- Xã có việc của xã, huyện có việc của huyện. Trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, nhà nước, chính quyền xã làm ít việc thôi, còn lại xã hội tự làm. Khi ấy, đương nhiên số lượng cán bộ xã mà dân phải nuôi sẽ giảm.
Nếu cách đây 30 năm, ai đó nói rằng đến 2012, một xã ở Thanh Hóa có 500 cán bộ thì chắc không mấy ai tin. Nhưng nếu giờ đây ai đó lại bảo đến năm 2030, số cán bộ xã đó tiếp tục gia tăng thì sẽ có nhiều người tin. Niềm tin dựa trên một thực tế là cả hệ thống hành chính Việt Nam người ngày càng nhiều hơn, năm sau nhiều hơn năm trước. Người nhà nước ngồi ở bộ máy trung ương, bộ máy địa phương nhiều nhưng vẫn thiếu, thiếu mà lại vẫn thừa, đơn giản vì thiếu người giỏi, thừa người kém. Hiện tượng 500 cán bộ xã của Thanh Hóa không phải là cá biệt, mà là điều phổ biến trong chính quyền cấp xã cả nước ta.
Lại nhớ hiện tượng Lý Xương Bình của Trung Quốc. Từ 1983 đến 2000, Lý Xương Bình bốn lần giữ chức vụ bí thư đảng ủy ở 4 xã khác nhau. Là người am hiểu nông thôn, sát thực tế, thông cảm nỗi thống khổ của người nông dân, ông đã viết thư trực tiếp cho Thủ tướng Trung Quốc lúc bấy giờ là Chu Dung Cơ để báo cáo những nhận định chủ yếu của ông:
- Nông thôn thật nghèo,
- Nông dân thật khổ,
- Nông nghiệp thật nguy hiểm,
- Cán bộ xã nhiều như châu chấu,
- Nông dân phải đóng rất nhiều loại phí để nuôi “châu chấu”,
- Nông dân bỏ ruộng, bỏ làng quê ra thành thị, bởi càng nhận nhiều ruộng khoán, càng lỗ vì phí phải nộp cho xã/ sào canh tác vượt quá số thu được v.v...
Người dân xã nghèo Quảng Vinh, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa phải góp thóc để nuôi 500 cán bộ xã. Ảnh: NNVN |
Những phát hiện của Lý Xương Bình còn rất nhiều, nhưng cái giống Việt Nam nhất chính là số lượng cán bộ xã ngày càng gia tăng, phí ngày càng nhiều và càng nhiều đầy tớ thì ông chủ càng khổ hơn, càng khó khăn hơn.
Vậy đâu là cái gốc của vấn đề?
Trong hệ thống chính trị - hành chính Việt Nam, không xã nào, huyện nào, thậm chí không một tỉnh nào dám tự quyết một xã có lắm cán bộ như vậy. Về cơ bản là do Trung ương quy định.
Trung ương quy định địa phương có 3 cấp chính quyền là tỉnh, huyện, xã. Nhưng thực chất hiện nay phải là 3, 5 hoặc 4 cấp. Dưới xã ở nông thôn có thôn. Thôn có trưởng thôn, phó trưởng thôn, thôn có chi bộ, chi bộ có bí thư, phó bí thư. Dưới phường ở đô thị có tổ dân phố, trong đó có tổ trưởng, tổ phó. Dưới tổ dân phố có cụm dân cư. Cụm dân cư có cụm trưởng, cụm phó. Tương ứng là chi bộ tổ dân phố... Tất cả các chức danh này ít nhiều phải có phụ cấp hàng tháng để hoạt động.
Kèm theo là cơ cấu tổ chức và cán bộ của các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội nhu Mặt trận, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ... Đã là quy định của Trung ương thì phải nghiêm chỉnh chấp hành, sau đó mới là sáng tạo thêm ít nhiều căn cứ vào điều kiện, hoàn cảnh của từng địa phương. Điều này cũng giống như Trung Quốc. Những năm 80 của thế kỷ 20, các xã ở Trung Quốc thành lập thêm cấp khu quản lý là cấp trung gian giữa thôn và xã. Thêm cấp khu là thêm cán bộ. Việt Nam ta thêm tổ dân phố, thôn là thêm cán bộ.
Vậy đâu là nguyên nhân của “cái gốc” này? Sơ bộ có thể thấy:
1. Nhận thức về vai trò của nhà nước nói chung, về vai trò của xã nói riêng về cơ bản không có gì thay đổi lớn. Nhà nước vẫn ôm đồm, làm quá nhiều việc không phải đích thực là việc của mình cần làm trong giai đoạn hiện nay. Tại nhiều diễn đàn, hội nghị vẫn thấy nói hoài nhận định không còn phù hợp nữa, đó là: xã là nơi thực hiện mọi chủ trương, chính sách, pháp luật của cấp trên, của nhà nước. Mới nghe tưởng đúng, nghĩ kỹ hóa không phải. Nếu đúng thì 500 cán bộ xã vẫn là quá ít cho việc xã phải thực hiện tất cả mọi chủ trương, chính sách, pháp luật của nhà nước, mà nói vậy thì bộ máy huyện, bộ máy tỉnh phải giảm đến 3/5 con người để tăng cường cho xã.
Chính vì nhận thức như vậy mà nhiều bộ, ngành trung ương vẫn mong muốn và đề xuất xã phải có 1 công chức đảm nhiệm mảng lĩnh vực mà bộ, ngành đó phụ trách ở Trung ương. Theo quan niệm này phải có công chức (nếu không được thì ½ công chức) về văn hóa, thể dục thể thao, về nông nghiệp, nông thôn, về giáo dục, dân số kế hoạch hóa gia đình v.v...
Quan niệm đúng nghĩa là xã có việc của xã, huyện có việc của huyện và tỉnh có việc của tỉnh. Đúng hơn nữa là trong điều kiện của kinh tế thị trường định hướng XHCN thì nhà nước, chính quyền xã làm ít việc thôi, còn lại để xã hội, người dân tự làm.
Xa dân
2. Quản lý nhà nước ở tầm vĩ mô và vi mô hiệu quả thấp. Bù lại cái hiệu quả còn thấp này là sự gia tăng biên chế, gia tăng con người trong bộ máy. Càng tắc đường ở các đô thị lớn thì càng thấy nhiều công an giao thông hơn. Trật tự, trị an, đời sống dân cư ở xã, phường, nhiều tiêu cực, hỗn loạn thì càng cần phải có thêm người nhà nước làm nhiệm vụ tuần tra, canh giữ, phòng chống tội phạm...
3. Tính quan liêu, xa dân của chính quyền xã không giảm mà ngày càng gia tăng. Phường dựa vào tổ dân phố, tổ dân phố dựa vào cụm dân cư, xã dựa vào thôn... Có gì đã có cấp dưới lo, cấp dưới phải báo cáo lên. Theo cung cách này chắc còn phải cứ 10 hộ gia đình là 1 liên gia, có trưởng và phó liên gia để quản lý cho dễ, cho chặt.
4. Các tổ chức chính trị - xã hội có xu hướng hành chính hóa mạnh giống như bộ máy hành chính và do đó cán bộ ở các tổ chức này cũng gia tăng, làm cho số lượng cán bộ, công chức xã tăng theo.
Từ 4 nguyên nhân vừa nêu đã có thể hình dung phải làm gì để giảm bớt số cán bộ xã hiện nay.
- Một là, định lại cho đúng, cho phù hợp chính quyền xã phải làm những việc gì, từ rõ việc định ra con người. Đã có một cuộc điều tra xã hội học nào về ý kiến của người dân về vai trò, trách nhiệm, về sự cần thiết của tổ dân phố, thôn ở phường, xã hay chưa? Không hỏi thì từng người chúng ta vốn đang là cư dân ở thôn, ở tổ dân phố đều thấy các tổ chức này đã và đang làm gì theo đúng nghĩa là việc công? Đã có việc, việc đích đáng phải làm thì phải có cán bộ, phải có công chức để lo, hết sức tránh theo kiểu chính quyền xã có trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục, nên phải có công chức về giáo dục. Trường mầm non công lập, trường phổ thông cơ sở xã có chịu trách nhiệm xây dựng, xã có trả lương cho đội ngũ giáo viên hay không? Hay đây là việc của huyện? Tương tự như vậy ở các lĩnh vực khác.
- Hai là, đã xác định đúng việc, đúng người trong bộ máy thì phải trả lương tương xứng để cán bộ, công chức xã làm việc. Quên yếu tố này thì quản lý nhà nước ở xã sẽ lại thấp và bù lại phải tăng thêm người.
- Ba là, phát huy tính sáng tạo của dân, của xã hội theo phương châm nhà nước làm ít việc thôi, còn lại để xã hội, người dân tự lo. Khi đó, đương nhiên số lượng "châu chấu" sẽ giảm.
Đinh Duy Hòa (Vụ trưởng Vụ CCHC, Bộ Nội vụ)