Đó là những trải lòng của Người đương thời Đỗ Việt Khoa khi nói về chuyện “ôm rơm rặm bụng” trong suốt thời gian qua.
- Thưa Nhà giáo Đỗ Việt Khoa, tiêu cực thì nhiều nhưng không phải ai cũng dám đứng lên chống lại những thói hư tật xấu của xã hội. Ông có bao giờ thấy mình đơn độc trên trận tuyến chống tiêu cực?
Nhà giáo Đỗ Việt Khoa: Rất đơn độc! Thậm chí, trò chuyện về tiêu cực là mọi người gạt đi, không muốn nghe, nói gì đến chuyện rủ được người xung quanh mình tham gia chống tiêu cực. Đa số dân mình hiện nay rất sợ chống tiêu cực. “Sống chung với lũ” là chuyện thiên tai, nay người ta đưa cụm từ này vào lĩnh vực xã hội, ý đồ khuyên mọi người chấp nhập chuyện tiêu cực. Nó được rất nhiều người nâng lên thành chân lý sống, gọi nó là “chủ nghĩa MACKENO” (mặc kệ nó).
|
Người đương thời Đỗ Việt Khoa (Ảnh Thu Hòe) |
-Đã khi nào ông thấy chán nản và nhụt chí khi một mình đứng trên một chiến tuyến chống lại những sự gian dối, tiêu cực, những sai phạm vốn đã là hệ thống, ai cũng thấy, ai cũng biết nhưng cố tình nín thinh hay chưa?
Nhà giáo Đỗ Việt Khoa: Lúc đầu cũng thấy nản lắm! Cả một nhà trường hàng trăm giáo viên, hàng ngày, họ vẫn lên lớp rao giảng đạo đức cho học trò, được coi là tầng lớp trí thức của xã hội… vậy mà tất cả đều không đấu tranh với cái xấu, thậm chí a dua, cổ vũ làm theo cái xấu... Tôi thất vọng lắm!
- Ông có thể kể về những áp lực ông gặp phải trong hành trình đơn độc của mình?
Nhà giáo Đỗ Việt Khoa: Khi ông Lê Xuân Trung mới về trường tôi làm hiệu trưởng, dự giờ tôi tiết nào thì tiết đó đều được xếp giờ dạy giỏi, rồi được tặng những 4 cái giấy khen.
Nhưng, từ lúc tôi tố cáo sai phạm của ông ta, bản thân tôi gặp vô số chuyện xấu. Họ sắp thời khóa biểu rải kín 10 buổi/tuần, cả sáng lẫn chiều, cứ rải tiết 1-4 hoặc 1-5. Không những thế, họ còn thay thời khóa biểu liên tục, thay đổi đột xuất không thông báo nhằm bẫy cho giáo viên mắc lỗi bỏ giờ, cấm giáo viên đổi giờ nhờ tiết… Dự giờ đột xuất mỗi năm 4 tiết, rồi không họp, không rút kinh nghiệm, không biên bản gì hết, dạy hay dạy dở thì cứ đầu năm học sau mới biết tiết dạy luôn được xếp loại yếu.
Tôi ngồi uống nước cùng các giáo viên nào, ăn liên hoan ngồi cùng giáo viên nào thì giáo viên đó bị gọi lên đe dọa
"ngồi với Đỗ Việt Khoa để chống hiệu trưởng hả?”. Rồi ông ta còn công khai đe dọa trước nhiều cuộc họp rằng
“sẽ tiêu diệt tận gốc Đỗ Việt Khoa và các giáo viên ủng hộ nó”; “mày thích chơi kiểu gì tao cũng chiều, mày chống đối tao, tao là tao sẽ diệt”...
Họ viết nhiều bài báo nội dung bôi nhọ tôi, trong đó còn bịa ra là có một giáo viên được bạn bán cho cái di động trị giá 3 tháng lương để xem phim sex, rồi tình cờ quay được clip tiêu cực thi cử, được Bộ Giáo dục tặng thưởng dũng cảm bội tinh, rồi bị toàn trường ghét… Sau đó, họ photo phát cho mọi giáo viên và học sinh, bắt giáo viên phân tích… Rồi họ thuê cả xã hội đen trong huyện đến tận nhà đánh dằn mặt tôi. Liên tiếp 5 năm từ 2006 – 2010, họ xếp tôi không hoàn thành nhiệm vụ, rồi không nâng lương…
Bức xúc nhất là thanh tra, giám đốc Sở GD - ĐT bao che, bảo kê tuyệt đối cho những sai phạm của trường.
- Động lực nào khiến ông tiếp tục đứng lên tố cáo, phanh phui những tiêu cực của ngành giáo dục sau tất cả những sự trù dập, bị xã hội đen hành hung và bị bôi nhọ một cách có hệ thống sau vụ Phú Xuyên năm 2006?
Nhà giáo Đỗ Việt Khoa: Niềm tin vào chân lý, vào cái thiện. Rồi bạn bè bốn phương động viên chia sẻ, rồi lãnh đạo Bộ Giáo dục ủng hộ tôi.
- Đã bao giờ ông băn khoăn, hối hận về những việc làm của mình hay chưa?
Nhà giáo Đỗ Việt Khoa: Hối hận thì chưa bao giờ. Lương mỗi tháng của tôi chỉ hơn 3 triệu, quá ít ỏi. Tôi sẵn sàng chấp nhận mọi trò trù úm, kể cả phải bỏ nghề. Tôi không bao giờ đấu tranh giành quyền lợi cho riêng mình. Chẳng nên quá lo chuyện được hay mất.
- Những lúc khó khăn nhất, chịu sức ép nhiều nhất, ai là người ở bên cạnh ông và sẻ chia với ông?
Nhà giáo Đỗ Việt Khoa: Cái máy tính và mạng nét. Đó là thứ giúp tôi vượt qua mọi sự bực mình. Mà bản thân tôi lúc nào cũng xác định sẵn tư tưởng: Cứ bình tĩnh đón nhận các trò trù úm xấu xa nhất của hiệu trưởng, không được manh động, phải khôn khéo ứng xử đúng cách.
- Từng tham giá tố cáo rất nhiều những vụ việc gian lận, sai phạm có hệ thống nghiêm trọng, ông có nhận được sự đồng thuận cũng như sự chia sẻ từ những người thân yêu nhất trong gia đình của mình? Đã khi nào ông bị chính người vợ của mình, những đứa con của mình ngăn cản vì lo lắng và không chịu được sức ép từ dư luận khi ông một mình đứng trên một chiến tuyến hay chưa?
Nhà giáo Đỗ Việt Khoa: Vợ con tôi đều biết những trò xấu của nhà trường và cũng bức xúc lắm, nhưng vợ tôi lại sợ hãi tìm cách xin xỏ nhà trường tha cho để được sống bình yên. Tôi cấm tiệt. Riêng các con tôi còn nhỏ, không để các cháu tham gia.
|
Gian lận thi cử gây rúng động dư luận những ngày qua tại Trường THPT DL Đồi Ngô, Bắc Giang |
- Nhiều ý kiến cho rằng, Người đương thời Đỗ Việt Khoa “điếc không sợ súng”, thích “phá đám”, làm những chuyện “trái khoáy, ngược đời”... thậm chí là không có tình thương với học trò mới có những hành động tố cáo để rất nhiều giáo viên, học sinh nhận lãnh hậu quả. Ông muốn nói gì về điều này?
Nhà giáo Đỗ Việt Khoa: Trước kia hồi học phổ thông, tôi học tại trường THPT Nguyễn Huệ - Hà Nội. Hoàn toàn trong sạch, thi cử rất nghiêm. Về quê đi dạy, không ngờ thấy cái xấu nó nhiều và tăng nhanh quá!
Gian dối, tiêu cực, tham nhũng không làm cho đất nước phát triển được. Gian lận thi cử chỉ làm hại học sinh, làm hại ngành giáo dục. Dạy người, đào tạo người mà toàn mang mấy cái trò giả dối ra dạy thì làm hỏng biết bao thế hệ. Đã bước vào ngành giáo dục thì phải chấp nhận
“nghèo cho sạch, rách cho thơm”. Tôi tự thấy mình phải đấu tranh với cái xấu. Dẫu cho không ít học sinh bị trượt tốt nghiệp khi làm nghiêm, nhưng đó là cách giúp các em chăm chỉ. Vụ Đồi Ngô vừa qua, dù một số giáo viên bị sa thải, nhưng đó là điều cần thiết phải làm.
- Ông còn muốn trải lòng thêm điều gì nữa không?
Nhà giáo Đỗ Việt Khoa: Bác Hồ dạy:
“Vì lợi ích mười năm phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm phải trồng người”. Người còn dạy phải
“khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”. Vậy mọi người hãy nhìn lại xem chúng ta đã thực hiện lời dạy của Bác đến đâu rồi? Sống đã xứng đáng với tiền nhân chưa? Ai cũng muốn đất nước công bằng, dân chủ, văn minh, nhưng lại không dám đấu tranh với cái xấu là sao?
- Trân trọng cảm ơn ông!