bố. Nhưng quả thực đến bây giờ ông cũng chẳng thay đổi.

Về đến nhà, ông hay đưa cho các cháu mấy cái củ khoai, củ lạc còn toàn đất cho chúng nghịch. Tôi thấy ghê sợ. Nhất là việc đi vệ sinh của các cụ, tối đến các cụ đi vệ sinh nhiều cứ lẹp bẹp, nhà vệ sinh lúc nào cũng ướt nhèm.

Có dép đi trong nhà nhưng các cụ chẳng dùng cho cứ thích đi cả chân đất vào. Lúc nào tôi cũng phải hùng hục lau dọn nhà vệ sinh cho khô. Sáng ngày ra, khi con cháu còn đang ngủ thì khách đã dậy từ 5 giờ rồi nói chuyện oang oang không cho ai ngủ nữa.

Còn nói về mẹ chồng, tôi còn ngán ngẩm hơn. Mỗi lần bà lên là tôi thấy phát điên. Bà cứ đi khắp xóm hỏi thăm mọi người. Tôi nói “ở trên này đâu có như ở quê mà thăm với hỏi”. Tôi góp ý vậy nhiều nhưng bà không chịu.

Đến nhà ai, họ có cái hộp sữa dùng hết, vỏ hộp kẹo bà cũng xin để mang về quê nào là để đựng kim chỉ, cái thì đựng đường... Nhìn thấy đồ ăn gì bà cũng kêu “sao ngon thế nhỉ, eo đắt thế, ở quê chỉ có bằng này tiền…”. Đến nỗi đồ ăn đã thiu mốc, tôi bảo đổ đi bà còn cố mang hâm nóng lên ăn nhưng nào có ăn nổi.

Bà mẹ chồng nhà quê luôn khiến tôi khó chịu. Ảnh minh họa
Bà mẹ chồng nhà quê luôn khiến tôi khó chịu. Ảnh minh họa

Tôi phát cáu lên với cái kiểu nhà quê đó. Chưa hết, mỗi lần bà lên, bà lang thang khắp ngõ rồi nhặt những cái vỏ chai nước lọc, nước mắm.. mang về tích gầm cầu thang để dành bán đồng nát. Cái mùi hôi thối từ những cái lọ đó bốc ra khiến tôi muốn ói.

Tôi bảo bà vứt đi không mất vệ sinh, mang bệnh thì bà lại nhặt vào túi bóng giấu lên gầm giường. Ôi, khỏi phải nói, tôi điên lên với kiểu này mất.

Nghỉ hè, con cháu nhà chồng ở quê lại lên thành phố chơi, tôi thấy phiền và tốn kém ghê gớm. Nhà cửa bẩn thỉu, ăn uống cũng ghê.

Trẻ con ở quê làm thức ăn nước uống vãi tứa tung ra nhà. Mỗi lần lên, họ về lại phải mất công đi mua quà này, quà khác. Những lúc đó, đầu óc tôi chỉ muốn nổ tung.

Chuyện chồng dấm dúi cho tiền bố mẹ ở quê tôi chẳng để ý, nhưng tôi thấy thà mỗi năm cho các cụ vài triệu cho trọn nghĩa vụ còn hơn đưa các cụ lên nhà mình nuôi mấy hôm. Mỗi khi ông bà báo sắp lên thăm cháu là tôi lại mất ngủ.

Nhiều lần, hai vợ chồng tôi cãi nhau vì chuyện ấy. Chồng tôi thì nặng gánh với gia đình nên lúc nào cũng chào đón họ hàng. Vì chào đón quá nhiệt tình mà gia đình luôn có những vị khách kinh khủng.

Tôi mong chồng tôi lên mạng đọc những dòng này mà thương cảm cho tôi. Anh làm ơn cắt bớt họ hàng để lại quê cho mẹ con tôi được nghỉ ngơi một thời gian. Tôi hứa với anh tôi không hề ghét họ, tôi chỉ thấy họ bẩn và làm người khác mất tự do.

  • Võ Hảo (Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội)
;
.
.
.