Đề thi "thần tượng": Các thầy cứ nói ngon ơ...
(Phải hay Trái) - "Các chính thể trên thế giới, việc công bố là "thảm họa" nào đó người ta rất cẩn trọng và thường là một tổ chức quyền uy nào đó mới phát ngôn. Ở ta, các thầy cứ nói ngon ơ vậy. Không phải sự tôn sùng lầm lẫn, thiếu lí trí nào cũng tất yếu dẫn đến thảm họa. Người ra đề thi cần cân nhắc tính quy phạm của phát ngôn..." Thầy Nguyễn Hùng Vĩ, Giảng viên Khoa Ngữ Văn, Trường ĐH KHXH&NV HN.
PV: - Đề thi văn khối D năm nay với việc đưa “thần tượng và thảm họa say mê quá đà” đang gây xôn xao dư luận. Có ý kiến cho rằng nhiều thí sinh sẽ khó được điểm ở câu này bởi sự tréo ngoe của nó. Ngưỡng mộ thần tượng là một nét đẹp văn hóa, điều này đúng khi chúng ta thần tượng những bậc anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa... Tuy nhiên, ở vế sau của đề lại nói: “nhưng mê muội thần tượng là một thảm họa”. Vế sau vả vào miệng vế trước, nghịch dị thế thì hiểu sao đây?
Thầy Nguyễn Hùng Vĩ: - Trước hết, những người ra đề chỉ chú mục vào hiện tượng cuồng mộ của một số fan các "Idol" của "văn hóa giải trí" hiện đại mà chưa suy nghĩ sâu xa về các thần tượng thần thoại, thần tượng tôn giáo, thần tượng khoa học, thần tượng ý thức hệ. Đúng là, nếu "mê muội" các thần tượng, dẫu là loại thần tượng nào đi nữa cũng là không tốt.
Thầy Nguyễn Hùng Vĩ |
Vì MÊ trong nghĩa gốc là lầm lẫn, MUỘI trong nghĩa gốc là tăm tối. Tôn sùng một cách lầm lẫn và thiếu lí trí là mê muội vậy. Còn việc đó dẫn đến thảm họa, tai họa, hậu họa, hậu quả... hay là bất lợi... thì còn phải bàn. Dùng chữ thảm họa là quá nặng nề chứng tỏ người đưa ra mệnh đề này khá dễ dãi trong tư duy.
Các chính thể trên thế giới, việc công bố là "thảm họa" nào đó người ta rất cẩn trọng và thường là một tổ chức quyền uy nào đó mới phát ngôn.
Ở ta, các thầy cứ nói ngon ơ vậy. Không phải sự tôn sùng lầm lẫn, thiếu lí trí nào cũng tất yếu dẫn đến thảm họa. Người ra đề thi cần cân nhắc tính quy phạm của phát ngôn.
PV: - Vâng, nhưng cũng cần phải nói rõ hơn, giả sử ngưỡng mộ Hitle thì chẳng cần đến mức mê muội cũng đã đủ là một thảm họa rồi, nhưng soi ngược lên vế trước với ý “ngưỡng mộ thần tượng là một nét đẹp văn hóa” lại thấy đề ra phi lý quá. Làm sao có thể coi ai đó ngưỡng mộ thần tượng Hitler cũng là một nét đẹp văn hóa được! Thầy có nghĩ, chính sự không rõ ràng trong cách đưa ra mệnh đề thần tượng sẽ khiến cho thí sinh khó khăn trong việc làm bài vì trả lời được vế này thì lại hỏng vế kia? Nếu khẳng định vế đầu thì ắt sẽ phủ định vế sau?
Thầy Nguyễn Hùng Vĩ: - Phải đặt các khái niệm "thần tượng", "ngưỡng mộ", "mê muội"... trong tính vận động lịch sử và biện chứng của nó. Lịch sử là nhân loại đã đi từ dã man đến văn minh, ngày càng bớt sai lầm hơn. Biện chứng là bên cạnh cái đúng luôn có cái sai, cái lí trí phát triển thì cũng đồng thời mở ra chân trời mênh mông của cái chưa biết.
Biện chứng còn ở chỗ giữa "ngưỡng mộ" và "mê muội" ranh giới không phải bao giờ cũng mạch lạc, nó có tính tương đối. Ý thức hệ này coi niềm tin vào thần tượng của ý thức hệ khác là mê muội. Trong quá khứ, các tôn giáo lại càng như vậy. Cứ đọc Phép giảng tám ngày của A. de Rhodes thì thấy ngay thôi.
PV: - Khi thí sinh chỉ được phép hiểu rằng thần tượng là một nét đẹp văn hóa, nghĩa là thần tượng theo quan điểm chính thống như các anh hùng vì dân, vì nước, còn vế kia hoàn toàn khác về bản chất lẫn hiện tượng: mê muội chỉ hàm nghĩ những cái xấu thì là xấu. Vậy họ sẽ phải làm bài thi này và biết trình bày quan điểm của mình ra sao thưa thầy?
Thầy Nguyễn Hùng Vĩ: - Như đã nói ở trên, thần tượng cũng như lí tưởng hoặc chân lí. Có những chân lí vĩnh hằng nhưng cũng có những chân lí sẽ bị vượt qua. Thời đại này coi điều này là chân lí và tuân phục nó nhưng thời đại khác sẽ vượt qua chân lí đó. Thần tượng là thực thể trực quan cho lí tưởng hoặc chân lí nên cũng có những thần tượng vĩnh hằng và những thần tượng hữu hạn. Đề thi muốn hướng tới thần tượng nào vậy?
Cho nên, có những sự ngưỡng mộ thần tượng là nét đẹp văn hóa nhưng cũng có những sự ngưỡng mộ thần tượng chưa hẳn là nét đẹp văn hóa.
Tóm lại là, đề thi đưa ra hai mệnh đề có tính khẳng quyết nhưng nhìn kĩ thì là rất tương đối mà thôi. Nhiều khi cái lô gic hình thức, lô gic ngôn từ là chặt chẽ nhưng lô gic của vận động thực tiễn lại khác đi.
PV: - Nếu như thế, các giáo viên, giáo trình đã dạy cho học sinh những gì về những điểm này, thưa thầy? Làm sao họ hiểu được ý của đề thi mà làm bài, có chăng cách trả lời chỉ là lý thuyết, thưa thầy?
Thầy Nguyễn Hùng Vĩ: - Tôi không rõ lắm chương trình giáo dục phổ thông đã dạy vấn đề này những gì nhưng theo tôi, nên có tối thiểu 2 điều: thứ nhất, cần truyền thụ được giá trị nào là vững bền và giá trị nào là hữu hạn; thứ hai, chỉ có tương đối mới là tuyệt đối; và thứ 3, cần tư duy vấn đề theo phép biện chứng lịch sử. Không thể dùng bất cứ quyền uy nào để khẳng quyết mệnh đề ta đưa ra là tuyệt đối đúng, kể cả người được tin tưởng ra đề thi.
Còn về việc thí sinh thực hiện bài thi, qua quan sát ban đầu, có sự khá tương hợp giữa ý định người ra đề và việc trả bài, có nghĩa là trên 90% giải quyết theo cách lí giải sự ngưỡng mộ và sự mê muội các THẦN TƯỢNG VĂN HÓA GIẢI TRÍ. Đáng mừng chăng? Đáng lo chăng? Là một phép thử văn hóa học đường ngày nay chăng?
- Huyền Biển (Thực hiện)