Trao đổi với Dân trí tại buổi tọa đàm với báo chí chiều nay, ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, hiện Tập đoàn vẫn mua điện từ Trung Quốc theo hợp đồng kinh tế và chỉ mua lúc thiếu điện phục vụ nhu cầu trong nước.
Hợp đồng mua điện này được ký 5 năm 1 lần với giá mua được tính từ thời điểm ban đầu song hoàn toàn phụ thuộc phía Trung Quốc.
Ông Tri khẳng định, giá điện mua từ Trung Quốc rẻ hơn so với điện tự sản xuất ở trong nước khi chạy dầu FO và chạy khí Cà Mau. Trong khi đó, tại Trung Quốc, năm 2009, 2010 và 2011, nước này đều bị thiếu điện ở khu vực Vân Nam và không muốn bán cho Việt Nam, ép EVN hạ yêu cầu.
Tuy nhiên, sau khi đàm phán giữa lãnh đạo Bộ Công Thương, EVN và phía Trung Quốc thì đối tác vẫn đồng ý chấp thuận đáp ứng nhu cầu về mua điện của Việt Nam trong khi tại thời điểm năm 2009, 2010, bản thân Trung Quốc vẫn cắt điện luân phiên.
Điều bất ngờ cho báo giới tham dự buổi Tọa đàm chiều nay đó là ông Tri cho biết, "giá điện họ bán cho Việt Nam còn rẻ hơn bán cho dân của họ". Cụ thể, nếu mức giá mà nước này bán cho người tiêu dùng trong nước là 10 cents thì giá bán cho EVN trong thời gian đầu chỉ khoảng 4,5 cents, tức bằng 1 nửa.
Trong phiên trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội hồi tháng 6, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng từng cho biết, nếu năm ngoái, Việt Nam ký hợp đồng mua điện của Trung Quốc với giá 5,8 cents/kWh thì năm nay giá điện nhập khẩu từ nước này đã tăng lên 6,08 cents/kWh, tương đương khoảng 1.300 đồng/kWh.
Trong khi đó, giá mua điện từ các nhà máy thủy điện nhỏ trong nước chỉ ở mức 800-900 đồng/kWh, giá mua điện từ các nhà máy nhiệt điện than khoảng 1.280 - 1.300 đồng/kWh và giá mua từ điện chạy dầu đắt hơn, từ 5.500 - 6.000 đồng/kWh.
Như vậy, mức giá mà EVN bỏ ra để mua điện từ Trung Quốc đang cao hơn giá mua điện từ các nhà máy thủy điện nhỏ trong nước từ 400 - 500 đồng/kWh.
Vấn đề này cũng đã được đưa ra tại Hội thảo "Phát triển thủy điện nhỏ và kiến nghị từ doanh nghiệp" được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức mới đây. Trước thực trạng EVN bỏ tiền ra để mua điện Trung Quốc với giá cao hơn so với mua trong nước, không ít vị đại biểu đã tỏ ra bức xúc.
Ông Vũ Ngọc Cừ, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Lào Cai nói, mức chênh lệch giữa giá điện mua vào trong nước và từ Trung Quốc của EVN là quá lớn và đòi hỏi các cơ quan chức năng phải xem xét lại sự bất hợp lý này.
Trong khi đó, điều nghịch lý là, theo đại diện đến từ Tập đoàn Hưng Hải, chủ đầu tư một số nhà máy điện phản ánh, theo hợp đồng mua bán điện giữa EVN với Trung Quốc, nếu phía Việt Nam phát được điện nhưng rủi ro thừa công suất, chảy ngược về phía Trung Quốc quá 5% thì EVN không những mất lượng điện trên còn phải chịu nộp phạt.
Ông Hoàng Minh Tuấn, Chủ tịch HĐQT CTCP Nam Tiến giãi bày, từ năm 2006 tới nay, giá điện EVN bán ra đã tăng tới 57% thì mức giá mà tập đoàn này mua vào vẫn dẫm chân tại chỗ với mức trung bình 650 đồng/kWh.
Song, do EVN là người mua duy nhất trên thị trường nên các nhà máy thủy điện nhỏ không còn con đường nào khác là vẫn phải bán, mà theo ông Tuấn, "mỗi lần đàm phán không dưới 3 lần".
Việt Nam bắt đầu nhập khẩu điện Trung Quốc bắt đầu từ năm 2004 với 5 tỷ kWh điện mỗi năm. Bộ Công thương cho biết, 5 tháng đầu năm, riêng số lượng mua từ Trung Quốc là 1,16 tỷ kWh, còn báo cáo cập nhật mới đây, 6 tháng, lượng điện mua ngoài (bao gồm cả Trung Quốc) là 31,6 tỉ kWh.