>> Những ông vua bị lệch lạc tình dục
>> Sự thực về công chúa hiếu dâm nhất Trung Quốc
>> Phát hoảng với những 'quý ông' bạo dâm
Thú dâm loạn quái đản của Lưu Tử Nghiệp
Năm thứ 8 Đại Minh, tức tháng 5 năm 464, Lưu Tử Nghiệp chính thức kế vị ngôi vương khi tròn 16 tuổi với tên gọi chính thức theo sử sách là Tiền Phế đế. Ngay từ khi lên ngôi, vị đế vương nhà Lưu Tống này đã lừng lẫy thiên hạ bởi hai đặc tính: loạn luân và tàn bạo. Lưu Tử Nghiệp không những tổ chức những đợt tuyển chọn mỹ nữ rầm rộ trong thiên hạ, mà thậm chí còn ngang nhiên thông dâm với cô ruột lẫn chị ruột của mình, tức Tân Thái công chúa và Sơn Âm công chúa.
Xét theo huyết thống, Tân Thái công chúa là cô ruột của Lưu Tử Nghiệp, đã kết hôn cùng tướng quân Hà Mại. Để chiếm đoạt cô mình, Lưu Tử Nghiệp mời công chúa vào cung rồi giữ rịt bên mình, ngày đêm hưởng lạc. Tới khi đức phu quân của Tân Thái công chúa là tướng Hà Mại vào cung tính chuyện phải trái để đòi vợ, vị vua bạo tàn đã vội bức tử một cung nữ, cho vào quan tài mang trả cho dượng, rồi loan tin Tân Thái công chúa đã yên giấc ngàn thu vì cảm mạo. Nổi giận đùng đùng, Hà Mại bèn lập mưu tạo phản, nhưng bất thành, cả nhà bị giết dưới tay Lưu Tử Nghiệp. Từ đó, Tân Thái công chúa đổi tên thành Tạ thị, lưu lại chốn thâm cung. Thậm chí, tên vua loạn luân còn ngang ngược phong nàng làm hoàng hậu. Đáp lại, Tân Thái một mực khước từ. Lưu Tử Nghiệp lại cải phong cho nàng là Lộ thị.
Trái ngược với thái độ lạnh nhạt của Tân Thái công chúa, người chị ruột – tức Sơn Âm công chúa Lưu Sở Ngọc - lại tỏ rõ thái độ “chí đồng đạo hợp” với em trai mình. Theo ghi chép của sử sách, vốn bản tính ham mê dục vọng, coi khinh luân thường đạo lý, nàng ta thường chủ động vào cung, cùng ăn cùng ngủ với Lưu Tử Nghiệp. Vẻ quấn quýt như đôi sam của chị em họ chẳng khác nào cặp phu thê đang mặn nồng tình ái. Trong vòng tay của chị gái, Lưu Tử Nghiệp càng trở nên u mê, nghe theo mọi lời xúi bẩy của chị mà làm càn.
|
Khi những đêm loạn luân đã phai nhạt hương sắc, công chúa hiếu dâm Lưu Sở Ngọc bèn cất lời than vãn với em trai rằng: “Bệ hạ thì tam cung lục viện, giai lệ cả chục ngàn người, còn ta chẳng qua chỉ là sống kiếp phục tùng một vị phò mã. Sao sự đời lại bất công tới vậy!”.
Không màng chính sự, nhưng Lưu Tử Nghiệp lại có đầu óc vô cùng tinh nhạy trong những chuyện liên quan tới sắc dục. Ngay lập tức, hoàng đế truyền lệnh mở cuộc tuyển chọn 30 mỹ nam mặt mày anh tú. Tất thảy bọn họ đều được tiến vào phủ công chúa, trở thành vật sở hữu riêng của người đàn bà háo sắc - Lưu Sở Ngọc.
Chính thói loạn luân, ấu trĩ của Lưu Tử Nghiệp đã làm bại hoại cả phong khí quốc gia thời đó. Theo ghi chép của sử sách, vị hôn quân này còn mắc chứng thị dâm. Để giải sầu, Lưu Tử Nghiệp thường bắt đám vương phi, công chúa đứng đầy ngoài sân, rồi sai kẻ hầu hành dâm với họ. Vua trông thấy cảnh ấy thì thích thú ra mặt, xem đó là thú tiêu khiển lúc buồn bực trong lòng. Thậm chí, Lưu Tử Nghiệp còn bắt cung nữ khỏa thân lõa lồ, chạy vòng quanh sân. Ai kiệt sức, không chịu phục tùng mua vui, bèn bị đem ra xử chết.
Chính thói tàn bạo và dâm loạn đã khiến Lưu Tử Nghiệp hay thấy ác mộng. Một lần, hoàng đế trong cơn mộng mị, mơ thấy có cung nữ muốn giết mình. Ngay sáng hôm sau, Lưu Tử Nghiệp cho truyền một bà đồng vào hỏi thì được phán rằng, trong hoàng cung đang có “quỷ”. Hãi hùng vì điều ấy, tên hôn quân thường cầm cung tên, chạy loạn khắp cung để bắn “quỷ”.
Thông dâm với chị dâu, gây họa cho xã tắc
Ngũ Hồ loạn Hoa hay còn gọi là Ngũ Hồ thập lục quốc, tức một tập hợp gồm 16 quốc gia có thời gian tồn tại ngắn ở trong và tại các vùng lân cận Trung Quốc từ năm 304 – 439, kéo theo sự rút lui của nhà Tấn (265 - 420) về miền nam đến khi thị tộc Thác Bạt trỗi dậy mạnh mẽ, thống nhất toàn bộ phương Bắc năm 439, mở ra cục diện mới cho lịch sử phong kiến Trung Quốc là Nam Bắc triều.
Ngũ Hồ thập lục quốc bao gồm: Hán Triệu, Hậu Triệu, Thành Hán, Tiền Lương, Hậu Lương, Bắc Lương, Tây Lương, Nam Lương, Tiền Yên, Hậu Yên, Bắc Yên, Nam Yên, Tiền Tần, Hậu Tần, Tây Tần và Hạ.
Công chúa Vũ Uy của thị tộc Thác Bạt nhà Bắc Ngụy sau khi trở thành hoàng hậu của Ai Vương Thư Cừ Mục Kiền nước Bắc Lương đã chìm trong đau khổ khi biết được sự thực về thói loạn luân bệnh hoạn của chồng mình. Thư Cừ Mục Kiền thậm thụt thông dâm với Lý thị - người chị dâu dâm đãng. Lý thị vốn là ả đàn bà có nhan sắc hơn người, lại tinh thông phòng trung thuật, khiến Ai Vương mê mẩn không rời. Hai người ngang nhiên vần vũ mây mưa, đại loạn nhân luân. Thậm chí, những huynh đệ ruột rà với vị vua này, gồm Thư Cừ Vô Húy và Thư Cừ An Chu cũng lần lượt hoan lạc cùng ả ta. Chứng kiến cảnh ấy, Thư Cừ Mục Kiền chẳng hề nổi giận mà hưởng ứng cùng hai huynh đệ ngày đêm hành lạc cùng Lý thị. Chìm đắm trong thứ sắc dục bệnh hoạn, hoàng đế trở nên lạnh nhạt với vợ yêu của mình – tức Vũ Uy công chúa.
|
Ai Vương Thư Cừ Mục Kiền. |
Biết rõ sự tình, Vũ Uy hết mực đau lòng, một mực đòi chồng giết chết Lý thị. Nhưng Thư Cừ Mục Kiền không những không thuận theo ý vợ mà càng tỏ ra thân mật, quấn quít với chị dâu. Lý thị cũng chẳng phải hạng lương thiện, bao dung. Biết Vũ Uy công chúa căm ghét mình, ả bèn liên kết các thế lực tông thất để ức hiếp vợ vua.
Vũ Uy coi Lý thị như cái gai trong mắt. Lý thị cũng xem nàng ta như vật cản khó ưa. Nhờ mối tư tình bấy lâu với Thư Cừ Mục Kiền, nên Lý thị âm mưu cùng chị gái vua mua chuộc một cung nữ hầu hạ Vũ Uy công chúa, dụ kẻ này cho thuốc độc vào thức ăn nhằm sát hại tình địch.
May thay, lúc bấy giờ Vũ Uy công chúa vì nỗi phiền muộn trong lòng, nên ngày đêm ngóng đợi sứ thần Bắc Ngụy tới rước về mẫu quốc để an dưỡng. Hằng ngày, nàng ta ăn uống chán chường, mỗi bữa chỉ dùng vài thìa cơm cho có lệ, nên khi đụng phải thức ăn có độc, dù trúng độc nhưng không tới nỗi mất mạng. Lúc ấy, Vũ Uy công chúa nôn ói liên tục, sắc mặt vàng vọt, miệng sùi bọt trắng, toàn thân nóng bừng rồi hôn mê bất tỉnh. Ngự y nườm nượp ra vào trị bệnh. Dù nhạt nhẽo với vợ, nhưng Thư Cừ Mục Kiền cũng lo tới phát sốt. Sự an nguy của Vũ Uy liên quan tới vận mệnh quốc gia. Nhà vua liên tục truy vấn thái y: “Liệu có cứu được hoàng hậu?”. Thái y mặt mày thất sắc, quỳ rạp xuống đất mà tâu: “Xin quốc chủ trị tội thần y kém cỏi. Thần chỉ có thể cứu được mệnh của vương hậu, nhưng vì người trúng độc quá sâu, e rằng về sau sẽ tàn phế”.
“Nhất định phải chữa khỏi cho ta!”, Thư Cừ Mục Kiền hoảng loạn thét mắng. Sự quá khích ấy không hề xuất phát từ tấm chân tình dành cho người vợ yêu, mà bởi nhà vua đang lo sợ sự trừng phạt của vương triều Bắc Ngụy – hậu thuẫn hùng mạnh của Vũ Uy công chúa.
Đúng lúc ấy, sứ thần Bắc Ngụy Lý Cái đến Bắc Lương, biết tin công chúa Vũ Uy gặp họa, bèn vội vã báo tin về nước. Khi tin dữ truyền tới Bình thành (tức vùng Đại Đồng, Sơn Tây ngày nay), Thác Bạt Đảo nổi trận lôi đình, sai ngự y tốt nhất sang Bắc Lương giải độc cứu sống em gái, rồi lệnh cho Thư Cừ Mục Kiền phải giao nộp Lý thị để trị tội thích đáng. Nhưng lần này, Thư Cừ Mục Kiền không còn ngoan ngoãn cung thuận mệnh lệnh của Bắc Ngụy như trước kia, mà lên tiếng quở trách Bắc Ngụy giở thói bá vương lộng hành: “Thác Bạt Đảo nhà người là hoàng đế, ta Thư Cừ Mục Kiền cũng là bậc đế vương của một nước. Bất luận quốc gia lớn nhỏ mạnh yếu thế nào, cũng đều bình đẳng. Hơn nữa, hai nước lại có quan hệ thông gia”. Nhưng có lẽ, đó chỉ là cái cớ ngoại giao. Lý do chính nhất vẫn là Thư Cừ Mục Kiền không nỡ rời xa ả chị dâu dâm loạn của mình, nên cứng đầu không nộp người rồi lén lút ban cho Lý thị vô khối tài vật, đưa ả ta tới Tửu Tuyền ẩn náu.
Về phần Vũ Uy công chúa, sau khi được binh linh hộ tống về Bình thành, mạng giữ được nhưng trở thành phế nhân. Cơ thể ngày càng suy nhược, cả ngày không nói nửa câu. Thái hậu xót con mà than khóc vật vã. Đường đường là một công chúa bừng bừng sức sống, xinh đẹp yêu kiều như thiên nga, chỉ vì thói loạn luân đồi bại của đức lang quân, nàng Vũ Uy của thị tộc Thác Bạt kiêu hùng thành ra kẻ tàn phế bất hạnh.