'Cử nhân hát rong không phải là thất nghiệp'
“Ở Việt Nam, cá nhân chỉ bị coi là thất nghiệp nếu không làm gì, không có thu nhập trong thời gian khảo sát. Cử nhân đi đẩy xe, bán hàng chỉ được coi là chuyển dịch lao động”, đại diện Tổng cục Thống kê giải thích.
> Thất nghiệp, cử nhân đứng đường hát rong
> Hơn 26.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động
Câu chuyện về những cử nhân “hát rong bán kẹo” mà VnExpress.net phản ánh bất ngờ được đề cập trong buổi công bố số liệu kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, khi đại diện Tổng cục Thống kê nhận định về tình hình lao động - việc làm. Đại diện của cơ quan thống kê giải thích những trường hợp nêu trên sẽ không được tính vào danh sách thất nghiệp, bởi trên thực tế những lao động này vẫn đang có thu nhập.
|
Doanh nghiệp phá sản nhiều khiến tìm việc càng trở nên khó khăn. Ảnh: B.H |
“Việc điều tra lao động thường diễn ra trong vòng 7 ngày. Nếu trong khoảng thời gian đó người trong độ tuổi không làm việc gì, không có thu nhập, đang đi tìm việc và sẵn sàng đi làm ngay nếu có việc… thì mới được tính là thất nghiệp”, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Đỗ Thức giải thích.
Với tiêu chí như vậy, đại diện Vụ thống kê Dân số - Lao động cho rằng những trường hợp sinh viên tốt nghiệp, nhưng phải làm công việc phổ thông, bán hàng… thực chất chỉ là sự “chuyển dịch lao động” giữa các ngành nghề. “Bản thân sinh viên ra trường, người mất việc làm cũng chưa chắc đã thất nghiệp ngay. Những người này có thể chuyển dịch sang khu vực phi chính thức, kinh doanh cá thể…”, đại diện này cho biết.
Bằng chứng được cơ quan thống kê đưa ra để chứng minh cho nhận định này tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tại khu vực tư nhân và cá thể vẫn tăng 20 - 26% trong 6 tháng đầu năm, cao hơn mức trung bình của toàn nền kinh tế.
Cũng do cách tính nêu trên, tỷ lệ thất nghiệp trong 6 tháng đầu năm, theo công bố, chỉ là 2,29%, cao hơn so với mức 2,22% của cùng kỳ 2011 nhưng vẫn thấp hơn so với giai đoạn được đánh giá là khó khăn tương tự vào năm 2009 (2,9%). Cũng theo Tổng cục Thống kê, tỷ lệ thiếu việc làm trong 6 tháng đầu năm 2012 tại Việt Nam là 3,06%, trong đó khu vực thành thị là 1,92% và nông thông là 3,6%.
“Tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam hiện vẫn ở mức thấp”, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định. Tuy nhiên, ông này cũng thừa nhận việc hơn 26.300 doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2012 và hơn 55.000 đơn vị khác ngừng sản xuất, chờ giải thể khác trong năm 2011 đang đặt ra thách thức lớn đối với nền kinh tế cũng như thị trường lao động.
Cũng theo khảo sát của cơ quan thống kê, trong số hơn 9.300 doanh nghiệp được điều tra mẫu trong 6 tháng đầu năm nay, có 31,7% số doanh nghiệp dự kiến thu hẹp sản xuất, trong đó gần một nửa cho biết sẽ tiến hành giảm quy mô về lao động.
Bộ Lao động Thương binh Xã hội cho biết 5 tháng đầu năm có thêm 175.000 người đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trong khi cả nước đã có hơn 155.000 người đang được hưởng hằng tháng.
Báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp Quốc hội vừa qua cũng cho thấy trong 4 tháng đầu năm, tỷ lệ người đăng ký thất nghiệp tăng hơn 64% so với cùng kỳ.
Nhật Minh