Ông Medvedev lại đến thăm quần đảo Kuril và lần này trên cương vị TTg Liên bang Nga. Chuyến thăm đầu tiên của ông hồi mùa Thu năm 2010 trên cương vị tổng thống đã gây náo động ở Tokyo và châm ngòi một cuộc khủng hoảng trong quan hệ song phương.
Phản ứng của Nhật Bản là không thể khác trước vào thời điểm này. Chuyến thăm đầu tiên của ông tới quần đảo Kuril có thể được giải thích là do những cân nhắc chiến lược, nhưng chuyến thăm lần này lại khiến cho người ta cảm thấy khó hiểu.
|
Thủ tướng Medvedev thăm đảo Kunashir trong quần đảo Kuril.
Ảnh RIA Novosti
|
Theo bình luận viên Fyodor Lukyanov, nhiệm kỳ tổng thống của ông Medvedev được đánh dấu bằng sự quan tâm đến châu Á ngày càng tăng của Liên bang Nga và chuyến thăm quần đảo Kuril của ông là một phần của chiến lược hướng về châu lục này. Moskva đã thông qua chính sách hướng Đông để chứng tỏ là một cường quốc châu Á và không hề có ý định từ bỏ châu lục quan trọng này.
Chuyến thăm quần đảo Kuril đang tranh chấp là một cách lý tưởng để chứng minh sự quan tâm này trước Nhật Bản và các quốc gia châu Á khác, trong đó có Trung Quốc. Ngoài ra, chuyến thăm đầu tiên quần đảo Kuril của ông Medvedev cũng cho thấy sự quan tâm của điện Kremlin đến những vùng xa xôi của đất nước. Do đó, đây là một quyết định chính trị có lợi.
Chính phủ Nhật Bản khi đó muốn phản ứng gay gắt, nhưng sợ rằng điều này sẽ chỉ làm cho tình hình tồi tệ hơn. Chính phủ hiện nay của Đảng Dân chủ cầm quyền Nhật Bản, đứng đầu là TTg Yoshihiko Noda, hoạt động chuyên nghiệp hơn và kiềm chế hơn. Nhật Bản đang hy vọng tăng cường các mối quan hệ với Nga, ông Vladimir Putin đã trở lại điện Kremlin.
Điều này là dễ hiểu, vì một vài thành tựu khiêm tốn trong quan hệ Nga - Nhật Bản kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc đều liên quan đến ông Putin. Chúng bao gồm các dự án khí đốt Sakhalin và chuyến thăm Nhật Bản đầy hứa hẹn của TTg Putin trong năm 2009. Năm 2004, TT Putin thậm chí còn ám chỉ khả năng thỏa hiệp trong cuộc tranh chấp lãnh thổ, nhưng Tokyo đã bỏ qua các gợi ý này.
Rõ ràng, ông Putin không có ý định tranh cãi với Nhật Bản và lo ngại trước việc thay đổi tương quan quyền lực ở châu Á, đặc biệt là sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc. Ông biết rằng Nga sẽ phải nỗ lực cố gắng để duy trì một sự cân bằng trong khu vực này của thế giới.
Do đó, thật khó hiểu vì sao ông Medvedev lại thăm đảo Kunashir trong quần đảo Kuril. Tình hình không được cải thiện kể từ chuyến thăm trước đây của ông trong năm 2010. Thay vì ra lệnh cho các bộ trưởng đến thăm khu vực, ông thủ tướng lại đích thân đến đó. Chuyến thăm quần đảo Kuril lần thứ hai của ông Medvedev chỉ đơn thuần bộc lộ những gì chưa làm được trong hai năm qua.
Phản ứng của Nhật Bản đã được báo trước: không một chính phủ nào ở Tokyo sẽ bỏ qua hành động như vậy. Điều này có nghĩa là chuyến thăm đảo Kunashir của TTg Medvedev sẽ làm phức tạp thêm quan hệ song phương. Người ta có thể hiểu được nguyên do của chuyến thăm quần đảo Kuril của ông Medvedev khi đó, nhưng khó có thể hiểu chuyến thăm lần này của TTg Medvedev.
Quan hệ Nga - Nhật phụ thuộc nhiều vào tranh chấp lãnh thổ và chưa thấy có triển vọng giải quyết cuộc tranh chấp này. Các tài liệu lịch sử mà hai bên thu thập để chứng minh quyền sở hữu bốn hòn đảo của quần đảo Kuril không mang lại giải pháp thực tế cho cuộc tranh chấp. Nếu muốn giải quyết dứt điểm vấn đề này, hai bên phải thông qua một thoả thuận chính trị.
Tuy nhiên, một thỏa thuận kiểu này là rất khó xảy ra vì nó đụng chạm đến vấn đề uy tín quốc gia của cả Nga lẫn Nhật Bản. Nhưng nếu thừa nhận rằng một sự thỏa hiệp là có thể, khung thời gian để đạt được thỏa hiệp lại bị giới hạn bởi hai yếu tố: tình hình chính trị ở Nga và ở khu vực Thái Bình Dương, trong đó xoay quanh sự thay đổi về trọng lượng địa chính trị của Trung Quốc.
Về chính sách đối nội, một sự thỏa hiệp với Nhật Bản (như từ bỏ một vài hòn đảo) có thể xảy ra, nếu các cơ quan có thẩm quyền dám phớt lờ công luận. Nói cách khác, một quyết định như thế này chỉ có thể do một chính phủ quyết đoán (độc đoán) thực hiện. Nếu đưa ra trưng cầu dân ý, dân chúng sẽ “nói không” với thỏa hiệp này. Tình hình xem ra thuận lợi nhất cách đây 8 năm, nhưng bây giờ tình thế đã thay đổi khá nhiều.
Yếu tố thứ hai liên quan đến Trung Quốc. Tương quan lực lượng và ảnh hưởng trong quan hệ Nga - Trung Quốc là không có lợi cho phía Nga. Nếu xu hướng hiện nay vẫn tiếp tục tồn tại, trong vòng 5 - 7 năm nữa, chính sách đối ngoại của Nga đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ phải quan tâm nhiều hơn nữa đến ý kiến của Trung Quốc.
Nói cách khác, khả năng ảnh hưởng của Nga đối với khu vực sẽ bị hạn chế. Và Trung Quốc cũng không hài lòng với một thỏa hiệp Nga - Nhật Bản về vấn đề lãnh thổ vì nó sẽ tạo ra một tiền lệ khi mà Trung Quốc tranh chấp lãnh thổ với gần như tất cả các nước láng giềng ở Đông Á và Đông Nam Á.
Bình luận viên Fyodor Lukyanov kết luận: do tất cả các yếu tố khách quan về kinh tế, địa chính trị và an ninh, Nga và Nhật Bản cần cải thiện quan hệ. Tranh chấp lãnh thổ là trở ngại lớn nhất và không thể nào được giải quyết vào thời điểm hiện nay. Điều mà hai nước có thể làm là không làm cho tình hình trở nên căng thẳng hơn nữa.