Bệnh nhân chết ở Phòng khám Maria: Khi tất cả đều chối bỏ trách nhiệm

Thứ ba 17/07/2012 06:19
Vụ việc xảy ra tại Phòng khám Đa khoa Maria. Dù đã thanh tra nhưng Sở Y tế TP Hà Nội không biết phòng khám này sử dụng người Trung Quốc trái phép
Sáng 16-7, Sở Y tế TP Hà Nội đã có buổi làm việc với đại diện Phòng khám Đa khoa Maria (quận Đống Đa - Hà Nội) về nguyên nhân cái chết của chị Nguyễn Thu Phong (SN 1978, ngụ quận Hà Đông - Hà Nội).

Lãnh đạo phòng khám phải chịu trách nhiệm

Bác sĩ Đỗ Y Na, Trưởng Phòng khám Đa khoa Maria, khẳng định không biết chút gì về thông tin cũng như quá trình điều trị đối với bệnh nhân Nguyễn Thu Phong và trong suốt 3 tháng qua, bà không hề nhận đồng lương nào từ phòng khám này. “Tháng 2-2011, tôi đã làm đơn gửi Sở Y tế TP Hà Nội cùng Ban Giám đốc Công ty CP Tư vấn và Đầu tư An Thịnh (công ty đầu tư phòng khám này) xin thôi giữ chức Trưởng Phòng khám Đa khoa Maria nhưng chưa được chấp thuận.

Sau thời điểm này, tôi đã ủy quyền cho bác sĩ Phạm Thị Trang, chuyên Khoa Ngoại sản, quản lý phòng khám khi tôi đi vắng” - bà Na trình bày. Bà Na cũng tỏ ra ngạc nhiên trước việc Phòng khám Đa khoa Maria thuê bác sĩ nước ngoài điều trị vì trong danh sách y, bác sĩ làm việc tại phòng khám do bà duyệt không có tên bác sĩ nước ngoài.

Lãnh đạo Sở Y tế TP Hà Nội (phải) làm việc với đại diện Phòng khám Đa khoa Maria sáng 16-7. Ảnh: NGỌC DUNG


Ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế TP Hà Nội, khẳng định về mặt pháp lý, bà Na vẫn phải là người chịu trách nhiệm chính về hoạt động của Phòng khám Đa khoa Maria. “Vì vậy, những sai phạm trước đó và ca tử vong vừa xảy ra, bác sĩ Na phải là người chịu trách nhiệm chính” - ông Hiền khẳng định.

Một đại diện khác của Phòng khám Đa khoa Maria, bà Ngô Thị Hồng Thơ, cho biết thời gian qua, phòng khám có thuê bác sĩ Trung Quốc tham gia khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, khi được hỏi về danh tính các bác sĩ người Trung Quốc và số bác sĩ nước ngoài đang hoạt động tại phòng khám này thì bà Thơ từ chối trả lời với lý do “không rõ” (!?)

Sai phạm tràn lan vẫn “vô tư” hoạt động

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Khắc Hiền cho biết qua kiểm tra hồ sơ thẩm định cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề y tư nhân cho Phòng khám Đa khoa Maria, chỉ có 6 bác sĩ là người Việt Nam được phép hành nghề. Trong danh sách nhân sự mà phòng khám đăng ký với Sở Y tế TP không có bất cứ bác sĩ nước ngoài nào ngoài 2 giúp việc người Trung Quốc. “Với những người giúp việc thì chỉ được phép đưa dụng cụ cho bác sĩ hoặc thay rửa vết thương… Việc phòng khám sử dụng người Trung Quốc hành nghề khám, chữa bệnh khi chưa đăng ký và bác sĩ chưa được cấp chứng chỉ hành nghề tại Việt Nam là sai phạm nghiêm trọng” - ông Hiền khẳng định.

Ngày 16-7, Sở Y tế TP Hà Nội đã quyết định đình chỉ vô thời hạn hoạt động của Phòng khám Đa khoa Maria để phục vụ công tác điều tra cái chết của bệnh nhân Nguyễn Thu Phong. Tuy nhiên, điều mà dư luận băn khoăn là ngày 27-6, Thanh tra Sở Y tế TP Hà Nội đã kiểm tra và xử phạt phòng khám này nhưng hoàn toàn không có lỗi nào về việc sử dụng bác sĩ người nước ngoài không phép.

Thậm chí, một trong 3 sai phạm mà phòng khám bị phạt là bác sĩ khám và điều trị là người Trung Quốc có tên Lôi Hồng nhưng người ký tên trong sổ y bạ về toàn bộ quá trình điều trị của bệnh nhân lại là bác sĩ Trang. Sau sai phạm này, Thanh tra Sở Y tế TP Hà Nội triệu tập bác sĩ Lôi Hồng đến làm việc nhưng người này đã về nước với lý do nghỉ phép. Điều này cho thấy Thanh tra Sở Y tế TP Hà Nội có biết về hiện tượng bác sĩ người Trung Quốc tham gia khám, chữa bệnh tại Phòng khám Đa khoa  Maria nhưng không xử lý.

Xem xét khởi tố vụ án

Theo thông tin ban đầu, cơ quan công an đã xác định có 4 người Trung Quốc liên quan đến cái chết của bệnh nhân Nguyễn Thu Phong, gồm: Zhou Ji Anjao (khám cho chị Phong), Deng Qin Zhi (SN 1977, trực tiếp làm thủ thuật), Zhang Ling Gong (SN 1985, gây mê), Dong Chang Rui (SN 1973, chuyên Khoa Phụ khoa - Kế hoạch hóa gia đình). Tuy nhiên, khi cơ quan điều tra tiến hành triệu tập thì cả 4 người này đều rời khỏi nơi tạm trú.

Bước đầu, cơ quan điều tra xác định tối 14-7, chị Phong đã đến khám bệnh tại Phòng khám Đa khoa Maria. Tại đây, bác sĩ Zhou Ji Anjao xác định bệnh nhân bị viêm lộ tuyến cổ tử cung và điều trị bằng cách đốt lộ tuyến cổ tử cung. Trong quá trình chữa trị, thấy chị Phong có hiện tượng ngạt mũi, bác sĩ Zhang Ling Gong cho thở ôxy và truyền kháng sinh. Khoảng 21 giờ cùng ngày, chị Phong gọi điện cho người nhà đến đón vì thấy chóng mặt. Khoảng gần 1 giờ sau, đại diện phòng khám thông báo cho gia đình biết chị Phong đã tử vong.

Hiện cơ quan điều tra đang hoàn tất thủ tục pháp lý để khởi tố vụ án.


Kháng sinh chỉ dùng lúc khẩn cấp

Theo “Phiếu thanh toán khách hàng” của Phòng khám Đa khoa Maria, có 2 loại kháng sinh được sử dụng truyền dịch cho chị Phong là Levofloxacin Hydroclorid Injection và Tinidazole Injection. Tuy nhiên, theo một số bác sĩ, việc sử dụng kháng sinh trong sản khoa nói riêng và trong điều trị nói chung, nhất là các kháng sinh được sử dụng bằng đường truyền tĩnh mạch hoặc chích, là rất hạn chế.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thông, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TPHCM, cho biết thông thường kháng sinh chỉ được sử dụng trong các trường hợp khẩn cấp do bệnh nhân bị nhiễm trùng quá nặng. Việc sử dụng phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định, nhất là kháng sinh được dùng qua đường tiêm tĩnh mạch hoặc truyền dịch, vốn có nhiều nguy cơ hơn so với dùng thuốc. Theo quy định, khi truyền kháng sinh, ngoài điều dưỡng phải có bác sĩ trực tiếp theo dõi và phải kiểm tra cẩn thận trước khi sử dụng để bảo đảm bệnh nhân không bị dị ứng thuốc vì sốc phản vệ do kháng sinh rất nguy hiểm. “Các hạng mục điều trị trong hóa đơn của Phòng khám Đa khoa Maria như viêm âm đạo, viêm vùng chậu, điều trị lộ tuyến cổ tử cung bằng dao LEEP… đều là những thủ thuật rất đơn giản, bình thường trong sản khoa” - BS Thông nhận định.

Theo BS Thông, chi phí điều trị lộ tuyến cổ tử cung ở các bệnh viện công lập ngày nay không quá 1 triệu đồng/ca (đơn giá của Phòng khám Đa khoa Maria là 5.200.000 đồng). Bên cạnh đó, hạng mục cao giá thứ hai trong đơn này là phí gây mê tĩnh mạch cũng được viết chưa chính xác, đúng ra phải là “giảm đau tĩnh mạch”. Giảm đau tĩnh mạch không được tách ra trong hóa đơn thực hiện các thủ thuật ở bệnh viện mà thường được tính gộp chung.

A.Thư

Giám sát chặt các phòng khám Trung Quốc ở TPHCM

Liên quan đến sai phạm của nhiều phòng khám y học cổ truyền có người Trung Quốc, ngày 16-7, bác sĩ  Phạm Kim Bình, quyền Chánh Thanh tra Sở Y tế TPHCM, cho biết đã đề nghị phòng y tế các quận, huyện tăng cường giám sát chặt việc thực hiện quy định pháp luật đối với hàng loạt phòng khám vừa bị đình chỉ hoạt động. Thanh tra Sở Y tế TPHCM cũng sẽ tiếp tục hậu kiểm, kiểm tra đột xuất bất cứ lúc nào đối với các phòng khám này.

Theo ông Bình, trong tháng 6-2012, Thanh tra Sở Y tế TP đã thanh tra đột xuất 12 phòng khám hành nghề y học cổ truyền có người nước ngoài, trong đó, xử phạt hành chính 10 phòng khám với tổng số tiền gần 250 triệu đồng; tước giấy phép hoạt động của 5 phòng khám, đồng thời chuyển sang công an điều tra 3 phòng khám có người nước ngoài hành nghề không phép.

N.Thạnh


NGỌC DUNG - NGUYỄN QUYẾT/Người lao động