(GDVN) -Đạo diễn Trọng Trinh cho rằng, văn hóa giao thông ở thủ đô kém hơn rất nhiều tỉnh thành khác trong nước, chưa nói gì tới việc so sánh với giao thông của các nước phát triển.
Câu chuyện văn hóa giao thông của người Hà Thành vốn đã làm đau đầu nhiều lãnh đạo ngành giao thông, thì nay lại càng thêm nhức nhối khi clip ông Tây chặn xe phân làn giao thông cho người dân thủ đô được lan truyền rộng rãi. Và tiếp sau đó là sự lên tiếng của nhiều nghệ sĩ, những người từng sống và làm việc ở Hà Nội. Tiếp tục góp thêm ý kiến cho vấn đề trên, phóng viên báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi ngắn với đạo diễn Trọng Trinh.
Đạo diễn Trọng Trinh nói, qua clip cho thấy có sự đối lập về ý thức giao thông của một người nước ngoài và những người Việt Nam đang đi ngược chiều. Người nước ngoài chặn xe phân làn giao thông cho thấy nền “văn minh giao thông”, nền giáo dục mà người đó được thụ hưởng.
Chính do nền “văn minh giao thông” ấy đã khiến họ không thể đứng yên trước hành vi vi phạm giao thông của những người bản địa. Ngược lại, ý thức giao thông, văn hóa giao thông của dân ta còn kém quá.
|
Đạo diễn Trọng Trinh: "Tôi sẵn sàng phân làn giao thông giống ông Tây" |
Với ý kiến cho rằng, hành động của ông Tây là điên rồ, không thể nào thay đổi được văn hóa giao thông ở thành phố như Hà Nội, đạo diễn cho rằng, chẳng có gì là điên rồ. Chẳng qua, đó là một hành động của một người có ý thức giao thông văn minh. Và đương nhiên sự văn minh lẻ loi, cô độc thì bị coi là điên rồ.
Rất ngạc nhiên, đạo diễn cho biết, thực chất việc làm của ông Tây không hề đơn độc. Bởi ông biết, có rất nhiều người gặp sự cố giao thông như tắc đường, hay đi ngược chiều đều xuống xe để yêu cầu mọi người tuân thủ luật. Và ngay bản thân ông là một ví dụ.
Đạo diễn nói, có lần, trên đường đi làm, trên một đoạn đường thông thường khá thoáng, nhưng bất chợt hôm đó bị tắc. Nguyên nhân là do một số người bán hàng rong bày hàng ra lòng đường và đứng nói chuyện. Ông đã xuống xe, giải thích và yêu cầu những người bán hàng tuân thủ luật. Do đó, nếu là ông Tây ấy, rất có thể đạo diễn Trọng Trinh cũng sẽ chặn xe, phân làn giao thông.
"Điều đó, không có gì đáng xấu hổ", ông khẳng định.
Với giả thiết, nếu ngành giao thông mời ông tham gia điều khiển giao thông trên một đoạn đường dễ ùn tắc, hoặc thường xuyên có người đi ngược chiều, ông có sẵn sàng nhập cuộc? Đạo diễn không ngần ngại nói “Có”.
Đạo diễn nói thêm, trong quá trình làm nghề, ông đã đi tới nhiều tỉnh thành trên cả nước và nhiều thành phố ở nước ngoài. Sau những chuyến đi, nhìn lại giao thông ở Hà Nội, ông mới nhận ra rằng, văn hóa giao thông ở thủ đô kém hơn rất nhiều tỉnh thành khác trong nước, chưa nói gì tới việc so sánh với giao thông của các nước phát triển.
Ví dụ cho điều này, ông nói, Đà Nẵng, TP. HCM đều là những thành phố lớn, mật độ dân số cao, nhưng ai đã từng đến các thành phố này đều nhận ra cách tham gia giao thông của con người nơi đây rất hiền hòa và rất hiếm khi xảy ra tình trạng vi phạm luật giao thông.
|
"Văn hóa giao thông ở thủ đô kém hơn rất nhiều tỉnh thành khác trong nước, chưa nói gì tới việc so sánh với giao thông của các nước phát triển"
|
Ngược lại, ở Hà Nội, chỉ cần có một va chạm giao thông nhỏ, người ta sẵn sang chửi bới, thậm chí xô xát nhau. Có những đoạn đường vào giờ cao điểm, người tham gia giao thông leo lên cả vỉa hè, lề đường để miễn sao có thể vượt lên được. “Tôi cho rằng, thời điểm ấy, ai cũng biết làm như thế là sai, nhưng bất kỳ lúc nào có cơ hội, người ta sẵn sàng phạm luật”, đạo diễn chia sẻ.
Bày tỏ quan điểm của mình về nguyên nhân dẫn tới tình trạng văn hóa giao thông ở Hà Nội đáng báo động như hiện nay, đạo diễn Trọng Trinh cho rằng, đó là kết quả của nhiều yếu tố. Trong đó, cốt lõi nhất vẫn là mật độ dân số ở thủ đô quá cao, trong khi cơ sở hạ tầng giao thông dù đã được cải thiện đáng kể nhưng không thể đuổi kịp mức phát triển này.
Đồng thời, nhịp sống ở Hà Nội quá hối hả, gấp gáp và nhiều căng thẳng, lo toan cũng là một trong những yếu tố khiến văn hóa giao thông giảm sút.
Trước ý kiến cho rằng, chính những người tỉnh lẻ tập trung nhiều tới Hà Nội đã khiến bức tranh giao thông thêm ảm đạm, ông cho rằng, đó là một phần nguyên nhân, chưa phải nguyên nhân cốt lõi.
"Đương nhiên, người tỉnh lẻ khi sống ở Hà Nội đôi khi chưa quen cách phân làn đường, chưa quen lối giao thông đô thị, …có thể gặp chút rắc rối về giao thông. Nhưng để tình trạng văn hóa giao thông tồi tệ như hiện nay thì ý thức cộng đồng mới là yếu tố quyết định", đạo diễn Trọng Trinh khẳng định.
Khép lại cuộc trao đổi, đạo diễn Trọng Trinh nói: "Văn hóa giao thông không thể thay đổi một sớm, một chiều. Bởi vì đã gọi là văn hóa thì nó phải có sự kết tinh, trải qua sự thử thách của thời gian mà thành. Nhưng tôi cho rằng, nếu nhiều bài học như lần này được đưa ra thì ắt hẳn, văn hóa giao thông của ta sẽ được cải thiện”.