Một trong số những tác phẩm thơ của ông Chung được chọn xuất bản.
Về xã Diễn Thái hỏi ông Trần Văn Chung chuyên sáng tác Thơ ca thì ai cũng biết và chỉ đường tường tận. Người dân địa phương vẫn thường gọi ông Chung với cái tên đầy trìu mến như “Nhà thơ chân đất”, “ông Chung sáng tác dân ca”. Chính vì thế nên để gặp được ông không phải là chuyện khó.
Ông Trần Văn Chung sinh năm 1942 ở một miền quê quanh năm luôn gắn bó với cây lúa, đồng ruộng và con trâu... Năm 18 tuổi, ông Chung đã tham gia lớp Trung cấp Lâm nghiệp. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chàng thanh niên Trần Văn Chung đã đi theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc, hăng hái lên đường nhập ngũ.
Năm 1972, ông Chung vào quân ngũ với chức vụ Trung sỹ và tham gia chiến đấu tại các chiến trường Lào, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương kháng chiến hạng Nhì. Năm 1977, khi đất nước không còn bóng quân thù, chàng trai Trần Văn Chung rời quân ngũ và trở về quê hương tham gia sản xuất.
Ngoài sáng tác Thơ, ông Chung còn sáng tác Dân ca, chèo và là người thầy tập luyện cho các nghệ sỹ CLB hát Dân ca Diễn Thái.
Kể về duyên nợ với Thơ, ca ông tâm sự: “Tôi sinh ra và lớn lên ở cái nôi của Dân ca, ví dặm. Từ những ngày còn nhỏ tôi đã được bố mẹ dạy hát những bài dân ca và cũng có niềm đam mê từ đó. Năm tôi 18 tuổi cũng là năm tôi bắt đầu cầm bút sáng tác thơ và sáng tác những bài dân ca. Ban đầu chỉ sáng tác theo kiểu gieo vần nhưng về sau được đọc nhiều tác phẩm thơ trên các tuyển tập và được hiểu sâu hơn về bản chất của mỗi thể thơ nên tôi lại càng yêu và sáng tác có quy luật, sáng tác nhiều thể loại”.
Với tinh thần yêu thơ ca và mạch nguồn cảm xúc chảy trong máu, nhà thơ nông dân Trần Văn Chung không ngừng cho ra đời những tác phẩm để đời. Tính đến nay, toàn tập của cụ có 150 bài bao gồm thơ Đường, thơ Lục bát, Song thất lục bát, thơ tự do. Trong tổng số 150 bài thơ của ông có 50 bài được Hội UNESCO Thơ Đường (Việt Nam) chọn xuất bản. Ngoài ra, nhiều tác phẩm thơ của ông còn được bình chọn và in trong các tuyển tập như: Hương cổ điển, Thơ Đường luật Việt Nam, Thắp sáng Đường thi, Tôi yêu Hà Nội…
Năm 2008, ông Trần Văn Chung là Hội viên Câu lạc bộ UNESCO thơ Đường Việt Nam.
Mở từng trang sách có xuất bản thơ của mình ông cho biết: “Niềm đam mê thơ, ca đối với tôi chưa bao giờ nguôi. Nhiều đêm tắt đèn nằm ngủ nhưng nghĩ ra tứ thơ hay lại vùng dậy sáng tác. Có lần tôi đang cày ruộng thì nghĩ ra những câu thơ hay về người lao động nên đọc đi đọc lại để nhớ, khi cày xong thì về nhà chép vào sổ”.
Không chỉ sáng tác Thơ, ông Trần Văn Chung còn cho ra đời nhiều tác phẩm Dân ca. Ông cho biết, do sinh ra và lớn lên tại vùng quê có truyền thống hát dân ca nên từ nhỏ đã mê hát những làn điệu dân ca hò ví. Cũng chính vì niềm đam mê và am hiểu cuộc sống lao động của người dân nên đã thôi thúc ông cầm bút sáng tác.
Trong suốt 50 năm qua, ông đã sáng tác trên 30 bài dân ca có giá trị văn học phục vụ sinh hoạt hát dân ca trong xã và trong huyện. Ngoài sáng tác thơ và dân ca ông Chung còn sáng tác Chèo và được các nghệ sỹ Câu lạc bộ hát dân ca xã Diễn Thái chọn biểu diễn như Tình ca người lính, Quê hương đổi mới, Đất nước con người, Chúc thọ…
Ông Trần Văn Chung bên những tác phẩm thơ của mình.
“Nhà thơ chân đất” Trần Văn Chung cùng người thân trong gia đình đang xem lại những bài thơ chuẩn bị cho xuất bản.
Ông Đinh Nhật Tân - phó chủ tịch HĐND xã Diễn Thái kiêm chủ nhiệm CLB Hát Dân ca Diễn Thái khẳng định: “Ông Trần Văn Chung là nhân vật chủ chốt của Câu lạc bộ hát Dân ca xã Diễn Thái. Ông không chỉ là người hát, người dạy hát cho thế hệ trẻ mà còn là người chuyên sáng tác Thơ. Đặc biệt, là Dân ca đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hát Dân ca tại địa phương. CLB hát Dân ca Diễn Thái luôn chọn những bài Dân ca của ông để biểu diễn. Những tác phẩm của ông thể hiện rõ cuộc sống và sinh hoạt của người lao động, thể hiện rõ tinh thần yêu non sông đất nước trong mỗi người”.
Mạch nguồn cảm xúc chảy mãi trong tâm hồn đã thôi thúc Trần Văn Chung không ngừng phấn đấu và sáng tác. Năm 2008, ông Chung là Hội viên Câu lạc bộ UNESCO thơ Đường Việt Nam. Nhà thơ chân đất Trần Văn Chung tâm niệm: “Dù làm việc gì, bất cứ nơi đâu chúng ta vẫn có thể sáng tác. Mê thơ, mê dân ca sẽ làm cuộc sống của chúng ta thêm sinh động và yêu đời”.
Minh Hậu - Nguyễn Duy