Thứ ba, 24/7/2012, 20:01 GMT+7

Bạc Hy Lai và nhạc đỏ

Bạc Hy Lai được biết đến như một người có nhiều sáng kiến và ấp ủ phong trào hát nhạc đỏ từ rất lâu trước khi trở thành nhân vật quyền lực bậc nhất ở Trùng Khánh.

Bạc Hy Lai (giữa) cùng các quan chức Trùng Khánh hát những bài hát cách mạng. Ảnh: CNS

Jiang Weiping, 56 tuổi, một cựu phóng viên, hiện sống tại Canada, nhớ lại nụ cười tươi của Bạc Hy Lai khi hai người gặp nhau năm 1984. Khi đó Bạc 35 tuổi và là phó bí thư một huyện nay thuộc thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh. Bạc đi vào phòng, cúi chào và bắt cả hai tay với Jiang. "Rất hân hạnh được gặp ngài", Bạc nói với thái độ hết sức lịch sự.

Jiang là một nhà báo của Nhật báo Đại Liên, báo đảng của thành phố. Trong quá trình tiếp xúc, Jiang cảm thấy Bạc không như quan chức cấp cao của các địa phương khác, ông tiếp xúc với nhà báo một cách thân thiện.

Theo Jiang, Bạc thông hiểu rất nhiều vấn đề và không tỏ ra hách dịch, dù Bạc nhiều hơn Jiang 6 tuổi. Bạc đưa ra nhiều sáng kiến để cải thiện đời sống của người dân, kể cả những điều mà các quan chức khác dường như không bao giờ nghĩ tới.

Tiền thân của phong trào hát nhạc đỏ

Một ý tưởng xuất hiện khi Bạc đến thăm Đức Sinh, một làng quê thuần nông nghèo khó, chuyên cày cấy và chăn nuôi. Bạc gặp khoảng 50 nông dân trong một ban nhạc kèn gồm trumpet và sáo, đang thổi giai điệu của một bài hát phương tây.

Những người yêu nhạc trong làng thành lập ban nhạc từ sở thích cá nhân và chung nhau tiền để mua nhạc cụ. "Một màn biểu diễn thật hay và sinh động", ông Bạc nói với các cấp dưới.

Bạc Hy Lai đẩy mạnh phong trào hát các ca khúc nhạc đỏ từ thời Mao Trạch Đông trên toàn Trùng Khánh. Ảnh: AP

Sau đó, Bạc lập tức ban hành hướng dẫn chính quyền huyện cung cấp kinh phí cho ban nhạc. Một chuyên gia từ Bắc Kinh cũng được mời đến để huấn luyện cho ban nhạc. Bạc Hy Lai sử dụng những mối quan hệ của cha mình, Bạc Nhất Ba, người từng giữ chức phó thủ tướng Trung Quốc, để giới thiệu ban nhạc đó với các công ty điện ảnh và Bộ Văn hóa.

Một tài liệu cho biết ban nhạc đã giành giải vàng trong liên hoan phim Kim Kê của Viện nghệ thuật Trung Quốc năm 1986. Nhóm được mệnh danh "ban nhạc nông dân đầu tiên của Trung Quốc" trở nên nổi tiếng trên toàn quốc, thậm chí được mời lưu diễn ở Nhật Bản. Ban nhạc cũng biểu diễn cho các nhà lãnh đạo nước ngoài.

Trong một lần trả lời phỏng vấn báo địa phương, Bạc cho biết mình đặt lòng tin vào ban nhạc và nỗ lực để quảng bá cho ban nhạc đó. "Một ban nhạc được sinh ra từ làng quê đã lớn mạnh và vươn tới tầm quốc tế. Điều đó chứng minh nông dân Trung Quốc không hề thấp kém".

Những người quen biết Bạc nhiều năm không thể quên thành công của Bạc ở Đức Sinh. Ông Bạc cũng dành nhiều công sức trong hai thập kỷ sau đó trong một chiến dịch âm nhạc khác, phong trào hát các bài hát nhạc đỏ, nhằm làm hồi sinh các tư tưởng từ thời Mao Trạch Đông.

Đây là bài thứ năm trong series của Asahi Shimbum, tìm hiểu về con đường tiến thân của chính trị gia mất chức Bạc Hy Lai của Trung Quốc. Đọc thêm:
- Cha Bạc Hy Lai trải đường cho con
- Bạc Hy Lai tự tin nhờ chủ tịch Mao
- Dấu chân dát vàng của Bạc Hy Lai
- Đằng sau bước thăng trầm của Bạc Hy Lai

Vũ Hà

Link Site
 
 
 
 
 
Lien he quang cao