Cập nhật 18/07/2012 08:18:57 AM (GMT+7)

Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ sẽ không từ chức

*
*
*
 
Gửi

- “Vì sao lại từ chức khi mọi thứ đang diễn ra bình thường, mà từ chức cũng có phải đơn giản đâu, phải trình ra Đại hội quyết và có người đủ khả năng, tâm huyết thay chứ?”, ông Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ đã nói như vậy sau khi có nhiều thông tin cho rằng ông đang chán bóng đá và muốn nhường lại “ghế nóng”.

Từ chức ư, không phải chuyện đơn giản!

Theo đúng luật của FIFA, một Chủ tịch Liên đoàn bóng đá thành viên muốn từ chức phải thông qua ở bất cứ Đại hội nào (có thể là thường niên hay nhiệm kỳ). Chính vì thế, khi chẳng có biến cố nào, còn Đại hội thường niên nhanh nhất cũng phải đến tháng 10 mới diễn ra, Đại hội nhiệm kỳ thì phải hơn 1 năm nữa, chẳng có lý gì ông Hỷ lại tự dưng nộp đơn xin từ chức.

Bản thân ông Hỷ khẳng định: “Từ chức là cả vấn đề lớn và phải làm theo đúng quy định chứ không thể ngẫu hứng, tùy tiện, trừ trường hợp bất khả kháng liên quan đến sức khỏe hay vấn đề gì đó tương tự. Luật từ chức vẫn đang được Quốc hội soạn thảo.

Ông Hỷ khẳng định, sẽ không bỏ cuộc sớm. Ảnh: SN

Khi nào có luật đó mình mới có thể dễ dàng từ chức chứ không phải bất cứ lúc nào từ chức cũng được. Từ chức đúng nguyên tắc phải là ở Đại hội, nơi mà mọi người bầu ra mình, FIFA đã quy định rõ ràng như thế”. Nguyên tắc là vậy, nhưng người ta có cơ sở để tin rằng, dù trong hoàn cảnh nào, ông Hỷ cũng sẽ không từ chức.

Ông Hỷ được Tổng cục TDTT cử sang VFF theo dạng biệt phái và ngay trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, ông đã có chức vô địch AFF Cup 2008. Đó là thành tích mà rất nhiều vị tiền bối của ông chưa làm được.

Khóa 5 được xem là thành công, còn khóa 6 dù đã có những rắc rối liên quan đến vụ “tách khẩu” thành lập VPF, thất bại của ĐT U23 tại SEA Games 26, nhưng về cơ bản VFF cũng đạt được những thành công nhất định. Chỉ còn hơn 1 năm nữa là nhiệm kỳ kết thúc, có lý gì lại không cố thêm.

Các quan chức đang đương chức, đương quyền, thường bị hẫng khi đến tuổi về hưu, ông Hỷ cũng không phải là một ngoại lệ. Vì thế, với thời gian ít ỏi còn lại, vị Chủ tịch VFF chắc chắn muốn níu kéo và nếu may mắn, biết đâu ĐTVN lại vô địch AFF Cup một lần nữa?

Từ chủ quan đến khách quan, từ những tác động bên ngoài hay bên trong, ông Hỷ đều không thể nghỉ được lúc này. Đúng là, nghỉ cũng không phải chuyện đơn giản!.

Chọn mặt gửi vàng, không dễ!

Muốn nấn ná, muốn kéo dài cũng chẳng được bởi sớm nhất trong tháng 10 này tại Đại hội thường niên, BCH sẽ phải trình danh sách nhân sự đồng thời tiến hành từng bước như kiểm tra, xem xét năng lực, vị trí thích hợp, chuẩn bị cho Đại hội nhiệm kỳ sẽ diễn ra 1 năm sau đó. Như vậy, vị trí Chủ tịch, cũng cần phải có sự chuẩn bị ngay từ bây giờ bởi nhìn đi nhìn lại trong giới bóng đá, tìm ra một vị Chủ tịch đủ tâm, đủ tầm, không phải chuyện đơn giản.

VFF mới chỉ có ông Lê Hùng Dũng là đủ khả năng thay thế ông Hỷ. Ảnh: SN

Ông Hỷ tiết lộ: “Riêng chiếc ghế Chủ tịch VFF, tôi cũng đã nhắm tới một người nhưng có được cấp trên đồng ý hay không thì còn phải chờ. Tôi cũng xin không được tiết lộ danh tính người này bởi sẽ có nhiều thay đổi phía trước”.

Một câu hỏi được đặt ra, là vị tân Chủ tịch VFF sẽ vẫn là cán bộ nhà nước biệt phái từ Tổng cục TDTT sang như ông Hỷ hồi mới về, hay là một doanh nghiệp nhằm thúc đẩy hơn công tác xã hội hóa.

Ở VFF hiện tại, có ông Lê Hùng Dũng hiện đang làm phó Chủ tịch phụ trách tài chính. Ông Dũng cũng đang là một doanh nghiệp lớn, như vậy, rất thích hợp cho vị trí Chủ tịch VFF. Tuy nhiên, bản thân ông Dũng lại không phải là người máu me chức quyền bởi ông còn bận việc kinh doanh. Ngoài ông Dũng, rõ ràng là chưa có ai đủ tài năng, tâm huyết và cả sự quyết đoán của một nhà lãnh đạo.

Như vậy là dù đã được đếm từng ngày để từ chức, nhưng vai trò của ông Hỷ vẫn rất lớn bởi chưa có ai hơn ông ở thời điểm này.

Không biết có phải vì thế mà ông Hỷ tâm sự: “Cho đến bây giờ, tôi cảm thấy rất mãn nguyện. Hiện tại, tôi cũng ít phải chịu áp lực. Tôi luôn kiểm soát được mọi tình hình và khi nào còn ngồi ghế Chủ tịch thì tôi còn làm được, mà chỉ làm đúng chứ không làm sai. Tôi làm 3 tháng hay 1 năm nữa, cũng chẳng tranh giành với ai”.

Có lẽ cần có những gương mặt dám xung phong nhảy vào lửa, hơn là cứ theo cái cách làm “chọn mặt gửi vàng” nhưng “vàng” đâu chẳng thấy như hiện nay.

Song Ngư

Các tin đã đăng

'; ABDZone[1] = ''; ABDZone[2] = ''; rotatorAdNetwork("ADBCookie", ABDZone);