PGS. TS – Nhà văn Ngô Văn Giá:

Căn tính nông dân ở người Hà Nội gây ra 'văn hóa bún mắng, cháo chửi'

Thứ tư 04/07/2012 06:34
(GDVN) - “Chính cái mặt trái của căn tính nông dân quen chửi bới vẫn đang tồn tại trong một bộ phận người Hà Nội; cùng sự nhốn nháo của đời sống đô thị hiện nay, khiến cho người nào cũng sống căng thẳng, ăn nói bạo lực hơn. Rồi trình độ dân trí thấp, sự thiếu văn hóa kinh doanh… đã dẫn đến cái văn hóa xấu bún mắng, cháo chửi ở đây”…, PGS.TS - nhà văn Ngô Văn Giá nhấn mạnh.
Xung quanh câu chuyện về văn hóa phục vụ của không ít nhân viên, chủ nhà hàng, cửa hàng dành cho khách hàng trên mảnh đất Hà Nội đã lưu danh thành tiếng xấu như: "bún mắng, cháo chửi, đốt vía...", tòa soạn đã nhận được rất nhiều ý kiến khác nhau của độc giả.

Để bạn đọc có cái nhìn toàn diện, khách quan hơn về câu chuyện này, phóng viên báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với PGS.TS – nhà văn Ngô Văn Giá, Trưởng khoa Viết văn – Báo chí (trường ĐH Văn hóa Hà Nội) xung quanh vấn đề này.

"người nào cũng sống căng thẳng, ăn nói bạo lực?"

PGS.TS - nhà văn Ngô Văn Giá, Trưởng khoa Viêt văn - Báo chí, Trường ĐH Văn hóa Hà Nội.

Bạn đã bao giờ đi ăn mà gặp phải kiểu: ăn bún bị mắng, ăn cháo bị chửi?

  • Nhiều lần
  • Thỉnh Thoảng
  • Chưa bao giờ
  • ý kiến khác

Theo PGS.TS - nhà văn Ngô Văn Giá cho biết, tuy chưa trực tiếp phải hứng chịu cảnh “bún mắng, cháo chửi” ở các quán hàng tại Hà Nội nhưng ông cũng đã không ít lần được nghe, chứng kiến không ít khách hàng, đồng nghiệp, bạn bè phải chịu đựng những cảnh tương tự như vậy phản ánh lại.

“Bún mắng, cháo chửi quả thực đang là một thực tế đáng buồn, nó biểu hiện cho sự xuống cấp trong văn hóa ứng xử, thiếu văn hóa trong kinh doanh của một bộ phận người Hà Nội mới hiện nay”, PGS.TS – nhà văn Ngô Văn Giá cho hay. 

Cũng theo PGS.TS - nhà văn Văn Giá, việc xuất hiện những cảnh “bún mắng, cháo chửi” này, đang cho thấy một nghịch lý trong kinh doanh: “Lẽ ra trong cơ chế kinh tế thị trường, khách hàng luôn được coi là thượng đế. Nhưng hiện nay có một bộ phận không nhỏ các chủ nhà hàng, cửa hàng, thậm chí đến các nhân viên lại đảo ngược lại vị trí, tự cho mình cái quyền làm thượng đế rồi mắng mỏ, cạnh khóe, thậm chí chửi đổng, xúc phạm, hành hung khách hàng”.

Về nguyên nhân của “văn hóa chửi” trong kinh doanh của một bộ phận người ở Hà Nội, PGS. TS – nhà văn Ngô Văn Giá nhấn mạnh: “Đầu tiên phải nói đến, đó chính là do cái mặt trái của căn tính người nông dân quen chửi bới vẫn đang tồn tại trong một bộ phận người Hà Nội hiện nay.

Và thứ nữa là sự nhốn nháo của đời sống đô thị hiện nay đã khiến cho người nào cũng sống căng thẳng, ăn nói bạo lực hơn, trắng trợn hơn… Bên cạnh đó, cũng phải nói đến, là do trình độ dân trí thấp, một bộ phận các chủ nhà hàng, nhân viên không được giáo dục đến nơi đến chốn, thiếu đi văn hóa trong kinh doanh… Những điều đó dẫn đến văn hóa xấu lưu danh như bún mắng, cháo chửi”

Giải thích cho sự đông khách của những quán ăn kiểu “bún mắng, cháo chửi” này, PGS.TS – nhà văn Văn Giá cho rằng: “Người ta đến ăn uống, mua sắm, ai cũng sẽ tâm niệm và mong muốn nhận được sự chu đáo, ân cần của nhân viên, chủ hàng dành cho mình. 

Còn có một số người khi đi ăn, thấy những cảnh mắng chửi của chủ hàng nhưng vẫn đến, điều đó, thể hiện thái độ thờ ơ, bỏ ngoài tai, coi không là gì cả, mà hơn thế đó là, những người đó coi mình cao hơn người bán hàng, coi những người bán chỉ là thứ không thèm chấp. 

Còn với ai đó mà còn cho rằng thích thú những cảnh bún mắng, cháo chửi này thì đó là sự thích thú bệnh hoạn, không chấp nhận được”.

Trước một số ý kiến cho rằng, văn hóa “bún mắng, cháo chửi” là do người tỉnh lẻ mang tới chứ không phải là nét văn hóa của người Hà Nội gốc, PGS.TS – nhà văn Văn Giá nhận định:

“Ở đâu cũng có người tốt, người xấu, người thanh lịch, bất lịch sự, tôi không bênh người Hà Nội gốc nhưng đa số họ vẫn thẩm thấu được nét văn hóa thanh lịch, tao nhã của người Tràng An nên số lượng sẽ ít hơn. Còn người dân từ các tỉnh lẻ khác di cư về thủ đô mang theo mặt trái của căn tính nông dân thích chửi bới thì chắc chắn số lượng người rơi vào bún mắng, cháo chửi là nhiều hơn”.

Ảnh minh họa/ Nguồn: Internet

Bạn thấy ở đâu hay có kiểu bún mắng, cháo chửi?

  • Hà Nội
  • Thanh Hóa
  • Sài Gòn
  • Huế



Mặc dù “bún mắng, cháo chửi” đang là một thực tế biểu hiện cho sự xuống cấp của một bộ phận người Hà Nội mới nhưng PGS.TS – nhà văn Văn Giá vẫn trấn an: “Cho dù thế, văn hóa của người Hà Nội, một mặt là thẩm thấu tất cả những cái hay, cái tinh túy của nơi khác.

Mặt khác sau khi thẩm thấu nó kết tinh, tạo ra vẻ đẹp văn hóa đô thị và đến lượt nó, nó có khả năng lan tỏa, cảm hóa những cái xấu, cái dở từ nơi khác đến. Đó là điều chắc chắn”.

"Sẽ phải học rất nhiều từ văn hóa phục vụ của người Sài Gòn"

Là người đã từng có dịp được đi nhiều nơi cả trong nước và trên thế giới, PGS.TS - nhà văn Ngô Văn Giá nhận xét: “Dù rằng ở nhiều nơi khác cũng có những cảnh thô bạo với khách hàng nhưng về cơ bản ở Hà Nội vẫn là chiếm chủ yếu.

Ở nhiều nước, ngay như nước Lào bên cạnh chúng ta thôi thì, thái độ phục vụ với khách hàng cũng rất ân cần, lịch sự chứ không có những kiểu mắng chửi như ở chúng ta”

PGS.TS – nhà văn Văn Giá cũng đánh giá: “Ngay cả văn hóa phục vụ giữa Sài Gòn và Hà Nội cũng có nhiều cái khác biệt. 

Tôi đã đi và thấy từ các cửa hàng ăn, ngôi chợ của Sài Gòn đều có thái độ phục vụ rất ân cần, lịch sự, chu đáo, thân thiện. Họ sẵn sàng cho ta nếm, thử các thứ đồ, rồi mua hay không thì tùy...

Còn nếu như ở ngoài Bắc nói chung, Hà Nội nói riêng, vào buổi sáng sớm, nếu ai mà đi vào cửa hàng hoặc chợ mua hàng mà nếm, thử thì nhân viên, chủ hàng sẽ có thái độ rất vô văn hóa, lườm nguýt, chửi bới, thậm chí đốt vía ngay trước mặt khách…

Thực tế người buôn, kẻ bán ở Hà Nội sẽ còn phải học rất nhiều từ thái độ, phong cách, văn hóa phục vụ khách hàng của người Sài Gòn”.

Cũng theo PGS.TS – nhà văn Văn Giá, để có thể xóa được “văn hóa bún mắng, cháo chửi” này, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ, kiên nhẫn của truyền thông trong việc tuyên truyền, nhà trường, gia đình trong việc giáo dục, sự ý thức, nêu gương của những người lớn đối với con trẻ; đồng thời là sự quyết liệt của các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra và xử phạt thật nghiêm những hàng quán, người vi phạm.

"Và một vai trò không thể thiếu đó là ý thức của chính những khách hàng khi vào ăn tại các nhà hàng này cần phải được nâng cao; cần tẩy chay những nhà hàng nào có bún mắng cháo chửi, tố giác với các lực lượng chức năng về các hành vi vô văn hóa đó", PGS.TS - nhà văn Văn Giá chia sẻ.

Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết, những hình ảnh, đoạn video về những dịch vụ và văn hóa ứng xử trên cả nước theo địa chỉ: [email protected] hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY

Thành Chung

Bình luận (8 bình luận)

Sắp xếp theo:
1 - hoa sim - 04/07/2012 23:02
Tại sao khách hàng không tẩy chay những hàng "bún mắng, cháo chửi" mà cứ gầm đầu ngồi ăn ?
2 - nguyên xuân vũ - 04/07/2012 13:47
PGS-TS nhà văn Ngô Văn Giá đánh giá cái căn nguyên vô văn hóa của chốn thị thành lại là bản chất căn nguyên của người Nông dân tôi coi đây là một nhận xét không ổn đến tầng lớp Nông dân trong mọi thời đại .
Cái văn hóa yếu kém là do môi trường ở đó tạo nên , Hà Nội vốn là thành thị có trên ngàn năm văn hóa cơ mà? nguồn gốc nông dân trong họ chắc đã phai nhạt hết rồi còn đâu nữa để nói là căn tính Nông dân còn ở trong họ .
Xô bồ tranh giành ở phố thị, thiếu gắn kết cộng đồng, nhà ai biết nhà nấy,dẫn đến vô cảm , nhà chung tường có người mất không qua thắp cho người quá cố nến hương..., lòng người được đóng ngăn kín kẽ.
Còn ở nông thôn , người nông dân nhân hậu , thật thà ,họ còn ngây thơ tin vào luật nhân quả nên sống rất có trước có sau ,lòng người thì rộng mở , tính cộng đồng rất cao : những đứa trẻ con thôi mà nó cũng nhớ gần hết những tên người trong cả một thôn có đến cả ngàn người,họ có cuộc sống rất đầm ấm và đầy tình người" Tắt lửa tối đèn có nhau".
Còn cái cảnh chửi bới ở chợ rất ít gặp vì là chợ ở làng nên toàn gặp người làng cả mà , nếu chửi bới nhau thì thấy xấu hổ với làng nước .
3 - Trần Văn. - 04/07/2012 11:50
Hết đổ thừa cho tỉnh lẻ bây giờ lại đổ cho nông dân.Người bán vô văn hoá đã đành, còn khách hàng thì sao? Có bao nhiêu phần trăm là người tỉnh lẻ hay nông dân đến ăn hàng? Đều là người của Thủ đô cả. Thanh lịch để ở đâu? Bị xúc phạm đến thế mà vẫn cứ rồng rắn kéo đến, gục mặt xuống ăn.
4 - TruongLe - 04/07/2012 11:32
Quy luật của xã hội có tính chất loại bỏ, Người Hà Nội và những người có văn hóa lẽ nào không hiểu đuọc điều đó sao mà để những "tệ nạn chửi" này tồn tại giữa chốn phồn hoa đô thị gây ảnh hưởng tới hình ảnh Thủ Đô nước nhà, mọi người phải lên án và loại bỏ những thành phần xấu này chứ (tẩy chay chẳng hạn). Nói tới đây mình cũng xin phê bình văn hóa giao tiếp của người Bắc ta, tại sao nói chuyện với nhau lại cứ có câu cửa miệng đầu tiên "D** mẹ" là sao? Chính cái lối nói chuyện hàng ngày này đã làm ảnh hưởng xấu tới Hình ảnh phố cổ đấy.
5 - nong dan - 04/07/2012 09:59
pgs.ts oi dung do cho nong dan.nong dan tot va that tha hon nguoi ha noi nhieu.van hoa cho bua la cua ha noi.vao cong so thi quan lieu tieu cuc hon cac tinh,xay dung quy hoach cung kem cac tinh.cac cong trinh treo bien 1000 nam thang long xuống cấp het roi.ha noi nen di hoc cac tinh ma quy hoach ma song cho co van hoa.toi cung la nguoi ha noi ma dau long vi su xuong cap nay
6 - Trần Tiến - 04/07/2012 09:55
Cách đây khoảng 25 năm,tôi ra học ở HN. Chúng tôi là dân tỉnh lẻ và thường nem nép trước những cái lườm, nguýt và các câu chửi của dân HN chính gốc. Các bạn thử tượng tưởng "nhà quê lên tỉnh" như thế nào. Không riêng gì HN, ở đâu cũng vậy, người nông dân luôn chất phác hiền hoà, còn chửi bới đanh đá thường thấy ở những người buôn bán phố chợ. Tại sao vậy? bởi vì họ luôn phải giành giật cạnh tranh trong cuộc sống đắt đỏ chốn đô thị.Hơn nữa, họ cho rằng mình cao sang hơn mấy gã nhà quê. Một người HN "chính gốc" sẽ chửi "gã nhà quê" thậm tệ hơn chửi một người HN "chính gốc" khác. HN là đô thị danh giá nhất VN nên người HN "gốc" luôn nghĩ rằng mình là "quí tộc" danh giá nhất.
7 - Đỗ Hoài Hương - 04/07/2012 08:42
Tôi hoàn toàn không đồng ý với PGS.TS - nhà văn Ngô Văn Giá khi ông nói : "Căn tính nông dân ở người Hà Nội gây ra văn hóa bún mắng, cháo chửi".
Nông dân thuần chất không có văn hóa đó mà chỉ có ở một nhóm loại cư dân đô thị, đặc biệt tập trung ở Hà Nội, kể cả thất học lẫn có học, nơi mà nhóm người dân đó tự cho mình là công dân loại 1 của đất nước. Xin GS Giá nên có cái nhìn khác hơn khi đánh giá nông dân.
8 - Quỳnh Anh - 04/07/2012 08:22
Tôi là người sinh ra là lớn lên ở nông thôn, ra Hà Nôi sống đã được gần 30 năm. Tôi không đồng tình với ý kiến của ông Giá. Ông Giá lấy bằng cớ nào nói đó là cái mặt trái của căn tính người nông dân quen chửi bới? Bản thân tôi khi từ nông thôn bước chân ra Hà Nội đã từng bị sốc về văn hóa chửi bới ở đất này. Sài Gòn và Hà Nội đều có cùng một xuất phát điểm nhưng may mắn cho Sài Gòn là họ có thời gian tha hóa về văn hóa ít hơn Hà Nội hay nói đúng hơn chưa tha hóa nhiều thôi. Đó là hậu quả của một thời gian dài chúng ta chỉ chú trọng đến cái gọi là "tiên tiến" mà ít quan tâm đến bản sắc văn hóa, bỏ quên truyền thống gia đình.
mèo ú - 04/07/2012 13:35
đồng ý với bạn, ông bà cô bác mình cũng là nông dân nè, có thấy ai chửi bới gì đâu, ở dâu ra cái nhận định chửi bới là căn tính của nông dân vậy không biết