"Khi đàm phán, không được sợ hãi trước sự đe dọa của Trung Quốc"

Thứ ba 17/07/2012 06:54
(GDVN) - “Người đàm phán phải không chịu sức ép, sợ hãi trước sự đe dọa. Và không vì thái độ ngang ngược của họ mà người đàm phán hoang mang hoặc có những phản ứng không thích hợp”.
Bình tĩnh và khéo léo

Trước một Trung Quốc mạnh về nhiều mặt và luôn đưa ra những yêu sách không có cơ sở mà chỉ dựa vào ý thức chủ quan của họ, việc đàm phán để các bên có thể đi đến một thỏa thuận về Biển Đông  dường như là vô cùng khó khăn. Chính vì vậy, những kinh nghiệm trong quá trình đàm phán với Trung Quốc về đường biên giới trên đất liền và trên Vịnh Bắc Bộ trở nên hết sức quý báu. Là người đã trực tiếp tham gia đàm phán với Trung Quốc trong nhiều năm qua về biên giới, hơn ai hết, TS. Trần Công Trục -  nguyên trưởng Ban biên giới Chính phủ rất rõ những điều này.

Những đêm trắng canh giữ biển, đảo thiêng liêng.


Trao đổi với phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam về những kinh nghiệm đàm phán với Trung Quốc, TS. Trần Công Trục nói: “Trong quá trình đàm phán với Trung Quốc có rất nhiều bài học. Theo tôi, ngoài việc người đàm phán phải tuyệt đối tuân thủ những phương án mà cấp trên đã duyệt thì còn phải rất bình tĩnh, phải rất khéo léo. Đó cũng phải là người không chịu sức ép, sợ hãi trước sự đe dọa. Và không vì thái độ ngang ngược của họ mà người đàm phán hoang mang hoặc có những phản ứng không thích hợp.

TS. Trần Công Trục kể: “Trong lần chúng ta đàm phán để khai thông tuyến đường sắt Đồng Đăng – Bằng Tường, Trung Quốc luôn áp đặt quan điểm của họ là đường biên giới đi qua đường nối ray còn Việt Nam khẳng định đường biên giới đi qua một nhà mái bằng cách điểm nối đường ray là 300 m. Trong quá trình xử lý, đã có nhiều cuộc đụng độ xảy ra, rất căng thẳng.

Sau này, chúng ta phân tích thấy quan điểm mà cả 2 nước đưa ra đều có điểm chưa đúng. Hai bên cùng đưa ra những quan điểm mà đều dựa trên lợi ích của cả hai nước. Chúng ta đã kiên trì để thuyết phục họ và tìm ra giải pháp tạm thời mà hai bên có thể chấp nhận với nhau để khai thông tuyến đường sát quan trọng này: các cơ quan quản lý như công an, hải quan của cả hai nước khi đi đến hai điểm do hai nước đưa ra thì dừng lại ở đó, để cho người lái tàu kỹ thuật đi qua, còn việc giải quyết đường biên giới sẽ đàm phán sau”.

Tôn trọng sự thực khách quan và cầu thị

Ông Trục nói tiếp: “Khi đàm phán, chúng ta phải thể hiện được tính khách quan, sự cầu thị. Ở phía Trung Quốc tuy có những người ở phái diều hâu nhưng cũng có nhiều người Trung Quốc biết tôn trọng luật pháp quốc tế. Nếu điều gì chúng ta nêu ra mà chưa đúng thì chúng ta phải có bản lĩnh để phân tích và báo cáo sau đó thay đổi. Chúng ta không khăng khăng cho rằng những yêu cầu mà chúng ta đưa ra là hoàn toàn đúng khi đã phát hiện ra có vấn đề. 

Bây giờ chuyện trên biển cũng thế, ai cũng biết Trung Quốc đưa ra đường biên giới “lưỡi bò” quá vô lý. Theo tôi, có lẽ một bộ phận trong số họ cũng đã thấy điều đó là phi lý bởi bằng chứng là một số học giả Trung Quốc cũng đã có ý kiến tương đối đúng đắn về việc này. Tuy nhiên do lãnh đạo Trung Quốc đã tuyên truyền rằng diện tích biển trong “đường lưỡi bò” kia là của Trung Quốc nên khi muốn rút lại lời tuyên truyền như thế thì cũng không dễ dàng và phải có quá trình để họ đảm bảo ổn định trong nội bộ. Chúng ta không chấp nhận “đường lưỡi bò” nhưng đó thực sự là một quá trình mà chúng ta phải cố gắng thuyết phục để họ hiểu sự thực khách quan mà bỏ đi”.

Theo lời ông Trục kể câu chuyện thứ hai là trong lần đàm phán để xác định đường biên giới trên biển tại Vịnh Bắc Bộ, chúng ta luôn khăng khăng rằng đường biên giới trên Vịnh này phải căn cứ theo hiệp định Pháp - Thanh ký để lại và theo đường kinh độ 108o03’¬13” kéo dài từ đường biên giới đất liền của hai nước ra phía ngoài đảo Trà Cổ làm đường biên giới trên biển…

Trung Quốc họ phản đối điều này và hai bên đã tranh cãi nhau rất nhiều. Sau đó chúng ta nghiên cứu kỹ lại, chúng ta đã có đủ tài liệu để chứng minh rằng đó không phải là đường biên giới trên Vịnh Bắc Bộ mà đó là đường ria để quản lý các đảo ven bờ mà kết thúc với độ dài 10 km chứ không kéo dài ra thêm. Việc đó thể hiện rằng chúng ta tôn trọng sự thực khách quan.

TOÀN CẢNH TRƯỜNG SA - HOÀNG SA NHÌN TỪ ĐẤT LIỀN
BẤM VÀO ĐÂY XEM CHÙM ẢNH: CÔNG BỐ NHỮNG HÌNH ẢNH "KHÔNG THỂ KÌM NỔI" VỀ TRƯỜNG SA
AI CHƯA ĐẾN TRƯỜNG SA CẦN XEM 31 TẤM HÌNH NÀY



“Và tôi nghĩ lãnh đạo Trung Quốc cũng cần phải học điều này. “Đường lưỡi bò” mà họ đưa ra là hoàn toàn phi lý, vi phạm nghiêm trọng Công ước Luật Biển và họ nên bỏ ngay yêu sách này đi. Trong thời buổi hiện nay, không phải nước nào muốn xâm chiếm, muốn thôn tính nước khác cũng dễ dàng bằng các tuyên bố chủ quyền một cách không có cơ sở như vậy”, ông Trục cho biết.

Kiên trì và không từ chối sự giúp đỡ để chống lại bất công

Khi được hỏi về việc Việt Nam đòi lại quần đảo Hoàng Sa đã chiếm đóng từ năm 1974 đến nay, ông Trục nói: “Việc đòi lại Hoàng Sa không hề đơn giản mà phải có quá trình. Và chúng ta phải kiên trì để đòi lại. Theo luật pháp quốc tế thì có 2 yếu tố củng cố cho quyền lãnh thổ đó là yếu tố vật chất và ý thức. Về vật chất thì đó là sự chiếm đóng, sự hiện diện và cai quản trên quần đảo đó.

Điều này chúng ta không còn nữa do Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm đóng. Về yếu tố tinh thần thì chúng ta vẫn luôn khẳng chủ quyền tại quần đảo này, rằng đó là một đơn vị hành chính trực thuộc TP. Đà Nẵng. Chúng ta không bao giờ từ bỏ về mặt ý chí.

Trên phương diện pháp lý, khi đưa ra cơ quan tài phán quốc tế, họ sẽ xem xét cả hai yếu tố đó, đối với yếu tố vật chất, họ sẽ xem xét rằng yếu tố vật chất bị mất do nguyên nhân gì: tự nguyện từ bỏ hay bị xâm chiếm…. Do đó, có thể thấy rằng về mặt pháp lý, chúng ta có cơ sở vững chắc hơn rất nhiều”.

Trước thông điệp của Thời báo Hoàn cầu về việc nếu kết thân với Mỹ, Việt Nam chỉ “nhận được những đau đớn”, ông Trần Công Trục nói: “Đó được coi như một sự dọa dẫm và là một sự thường tình của người Trung Quốc bấy lâu nay. Điều đó cũng thể hiện một sự e ngại đối với Mỹ của Trung Quốc. Việc Mỹ có mặt tại Biển Đông không phải do Việt Nam muốn. Vì lợi ích của mình, Mỹ phải vào cuộc và ủng hộ cho những nước mà họ đã có cam kết về mặt pháp lý. 

Khi chúng ta tính toán các mối quan hệ, chúng ta không bao giờ có chủ trương dựa vào một nước nào đó để chống lại một nước thứ 3 và càng không có tư tưởng đó khi Trung Quốc là hàng xóm của ta với những cam kết mà lãnh đạo cấp cao của hai bên đã ký kết. Nhưng Trung Quốc đã áp những điều phi lý gây ra sức ép thì chúng ta hoan nghênh sự ủng hộ quốc tế. Nếu các nước giúp chúng ta chống lại những sự bất công đó thì chúng ta không có lý do gì để từ chối sự giúp đỡ đó”. 

TOÀN CẢNH TRƯỜNG SA - HOÀNG SA NHÌN TỪ ĐẤT LIỀN
BẤM VÀO ĐÂY XEM CHÙM ẢNH: CÔNG BỐ NHỮNG HÌNH ẢNH "KHÔNG THỂ KÌM NỔI" VỀ TRƯỜNG SA
AI CHƯA ĐẾN TRƯỜNG SA CẦN XEM 31 TẤM HÌNH NÀY




Hồng Chính Quang