Nhà trường Nhật Bản

Học sinh trộm đồ, hiệu phó gập người xin lỗi

23/07/2012 12:09:00

(Kienthuc.net.vn) - 19h tối mùa đông lạnh giá, nhiệt độ ngoài trời là 9 độ C, thay vì được về nhà, nghỉ ngơi cùng gia đình, thầy hiệu phó cùng các giáo viên đến tận từng cửa hàng nơi học sinh của mình lấy đồ không trả tiền, nhận trách nhiệm, cúi gập người xin lỗi. “Vụ trộm” diễn ra vào ngày nghỉ học, giáo viên tình cờ phát hiện ra khi “nghe lỏm” chuyện của học sinh.

Tôi bàng hoàng khi nghe cô giáo chủ nhiệm thông báo con trai tôi và bạn Yamada tuần trước đã vào siêu thị chơi và lấy về mấy đồ chơi nho nhỏ như dây đeo chìa khóa, Gamecard nhưng không thanh toán.

Kèm theo tin tức “gây sốc”, cô trấn an: Lỗi này cũng có học sinh từng mắc phải, nhà trường sẽ phối hợp chặt chẽ cùng phụ huynh giải quyết dứt điểm để các em không bao giờ tái phạm nữa.

Học sinh ăn trộm, giáo viên cúi gập người xin lỗi. Ảnh minh hoạ

Chiều thứ 4, đúng ngày hẹn với cô giáo, tôi mang những thứ con trai “nhặt ở cửa hàng về” lên phòng họp nhỏ của trường. Đến nơi đã thấy thầy hiệu phó, thầy tổng quản, 2 GVCN và 4 bà mẹ khác. Cả giáo viên và bố mẹ trình bày lại sự việc.

Các thầy cô giáo nói với học sinh của mình: Việc các em làm là xấu, nếu mua đồ thì phải trả tiền, nếu không trả tiền mà nhặt đồ về là hành vi phạm tội, sẽ không được đến cửa hàng nữa, sẽ bị cảnh sát bắt, các thầy cô giáo, các bạn, phụ huynh sẽ buồn lòng. Thầy giáo tổng quản cũng hẹn chiều mai - thứ 5 - các em sẽ đi cùng thầy cô giáo, bố mẹ đến từng cửa hàng nơi các em” nhặt” đồ để xin lỗi họ.

Thầy cô cũng dặn dò các phụ huynh cách xử sự sao cho đủ nghiêm khắc nhưng không làm tổn thương các em.

Chiều thứ 5, sân trường vắng lặng, tôi đưa con trai đến trường thì đã thấy thầy hiệu phó, thầy tổng quản, 2 GVCN và 4 ông bố khác: comple, cà vạt chững chạc, nghiêm trang. Tôi hiểu rằng sự việc này với các gia đình đều rất nghiêm trọng, các ông bố phải nghỉ việc để đi cùng con.

Trước mặt giáo viên và các ông bố, hai em nói rằng đã hiểu việc đó là xấu, không bao giờ làm thế nữa. Các phụ huynh căn dặn con và hứa với nhà trường về những biện pháp để con không tái phạm: sẽ kiểm soát kỹ hơn con đi chơi đâu, đi với ai, thấy con có đồ vật lạ thì sẽ truy đến cùng…

Nhà trường cũng cam kết sẽ để ý kỹ hơn các em, nếu có gì không ổn sẽ ngay lập tức báo cho phụ huynh. Mọi người tỏ ra nghiêm khắc, nhưng không dùng những từ ngữ “đao to, búa lớn”, nặng nề với các em.

Trong buổi chiều nhập nhoạng, thành phố đã lên đèn, tiết trời lạnh giá, nhìn những ông bố “bảnh chọe” lịch sự dắt các cậu nhóc, các thầy cô giáo sánh bước… đến các cửa hàng, tôi thấy nao lòng.

Đến mỗi cửa hàng, thầy giáo tổng quản trình bày sự việc, thầy và các giáo viên chủ nhiệm đứng về phía học sinh, phụ huynh, cúi gập người xin lỗi. Một phụ huynh xin lỗi cửa hàng về việc đó và hứa sẽ kiểm soát con kỹ hơn, không để tái diễn.

Các đại diện cửa hàng với thái độ nhã nhặn, nghiêm khắc chỉ rõ các em đã làm việc xấu, làm các thầy cô giáo, bố mẹ phiền lòng và xấu hổ vì bố mẹ vất vả làm việc, dành tất cả cho con cái. Tự mỗi học sinh phải đứng đối diện chủ cửa hàng, trình bày sự việc và nhìn vào mắt người đó để xin lỗi. Khi một em có lẽ xấu hổ quá không dám nhìn thẳng thì được nhắc nhở: “Cháu hãy nhìn thẳng vào mắt bác và nói lại cho bác nghe nào”.

Các phụ huynh trả tiền cho món đồ con mình lấy.

Cứ thế “phái đoàn” đi hết 3-4 cửa hàng. Đến cửa hàng cuối cùng cũng đã 7 giờ tối, lẽ ra ngày thường các thầy cô giáo đã về nhà từ lâu, đang sum họp cùng gia đình. Tôi nhìn các thầy cô giáo đứng yên lặng, chăm chú nghe chủ cửa hàng nói chuyện mà cảm thấy thương họ, tự nhủ lòng mình phải để ý đến con kỹ hơn. Tôi cũng hiểu lòng tận tâm mà các thầy cô giáo dành cho học sinh của mình sâu sắc nhường nào.

Tạm biệt học sinh, thầy tổng quản lần lượt nắm lấy 2 bờ vai nhỏ bé của mỗi trò, nhìn vào mắt các bé nói: “Giờ thầy trò mình chia tay nhé, các con thấy chưa, việc các con làm thật xấu, từ nay không bao giờ làm thế nhé, cố gắng lên nhé! Hẹn gặp các con ở trường ngày mai!”

Sự việc diễn ra vào ngày nghỉ, khi học sinh đi chơi, nhưng nhà trường nhận trách nhiệm và làm tất cả những gì có thể để điều chỉnh hành vi học sinh, thay vì mặc kệ gia đình tự xử lý. Khi nhà trường phối hợp cùng gia đình thì tự gia đình cũng ý thức được trách nhiệm giáo dục con cái của mình cao hơn. Họ cũng cảm thấy mình không đơn độc mà được đồng hành cùng nhà trường, xã hội tạo ra kết quả cao nhất trong giáo dục thế hệ tương lai.

Với các em học sinh, tình huống cụ thể này chính là bài học thực tế có hiệu quả cao nhất các em có thể nghe, nhìn, cảm thấy được… chứ không chỉ là lý thuyết suông. Các em cũng nhìn thấy phụ huynh, thầy cô giáo đã vất vả vì mình ra sao, trực tiếp nhìn thấy hậu quả, biết nhận trách nhiệm và không bao giờ lặp lại hành vi xấu nữa.

TIN LIÊN QUAN

Hà Linh (từ Nhật)

.
Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu
.