Thứ Tư, 04/07/2012, 06:27 [GMT+7]
.
.

Thượng tá Trần Đức Châm: Phạt nặng có thôi bán dâm?

(Đời sống) - "... Chúng ta cần phải có mức phạt như thế nào cho phù hợp. Gái mại dâm thường nghèo. Nếu phạt nhẹ thì tính răn đe không cao, còn phạt nặng thì liệu rằng họ có tiền để nộp phạt hay không?" - Thượng tá Trần Đức Châm, GV ĐH An ninh Nhân dân nói.


Quốc hội vừa thông qua Luật xử lý vi phạm hành chính trong đó có việc bỏ quy định đưa gái mại dâm vào cơ sở chữa bệnh, thay vào đó chỉ phạt hành chính những đối tượng vi phạm.

Lý giải quyết định này, Thượng tá Trần Đức Châm, GV Đại học An ninh Nhân dân cho rằng, có thể cơ quan chức năng thấy công tác quản lý đã tốt, hoặc không muốn để gái bán dâm mặc cảm khi phải vào các cơ sở chữa bệnh.

PV: - Nhiều ĐBQH cho rằng việc phạt hành chính gái bán dâm rồi thả ra nghĩa là cho tồn tại, như vậy sẽ không đem lại hiệu quả như mong muốn và đó là cách giải quyết nửa vời. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Thượng tá Trần Đức Châm: - Tôi chưa có điều kiện nghiên cứu sâu về vấn đề này và cũng chưa biết chính sách đó dựa trên cơ sở thực tiễn gì, về mặt pháp luật hay về mặt con người, xã hội.

Nhưng có lẽ chúng ta cũng sẽ thử xem như thế nào. Việc quản lý các đối tượng này rất khó, đó là vấn đề nhạy cảm.

Những đối tượng được đưa vào trung tâm cũng chỉ là đối tượng đã phát hiện được, còn nhiều đối tượng khác có phát hiện được đâu.

PV: - Nhiều người cho rằng biện pháp trên gần như tạo điều kiện cho xu hướng hợp pháp hóa hoạt động mại dâm?

Thượng tá Trần Đức Châm: - Bây giờ để nói là ủng hộ thì không phải. Tôi chỉ nói rằng khi chúng ta chỉ xử phạt hành chính rồi thả ra, so với những hình thức trước đó thì có những mặt tích cực và hạn chế của nó.

Đối với hình thức này, nhiều người cho rằng phải xử phạt rất nặng. Đây cũng là một trong những hình thức để răn đe các cô gái không quay trở lại con đường trước kia, đồng thời giúp họ không mặc cảm, tự nhận thức được hành động của mình.

Để có được điều này thì công tác quản lý, pháp luật phải nghiêm minh và việc thực thi pháp luật phải rất tốt.

Cũng giống như ở nhiều nước có nhiều hình thức giáo dục trẻ em làm trái pháp luật rất mở, nhưng điều kiện cơ sở, vật chất của họ rất phát triển thì đây cũng là tạo điều kiện cho người bán dâm sống với cộng đồng và tự họ nhận thức, sống trong một môi trường quản lý mới.

Tuy nhiên, theo tôi tính răn đe của biện pháp trên không cao, bởi ngay với những hình thức kia (bắt buộc đi chữa bệnh, cải tạo - PV), tệ nạn mại dâm còn diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng và trẻ hóa về độ tuổi. Vì thế, cần phải tìm một biện pháp mới phù hợp hơn.

Vừa rồi có Chỉ thị 65 của Bộ VH-TT&DL về vấn đề xử phạt nghệ sĩ ăn mặc hở hang. Có người cho rằng càng phạt nặng thì nghệ sĩ càng sợ nhưng cũng có ý kiến là mức phạt như thế so với mức thu nhập của nghệ sĩ không là gì cả.

Với tệ nạn mại dâm cũng vậy, chúng ta cần phải có mức phạt như thế nào cho phù hợp. Gái mại dâm thường nghèo. Nếu phạt nhẹ thì tính răn đe không cao, còn phạt nặng thì liệu rằng họ có tiền để nộp phạt hay không?

Dù theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, gái mại dâm có thu nhập khoảng 10,6 triệu đồng/tháng nhưng đó chỉ là một nhóm thôi, như gái mại dâm hạng sang, người mẫu, diễn viên, còn có nhiều mức thu nhập khác nhau.

Khổ một nỗi, nghệ sĩ thì anh có thể quản lý được, nếu vi phạm có thể bị cấm biểu diễn. Còn gái bán dâm, nếu bắt rồi nộp phạt, sau đó thả ra, họ vẫn đi khách và mình không quản lý được.

Thượng tá Trần Đức Châm.
Thượng tá Trần Đức Châm.

PV: - Nếu chúng ta không quản lý được thì làm sao xóa bỏ được mại dâm?

Thượng tá Trần Đức Châm: - Mại dâm là một tệ nạn cần phải loại trừ, muốn loại bỏ không phải một sớm một chiều. Nguyên nhân sâu xa của nạn mại dâm ở nước ta là do kinh tế.

Nếu mỗi người đều có cuộc sống ổn định, nghề nghiệp có thu nhập thì tôi tin rằng lúc đó chúng ta sẽ xóa được tệ nạn mại dâm.

Nhưng nói như thế không phải là chúng ta cứ đợi đến lúc đó. Chúng ta phải làm bằng nhiều biện pháp để tệ nạn này không phát triển. Nhưng làm được là một điều rất khó.

PV: - Thưa ông, việc quản lý đã khó, mức phạt không đủ tính răn đe trong khi nền kinh tế đang trở nên khủng hoảng. Ông có nghĩ rằng sẽ có nhiều người đi vào kinh doanh vốn tự có này không?

Thượng tá Trần Đức Châm: - Tôi không nghĩ vậy. Không phải ta chỉ xử phạt như thế rồi sẽ làm tăng mại dâm lên đâu. Người bán dâm tăng hay không tăng là do mặt trái của nền kinh tế thị trường, sự phân hóa giàu nghèo và cuộc sống của họ, còn cái kia chỉ là một tác động nhỏ thôi.

Rất ít phụ nữ nghĩ rằng vì xử phạt thấp mà có thể lao vào kiếm tiền bằng cách đó. Chỉ có những cô gái đã làm nghề bán dâm mới dễ quay lại con đường cũ. Quan trọng là chúng ta phải ngăn được những người sắp bước vào con đường này.

 

Người đẹp Mỹ Xuân bị bắt trong một lần bán dâm và môi giới bán dâm
Người đẹp Mỹ Xuân bị bắt trong một lần bán dâm và môi giới bán dâm

PV: - Có cung ắt có cầu, tệ nạn mại dâm vẫn gia tăng. Vậy đã đến lúc chúng ta xem xét thành lập các khu đèn đỏ, coi mại dâm là một nghề, thưa ông?

Thượng tá Trần Đức Châm: - Ở một số nước có thể như vậy vì nó phù hợp với văn hóa hoặc nếu có lợi. Còn với nước ta, quan điểm là phải chặn đứng được tệ nạn mại dâm, tiến tới loại trừ.

Theo tôi, trong giai đoạn này vẫn phải đấu tranh, ngăn chặn tệ nạn mại dâm sau đó có những giải pháp giúp đỡ các đối tượng bán dâm chứ không nên hợp thức hóa mại dâm bởi nó không phù hợp với thuần phong mỹ tục, đạo đức lối sống của dân tộc ta.

Thứ nữa, nó tác động và ảnh hưởng đến sự ổn định và phát triển xã hội về mặt kinh tế, đạo đức, lối sống, sức khỏe, giống nòi.

Đi liền với nó là những hành vi vi phạm pháp luật khác như ma túy, tội phạm...

PV: - Theo ông, chúng ta có nên thành lập những hội nghề nghiệp để bảo vệ các đối tượng bán dâm?

Thượng tá Trần Đức Châm: - Nếu để bảo vệ gái mại dâm với tư cách là nạn nhân bị các đối tượng xấu lợi dụng thì trách nhiệm của xã hội là phải tạo điều kiện cho họ hoàn lương.

Còn nếu thành lập các hiệp hội bảo vệ gái mại dâm có nghĩa là ở một góc độ nào đó ta lại thừa nhận nó, điều này có thể gây hiểu lầm.

Cần phải nhận thức mại dâm là tệ nạn cần loại trừ, còn chúng ta bảo vệ không phải là bảo vệ gái mại dâm mà bảo vệ một con người thực sự, để con người đó không bị đi vào con đường mại dâm, không bị người khác chà đạp lên nhân phẩm.

PV: -Từ trước đến nay những người bán dâm khi bị bắt thường bị công khai danh tính, trong khi những người mua dâm lại không. Ông có thấy điều này là một sự bất bình đẳng?

Thượng tá Trần Đức Châm: - Hành vi mua dâm và bán dâm đều sai trái cả nhưng vì tính nhân văn, thông tin người mua dâm không được công khai vì có thể làm tan nát gia đình hoặc gây ra hậu họa lớn.

Còn đa số các đối tượng bán dâm đều chưa có gia đình, hoặc có gia đình nhưng vì mâu thuẫn nên mới đi vào con đường đó.

Theo xét nghĩa thông thường, đây đúng là một sự bất bình đẳng nhưng nên xét tương quan với nhiều thứ khác nữa.

PV: - Thưa ông, ở nhiều nước trên thế giới không thể kể hết những vụ dính dáng đến bê bối mua dâm đình đám, từ chính khách cho đến những ngôi sao bóng đá hay diễn viên, tất cả đều được công khai và bị dư luận lên án không thương tiếc. Còn ở nước ta thì ngược lại. Phải chăng có sự khác biệt giữa hành vi mua dâm giữa các nước phát triển và đang phát triển?

Thượng tá Trần Đức Châm: - Thực ra, đừng có nghĩ hợp pháp hóa tức là coi cái đó là tốt.

Ở nước ngoài cũng thế, nhiều nước vẫn có khu đèn đỏ riêng nhưng đã là người có địa vị thì đến những nơi đó đều là không tốt.

Còn việc công khai trên có thể do nhận thức, văn hóa của đất nước họ, đối với họ như vậy là bình thường. Ở phương Tây, ý thức thực thi luật pháp khác với mình nếu anh vi phạm, anh vẫn bị xử lý như thường.

Nhưng ở Việt Nam, có những cái về văn hóa, truyền thống, giữa tình và lý mà không thể một sớm, một chiều có thể thay đổi được.

  • Khải Nguyên (Thực hiện)
;
.
.
.