Bắc Kinh sẽ mất mát nhiều nếu tính toán sai

 Khi Tập Cận Bình ghé thăm Nhà Trắng cách đây ít lâu, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đưa ra một đề xuất. Ông nói cả hai nước đều có lợi ích trong việc thiết lập một cơ chế đối thoại nghiêm túc giữa lực lượng vũ trang Mỹ và Trung Quốc. Tập Cận Bình, người vào thời điểm này năm sau có thể đang là chủ tịch Trung Quốc, không cần mất nhiều thời gian suy nghĩ về ý tưởng này. Ông đáp lại thẳng thừng: Không chấp nhận.

Chuyến thăm của ông Tập đến Mỹ nhìn chung không có gì đột phá. Người kế thừa Hồ Cẩm Đào đã thận trọng khi không nói những chuyện quá to tát. Phía chủ nhà, đặc biệt là phó tổng thống Joe Biden, đã nhân dịp này bày tỏ một số chỉ trích gay gắt đối với cách tiếp cận vấn đề thương mại, quyền sở hữu trí tuệ và một số vấn đề khác của Trung Quốc. Năm nay là năm bầu cử của Mỹ. Tuy nhiên,  xét cho cùng vẫn không hề có dấu hiệu "tư tưởng gặp nhau" hay một sự bứt phá thực sự.

Ấn tượng của các quan chức Mỹ từ các cuộc gặp gỡ này là một khi ông trở thành chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình có thể sẽ cứng rắn hơn, mang tinh thần chủ nghĩa dân tộc hơn và gần gũi với giới quân sự hơn Hồ Cẩm Đào. Điều đó có nghĩa là việc quản lý mối quan hệ trọng yếu nhất của thế kỷ 21 này gần như chắc chắn sẽ không thể dễ dàng hơn hiện nay.

Cách đây chừng một năm, theo ghi nhận của phía Mỹ, phe hiếu chiến trong quân đội Trung Quốc đã tiến gần hơn tới việc đổi hướng cách tiếp cận thận trọng trong quá trình hoạch định chính sách đối ngoại của Bắc Kinh. Quá trình ấy trước đây được đặt dưới sự chỉ đạo của Hồ Cẩm Đào và Đới Bỉnh Quốc, Ủy viên Quốc vụ phụ trách đối ngoại. Nhưng lời dạy nổi tiếng của Đặng Tiểu Bình là Trung Quốc trỗi dậy cần phải "chờ thời" đang nhanh chóng mất dần đi ý nghĩa.

Nhận định của Washington là Tập Cận Bình sẽ nắm nhiều quyền lực trong Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc hơn Hồ Cẩm Đào. Tuy nhiên, cũng có thể ông sẽ sử dụng nó để kiềm chế những người muốn mở rộng một cách quyết liệt hơn nữa các lợi ích quốc gia của Trung Quốc. Nhưng dù theo cách nào, Tập Cận Bình cũng sẽ không thể tránh được những áp lực đòi hỏi Trung Quốc cần phải mạnh bạo hơn do các thành phần hiếu chiến cho rằng đây là lúc Mỹ đang đi xuống một cách khó cưỡng nổi.


Ảnh minh họa

Các vùng biển xung quanh Trung Quốc hứa hẹn sẽ trở thành khu vực căng thẳng địa chính trị lớn nhất trong những thập niên tới đây. Trung Quốc và một số quốc gia láng giềng đang tranh chấp tại các vùng nước và quần đảo giàu tài nguyên ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Trung Quốc tìm kiếm vị thế bá chủ hàng hải, trong khi Mỹ nhấn mạnh quyền bảo vệ tự do hàng hải của hải quân nước mình tại một số trong những tuyến hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới. Đài Loan từ lâu vẫn luôn là một điểm nóng tiềm năng. Nói cách khác, đây là một khu vực trên thế giới mà cường quốc trỗi dậy đang cọ xát trực tiếp với siêu cường đang tồn tại.

Sẽ rất khó nói bên nào nắm lợi thế trong một cuộc đối đầu trực tiếp. Các tướng lĩnh thiếu thực tế sẽ nói Trung Quốc chắc chắn thua trong cuộc chiến giáp mặt. Mặt khác, cũng rất khó nói điều gì có thể tạo nên chiến thắng cho Mỹ. Một rủi ro rất thực tế là khả năng tính toán sai lầm do những nghi kỵ sâu sắc: một sự việc nhỏ có thể leo thang thành một cuộc xung đột lớn.

Do đó, Obama đã đưa ra lời đề nghị đối với Tập Cận Bình. Người Mỹ đã nhìn lại những bài học lịch sử rút ra từ chiến tranh lạnh. Sau một số lần bỏ lỡ, Berlin và Cuba (trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba), Washington và Moscow đã thành lập một loạt các tổ chức, cơ chế và cách thức liên lạc để tránh một trận đánh cuối cùng (Armageddon, hay còn gọi là "ngày tận thế"). Đứng đầu trong số đó là đường dây nóng nổi tiếng giữa Nhà Trắng và Kremlin, dù các hệ thống và cơ chế sau đó cũng trở nên lỏng lẻo. Một trong những yếu tố quan trọng là trao đổi liên lạc liên quân đội: các tướng lĩnh, những người đã biết nhau sẽ ít có nguy cơ hiểu nhầm nhau. Họ sẽ quyết định nên nhấc điện thoại lên và gọi cho phía kia trước khi phóng một quả tên lửa.

Với quan hệ giữa các lực lượng vũ trang Mỹ và Trung Quốc tại Biển Đông, bạn có thể thấy tại sao nên tái sắp xếp những thỏa thuận như vậy. Đã có những vụ việc và sự cố trong những năm qua. Khi Trung Quốc tăng cường lực lượng hải quân và phát triển năng lực tinh vi để cản phá khả năng tiếp cận của đối phương nhằm đẩy lùi Mỹ khỏi các vùng biển, chắc chắn những sự kiện mới sẽ còn xảy ra nhiều hơn.

Trong trường hợp này, câu trả lời của Tập Cận Bình đối với Obama ngay lập tức có thể giải thích được và nó tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Là siêu cường số một hiện nay, Mỹ muốn phô trương sức mạnh quân sự của mình. Thông điệp nước này muốn gửi đi là: "Đừng gây rắc rối với chúng tôi". Là kẻ thách thức, Trung Quốc nhận thấy sẽ lợi thế hơn nếu duy trì sự mơ hồ - để Washington phải tự võ đoán về những gì nước này hướng tới. Nhìn từ Bắc Kinh, hợp tác liên quân đội có thể chỉ là một mánh của phía kia để bảo đảm duy trì tình trạng mà nước này không chấp nhận hiện nay.

Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng sẽ đánh mất nhiều thứ nếu tính toán sai. Washington cũng có những người hiếu chiến. Cho tới nay, việc dịch chuyển trọng tâm chiến lược của Obama sang châu Á vẫn là một cách ngoại giao rất thận trọng - nhằm củng cố lại các liên minh Thái Bình Dương và xây dựng các quan hệ mới. Nó cho phép can dự với một Trung Quốc hợp tác bên cạnh việc lập hàng rào chống lại một Bắc Kinh hiếu chiến. Mục đích là để kiềm chế hơn là kiểm soát Trung Quốc.

Tuy nhiên, hiện nay đang tồn tại một khoảng cách giữa chiến lược ngoại giao tinh vi với phần lớn các diễn đàn công cộng tại Mỹ. "Mối đe dọa Trung Quốc" cho thấy sự cần thiết phải củng cố quốc phòng của Mỹ và là lời đáp lại mạnh mẽ cho những kêu gọi cắt giảm chi tiêu quân sự. Khi Trung Quốc tìm kiếm các công nghệ ngăn chặn, điều đó cũng đòi hỏi Lầu năm góc phải có vũ khí mới để khắc chế.

Có một sự va chạm lợi ích thật sự giữa Mỹ và Trung Quốc. Washington quyết tâm thực thi quyền hàng hải của mình và củng cố niềm tin nơi các đồng minh châu Á. Trung Quốc muốn kiểm soát những vùng biển xung quanh mình. Thật khó có thể biết điều này sẽ được giải quyết ra sao. Chỉ có một điều chắc chắn là cần phải quản lý được nó. Nhưng câu trả lời "không" của Tập Cận Bình đã khiến cho sự việc trở nên khó khăn hơn nhiều.

Đình Ngân theo FT

Bỏ HĐND - bớt một khâu gật đầu?

Một nghiên cứu độc lập chỉ ra việc thí điểm không tổ chức HĐND tại 99 quận, huyện không chỉ cải thiện đáng kể chất lượng dịch vụ công, mà còn giảm tham nhũng.


Trung Quốc đem đảo nhỏ vào cuồng vọng lớn

 Trung Quốc cuối cùng đã thể hiện rõ tham vọng thống trị cả Biển Đông bằng những đội tàu đông đảo, các tiền đồn quân sự và một thành phố vội vã mọc lên trong chớp mắt.


vietnamnet.vn
© 2010 Báo VietNamNet. All rights reserved. Thông tin Tòa soạn - Nhận tin RSS
Chỉ được phát hành lại thông tin từ website này khi có sự đồng ý bằng văn bản của báo VietNamNet.