Thứ Ba, 03/07/2012, 06:08 [GMT+7]
.
.

Thảm cỏ thơm trong lòng ’Công chúa út’ của Mao Trạch Đông

(Người nổi tiếng) - Lý Nạp là con gái út của Mao Trạch Đông và là người con duy nhất ông có với Giang Thanh. Sinh tháng 08/1940 tại Diên An, Nạp là cái tên bắt nguồn từ trong Luận Ngữ của Khổng Tử và họ Lý được lấy theo bí danh Lý Đức Thắng của Mao Trạch Đông. Lý Nạp là người con duy nhất được sống và lớn lên bên cạnh cha suốt cuộc đời cho đến khi Mao Trạch Đông từ trần.


May mắn hơn các anh chị cùng cha, nhưng cuộc đời Lý Nạp cũng không bằng phẳng hơn... Tuy nhiên, dù đường đời và hôn nhân gập ghềnh đến thế nào, Lý Nạp vẫn biết giữ cho mình một “thảm cỏ xanh thơm mát” trong tâm hồn.

Được bạn bè phong là “Tiến sĩ” khi mới học Trung học

Năm nước Trung Hoa mới thành lập, Lý Nạp tròn 9 tuổi, lên lớp 3 trường Tiểu học Dục Anh. Dục Anh là một trường tiểu học nội trú, tập trung những giáo viên uy tín. Bao nhiêu năm đã trôi qua, Lý Nạp vẫn nhớ như in về những ngày học tập ở trường Dục Anh:

“Khi đó, Hiệu trưởng trường Dục Anh là Hàn Tác Lê, một thầy giáo đáng kính, thầy có nghiên cứu kỹ càng về lý luận dạy học, ứng xử với học sinh. Học trò của thầy giờ đây ở khắp thiên hạ”.

Năm 1953, Lý Nạp tốt nghiệp tiểu học, thi vào trường trung học nữ trực thuộc Đại học Sư phạm Bắc Kinh, học cùng trường với chị gái Lý Mẫn nhưng nhỏ hơn một lớp.

Mao Trạch Đông và cô con gái út Lý Nạp
Mao Trạch Đông và cô con gái út Lý Nạp

Để tránh cho con cái cảm giác được ưu tiên, Mao Trạch Đông không cho phép các con nói với nhà trường và người khác tên của bố mẹ, trong bản khai đăng ký vào học, Lý Mẫn, Lý Nạp đều điền vào mục họ tên phụ huynh là bác sĩ Vương Hạc Tân.

Từ khi còn bé, Lý Nạp đã được cha cho học bơi. Khi con mới biết bơi, Mao Trạch Đông đã không cho mang phao mà bắt con phải dùng ý chí và kỹ thuật để đương đầu với ngọn sóng. Những rèn luyện nghiêm khắc của cha không chỉ về thể chất mà cả lối sống, sự học đã tạo nên một tinh thần thép ở cô “công chúa” này.

Khi Lý Nạp học trung học, trong mắt bạn bè, cô đã là một “tiến sĩ”, văn học, lịch sử cổ kim, đông tây, cô đều đọc qua khá nhiều, nhiều hơn các sách lý luận triết học, chính trị…Mới học cấp II, Lý Nạp đã thuộc rất nhiều thơ cổ, đích thân Mao Trạch Đông phê chú 1180 bài thơ, 378 bài từ, 12 bài hát, 20 bài phú, tổng cộng là 1.590 bài mà con gái phải đọc.

Trong đó thơ Đường có khoảng 600 bài, tác phẩm của thi nhân đời Hán, Ngụy, Nam Bắc Triều là hơn 150 bài, thơ đời Minh gần 200 bài. Thơ Lỗ Tấn là 44 bài. Thi từ mà cha đã phê chú được Lý Nạp chép rất nhiều bài vào vở, thường xuyên đọc.

Đầu giường Lý Nạp cũng thường để sách thi từ. Từ lúc còn học bậc sơ trung, Lý Nạp đã có thể đúc rút được nhiều tinh tuý trên nhiều phương diện thông qua quá trình đọc.

Lý Nạp đọc Thánh Kinh để hiểu được một số tri thức văn học và tri thức lịch sử của nước ngoài. Thiếu nữ Lý Nạp lúc ấy mê các tác phẩm văn học Nga thế kỷ XIX hơn cả.

Lý Nạp ăn mặc giản dị, trong khi các bạn cùng học phần lớn là con cán bộ cao cấp, nhiều người rất chú trọng trang phục, đi xe đạp ngoại, đeo đồng hồ Thụy Sĩ… Khi còn học cấp II, Lý Nạp không mang đồng hồ và luôn tự đạp xe đến trường.

Lên cấp III, chiếc xe đã cũ nhưng cô vẫn không thay mới. Mao Trạch Đông cũng không bao giờ cho nhân viên dùng xe hơi đưa đón Lý Nạp.

Thành tích học tập của Lý Nạp luôn đạt xuất sắc. Cô thích để tóc ngắn. Khi còn học tiểu học, Lý Nạp mặc những bộ quần áo rất dễ thương, mùa hè thích mặc váy liền áo hoa, như một con bướm hoa xinh đẹp.

Lên trung học, Lý Nạp rất ít khi mặc trang phục có hoa, cô thích mặc quần áo học sinh màu sẫm như lam, xám; không mấy khi mặc đồ màu sắc sặc sỡ. Ở trường trung học, Lý Nạp cũng không thích kết giao bạn bè lắm, tự đến tự ở, đầy bản lĩnh, tính cách khá khép kín.   

Lý Nạp bẩm sinh vốn vui vẻ hoạt bát, theo năm tháng, cô càng dần càng ít nói. Sau này, các bạn học thời trung học với Lý Nạp nhớ lại: vì gia cảnh đặc biệt, Lý Nạp bắt buộc phải chú ý đến ảnh hưởng trong bất cứ việc gì, cô luôn nghiêm khắc với chính mình.

Sự ngăn cách của “bức tường đỏ” khiến cô không thể tự do qua lại với các bạn đồng lứa. Thừa hưởng di truyền từ bố mẹ, Lý Nạp lớn lên khá xinh đẹp. Khi học trung học, cô phải ra sức che giấu sự xinh đẹp ấy, tự giác xây dựng thế giới quan và tư tưởng giai cấp vô sản.

Mùa hè năm 1959, Lý Nạp tốt nghiệp trung học, thi đỗ vào Khoa Lịch sử, Đại học Bắc Kinh với thành tích xuất sắc. Lý Nạp theo học Đại học Bắc Kinh đúng vào thời kỳ ba năm gian khổ, cả nước ăn không đủ no.

Lý Nạp cũng không ngoại lệ. Mao Trạch Đông không cho con tiền tiêu vặt, lại càng không cho cô thêm phần cơm. Lý Nạp cũng giống hệt các bạn khác, gian nan vượt cửa gian nan. Trong thời kỳ đó, Lý Nạp bị bệnh phải nghỉ học một năm, Mao Trạch Đông vẫn không cho cô một đặc quyền nào.

Trước Cách mạng văn hóa, Đại học Bắc Kinh học theo chế độ 5 năm, mùa hè năm 1966, Lý Nạp tốt nghiệp khoa Lịch sử, Đại học Bắc Kinh. Cha con Lý Nạp có thói quen giao lưu tư tưởng với nhau. Khi học đại học, mỗi khi học xong một khóa trình, thu hoạch được điều gì, Lý Nạp đều viết ra rồi báo cáo bố.

Một thân phận bí ẩn ở tòa soạn báo Giải phóng quân

Tình cha con giữa Mao Trạch Đông và Lý Nạp mối tình cha con sâu nặng của một nhân vật ấn tượng của thế kỷ, làm lay động Trung Quốc hôm qua và hôm nay…
Tình cha con giữa Mao Trạch Đông và Lý Nạp sâu nặng

Tròn 26 tuổi, Lý Nạp đến làm biên tập viên ở báo Giải phóng quân dưới cái tên Tiêu Lực. Trong mắt đồng nghiệp, Tiêu Lực có dáng người trung bình, nom khá gầy trong một bộ quân trang, cô trắng trẻo, đoan trang, nhã nhặn, có khuôn mặt gần giống Mao Trạch Đông, đằng sau đôi kính gọng trắng, ánh mắt Lý Nạp phảng phất Giang Thanh.

Theo lời dặn dò của Giang Thanh, công tác của Lý Nạp ở báo Giải phóng quân phải được bảo mật, ban đầu tòa soạn chỉ có bốn người biết thân phận thực sự của cô.

Thời kỳ đầu Cách mạng văn hóa, khi Lý Nạp hãy còn là học sinh trong trường, cô đã tự ý bỏ ra tỉnh ngoài móc nối liên lạc, không một lời từ biệt bố mẹ, nhà báo Hình Chí Viễn của báo Giải phóng quân đã từng phải phụng mệnh đi Thiên Tân tìm cô.

Sau khi vào tòa soạn thì cô mới biết những chuyện này, một lần, Lý Nạp ăn lạc rang, cô để dành một nắm cho Hình Chí Viễn để tỏ lòng biết ơn. Hình Chí Viễn hỏi: “Lần đó cô đã đi đâu vậy?” Lý Nạp bảo: “Tôi lên núi Thái Sơn”.

Sau đó lại nói tiếp: “Lần đi đó là một cơ hội lớn để tôi rèn luyện, phải tự mình bắt xe, tự tìm chỗ ở. Việc gì cũng phải tự mình làm, tôi đã có bao nhiêu kiến thức từ lần đó”.  

Chẳng bao lâu, mọi người cũng biết Tiêu Lực chính là Lý Nạp - con gái của Mao Trạch Đông. Sau khi công khai thân phận, Lý Nạp còn phát biểu trước cuộc họp của tòa soạn. Cô nói: “Cha tôi bảo tôi nói với mọi người rằng tôi chỉ mới học được vài năm, còn rất trẻ, rất ấu trĩ, lại ngố nữa.

Cha muốn tôi nhìn gương các chú các cô mà học tập, hy vọng các cô chú anh chị dạy dỗ, chỉ bảo tôi thêm. Nếu tôi có lỗi, thì pháo bắn lửa thiêu cũng được”. Câu chuyện đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng những người ngồi dự hôm đó.

Lý Nạp sống trong một phòng ở ký túc độc thân của tòa báo, sáng dậy, cô vừa đánh răng rửa mặt vừa cất giọng hát làn điệu Thanh y hoa đán trong Kinh kịch, tiếng hát lạc quan, tươi tắn.

Chiếc hòm đựng quần áo của cô đã cũ lắm, nhưng được cô quý như tính mệnh của mình. Đồng nghiệp không hiểu lý do thì cô giải thích, đó là chiếc hòm cha cô từng dùng.

Có đồng chí e rằng cô không quen thức ăn ở nhà bếp, Lý Nạp cười nói: ở nhà tôi cũng thường đi ăn ở bếp ăn tập thể. Ở tòa báo, Lý Nạp không đi xe hơi, cô bảo bố không cho phép. Vì thế cả năm cô đi lại đều bằng xe đạp.

Một hôm trời đổ tuyết dày, gió mùa đông bắc gào rít, cô phải về nhà. Đồng chí lãnh đạo nói: “Cô không nên đạp xe đi, để tôi điều xe đưa cô về!”. Lý Nạp nói: “Chú à, nhất thiết không được điều xe đâu, cha cháu mà biết sẽ phê bình đấy!”

Đường hôn nhân gập ghềnh

Năm 1970, Lý Nạp và các đồng chí ở văn phòng trung ương cùng tới Giang Tây để tăng cường cho lao động của trường cán bộ “Ngũ Thất” (Trường Cán bộ vừa học vừa làm “Mồng 07 tháng 05”). Trong công việc, Lý Nạp đã gặp và yêu một người đồng chí trẻ tuổi họ Từ.

Tiểu Từ xuất thân trong một gia đình công nông, là nhân viên phục vụ Nhà khách trung ương Bắc Đới Hà trực thuộc Văn phòng trung ương, tuyệt đối đáng tin cậy về mặt chính trị.

Tuy chỉ có văn hóa trung học phổ thông, song Tiểu Từ rất đẹp trai, tính tình cởi mở, đối xử với người khác rất hào phóng, nhiệt tình. Lý Nạp tuân theo lời dặn của cha, có chủ ý tìm một người hợp với mình ở dưới cơ sở, nay gặp Tiểu Từ, hai bên nảy sinh tình cảm rồi nhanh chóng yêu nhau.

Một năm sau thì Lý Nạp sinh con trai đặt tên là Từ Tiểu Vũ. Tuy nhiên, do không hợp nhau về xuất thân, tính cách, trình độ và sở thích nên sống với nhau được một thời gian thì giữa hai người xuất hiện khoảng cách và mâu thuẫn ngày càng gay gắt, gia đình bắt đầu bất hòa. Cuối cùng, họ thỏa thuận chia tay nhau, Lý Nạp nuôi con, đổi tên con thành Lý Tiểu Vũ.

Lúc đó, chị gái Lý Nạp là Mao Viễn Chí và chồng là Tào Toàn Phu đều đang làm việc ở trường Ngũ Thất, Tào Toàn Phu là bí thư đảng ủy của trường, lập tức báo cáo với Mao Trạch Đông chuyện đó, Mao Trạch Đông tôn trọng ý kiến của con gái, bèn gửi tặng một bộ Mác-Ăngghen toàn tập làm quà cưới.

Chuyện truyền đến tai Giang Thanh, bà kiên quyết phản đối. Nhưng Lý Nạp đã quyết, cô trực tiếp về gặp cha, yêu cầu ông cho phép mình cưới Tiểu Từ làm chồng.

Tại trường Ngũ Thất, Tào Toàn Phu và Mao Viễn Chí đã chủ trì hôn lễ của Lý Nạp, một năm sau, Lý Nạp sinh con trai, đặt tên là Từ Hiệu Chi (chữ “Chi” lấy từ tên tự của Mao Trạch Đông là Nhuận Chi mà ra).

Tuy nhiên, do không hợp nhau về xuất thân, tính cách, trình độ và sở thích nên sống với nhau được một thời gian thì giữa hai người xuất hiện khoảng cách và mâu thuẫn ngày càng gay gắt, gia đình bắt đầu bất hòa.

Cuối cùng, họ thỏa thuận chia tay nhau, Lý Nạp nuôi con, đổi tên con thành Lý Tiểu Vũ. Sau khi ly hôn, Lý Nạp quay về Bắc Kinh, mang theo vết thương lòng nặng nề. Từ 1974-1975, cô lần lượt nhậm chức Bí thư huyện ủy Bình Cố, Bắc Kinh và Phó bí thư thành ủy Bắc Kinh. Tháng 10/1976 trở về sau thì không làm nữa.

Từ tháng 10/1976, Văn phòng Trung ương phân phối cho Lý Nạp một căn nhà ở phía Tây thành phố Bắc Kinh, sống cùng với con trai và bảo mẫu. Sức khỏe của Lý Nạp ngày một tồi đi. Công tác tạm thời bị “gác” lại. Năm 1986, Lý Nạp chính thức được phân về công tác tại Cục thư ký, Văn phòng Trung ương.

Đầu năm 1986, dưới sự giúp đỡ nhiệt tình của vợ chồng Lý Ngân Kiều – vốn là người phụ trách công tác bảo vệ (vệ sĩ trưởng) của Mao Trạch Đông, Lý Nạp kết hôn với Vương Cảnh Thanh. Vương Cảnh Thanh là chiến hữu cũ của Lý Ngân Kiều tại đoàn cảnh vệ trung ương, người huyện Thần Mộc, Thiểm Bắc.

Vương Cảnh Thanh đã ở bên Lý Nạp trong quãng đời khó khăn nhất của cô, mặc dù không hiềm địa vị gia đình cao thấp, nhưng được sống chung với con gái của lãnh tụ khai quốc, được nương tựa lẫn nhau trong cuộc sống thực sự cũng là cái duyên phận hiếm hoi.

Vương Cảnh Thanh nhớ lại thời còn là cảnh vệ ở Diên An, ông đã từng gặp Lý Nạp khi còn nhỏ. Các chiến sĩ cảnh vệ ai cũng yêu mến cô. Đầu thập niên 80, Vương Cảnh Thanh là tham mưu trưởng tại quân phân khu Nộ Giang, quân khu Côn Minh, sau đó vào làm ở cảnh bị Bắc Kinh rồi nghỉ hưu.

Vương Cảnh Thanh cũng đã qua một cuộc hôn nhân không như ý. Hai người gặp lại nhau, từ thông cảm đi đến yêu nhau, rồi quyết định lấy nhau. Cưới xong, Vương Cảnh Thanh về ở với mẹ con Lý Nạp, ông rất thương yêu Lý Tiểu Vũ, bé Lý cũng rất quý cha dượng.

Ông đổi tên con theo họ mình, cải thành Vương Hiệu Chi. Khi Giang Thanh còn sống, cả gia đình ba người mấy lần vào nhà tù thăm nuôi, Giang Thanh cũng bày tỏ hài lòng về cuộc hôn nhân mới của con gái.

Vương Cảnh Thanh là người lương thiện, phúc hậu, yêu thích thư pháp hội họa, đồng thời là một đầu bếp cừ khôi. Những năm 80, Lý Nạp từng nói đùa với bạn bè: “Ở nhà, ông Vương là đầu bếp, còn tôi là người quét dọn”.  

Giữ thói quen đọc sách của cha

Những ngày Lý Nạp về hưu, vợ chồng vẫn hạnh phúc bên nhau trong một khu nhà bốn gian ở đường Vạn Thọ, Bắc Kinh. Con trai Hiệu Chi của Lý Nạp là quản lý một công ty là người con rất hiếu kính với cha mẹ.

Trong nhà của Lý Nạp có một gian thư phòng. Không lớn, chỉ khoảng 14, 15 m2, hai bên là hai giá sách ngay ngắn. Sau lớp cửa kính là các loại sách. Phòng đọc sách của Lý Nạp không lớn như thư phòng Phong Trạch Viên, nhưng những lời dạy của Mao Trạch Đông vẫn như tỏa sáng cả gian phòng nho nhỏ của Lý Nạp.

Theo sở thích của cha, Lý Nạp cũng say mê đọc sách lịch sử. Lý Nạp vốn là một sinh viên giỏi của khoa Lịch sử Đại học Bắc Kinh, sau khi tốt nghiệp vài năm, do nguyên nhân lịch sử đặc biệt và hoàn cảnh gia đình, cô chuyển sang hoạt động trong lĩnh vực chính trị, nhưng bản thân Lý Nạp không mấy yêu thích chính trị, chỉ thích đọc, ghi chép những sách sử về chính trị, lịch sử.

Phần lớn sách trong phòng cô đều là sách lịch sử, bao gồm sách giáo khoa, công trình nghiên cứu, truyện ký nhân vật, hồi ký,… trong lịch sử Trung Quốc và lịch sử thế giới. Ở đó có cả một số thư tịch giới thiệu về tình hình các nước được xuất bản từ thập niên 70.

Suốt đời, Mao Trạch Đông đã đọc 17 lần cuốn “Tư trị thông giám”, đọc 5 lần tiểu thuyết “Hồng Lâu Mộng”, Lý Nạp cũng có một bộ khác, đặt trên giá sách.

Mao Trạch Đông nhiều lần nhắc tới câu nói của Từ Lão (Từ Đặc Lập) – một thầy giáo ở Hồ Nam: “Không động bút thì không đọc sách” và nhấn mạnh ảnh hưởng của cách làm này đối với ông.

Hôm đó, sau giờ lên lớp, thầy Từ Đặc Lập ngồi đọc sách trong phòng nghỉ, Mao Trạch Đông bước vào thỉnh giáo: “Thưa thầy Từ, thầy có thể chia sẻ kinh nghiệm đọc sách của thầy với chúng em không ạ?” Từ Đặc Lập trả lời:

“Nhuận Chi, thầy cho rằng đọc sách cần giữ một chữ ít, không sợ đọc được ít sách, nhưng phải đọc hiểu, đọc thông. Thông qua suy ngẫm của mình để đo chất lượng của sách, cần dùng bút để đánh dấu những chỗ quan trọng, cần viết lại trên trang đầu cuốn sách ý kiến và cảm tưởng của mình, cần có một cuốn sổ để ghi lại những chỗ hay trong sách.

Tóm lại, tôi kiên trì “không động bút, không đọc sách”. Đọc sách như vậy, mặc dù chậm một chút, nhưng đọc câu nào vào câu đấy, đọc cuốn nào vào cuốn đấy, không chỉ có thể nhớ được lâu, mà còn có thể hiểu thấu suốt.”

Suốt đời, Mao Trạch Đông đã làm theo lời dạy của thầy Từ Đặc Lập. Bất chấp những năm tháng chiến tranh, cứ đọc sách đọc báo là Mao Trạch Đông phải cầm bút. Biển sách vĩ đại mà Mao Trạch Đông để lại – những cuốn sách mà ông đã đọc – đều có những dấu khuyên và bút tích của ông.

Khi đi học, Lý Nạp cũng học cha mà nuôi dưỡng thói quen này, bất kể trong hoàn cảnh nào, bên cạnh cuốn sách của cô cũng có cây bút. 

Phòng sách của Lý Nạp cũng là một thảm cỏ thơm trong tâm hồn cô. Ở đó mỗi cuốn sách đều lưu giữ những hồi ức quý báu, mỗi cuốn sách đều mang những dấu vết ngày qua, ở đó cũng có hình ảnh đẹp của Lý Nạp và Vương Cảnh Thanh những ngày hạnh phúc.

Phòng sách của Lý Nạp có treo một bức ảnh màu cỡ lớn, một mặt nước biển in màu da trời, Lý Nạp và Vương Cảnh Thanh kề bên nhau, gió biển nhẹ thổi, làm bay vài lọn tóc trước trán Lý Nạp. Lý Nạp không đeo kính, đôi mắt to sâu thẳm đang xúc động ngắm bờ biển bát ngát.

Bức ảnh này khiến người xem như bị chấn động, nó gợi những liên tưởng và khát vọng. Lý Nạp gửi tình yêu vào biển cả, sâu xa trong lòng cô là “Đại vũ lạc u yến, bạch lãng thao thiên” (Mưa lớn rơi xuống con chim én lặng lẽ, sóng bạc tung trời), hay “đào hoa nguyên lí khả canh điền”, là cái nhìn thấu suốt thương hải tang điền, là cuộc sống thăng trầm, đạm bạc.

Cùng kết hợp hài hòa với bức ảnh này là những ấn tượng đến từ phòng khách kế bên thư phòng của Lý Nạp, treo một bức đề từ của Mao Trạch Đông viết tặng: “Thế sự động minh giai học vấn, nhân tình luyện đạt diệc văn chương”.

Bức đề từ này không ghi ngày tháng cụ thể, nhưng vĩnh viễn lưu lại mối tình cha con sâu nặng của một nhân vật ấn tượng của thế kỷ, làm lay động Trung Quốc hôm qua và hôm nay… 

  • Hòa Trai (Theo Trung Hoa Văn Cảo)
;
.
.
.