Thứ năm, 26/7/2012, 05:11 GMT+7

Thanh nữ Trung Quốc say mê tạp chí thời trang

Zena Hao, một nữ ký giả 24 tuổi, tháng nào cũng chất đầy giá sách với đủ loại tạp chí thời trang nổi tiếng, từ Vogue đến Harper's Bazaar.

Tạp chí thời trang nước ngoài ngập tràn trên các sạp báo ở Trung Quốc. Ảnh: New York Times

"Hồi chưa vào đại học, tôi ít khi đọc loại này vì tranh ảnh không được đẹp cho lắm", Hao nói. "Nhưng sau vài ba năm, các tạp chí thời trang đã thú vị hơn rất nhiều."

Niềm đam mê của những phụ nữ như Hao với các tạp chí thời trang, những trang giấy tràn ngập quảng cáo túi xách của Louis Vuitton và son môi của Chanel, là tin vui cho những nhà xuất bản có trụ sở ở New York. Các nhãn hiệu thời trang ngày càng chi nhiều tiền hơn cho những trang quảng cáo trên các tạp chí ở Mỹ, nhưng ở Trung Quốc, số tiền còn lớn hơn nhiều lần.

Cuối năm ngoái, các biên tập viên của tạp chí thời trang Cosmopolitan Trung Quốc đã quyết định xuất bản gấp đôi, lên hai số trong một tháng vì lượng quảng cáo quá lớn. Tạp chí Elle hiện cũng làm điều tương tự bởi những ấn bản hàng tháng đã tăng lên tới 700 trang. Trong khi đó, tổng biên tập Vogue Trung Quốc đã quyết định tăng thêm 4 số một năm vì nhu cầu quảng cáo tăng cao. Hearst thậm chí còn thiết kế túi xách cho phụ nữ để giúp họ dễ dàng đem những tờ tạp chí nặng trịch về nhà.

"Tính tới nay, dường như chúng tôi đã có một năm tăng trưởng tốt", Duncan Edwards, chủ tịch đồng thời là giám đốc điều hành của Hearst Magazines International, công ty có hợp đồng với 22 tạp chí, bao gồm Elle và Harper’s Bazaar, nói. "Phụ nữ luôn rất quan tâm tới các món hàng hiệu, và các tạp chí thời trang chính là nơi cung cấp cho họ thông tin về những thứ ấy."

Phụ nữ Trung Quốc đã và đang chi tiền những tạp chí kiểu này, cũng như các sản phẩm được quảng cáo trong đó, nhiều hơn nữ giới phương Tây. Theo một nghiên cứu năm 2011 của Bain & Company, Trung Quốc lục địa đứng thứ 6 trong bảng xếp hạng các nền kinh tế chi đậm nhất chohàng xa xỉ. Năm 2010, người tiêu dùng Trung Quốc đã giúp các công ty thời trang nổi tiếng thu về hơn 17,7 tỷ USD. Louis Vuitton, Chanel và Gucci vẫn là những thương hiệu được khao khát nhất.

Bìa tạp chí Elle số tháng 3 năm nay, ấn bản Trung Quốc.
Bìa tạp chí Elle số tháng 3 năm nay, ấn bản Trung Quốc.

"Chúng ta đang ở trong một thời đại tuyệt vời, nơi có ngày càng nhiều phụ nữ thoát khỏi cuộc sống nghèo khổ và gia nhập vào tầng lớp trung lưu, thậm chí là giàu có", Edward nói. "Rất nhiều trong họ đang chi tiền cho hàng hiệu."

Lena Yang, tổng giám đốc Tạp chí Hearst Trung Quốc, công ty đang giám sát 9 ấn phẩm nước ngoài bao gồm Elle và Marie Claire, cho biết đối tượng độc giả chính của họ là những phụ nữ độc thân và chưa tới 30 tuổi. Họ là những người có thu nhập trung bình khoảng 1.430 USD một tháng. Để sở hữu quần áo, giày dép và đồng hồ, họ chi 1.000 USD cho mỗi loại mỗi mùa.

Theo bà Yang, phần lớn những người này thường sống trong những căn nhà do cha mẹ và ông bà của họ sở hữu. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, rất nhiều độc giả trong độ tuổi ngoài 20 không có thói quen tiết kiệm tiền.

"Phần lớn trong số họ là những thanh niên độc thân", Yang nói. "Họ không có quá nhiều mối lo lắng. Họ chẳng phải tiêu cho ai đồng nào. Không những thế, họ còn có ông bà và cha mẹ hỗ trợ. Chính xác thì có tới 6 người: ông bà nội, ông bà ngoại và cha mẹ, đứng sau và hỗ trợ tài chính cho họ."

Đó chính là lý do tại sao ngày càng có nhiều công ty muốn quảng cáo sản phẩm của họ trên các tạp chí thời trang. Bên cạnh những trang giới thiệu về các thương hiệu ngoại nhập như Gucci hay Prada, cũng có rất nhiều "đất" cho những sản phẩm trong nước như Ochirly, Marisfrolg, EIN hay Mo&Co.

IDG, công ty đang làm việc với hơn 40 tạp chí ở Trung Quốc, cho biết chỉ trong vòng nửa năm, các tạp chí dành cho phụ nữ đã tăng tới 16,9% doanh thu từ quảng cáo, ngay trong thời điểm lượng quảng cáo trên những tạp chí công nghệ và kinh doanh chững lại. Theo nhận định của bà Yang, nhu cầu này đang tăng cao ở những thành phố và các khu đô thị mới, nơi 60% trong số tất cả những cửa hiệu chỉ mới được mở cửa trong vòng 3 năm trở lại đây.

"Ở Trung Quốc, các tạp chí thời trang vẫn đang là mốt", bà Yang nói.

Zena Hao cũng không nằm ngoài xu hướng này. Cô luôn muốn chi tiền cho những món đồ xa xỉ xuất hiện trên các tạp chí. Hao cho biết mỗi tháng cô kiếm được hơn 1.600 USD từ nghề làm báo, và công ty tổ chức sự kiện của chồng cô cũng đang làm ăn rất phát đạt. Dù đã có 4 chiếc túi Prada, cô vẫn thấy thế là chưa đủ. "Trong môi trường làm việc của tôi, những chiếc túi hàng hiệu lúc nào cũng quan trọng."

Dù công việc bận rộn, Hao vẫn muốn tự chạy ra sạp báo và lựa những cuốn tạp chí mới, thay vì đọc chúng trên ấn bản điện tử. Hao quyết trung thành với tạp chí giấy.

"Tạp chí cũng giống một cuốn sách. Ai cũng muốn hàng thật, chứ không phải những thứ được hiển thị trên màn hình máy vi tính", cô nói. "Hai việc đó rất khác nhau. Đọc tạp chí chứng tỏ bạn là người quan tâm tới thời trang một cách nghiêm túc."

Tất nhiên, hành trình xâm nhập vào thị trường Trung Quốc của các nhà xuất bản nước ngoài cũng không chỉ trải toàn hoa hồng. Ngay cả trong thời đại "hoàng kim", các nhà xuất bản vẫn sẵn sàng thừa nhận rằng, doanh thu của họ hoàn toàn có thể bị "bay hơi" nếu nền kinh tế Trung Quốc đi xuống. Tạp chí vốn chỉ chiếm thị phần quảng cáo rất nhỏ so với các lĩnh vực khác trong ngành công nghiệp truyền thông, theo lời ông Edward. Tuy nhiên, vào thời điểm hiện tại, khi những câu chuyện về các ngôi sao nổi tiếng và xu hướng thời trang vẫn đang là thỏi nam châm thu hút độc giả, thì các tạp chí vẫn ung dung kiếm tiền.

"Chúng tôi sẽ an toàn", ông Edward nói. "Cosmopotitan và Elle cùng nhiều tạp chí khác gần như không bị ảnh hưởng bởi chính trị và các cơ quan chính phủ".

Quỳnh Hoa (Theo New York Times)

Link Site
 
 
 
 
 
Lien he quang cao