Tại sao bầu cử quan trọng với người Mỹ?

Tuần trước, người Mỹ đã chứng minh một trong những cách thức quan trọng mà các cuộc bầu cử có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của mỗi công dân Mỹ.

Trong một động thái được các chính trị gia của các đảng phái khác nhau theo dõi chặt chẽ, Tòa án Tối cao Mỹ đã ra phán quyết về tính hợp hiến của Đạo luật Chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền.

Đạo luật Chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền là luật quan trọng nhất được triển khai trong nhiệm kì Tổng thống đầu tiên của ông Barack Obama. Đạo luật đảm bảo cung cấp bảo hiểm cho hơn 30 triệu người Mỹ vốn không có bảo hiểm và giảm thiểu những khó khăn mà người Mỹ phải đối mặt khi muốn điều trị bệnh. Những người Dân chủ ủng hộ mạnh mẽ dự luật trong khi người của đảng Cộng hòa nhất loạt phản đối.

Sau khi đạo luật được thông qua và được Tổng thống Obama phê chuẩn, Liên đoàn Kinh doanh độc lập khởi kiện liên quan đến tính hợp hiến của Đạo luật chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền. Vụ kiện này đã được xem xét trong hệ thống tòa án Mĩ cho tới khi được chuyển lên Tòa án Tối cao. Cuối cùng, ngày 28/6/2012, Tòa án Tối cao tuyên bố rằng các điều khoản của đạo luật là hợp hiến. Thành quả lập pháp quan trọng nhất của Obama được cứu.

Tuy nhiên, đạo luật này được Tòa án Tối cao ủng hộ với 5 phiếu thuận và 4 phiếu chống. Chỉ cần một thẩm phán trong nhóm thắng thế bỏ phiếu khác đi, Đạo luật có thể bị đánh ngã và toàn bộ nỗ lực của tổng thống Obama và các đồng sự đảng dân chủ của ông có thể sẽ không còn chút giá trị nào.

Tòa án tối cao là thực thể đầy quyền lực và có một không hai trong chính phủ Mỹ. Trách nhiệm chủ đạo của Tòa án tối cao là đảm bảo tính hợp hiến của các đạo luật. Một khi Quốc hội hay cơ quan lập pháp của một bang thông qua một đạo luật mà đa số các thẩm phán của tòa án thấy rằng đạo luật này vi phạm Hiến pháp, Tòa án tối cao có quyền hủy bỏ hiệu lực của luật bằng cách tuyên bố đạo luật này là không hợp hiến.

Trong lịch sử hoạt động, Tòa án tối cao rất cẩn trọng trong việc đưa ra một quyết định như vậy, tuy nhiên hầu như nhiệm kì nào cũng có một vài luật không trụ lại được.

Thử nghĩ xem điều này có nghĩa là gì? Tổng thống Mỹ có thể thuyết phục người dân Mỹ về tầm quan trọng của việc triển khai một sáng kiến chính sách mới. Ngay cả khi người này thuyết phục được đa số trong Thượng viện và Hạ viện ủng hộ sáng kiến, đạo luật được thông qua và chính sách mới đã sẵn sàng đi vào thực tế. Nhưng bất kì một công dân nào có thể chứng minh đạo luật mới vi phạm quyền hiến định của mình thì đều có thể kiện ra tòa để ngăn việc luật được triển khai. Và nếu các thẩm phán của Tòa án tối cao được thuyết phục rằng vẫn còn những nghi vấn về sự hợp hiến của luật, họ sẽ cân nhắc thận trọng và quyết định liệu có ủng hộ luật hay sẽ loại bỏ luật này vì tính vi hiến của nó.

Nói cách khác, 5 thẩm phán - đa số trong tổng 9 thành viên của Tòa án tối cao - có thể lật ngược toàn bộ hoạt động của vị Tổng thống của đảng dân chủ cũng như Quốc hội. Một vài quốc gia khác trên thế giới cũng trao những quyền tương tự cho tòa án cao nhất của họ để xem xét lại hoạt động của các nhánh quyền lực khác của chính phủ.

Vậy tại sao những thẩm phán này được chọn? Trong hệ thống Mỹ, họ được Tổng thống lựa chọn và sau đó được đa số Thượng nghị sĩ thông qua. Nhưng tổng thống chỉ được giới thiệu thẩm phán mới khi có chỗ khuyết tại Tòa án tối cao. Và theo hiến pháp Mỹ, tất cả các thẩm phán liên bang được bổ nhiệm trọn đời. Họ có thể làm công việc này cho đến khi nào họ muốn, không có một nhiệm kì cố định và không có chuyện nghỉ hưu bắt buộc. Do đó, không có gì lạ là các thẩm phán có thể phục vụ qua nhiều thập kỉ.

Vị thẩm phán mới đây nhất nghỉ hưu là John Paul Stevens. Ông đã được bổ nhiệm bởi Tổng thống Gerald Ford vào năm 1975 và ông tự nguyện nghỉ hưu vào năm 2010 ở tuổi 90.

Quyền chỉ định các thẩm phán cho Tòa án tối cao là một trong những cách thức đáng kể nhất mà các tổng thống gây ảnh hưởng tới định hướng của chính trị và chính phủ Mỹ. Rất lâu sau khi Tổng thống rời nhiệm sở, thậm chí sau khi đã mất, các thẩm phán được bổ nhiệm tham gia Tòa án tối cao vẫn còn xem xét tính hợp hiến của các luật. Đơn cử, tại Tòa án tối cao hiện nay, có 2 thẩm phán do Ronald Reagan, vị tổng thống rời nhiệm sở năm 1989 bổ nhiệm, và một người khác được bổ nhiệm bởi G.H.W.Bush, người rời nhiệm đầu năm 1993.

Tòa án Tối cao hiện nay chia tách rất rõ rệt. Rất nhiều các quyết định được đưa ra với tỉ lệ phiếu là 5 thuận, 4 chống. Và hiện nay, 4 trong số các thẩm phán đã vượt qua tuổi 73. Có vẻ như vị tổng thống được bầu năm 2012 sẽ là người bổ nhiệm các thành viên tòa án tối cao, những người sẽ định hình hoạt động của chính phủ Mỹ trong những năm, và có thể là những thập kỉ sắp tới.

Và vì thế, kết quả bầu cử tổng thống lần này ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người Mỹ.

GS. Calvin Mackenzie*

--------------------

*GS. Calvin Mackenzie là giáo sư chính trị học nổi tiếng của ĐH Colby, Hoa Kỳ. Ông là một học giả của chương trình Fulbright ở Việt Nam.


Ngoại trưởng ASEAN quan ngại về tình hình Biển Đông

 Tại hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, nhiều bộ trưởng đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến gần đây trên Biển Đông với hòa bình, ổn định, an ninh khu vực.


Việt Nam kỳ vọng Mỹ trở thành nhà đầu tư số 1

Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho hay ông mong muốn Mỹ sẽ trở thành nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam trong bối cảnh Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sắp đi đến ký kết.


vietnamnet.vn
© 2010 Báo VietNamNet. All rights reserved. Thông tin Tòa soạn - Nhận tin RSS
Chỉ được phát hành lại thông tin từ website này khi có sự đồng ý bằng văn bản của báo VietNamNet.