Một trong số đó là, lá thư của độc giả Vũ Việt Hưng với nội dung cho rằng, việc rất nhiều độc giả và trực tiếp phóng viên đã vào tận nơi, ghi nhận thực tế như vậy mà ông Chủ tịch UBND thị xã vẫn bàng quan, đòi bằng chứng... điều đó cho thấy sự quan liêu, tắc trách...
Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin đăng tải nguyên văn bức thư này. Mời độc giả cùng theo dõi:
Kính thưa ông Chủ tịch UBND Thị xã Sầm Sơn Vũ Đình Quế!
Trước hết, xin được tự giới thiệu, tôi là Vũ Việt Hưng, một du khách đến từ tỉnh Bắc Ninh.
Sau chuyến du lịch 3 ngày 2 đêm tại khu du lịch biển Sầm Sơn trở về, tôi đã suy nghĩ rất nhiều và hôm nay, nhân khi đọc được bài viết với
sự thẳng thừng bác bỏ nạn "chặt chém" của ông trên báo Giáo dục Việt Nam, tôi đã quyết viết những dòng thư này, mong muốn được gửi tới ông Chủ tịch một vài ý kiến:
|
Độc giả bày tỏ nhiều ý kiến với ông Chủ tịch UBND Thị xã Sầm Sơn về vấn nạn "chặt chém". |
Đúng là phải công nhận thị xã Sầm Sơn có một bãi biển với lịch sử khai thác khá lâu, bờ biển trải dài, với khung cảnh rất đẹp, thơ mộng, sóng lớn. Cơ sở hạ tầng, đường sá, các dịch vụ phục vụ khách du lịch... đã được đầu tư, phát triển, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch khi đến đây.
Có được những sự "thay da, đổi thịt" của bộ mặt khu du lịch trong thời gian qua, không thể không nhắc tới, ông, người được Đảng bộ, chính quyền nhân dân thị xã Sầm Sơn nói riêng, tỉnh Thanh Hóa nói chung giao trách nhiệm lãnh đạo toàn bộ các công tác điều hành, quản lý chung ở đây.
Thưa ông Chủ tịch, những gì mà Sầm Sơn đã đạt được là điều đáng trân trọng và tự hào của nhân dân nói chung, cá nhân ông nói riêng. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực thì vẫn còn nhiều lắm những hạt "sạn" mà chúng ta phải thẳng thắn nhìn vào.
Đó là nạn "chặt chém" phải nói rằng đến "kinh hồn bạt vía", làm cho khách chỉ một lần rồi "vẫy tay lên chào và tạm biệt mãi mãi", là cung cách, thái độ phục vụ theo kiểu "chủ hàng là thượng đế", còn khách hàng dù rằng tiền mất nhưng cẩn thận lại "mang tật vào người"...
Rất nhiều ý kiến của những người khách du lịch sau các chuyến đi thực tế vào đây đã gửi về các cơ quan báo chí để nhằm góp phần làm rõ thêm điều đó. Chưa kể, chính các phóng viên của báo Giáo dục Việt Nam cũng đã vào thực tế để ghi lại nhưng hình ảnh hết sức chân thực, rõ ràng.
Mắt đã thấy, tai đã nghe, từ những cảnh "chặt chém", nhiều người còn thẳng thắn bày tỏ, đó là kiểu kinh doanh chẳng khác gì "trò lừa đảo" của không ít người hành nghề chụp ảnh tại bãi biển Sầm Sơn, tại Hòn Trống Mái, đến những cảnh tự ý "chém" giá lên gấp đôi, gấp ba của các chủ nhà nghỉ, khách sạn, các nhà hàng ăn uống, các dịch vụ như xích lô, xe điện... so với niêm yết.
Những cảnh "chặt chém" rõ ràng và chính xác bằng cả không ít video quay, ghi lại những hình ảnh thực tế đến như vậy mà ông Chủ tịch khi được hỏi vẫn cứ bàng quan, đòi hỏi chứng cứ đâu rồi ông mới xử lý thì thật sự, cá nhân tôi cảm thấy quá là thất vọng.
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết, những hình ảnh, đoạn video về những dịch vụ và văn hóa ứng xử, nạn chặt chém, những bài tắm nhiều rác thải.... trên cả nước theo địa chỉ: [email protected] hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY
Những người khách phương xa đến đây còn thấy như vậy, mà ông là người đứng đầu cơ quan công quyền của nhà nước, trực tiếp quản lý tại đây lại không biết, không nắm được. Điều đó đã cho thấy sự quan liêu, tắc trách, không đi sâu, đi sát thực tế của một cán bộ lãnh đạo là ông.
Tôi cũng mạn phép xin được hỏi thẳng thắn rằng, có phải chăng, dường như ở đây, bộ nghe, bộ nhìn của ông đã có vấn đề?
|
Bãi biển Sầm Sơn (Thanh Hóa) đông nghẹt người (Ảnh: Internet). |
Thưa ông Chủ tịch, từ thực tế của chuyến đi nghỉ mát ở đây vừa qua, tôi dám khẳng định với ông Chủ tịch một điều, những gì mà báo chí đã phản ánh trong thời gian qua, dường như còn ít hơn với những gì đã diễn ra trong thực tế.
Ông Chủ tịch nói cần bằng chứng! Vâng, tôi xin phép được cung cấp một số bằng chứng cụ thể về cảnh "chặt chém" mà tôi đã phải hứng chịu.
Tôi đã phải uống một ly cà phê phải nói rằng chưa bao giờ tệ đến như vậy với giá 80.000 đồng, trong khi lên ngồi phòng lạnh ở trung tâm thủ đô Hà Nội, mức giá cùng lắm cũng chỉ 40.000 đồng. Rồi đến cái cảnh, mặc cả quả dừa đầu thì 30.000 đồng nhưng quả thứ hai, thứ ba không mặc cả, giá lên tới 100.000 đồng/ quả, chưa kể tiền ghế ngồi. Hay như ăn một con mực nướng bằng bàn tay mà quên không mặc cả thì giá thanh toán lên tới 200.000 đồng...
Vấn đề ở chỗ, đối với hầu hết các du khách, chuyện bỏ thêm ra một vài chục nghìn để trả cho đồ ăn thức uống khi đi du lịch không phải là chuyện quá khó khăn, nhưng ở đây, nhiều hộ kinh doanh không minh bạch khi tính tiền các dịch vụ. Đó là chưa tính đến những thái độ khi tính tiền, thái độ phục vụ tồi, thậm chí còn có trường hợp dọa nạt khách, hành hung, chửi bới khách.... "Mất tiền mà mang cái bực vào người", đó là cảm nhận chung của hầu hết những người mà tôi được biết sau khi đi du lịch Sầm Sơn trở về.
Thưa ông Chủ tịch, sự thật bao giờ cũng là sự thật, không ai lại bỏ thời gian rảnh rỗi để đi làm những cái việc tô vẽ hay thêm thắt cả. Thêm vào đó, nếu nói là một người thì có thể chưa tin nhưng ông hãy thử một lần lên báo theo dõi xem, đã có rất rất nhiều ý kiến của bạn đọc trên cả nước cùng phản ánh về tình trạng "chặt chém" này.
Sự thật không thể thay đổi, chỉ có điều chúng ta có dám đối mặt với sự thật đó không. Tôi đã đi nhiều nơi, như Đà Nẵng, Hội An... tôi nhận thấy được rõ nét sự tổ chức rất qui củ cũng như vào cuộc rất kịp thời, cương quyết của chính quyền nơi đây nên những cảnh chặt chém, thiếu tôn trọng khách không mấy khi xảy ra... Các nơi này họ đã làm rất tốt, tại sao Sầm Sơn lại không làm được?
Lòng tự ái của con người thì ai cũng có, nhưng tôi nghĩ, thay vì tự ái khi người ta nêu ra cái xấu của mình thì hãy tự ái vì mình đã chưa thực sự mạnh tay, cương quyết để loại trừ cái xấu đó. Lợi ích chung, niềm tin của hàng ngàn, hàng vạn con người phải được đặt lên trên hết.
Cũng xin thưa với ông Chủ tịch, ông là người được giao trọng trách lãnh đạo chung mọi công việc trên toàn địa bàn Thị xã Sầm Sơn, vậy mà ông còn không nắm rõ những cái cảnh "chặt chém" mà du khách đến đây đã phải "hứng chịu" thì liệu rằng những người ở cấp trên của ông, liệu rằng có nắm được chăng?
Thưa ông Chủ tịch thị xã Sầm Sơn, tôi biết rằng, công việc hành chính của ông hiện nay là rất bận bịu, nặng nề, vì thế có thể ông chưa có nhiều thời gian đi sâu, đi sát vào công tác quản lý khu du lịch này, hoặc mới chỉ nghe trên báo cáo của cấp dưới gửi lên.
Công việc đó, chắc chắn đã được ông giao cho cấp dưới của mình, trực tiếp ở đây là các chủ tịch UBND phường, các đơn vị liên quan quản lý, giám sát, kiểm tra và báo cáo lại trong các cuộc họp liên quan.
Tôi không biết họ đã báo cáo những gì lên với ông. Nhưng cá nhân tôi thấy rằng, dường như “bộ nghe và bộ nhìn” của ông và cấp dưới đang gặp phải những vấn đề nào đó.
Tại sao ư? Bởi lẽ, tôi thấy những lời oán than về vấn nạn “chặt chém” đối với khách du lịch đến với Sầm Sơn trên báo chí và trong thực tế rất nhiều, nếu nói không quá là được nghe ra rả hàng ngày...
Tuy nhiên, nhìn từ phía các cơ quan quản lý nhà nước từ ở cấp dưới của ông là UBND phường, các đơn vị tham mưu, quản lý đến UBND thị xã, thì có vẻ những lời than oán của người bị chặt chém chưa vọng đến tai ông và cộng sự, bởi lâu nay các ông chưa có nhiều động thái quyết liệt để ngăn chặn?
Viết lá thư này, ngoài những gì đã nói ở trên, tôi chỉ dám có một đề nghị, ông Chủ tịch thị xã Sầm Sơn, trên cương vị, trọng trách được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, hãy cầu thị, ôn tồn hơn và lắng nghe những tiếng nói từ nhiều phía.
Hơn thế, tôi mong muốn, ông Chủ tịch hãy đi thị sát thực tế một chuyến để nắm được những gì đã và đang còn tồn tại, gây phiền nhiễu đến khách du lịch trên địa bàn mình phụ trách. Điều đó chắc chắn, sẽ giúp ông có được cái nhìn khách quan, trung thực nhất.
Tôi là một khách du lịch, tôi đã bỏ tiền ra thì tôi muốn đến nơi mà họ tôn trọng, phục vụ tốt nhất cho nhu cầu của tôi. Nhưng những gì mà Sầm Sơn đã 'dành' cho tôi, thì xin khẳng định với ông Chủ tịch rằng, thực sự tôi đã nhầm lẫn khi chọn đến đây để du lịch.
Và nếu tình trạng "chặt chém", thiếu tôn trọng khách này còn tiếp diễn thì tôi dám chắc chắn không những không bao giờ tôi quay lại mà tôi cũng sẽ đề nghị mọi người khác cũng nên có thái độ như vậy.
Khách du lịch có còn quay lại Sầm Sơn nữa hay không, chính là nằm ở sự thay đổi quản lý, giám sát, kiểm tra, xử lý mạnh mẽ của chính quyền đối với những trường hợp còn gây phiền hà, bực dọc cho khách. Tôi mong rằng, ông Chủ tịch sẽ sớm thực hiện những điều này vì chính Sầm Sơn.
Kính chúc ông sức khỏe, sáng suốt và thành công!
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết, những hình ảnh, đoạn video về những dịch vụ và văn hóa ứng xử, nạn chặt chém, những bài tắm nhiều rác thải.... trên cả nước theo địa chỉ: [email protected] hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY