Sau khi nhiều báo, diễn đàn đăng tải bài viết xung quanh vấn đề Sinh viên Ngoại Thương “chảnh” hay “không chảnh” cùng đoạn video bị gắn vào bộ phim đề cử giải Oscar, sinh viên ĐH Ngoại Thương “lên tiếng” mạnh mẽ bằng nhiều quan điểm, ý kiến trái chiều.
Nhiều ý kiến thể hiện nỗi buồn, thất vọng thậm chí tức giận vì cho rằng mọi người đang “vơ đũa cả nắm”, chụp mũ họ bằng những quan điểm sai lầm. Một vài sinh viên nhìn nhận thực tế rằng chất lượng đầu vào Ngoại Thương cao, nhưng chất lượng đầu ra không thực sự đủ đáp ứng nhu cầu làm việc. Nhưng đều đưa ra ý kiến chung rằng họ là người trong cuộc – họ hiểu hơn ai hết trường họ như thế nào, sinh viên ra sao và họ tự hào về ngôi trường mà họ đang học.
Không nên quy chụp, “đóng mác” lên sinh viên Ngoại Thương
Bạn
Nguyễn Hữu Anh, (sinh viên năm cuối ĐH Ngoại Thương) lý giải: Theo ý kiến của cá nhân mình, bất kỳ sinh viên của trường nào nếu có thực lực, hoài bão và chí cầu tiến cũng đều có quyền thỏa thuận để có được mức lương xứng đáng. Quanh mình có rất nhiều anh chị bạn bè lương hơn ngàn đô mỗi tháng, thậm chí đến ba ngàn. Và quanh mình cũng có rất nhiều bạn bè sẵn sàng chấp nhận mức lương chỉ vài triệu đồng mỗi tháng, quan trọng là các bạn ấy học được thêm nhiều kinh nghiệm và mở rộng các mối quan hệ xã hội. Mình chỉ mong mọi người có một cái nhìn khách quan về sinh viên Ngoại thương, đừng chỉ vì những ý kiến cá nhân hay một chiều mà quy chụp lên cả một cộng đồng sinh viên".
Phạm Thanh Dung ( SV Ngoại Thương) chia sẻ trên mạng xã hội Facebook rằng: “Mình không quan tâm lắm đến dư luận nghĩ gì, chỉ có một điều mình vẫn luôn nghĩ là không nên đánh đồng hay nhìn nhận vấn đề một chiều chỉ qua vài người để rồi đánh giá cả một cộng đồng hàng nghìn người. Điều quan trọng không phải bạn đến từ đâu, học trường nào mà là bạn đang nỗ lực như thế nào, sinh viên Ngoại thương thì khác gì các trường khác chứ, cũng lo thất nghiệp, cũng phải cố gắng rất nhiều, cũng phải chịu áp lực như tất cả các bạn thôi. Chúng ta sẽ được nhận những gì chúng ta hàng ngày cố gắng, vậy thôi.
Các bạn Ngoại thương nào tự cho mình hơn người khác vì là học Ngoại thương thì thật quá sai lầm vì có những bạn học cao đẳng còn hơn mình nhiều về mọi mặt và ngược lại ai cho rằng không nên làm việc với sinh viên Ngoại thương vì họ "chảnh" thì cũng sai lầm chả kém. Hãy nhìn nhận, đánh giá từng con người bạn gặp chứ không phải dựa vào nơi họ đến để đánh giá. Hơn nữa, bất cứ ai cũng có tình yêu cho nơi mình đã gắn bó 4 năm hay nhiều hơn thế dù là trường nào đi chăng nữa.
Hơn thế nữa, vẫn có hàng trăm SV Ngoại Thương chấp nhận đi làm internship không lương tới nửa năm, hay khởi đầu với mức lương 3-4 triệu mà vẫn làm việc rất nhiệt tình, chăm chỉ đó thôi. Ai cũng phải đi qua các bậc cầu thang đầu tiên thì mới lên tầng được chứ làm gì có ai bay lên được tần hai luôn đâu”.
Nếu bạn nào có suy nghĩ “chảnh”, tự cao là đáng phê phán
Nhìn nhận thực tế một cách thẳng thắn rằng nhiều nhà tuyển dụng không tuyển sinh viên Ngoại thương, nhiều bạn sinh viên trong trường bày tỏ rằng nếu bạn nào học ở Ngoại thương mà chảnh, mà tự cao thì đáng phê phán; không ít sinh viên Ngoại thương ra trường không kiếm được việc, không đủ đáp ứng nhu cầu công việc…
Lý giải về thực tế này, Hồng Thái (SV năm 4, ĐH Ngoại thương) bình luận: “Thấy buồn khi đọc những tin này, nói chảnh cũng đúng, nhưng nếu như Havard mà chảnh thì tại sao người ta vẫn muốn nhận làm. Một thực tế đáng buồn là nhiều sinh viên Ngoại thương đầu vào tuy cao nhưng đầu ra không giỏi, không đáp ứng được nhu cầu làm việc của xã hội thì giá trị cũng tự dưng mà giảm xuống thôi, khi mình đã xấu thì mình chảnh ai mà chấp nhận được.
Nhưng trách nhiệm rất lớn lại phụ thuộc vào nhà trường trong việc đảm bảo chất lượng giáo dục, cơ sở vật chất, phương pháp đào tạo, còn sinh viên Ngoại thương lúc nào cũng cố gắng bằng các hoạt động vô cùng năng động của mình trong các CLB, các hoạt động quốc tế, cuộc thi để gìn giữ thương hiệu của trường ở một mức độ tối đa chỉ sinh viên có thể làm được thôi. Phải làm sao để giữ gìn vị thế và danh tiếng cho nhà trường, chưa nói vội tới danh tiếng cho sinh viên”.
Độc giả Hân Bùi (SV năm ĐH Ngoại Thương cơ sở 2 HCM) cho rằng: “Đang lúc nền kinh tế khó khăn, cũng đang lúc nước ta có hàng khối sinh viên học về kinh tế, nên suy nghĩ của những bạn nào ở FTU (ĐH Ngoại Thương) nói riêng và sinh viên chúng ta nói chung kiểu “chảnh”, “tự cao” là điều đáng phê phán.
Mình là sinh viên Ngoại thương, nhưng thật lòng mình không tự hào về ngôi trường của mình, và càng không hề có chuyện mình dựa vào cái mác “FTU” để “chảnh”. Hữu danh vô thực các bạn à. Bởi vì kiến thức mình nhận được thật chán.
Các bạn cứ nghĩ xem nhé, ngồi liên tục cả buổi sáng hoặc cả buổi chiều và tiếp thu kiến thức, và chả thấy hứng thú gì. Nếu các bạn làm những điều các bạn cảm thấy chán, 1 ngày, 2 ngày, 1 tuần… các bạn thấy thế nào? Còn mình, tính từ lúc đặt chân vào ngôi trường này là 3 năm, và mình còn phải “chịu đựng” thêm 1 năm nữa, hoặc hơn, để có thể “tung tăng”. Mình đi hỏi rất nhiều người, tại sao việc học lại chán thế, thì câu trả lời rằng: “Ở mọi ngôi trường đều vậy”. Vậy thì… nền giáo dục của mình chán vậy sao? Họ an ủi, động viên, đồng cảm, bảo mình hãy cố lên, để… lấy tấm bằng để sau này dễ nói chuyện với nhà tuyển dụng. À, thì ra học đại học, là học… đại. Chỉ để kiếm tiền thôi sao? Đam mê đâu? Mình ở trong trường có đầu vào cao ngất, nhưng khi vào rồi, thì mình mới hiểu, chả có gì ghê gớm cả đâu. Nhắc lại một điều rằng, kiến thức thực tế mới là quan trọng.
Có đôi lúc, mình thấy nghi ngờ những điều mình học, dù rằng kiến thức của mình còn hạn chế. Nó quá tẻ nhạt, và rập lý thuyết. Thầy cô, có người trong trường, có người thỉnh giảng, nhưng đa số họ dạy đều tẻ nhạt. Những tiết học trôi qua là những lần “chịu đựng và chịu đựng”. Mình chả thể tìm từ nào khác hay hơn. Havard Việt Nam là cái danh ai đó đặt cho ngôi trường này. Mình không hề "chảnh". Mình không dựa vào bất cứ cái gì để "chảnh". Mình là chính mình. Chỉ vậy mình mới có thể thành công”.
Chúng em không “chảnh” nhưng có quyền kiêu hãnh
Gần đây, trên mạng xã hội, các bạn sinh viên để “trạng thái” trên tường, nhận được nhiều lời bình luận, like cũng như chia sẻ trong cộng đồng mạng. Ví dụ như: “Tôi tự hào vì sinh viên Ngoại Thương”; “Tôi là sinh viên Ngoại Thương, tôi đâu có chảnh”…
|
Nhiều sinh viên Ngoại Thương tỏ ra khá bức xúc, buồn vì những gì mà mọi người cho rằng SV Ngoại Thương "chảnh". Khẩu hiệu này được share trên các mạng xã hội. |
“Thực ra ai đánh giá thì kệ họ thôi vì mỗi người có quan điểm riêng của mình. Bản thân mình thì thấy ai có thể quy chụp cho mình chứ gia đình bạn bè hay bất kì một ai thân thiết cũng hiểu rõ mình chứ không bị ảnh hưởng bởi những cái tít hay quan điểm ấy. Chỉ cần vậy là bản thân đã thấy tự hào và tin tưởng hơn rồi. Chưa bao h hối hận vì trở thành FTUer. Có khó khăn thì mới thấy chúng ta yêu trường chứ”, 1 sinh viên Ngoại Thương chia sẻ trên FB.
Và đưa ra nhiều ý kiến đa chiều, bài viết của Huỳnh Lưu Đức Toàn (Sinh viên ĐH Ngoại thương Cơ sở II tại TP HCM) đăng tải trên Ftu News đã thu hút nhiều lời bình, lượt đọc về bài viết, quan điểm của cậu về sinh viên Ngoại thương.
“Em xin dám tự khẳng định rằng có thể sẽ có những bạn sinh viên Ngoại thương "chảnh" nhưng chúng em đều có chung một mẫu số chung là tố chất ham học hỏi và nỗ lực không ngừng. Trong bài nói "Các em chẳng có gì đặc biệt" của thầy David Mc Cullogh đã mang lại lời khuyên: "Hãy kháng cự lại sự thỏa mãn nhất thời, vẻ lóng lánh bề ngoài của vật chất, sự tê liệt của lòng tự mãn. Hãy xứng đáng với những lợi thế mà mình có!". Do vậy, chúng em có quyền tự hào về lợi thế của mình như một yếu tố gìn giữ thương hiệu trong suốt 50 năm qua.
Xin các cô chú, anh chị tuyển dụng hiểu được với thời lượng 6 tiếng buổi sáng cho một ca học, 6 tiếng buổi chiều để chúng em tham gia hoạt động Đoàn – Hội và còn 4 tiếng buổi tối chỉ để tự học lại tất cả bài vở cho ngày hôm sau. Chưa kể thêm, chúng em lúc nào cũng phải chịu một áp lực: Sinh viên Ngoại thương phải thật giỏi tiếng Anh, kĩ năng mềm tốt, khả năng nghiên cứu độc lập cao và dù học nhiều đến mấy cũng không bỏ qua những chương trình từ thiện, công tác xã hội, hoạt động ngoại khóa.
Chúng em không "chảnh" nhưng chúng em có quyền kiêu hãnh vì những đức tính tốt đẹp được đào tạo từ ngôi trường Ngoại thương. Ngay từ những ngày đầu được khoác hai chữ "Ngoại thương" trên bộ đồng phục chúng em đã phải hiểu được, tự học và hoạt động không ngừng chính là những yếu tố đầu tiên và tiên quyết để trụ lại ngôi trường này”.