Campuchia và chuyện 'thăng cao, trầm cũng sâu'

- Trong lễ bảo vệ luận án tiến sĩ ở Việt Nam, ông Hun Sen rất chân thành: "Tôi cảm thấy hổ thẹn khi phải nói điều này, một tháng có 30 ngày, người Campuchia có thể có 29 ngày tốt, nhưng một ngày còn lại không biết thế nào".

Có lẽ ít ai làm Chủ tịch một hội hữu nghị lâu như ông Vũ Mão. 30 năm không nghỉ ngơi so với tuổi đời 40 năm tròn của Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia, chưa kể quãng thời gian ông từng là thủ lĩnh Thành Đoàn sang nước bạn giúp tổ chức Đại hội đầu tiên của Đoàn thanh niên nhân dân cách mạng Campuchia (1983). Trong quãng thời gian đó, ông cũng có đến 20 năm kiêm nhiệm Chủ tịch nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Campuchia.

"Thăng cao mà trầm cũng sâu" - ông trải lòng khi nói về quan hệ với nước láng giềng có lịch sử quan hệ đặc biệt với Việt Nam. Mối quan hệ gắn bó bằng xương máu mà trải qua lịch sử, như ông nói, dù thế nào, "vẫn nguyên vẹn nghĩa tình".

Những câu chuyện được ông lưu giữ trong cuộc đời làm Chủ tịch Hội hữu nghị được nhắc lại khi vào cuối tuần này, "một người bạn thân thiết" từ Campuchia trở lại Việt Nam: Chủ tịch Quốc hội Heng Samrin. Ông có chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.

Ông Vũ Mão trong một cuộc gặp Chủ tịch Quốc hội Heng Samrin tại Campuchia. Ảnh: Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia

Nhắc đến Chủ tịch Quốc hội Heng Samrin, ông Vũ Mão nhớ những ngày sau khi nước bạn giải phóng, nhiều lần ông dẫn đầu Đoàn đại biểu Thanh niên Việt Nam sang thăm Campuchia và thường xuyên chỉ đạo đoàn chuyên gia thanh niên Việt Nam đang giúp nước bạn.

Ông đã nhiều lần được gặp và làm việc với ông Heng Samrin - khi đó là Tổng Bí thư Đảng nhân dân Cách mạng Campuchia và Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Campuchia.

Ông Vũ Mão nhận xét: "Ông Heng Samrin là một người bạn thân thiết của Việt Nam. Ông thuộc lớp thế hệ lãnh đạo mới của Campuchia sau 1979, là người một lòng một dạ với người dân và sự hồi sinh của Campuchia". Ông Vũ Mão cho biết tình bạn của ông và ngài Heng Samrin cũng rất chân thành và thân thiết.

'Tôi hổ thẹn khi nói điều này'

Với sự giúp đỡ vô tư và trong sáng của Việt Nam, Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng và đi vào củng cố thành quả cách mạng, xây dựng kinh tế. Trong hệ thống chính trị mới, nhiệm vụ quan trọng đầu tiên mà ông Hun Sen - Thủ tướng Campuchia hiện nay - được giao làm Chủ tịch Hội Thanh niên cứu nước Campuchia. Khi ấy, Hun Sen chưa đầy 30 tuổi.

Trong suốt 30 năm làm công tác ngoại giao nhân dân với Campuchia, ông Vũ Mão đã nhiều lần gặp gỡ, trao đổi, trò chuyện với ông Hun Sen, từ cương vị thủ lĩnh thanh niên, cho đến Bộ trưởng Ngoại giao và giờ là Thủ tướng. Họ luôn trò chuyện với nhau bằng tiếng Việt. "Lúc nào ông ấy cũng thân mật gọi tôi là anh Vũ Mão. Hun Sen là người rất thông minh, có chí học tập lớn" - ông kể.

Cùng với quãng thời gian hoạt động cách mạng gắn bó với Việt Nam, ông Hun Sen đã học tập, nghiên cứu tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, với học vị cao nhất là tiến sĩ Chính trị học.

Ông Vũ Mão đến chào Thủ tướng Hun Sen trong chuyến thăm Campuchia 11/2011. Ảnh: Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia

Ông Vũ Mão kể lại, buổi lễ bảo vệ luận án tiến sĩ năm 1990 ở Việt Nam của ông Hun Sen (khi đó đã là Thủ tướng) khiến ông nhớ mãi. Được mời trên cương vị ủy viên thường trực Quốc hội, Chủ tịch Nhóm nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Campuchia, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia, nhưng ông đến tham dự bằng cả sự chia sẻ của một người bạn.

Khi trình bày tóm tắt luận án, ông Hun Sen đã nêu những lý lẽ rất sắc sảo. Ông nói bằng tiếng Việt khá rành rõi. Ông Vũ Mão kể, khi nói về đặc tính của người Campuchia, ông Hun Sen chia sẻ: Người dân Campuchia có rất nhiều truyền thống tốt đẹp như tháo vát, năng động, không ỉ lại sự ưu đãi của thiên nhiên mà luôn cố gắng tìm tòi xây dựng nên những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Bên cạnh đó, người Campuchia cũng có những mặt trái. Ông Hun Sen rất chân thành: "Tôi cảm thấy hổ thẹn khi phải nói điều này, một tháng có 30 ngày, người Campuchia có thể có 29 ngày tốt, nhưng một ngày còn lại không biết thế nào".

"Tôi cũng như mọi người hết sức bất ngờ. Sự thẳng thắn trong câu chuyện của ông ấy, ở cả cương vị Thủ tướng, cũng lý giải phần nào những chuyện thăng trầm vốn có trong quan hệ hai nước. Nhưng tôi tin những điều xảy ra không làm lu mờ tất cả, làm mất đi tất cả. Lịch sử cho thấy điều đó. Chúng ta không mơ hồ nhưng có những điều lớn hơn vẫn còn ở lại" - ông nối sang câu chuyện năm1993.

'Ngoại giao gầm bàn'

Năm 1993, ông Vũ Mão trên cương vị Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam sang thăm Campuchia. Cuộc tiếp kiến, chào Thủ tướng của đoàn là một cuộc gặp gỡ đầy xúc động. Trong đoàn có chị Kim Vân, đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch tỉnh Bình Dương.

Campuchia đã hồi sinh nhờ sự giúp đỡ của Việt Nam trong cuộc chiến tiêu diệt chế độ diệt chủng Pol Pot. Ảnh: Lãnh đạo Campuchia tại lễ kỷ niệm ngày chiến thắng chế độ diệt chủng (7/1/2012). Reuters


"Khi gặp Thủ tướng Hun Sen, tôi giới thiệu Kim Vân là con của anh Ba Khanh, nguyên Chủ tịch tỉnh Sông Bé. Thủ tướng Hun Sen đã bước đến, ôm lấy Vân và nói: Bọn Pol Pot dã man quá. Chú phải chạy trốn sang Việt Nam.

Những cán bộ Việt Nam ở sát biên giới bắt được chú, sau khi nghe khai báo đã báo cho ba cháu, khi đó là Chủ tịch tỉnh Sông Bé. Ba cháu ngay lập tức đã đến gặp chú và hết lòng giúp đỡ. Nếu không có ba cháu và lòng tốt của những người dân Việt Nam mà nghi ngờ, rồi đẩy chú trở lại Campuchia để Pol Pot giết thì không có Hun Sen hôm nay...". 

Cuộc gặp gỡ đó chỉ là một kỷ niệm. Trong nhiều cuộc gặp, ông Vũ Mão và Thủ tướng Hun Sen vẫn luôn nhắc đến tình nghĩa trong sáng của quân đội tình nguyện Việt Nam cứu Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot.

"Ông Hun Sen thường nói tới một câu chuyện với những hình ảnh ví von. Như trong cuộc sống đời thường, khi nhà mình bị cháy thì không thể nhờ người ở xa cứu mà phải nhờ người hàng xóm đến cứu kịp thời. Trong cuộc đấu tranh tiêu diệt chế độ diệt chủng, chúng tôi không thể nhờ vả nước Mỹ bên kia bán cầu, Trung Quốc lúc đó thì càng không. Chỉ duy nhất có người Việt Nam, với nghĩa cử trong sáng, cao cả, vô tư đã đưa quân tình nguyện sang giúp đỡ nhân dân Campuchia" - ông kể.

Một câu chuyện ngoại giao nhân dân luôn được Thủ tướng Hun Sen nhắc trong cuộc gặp với ông Vũ Mão tại Hà Nội cách đây 5 năm. Ông Vũ Mão kể, Thủ tướng Hun Sen dùng hình ảnh ngoại giao nhà nước là phần ở trên bàn, nơi những câu chuyện, vấn đề luôn được trao đổi sôi nổi, thậm chí có những tranh luận gay gắt, nhưng ngoại giao nhân dân là dưới gầm bàn, hai bên thân thiện bắt tay nhau, siết chặt vì quan hệ hữu nghị của nhân dân hai nước.

"Việt Nam - Campuchia mãi mãi là bạn, không bao giờ là kẻ thù cả. 30 năm làm việc với bạn bè Campuchia, chúng tôi hiểu có những thăng trầm trong lịch sử quan hệ hai nước, nhưng có những câu chuyện, tình nghĩa vẫn vẹn toàn. Đó là nền tảng tốt để tiếp tục xây dựng quan hệ hai nước tốt đẹp hơn".

"Quan hệ Việt Nam - Campuchia đặc biệt ở chỗ chúng ta đã hy sinh xương máu trong 10 năm trời, mất mát không kém cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, để giúp bạn thoát khỏi chế độ diệt chủng.

Tuy thế, kể từ khi ta rút quân tình nguyện về nước năm 1988, tôi thấy tiếc vì những gì còn lại để nhân dân Campuchia mãi mãi có thể hiểu sâu sắc giá trị to lớn của sự hy sinh của quân tình nguyện Việt Nam trên đất Campuchia là rất ít.

Thế hệ nối tiếp thế hệ, có thể họ sẽ quên lãng những gì ta đã hy sinh. Đó là sự đáng tiếc.

Khi hoàn thành sứ mệnh quốc tế lịch sử, rút quân về nước, lẽ ra ta phải phát triển ngay lập tức và mạnh mẽ các mối quan hệ hợp tác kinh tế nhưng chúng ta lại không quan tâm đầy đủ.

Có thể đất nước thời kỳ đó khó khăn về tiềm lực, nhưng tôi vẫn trăn trở về cả vấn đề nhận thức, nó chưa tương xứng với sự hy sinh, đóng góp của chúng ta với nhân dân Campuchia, chưa tương xứng với yêu cầu tiếp tục phát huy thành quả.

Điều này đòi hỏi phải nhận thức rõ hơn, hành động quyết liệt hơn" - ông Vũ Mão.


Linh Thư

Tin mới nhất


Các tin khác


TQ ngang ngược đánh bắt cá ở Trường Sa

Bất chấp sự phản đối của Việt Nam, đội tàu gồm 30 tàu đánh cá từ tỉnh Hải Nam của Trung Quốc ngang nhiên lên kế hoạch đánh bắt cá gần Bãi đá Chữ thập của Việt Nam từ đêm 16/7.


Campuchia và chuyện 'thăng cao, trầm cũng sâu'

Trong lễ bảo vệ luận án tiến sĩ ở Việt Nam, ông Hun Sen chân thành: "Tôi cảm thấy hổ thẹn khi phải nói điều này, một tháng có 30 ngày, người Campuchia có thể có 29 ngày tốt, nhưng một ngày còn lại không biết thế nào".


vietnamnet.vn
© 2010 Báo VietNamNet. All rights reserved. Thông tin Tòa soạn - Nhận tin RSS
Chỉ được phát hành lại thông tin từ website này khi có sự đồng ý bằng văn bản của báo VietNamNet.