Ngay sau khi đăng tải thông tin sinh viên Ngoại thương bị nhà tuyển dụng chê "chảnh", Báo Giáo dục Việt Nam nhận được rất nhiều phản hồi từ phía độc giả. Độc giả Mai Đoàn viết thư chia sẻ những suy nghĩ rất sâu sắc về sinh viên ĐH Ngoại thương nói riêng, và một thế hệ trẻ Việt Nam nói chung:
Thời gian vừa qua, bài phát biểu của giáo viên trung học của Đại Học Welleslay, Damid McCullough Jr. nói với những học sinh trong ngày bế giảng đã gây sốt dân cư mạng. Ông có nói: "Các em không hề đặc biệt. Các em chẳng có gì là khác biệt cả". Điều này quả thực khác biệt với những lời hoa mỹ chúc tụng thường thấy trong một lễ tốt nghiệp ngay cả tại Mỹ.
McCullough đưa ra nhắn gửi đến những bậc cha mẹ trong xã hội hiện đại, luôn nỗ lực hết mình để săn thành tích của con cái, rằng: “Các em luôn được nuông chiều, nâng niu, bao bọc, che chở... săn sóc, nịnh nọt và được rót vào tai những lời ngọt ngào". Gần cuối bài phát biểu, ông nói: "Niềm vui ngọt ngào nhất của cuộc sống, chỉ đến khi các em thật sự nhận ra rằng các em không đặc biệt. Vì ai cũng như nhau cả mà thôi".
Rõ ràng, bài phát biểu trên rất thiết thực và mang lại nhiều giá trị cho những học sinh sắp bước sang một giai đoạn mới của cuộc đời. Tôi cho rằng lời phát biểu của người thầy ấy đã rung lên một hồi chuông cảnh tỉnh tư tưởng của thế hệ trẻ bây giờ.
Soi vào thế hệ trẻ của Việt Nam, không thiếu những người đã quá kiêu ngạo, tự phụ về bản thân, trong đó không thể không nhắc đến nhiều bạn sinh viên ĐH Ngoại thương.
|
Mẩu ghi chú không nhận sinh viên tốt nghiệp Đại học Ngoại thương của công ty xuất nhập khẩu. Ảnh chụp màn hình |
"Các em ấy luôn cho rằng mình là sinh viên trường danh giá, hơn người. Thành ra khi đi làm các em cũng đòi hỏi điều kiện làm việc phải như trên mây, ngồi máy lạnh cả ngày, đi công tác khách sạn 5 sao" - giám đốc công ty xuất nhập khẩu nói về sinh viên Ngoại thương.
Theo vị giám đốc này, không chỉ anh mà nhiều lãnh đạo các công ty bạn cũng có chung quan điểm từ chối sinh viên Ngoại thương vì "chảnh".
Thời gian trước đã xảy ra một vụ việc khiến dư luận "sốc" vì tuyên bố của một sinh viên ĐH Ngoại thương: Không làm việc với mức lương dưới 1000$. Gần đây, cư dân mạng lại truyền tay nhau clip được cho là Hiệu phó Trường ĐH Ngoại thương "dè bỉu" sinh viên ĐH Bách Khoa. Những điều này đều gây ấn tượng xấu trong con mắt mọi người khi nhìn vào Trường Ngoại thương.
Sinh viên ĐH Ngoại thương thường cho rằng mình học trường ngon, bằng đẹp, chắc chắn cầm trong tay cái mác "nhân sự cao cấp" và được nhiều công ty săn đón, mời về làm việc với mức lương cao và nhiều ưu đãi. Nhiều môi trường làm việc đáng mơ ước đối với sinh viên các trường khác thì sinh viên Ngoại thương lại "kén cá chọn canh" mãi. Tâm lý "mình học như thế, ở trường như thế, cuối cùng phải làm công việc nặng nề là... không xứng" đã ăn sâu vào trong các bạn.
Nhìn chung, sinh viên Ngoại thương có xu hướng định vị bản thân cao. Từ đó các bạn hay đặt ra những mong đợi cao hơn cho công việc của mình. Khi đối mặt với công việc thực tế, thấy quá vất vả thì dễ nản. Sinh viên ĐH Ngoại thương nhìn các đồng nghiệp với con mắt coi thường, dần bị cô lập, sống riêng một tầng lớp khác, trong những ảo tưởng do mình đặt ra.
Khách quan mà nói, Trường Ngoại thương đã từng là ngôi trường danh giá, nhiều người thành đạt, có đầu vào luôn cao nhất từ nhiều năm nay. Thế nhưng, trường Ngoại thương lại có sẵn sự kiêu ngạo ngay từ cấp trên xuống cấp dưới. Thầy cô dạy dỗ có lẽ cũng đã truyền đạt cho sinh viên Ngoại thương một niềm tự hào thái quá về khả năng kiếm tiền cũng như cơ hội thành đạt của sinh viên Ngoại thương. Cái sinh viên Ngoại thương tự hào nhất là vốn ngoại ngữ, thế nhưng nếu chỉ dựa vào đó mà tuyên ngôn thì thật sự sai lầm. Suy nghĩ đó đã lỗi thời cách đây vài chục năm rồi. Nếu ngày hôm nay chỉ dựa vào cái sĩ diện hão mà tự hào thì sinh viên ĐH Ngoại thương chỉ là những người... đi giật lùi so với thời đại mà thôi.
Các bạn tự biện hộ rằng mình là có tài thì sẽ lựa chọn tốt nhất. Thế nhưng thực tiễn làm việc luôn khác xa với những điều đã học. Khi mới bắt đầu công việc thì chắc gì ai đã hơn ai? Ngoài khả năng cá nhân, sinh viên cần có thái độ và động lực đúng đắn mới có cơ may phát triển được. Nếu động lực của các bạn không phải là kiến thức, là chinh phục những đỉnh cao mà chỉ là những giá trị vật chất thì các bạn khá tầm thường. Nếu cứ "chảnh" như vậy thì sinh viên Ngoại thương ngày càng bị "lạc hậu" với thời cuộc, chỉ có nước... cạp đất ra mà ăn.
Các bạn tự tin, kiêu ngạo thế kia chứng tỏ một điều các bạn đã thiếu những kỹ năng cơ bản trong cuộc sống. Kỹ năng đó có từ đâu? Nó không ở phòng có điều hòa 24/24, không ở khách sạn 5 sao khi bạn đi công tác, không ở 1.000 USD bạn mong có mỗi tháng, nó có từ chính sự trải nghiệm, cống hiến của tuổi trẻ. Sự trải nghiệm thì tất cả các sinh viên tốt nghiệp ra trường đều tương đương nhau, vậy thì cớ gì sinh viên Ngoại thương lại tự cho mình ở "chiếu trên", là "danh giá" hơn sinh viên trường khác? Tôi còn nhớ, cách đây chưa lâu, GS. Trần Hồng Quân - Nguyên Bộ trưởng Giáo dục cũng đã chia sẻ rằng: "Chất lượng đầu vào không phải ánh thực chất được chất lượng nguồn nhân lực, mà phải là đầu ra. Lâu nay, chúng ta cứ nghĩ kiến thức quyết định tất cả, nhưng thực chất kiến thức không phải là yếu tố quyết định, mà lại là kỹ năng. Kiến thức chỉ giúp cho thí sinh có được đầu vào, còn sự thành công trong công việc phụ thuộc phần nhiều vào kỹ năng".
Vì đặc thù công việc, tôi có may mắn được đến với nhiều vùng quê, nhiều làng bản trên dải đất hình chữ S xinh đẹp và được chứng kiến những cảnh tượng xúc động: các bạn học sinh rất vất vả, phải chèo đò vượt kênh rạch đi học, nơi mà muốn đi học thì cũng phải biết bơi. Rồi có những nơi thịt chuột trở thành món ăn "cải thiện" hàng ngày của các em học sinh. Và rất nhiều nơi trên đất nước Việt Nam của chúng ta, trẻ con khát chữ nên dù có khó khăn, cực khổ thế nào cũng cố học cho tương lai được ấm cái bụng. Vậy mà có bạn sinh viên ĐH ngoại thương lại chê mức lương 1000$, có bạn thì đòi hỏi nơi làm việc trong mơ khi đất nước Việt Nam nhìn chung còn khó khăn. Tôi tin rằng các bạn chưa một lần biết đồng cảm, chia sẻ vì người khác, chưa biết yêu nước một cách thực tế.
Tôi có những người bạn thân học tại ĐH Bách Khoa và ĐH FPT, các bạn ấy đều học hành khá giỏi giang trong những ngôi trường không kém phần danh giá, thế nhưng không bao giờ kiêu ngạo. Trong đợt thực tập vừa rồi, các bạn ấy đã tình nguyện thực tập những tháng đầu tiên không lương để học hỏi kinh nghiệm, coi đó là những buổi học ngoại khóa.
Trong thời buổi học không phải vì bằng cấp, sinh viên tốt nghiệp trường nào không quan trọng mà quan trọng là có làm được việc hay không như bây giờ thì sinh viên ĐH Ngoại thương bị nhà tuyển dụng... chê là đúng rồi. Người xưa vẫn thường nói:
"Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng", sự kiêu ngạo của sinh viên Ngoại thương chẳng khác nào một hành động dại dột chỉ mang lại những điều không hay mà thôi.