Quảng Bình:
Vụ "Chủ tịch tỉnh bị kiện vì ba ba": Bên bị kiện thắng
(Dân Việt) - Chiều 20.7, Tòa án nhân dân (TAND) Quảng Bình đã bác toàn bộ nội dung khiếu kiện của Công ty TNHH Ba ba Tiền Hậu (TP.HCM). Doanh nghiệp tuyên bố không đồng tình và sẽ kháng cáo lên TAND Tối cao.
Phiên tòa diễn ra với sự điều hành của thẩm phán Trần Thị Cài. Người khởi kiện là ông Trần Đình Quyết - Giám đốc Công ty Tiền Hậu dự tòa cùng 2 luật sư thuộc Công ty Luật TNHH Gia Phạm (Hà Nội). Người được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình ủy quyền tham dự phiên tòa là Phó Chi cục trưởng Kiểm lâm Quảng Bình Nguyễn Văn Duẩn.
|
Ông Trần Đình Quyết (đứng) tranh luận tại tòa. |
Tranh luận bất tận về cách quản lý ba ba
Như thông tin NTNN phản ánh từ các số báo trước, vấn đề được quan tâm nhiều nhất trong vụ kiện này là cần xác định ba ba trơn là lâm sản hay vật nuôi thông thường, là động vật rừng hay thủy sản. Và thực tế, phần tranh luận gay gắt nhất tại tòa chính là điểm này.
Phía nguyên đơn cho rằng, hiện không có danh mục nào quy định ba ba là lâm sản, trong khi đó có nhiều văn bản của Bộ KHĐT, Bộ Thủy sản trước đây và Bộ NNPTNT xem ba ba là thủy sản. Luật sư cũng viện dẫn theo Thông tư 06/2010 của Bộ NNPTNT, khi vận chuyển ba ba không cần phải có giấy xác nhận của kiểm lâm.
Ngược lại, ông Lê Thuận Thanh - Trưởng phòng Thanh tra pháp chế Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình vẫn khẳng định rằng ba ba là động vật có nguồn gốc từ rừng và thuộc phạm vi quản lý của kiểm lâm. Tuy nhiên, ông Thanh chỉ đưa ra cơ sở để chứng minh là một cuốn giáo trình của Trường ĐH Lâm nghiệp có nói về ba ba và một dự thảo danh mục động vật rừng nuôi nhốt của Bộ NNPTNT.
Rất bức xúc, ông Trần Đình Quyết yêu cầu hội đồng xét xử (HĐXX) và UBND tỉnh phải đưa ra những căn cứ xác thực hơn. Khi nhiều lần bị chủ tọa hỏi vì sao không lấy xác nhận của kiểm lâm khi vận chuyển ba ba, ông Quyết buộc phải “vặn lại”: “Chúng tôi đang muốn làm rõ vấn đề là có cần xác nhận của kiểm lâm hay không. Sao tòa lại hỏi dựa trên quan điểm của kiểm lâm?”.
Chủ tọa phiên tòa phải cắt ngang phần tranh luận gay gắt giữa các bên: “Tòa không xem xét việc ba ba là động vật rừng hay không mà chỉ xem xét quy trình thủ tục xử lý vi phạm hành chính của UBND tỉnh Quảng Bình có đúng hay không”. Từ quan điểm xét xử này, tòa tuyên bố ông Quyết không có giấy phép của kiểm lâm và bị giữ nguyên mức phạt.
Cần sự lên tiếng của Bộ NNPTNT
Ngay sau phiên tòa, ông Trần Đình Quyết cho rằng, bản án được tuyên không xác định được ba ba là động vật rừng hay không nhưng vẫn áp dụng các quy định về lâm sản để bảo vệ quyết định của UBND tỉnh Quảng Bình là chưa đầy đủ, khách quan. Luật sư Phạm Thành Long - bảo vệ quyền lợi cho ông Quyết cho rằng, việc chứng minh ba ba có thuộc quản lý của ngành kiểm lâm hay không là điểm mấu chốt và đây là trách nhiệm của cơ quan chức năng chứ không phải việc là doanh nghiệp phải làm.
Luật sư Phạm Thành Long cho rằng: Bản án không khách quan vì các ý kiến, quan điểm của luật sư không được phản ánh đầy đủ. Việc ông Lê Thuận Thanh không có trong danh sách được tranh tụng tại tòa nhưng lại là người được tòa hỏi và tranh luận công khai tại tòa là vi phạm quy định tố tụng.
Phía nguyên đơn tuyên bố ngay sau phiên tòa là sẽ tiếp tục kháng cáo lên Tòa án nhân dân Tối cao. “Hàng vạn nông dân đang nuôi ba ba, xuất khẩu ra thế giới cũng không cần giấy của kiểm lâm. Nếu cứ quy định như vậy thì nông dân rất tốn thời gian và tiền bạc để xin xác nhận của kiểm lâm. Cái cần nhất hiện nay là Bộ NNPTNT cần đưa ra một quy định rõ ràng” - ông Quyết nói.
Trao đổi với NTNN sau phiên tòa, Phó Chi cục trưởng Kiểm lâm Quảng Bình Nguyễn Văn Duẩn cũng cho rằng, có thể thông qua một số kênh nào đó, cần có các quy định cụ thể hơn về quản lý động vật nuôi nhốt, đặc biệt là con ba ba.
Sỹ Lực