Đại học Ngoại thương cũng có những "con sâu" như Nguyễn Đức Nghĩa....

Thứ năm 28/06/2012 07:28
(GDVN) - "Ngoài những điều đáng tự hào và không ít thành tích thì trường ĐH Ngoại thương cũng vẫn còn có những "con sâu" như Nguyễn Đức Nghĩa... điều đó cho thấy đúng là 'nhân vô thập toàn'...", độc giả Phạm Thu Minh (Tây Hồ, Hà Nội) bày tỏ.
Xung quanh các vụ việc "lình xình" liên quan đến Trường ĐH Ngoại thương trong thời gian vừa qua và gần đây nhất là vụ việc "chảnh" của sinh viên Ngoại thương cùng đoạn video bị gắn vào bộ phim đề cử giải Oscar gây xôn xao dư luận, tòa soạn đã nhận được rất nhiều những ý kiến trái chiều của bạn đọc gửi về.

Một trong những ý kiến đó là của độc giả Phạm Thu Minh (Tây Hồ, Hà Nội). Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin được đăng tải nguyên văn bài viết này. Mời bạn đọc theo dõi:

Theo dõi những ý kiến khác nhau xung quanh câu chuyện về nhà tuyển dụng từ chối các sinh viên ngoại thương với lý do "chảnh" trong những ngày qua, với ý thức cá nhân, cũng từng là một sinh viên, tôi thấy mình nên có bày tỏ những suy nghĩ, ý kiến riêng về vấn đề này.

Trước hết, tôi phải khẳng định rằng, ngay từ khi tôi còn ngồi trên ghế phổ thông, hai từ Ngoại thương đã được xem là rất danh giá, là mục tiêu phấn đấu quyết liệt của nhiều bạn học của tôi.

Đại học Ngoại thương Hà Nội (Ảnh : Internet)

Theo bạn, ở Việt Nam trường ĐH nào là số 1?

  • ĐH Bách Khoa
  • ĐH Ngoại Thương
  • ĐH Quốc Gia
  • ý kiến khác

Ngày tôi thi đỗ đại học Bách khoa cùng với vài cô, cậu bạn khác thi đỗ trường Ngoại thương, khi đi nhận thưởng, cũng đều ở mức điểm bằng nhau là 26 điểm, nhưng cái cách người ta khen ngợi, nhìn những bạn đỗ Ngoại thương lại khác hẳn so với tôi.

Bố mẹ và không ít hàng xóm của gia đình tôi lúc đó cũng thường xuyên than theo cái kiểu, biết điểm cao thế này thì thi Ngoại thương cho xong, học ở đấy vừa tốt, sau này ra xin việc lại dễ dàng...

Nói lại những điều này, để cho thấy rằng, sức hút của Ngoại thương đối với nhiều học sinh, các vị phụ huynh là rất lớn. Đó là điều rất đáng tự hào, hãnh diện, đối với các sinh viên đã thi đỗ vào đây, tôi khẳng định điều đó.

Từng được vào thăm cơ ngơi và nghe các bạn bè từng theo học ở đây kể lại, bản thân tôi cũng mang máng hiểu được những gì các bạn Ngoại thương đáng tự hào về cơ sở vật chất, về sự năng động, đổi mới, sáng tạo của các thầy cô.

Những phương cách giảng dạy hiện đại được áp dụng, các phong trào hoạt động mạnh, hướng về cộng đồng, xã hội, nhiều câu lạc bộ mang những ý nghĩa giải trí, học tập được thành lập... đã tạo điều kiện, giúp cho sinh viên Ngoại thương tự tin, năng động, sáng tạo, nhanh nhẹn hơn so với không ít sinh viên trường khác.

Đó là điều tôi đã thấy được ở chính những người bạn của mình và tôi nghĩ rằng, họ, sinh viên trường Ngoại thương có quyền được đánh giá cao.

Nhưng cái gì cũng có tính hai mặt của nó, bên cạnh những cái mà tôi tạm coi là tích cực, thì từ việc được tiếp xúc nhiều với các sinh viên trường Ngoại thương cũng cho tôi thấy, quả thực là không ít sinh viên ở đây vẫn có thái độ "chảnh", thậm chí là rất "chảnh", tự mãn với những gì mình đã đạt được.

Có lẽ, chính do điểm đầu vào cao, thông thường như tôi tính bình quân phải trên 24, 25 điểm mới vào được Ngoại thương nên một số bạn, khi vào được ngôi trường được mệnh danh là "Harvard Việt Nam" rồi thì tự kiêu, cho mình là nhất, là giỏi, đứng trên mọi người và có những tuyên bố "không giống ai".

Tuy nhiên, thực tế, tôi thấy cũng như bao trường khác, trong một lớp học tại Ngoại thương cũng có người giỏi, có năng lực thực sự nhưng cũng có người không giỏi, chỉ ở mức tầm tầm, thậm chí còn ham chơi, bỏ bê học hành.

Điểm số đầu vào cao là niềm tự hào nhưng nó không phải là tất cả, nếu cao mà anh vẫn biết phấn đấu, biết vươn lên, biết khiêm tốn, ham học hỏi thì chắc chắn anh sẽ giỏi hơn nhưng cao rồi mà tự mãn thì năng lực sẽ ngày càng đi xuống. "Chảnh" chỉ đúng với những người giỏi thực sự, có năng lực thực sự, biết mình đang ở đâu còn với những người như chiếc "thùng rỗng kêu to" mà cũng "chảnh" thì quả thực là đáng phải xem xét, phê phán.

Một điều cũng được nhiều người đặt ra mà tôi thấy cũng cần phải nêu ra và xem xét thật kỹ, đó là những trường Y, trường Dược của chúng ta cũng đều có điểm đầu vào rất cao, như trường Y Hà Nội có năm phải trên 27 điểm mới đỗ. Nhưng sinh viên ở đây lại rất khiêm tốn, không hề "chảnh" chút nào. Liệu rằng đây có phải do phương pháp giáo dục chưa đúng? hay do chúng ta đã quá đề cao cái "tôi" của sinh viên trong trường. Câu trả lời xin dành cho chính các giảng viên và sinh viên nơi đây.

Sinh viên Ngoại thương được tiếng là tự tin, năng động nhưng chưa chắc năng lực chuyên môn đã giỏi, đã sâu, rộng bằng các trường khác như Kinh tế Quốc dân, Ngân hàng, Bách Khoa... đó là một thực tế mà chính các sinh viên của trường đã phải nêu ra và thừa nhận. 

Ngoại thương được mệnh danh là "Harvard Việt Nam" với rất nhiều điểm sáng, nổi trội đáng tự hào nhưng trên thực tế, nơi đây vẫn còn có những "con sâu" như Nguyễn Đức Nghĩa..., một tên tội phạm máu lạnh đã gây ra tội ác thật sự đáng ghê sợ, khiến cả xã hội phải phẫn nộ.

Nguyễn Đức Nghĩa từng là sinh viên trường ĐH Ngoại thương (Ảnh: Internet)


Thi đỗ vào học tại Khoa Quản trị kinh doanh quốc tế - K41 - Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội năm 2002, Nghĩa từng là niềm kiêu hãnh của gia đình, người thân. Nhưng trong quá trình theo học tại đây, do nhiều yếu tố khác nhau chi phối, có thể là sự tự mãn với những gì đã đạt được, thiếu sự rèn luyện ý thức phấn đấu, ham chơi game... nên Nghĩa bắt đầu sa ngã, trượt dài.

Tốt nghiệp năm 2008 nhưng không được cấp bằng do nợ môn, Nghĩa ra trường cũng với một công việc, tuy nhiên chỉ vài tháng sau thì không có việc và không có nơi ở cố định. 

Sự thiếu tu dưỡng trước đó, cộng thêm thói ăn chơi, nghiện game... đã đẩy Nghĩa đến con đường tội lỗi "phi nhân tính" khi thực hiện hành vi "thú tính": giết chết người yêu cũ rồi cướp tài sản. Và ghê rợn hơn, để xóa dấu vết, Nghĩa đã nghĩ ra nhiều cách để phi tang xác, hung khí, đồ dùng của nạn nhân ở nhiều nơi...

Vụ án xảy ra đã gây ra sự phẫn nộ, bức xúc trong dư luận xã hội suốt một thời gian dài và giờ đây Nghĩa đã và sẽ tiếp tục phải trả giá cho những hành vi tội ác của mình. Cho đến hiện nay, dù đã 2 năm sau những hành vi dã man của Nghĩa gây ra nhưng khi nhắc lại không ít người vẫn còn "rợn tóc gáy"...

Nhắc lại câu chuyện đau lòng này, tôi không hề có ý nhằm bôi xấu hay có ý gì khác mà thông qua đây, tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng, quả thực câu nói "Nhân vô thập toàn" mà người xưa vẫn dùng không hề sai chút nào.

"Không ai nắm tay được cả ngày" và điều đó cho thấy ở môi trường giáo dục nào cũng vậy thôi, bên cạnh những thành tích cũng có những góc khuất, những hạn chế, tiêu cực. Nhưng cái quan trọng nhất là ở các bạn sinh viên, các bạn phải biết học tập bài học đầu tiên khiêm tốn và biết phấn đấu.

Người ta vẫn thường nói "biết người, biết ta, trăm trận, trăm thắng", nếu mình biết khiêm tốn, ham học hỏi, có chí tiến thủ thì chắc chắn thành công sẽ mở rộng cửa đón ta. Còn tự mãn, tự kiêu, thiếu ý chí phần đấu, năng lực có hạn thì thất bại, thậm chí là sa ngã, lao vào con đường tội lỗi... sẽ luôn đứng bên.

Tôi hy vọng rằng, các bạn sinh viên Ngoại thương nếu ai còn "chảnh" theo kiểu "thùng rỗng kêu to" thì hãy đọc những dòng này và cùng suy ngẫm.

*/ Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Mọi ý kiến, đóng góp xin mời bạn đọc gửi về địa chỉ: [email protected]

Độc giả Phạm Thu Minh

Bình luận (4 bình luận)

Sắp xếp theo:
1 - le chanh thuong - 28/06/2012 10:26
mọi người lại vì chuyện này mà bàn luận sôi nổi quá, nếu là các bạn sinh viên thì tôi không nói,nhưng nếu là người đã vào đời rồi mà còn ngồi bàn luận thì tôi chỉ nói là quá nhiều chuyện. mỗi người mỗi tài năng, 100 người vào đại học, 99 người không biết mình vào đó có đúng với sở trường hay không? Đại học chỉ là một ngưỡng cửa mà ở đó các bạn mở tiếp ngưỡng cửa khác, chứ không phải là nơi các bạn thể hiện đúng năng lực của mình, hãy vào đời hãy va chạm thì mới biết sở trường sở đoản rồi sau đó học tiếp, phấn đấu tiếp, may ra có thể thành công. Chuyện học trường nào không quan trọng, ngoại thương hay trung cấp thì cũng ngang nhau thôi, kiến thức thì có thể tự học, internet dạy bạn, trường đời dạy bạn,đừng bao giờ lấy tên trường làm tiêu chuẩn cho thành công, chắc ai cũng biết kiến thức ở trường cách xa thực tế đến mức nào. có thể nếu được đào tạo tốt sẽ thuận lợi hơn, nhưng đó chỉ là trong thời gian ngắn thôi, rồi sẽ đến lúc nhận ra rằng nếu làm không đúng sở trường và tài năng của mình, các bạn sẽ thực sự cảm thấy khó để thành công, khó để tiếp tục trên con đường mình đã chọn. Vì vậy thay vì vào trường tốt hãy cố gắng cảm nhận tốt sở trường của chính bản thân. đừng đặt nặng việc vào trường nào, mà hãy mong muốn được học, hãy học dù là ở cao đẳng, hay trung cấp, có thể bạn sẽ chậm hơn, nhưng phía cuối con đường có thể sẽ sáng hơn. Gần tới kỳ thi đại học tôi mong các bạn tân sinh viên hãy cố gắng đi học, đừng chỉ vì vô trường thấp hơn mà chán nản, chỉ cần được đi học, được tiếp tục học tập, khi đến tuổi 22-23 rồi 25-30 các bạn sẽ thấy những gì mình cần.
2 - Lưu Hoàng Anh - 28/06/2012 10:07
Chài, chỉ là sinh viên thôi mà , có gì mà to tát đâu đến mức " chảnh " thì đó là những người chả có kinh nghiệm cuộc sống rồi... đầu vào 26 điểm là nghĩ mình thành tài rồi sao, hay thật ấu trĩ, và trẻ con, Bầu Đức " Chúng tôi không bao giờ tuyển người thiếu khiêm tốn " ....
3 - firework - 28/06/2012 08:51
Toàn là những người lắm chuyện và thích buôn chuyện. Nói người ta chảnh liệu có làm người ta hết chảnh không?
p/s. tôi ko phải sinh viên ngoại thương
4 - Nguyễn Công Điền - 28/06/2012 08:07
Tôi là một sinh viên ngành toán. Theo tôi bạn có quyền tự hào với Trường mà bạn đang học, nhưng bạn đừng quá tự đánh giá quá cao về mình. Trường nào cũng có những sinh viên giỏi, sinh viên bình thường. Tôi nghĩ rằng "Nếu một sinh viên thi đại học được 26-27 điểm mà học khát vọng với nghề nghiệp của họ, chẳng hạn trồng rừng hay báo bão...thì ta cần phải đáng trân trọng họ gấp nhiều lần so với những người với điểm đó vào những ngành "hot" nhưng họ không yêu nghề. Tôi vẫn nhớ lời của một thầy hiệu trưởng "Tôi không cần những thủ khoa, tôi chỉ cần những người thầy biết yêu thương học trò". Do đó, các bạn hãy cố gắng học tập và làm việc tốt, dù ở bất kỳ trường nào.