Cập nhật lúc :8:56 AM, 28/07/2012
(ĐVO) Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam cho rằng, đánh giá và xếp loại Việt Nam đứng đầu danh sách tội phạm đối với động vật hoang dã là không khách quan và toàn diện.
>> Bộ Quốc phòng yêu cầu báo cáo vụ giết Voọc tung ảnh lên mạng >> Cả làng ăn cắp điện? >> Con bò tót chết oan!
Tổ chức Bảo vệ Động vật hoang dã (ĐVHD) Thế giới (WWF) vừa có báo cáo về tình trạng bảo vệ ĐVHD trên thế giới. Theo đó, Việt Nam là một trong các quốc gia có việc thực thi bảo vệ ĐVHD kém nhất và phải nhận “thẻ phạt” màu đỏ đối với 2 loài tê giác và hổ. Việt Nam cũng là quốc gia xếp cuối cùng trong bảng đánh giá năng lực kiểm soát hoạt động buôn bán ĐVHD. WWF cảnh báo Việt Nam nên xem xét lại khung hình phạt đối với loại tội phạm giết hại ĐVHD.
Trước việc WWF xếp Việt Nam đứng đầu danh sách tội phạm đối với ĐVHD, cơ quan Quản lý CITES Việt Nam đã đưa ra phản ứng chính thức đối với báo cáo trên của WWF. Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, là cơ quan Đại diện cho Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện các quyền và nghĩa vụ của nước thành viên Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES).
Cho rằng bản báo cáo của WWF có nhiều thông tin và đánh giá thiếu khách quan, toàn diện, cơ quan Quản lý CITES Việt Nam “kiên quyết phản đối” những nội dung không chính xác của bản báo cáo trên. Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam nhấn mạnh, những đánh giá như vậy không chỉ ảnh hưởng tới uy tín của Việt Nam, mà còn làm giảm những nỗ lực thực thi luật và hợp tác của các cơ quan thực thi pháp luật Việt Nam và hợp tác quốc tế trong cuộc chiến chống buôn bán bất hợp pháp các loài hoang dã.
|
WWF xếp Việt Nam đứng đầu danh sách tội phạm đối với động vật hoang dã. | Theo cơ quan Quản lý CITES Việt Nam, bản báo cáo của WWF được tổng hợp, phân tích và đánh giá chỉ dựa trên tổng hợp từ các báo cáo của một số tổ chức phi chính phủ, thông tin trên các phương tiện đại chúng và một số cá nhân. Bản báo cáo đã đưa ra nhận định về hệ thống pháp luật và thực thi luật của một số nước, trong đó có Việt Nam, không đáng tin cậy và chưa tham vấn với các cơ quan thực thi pháp luật. Vì vậy, bản báo cáo trên thiếu tính toàn diện và khách quan.
Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam cũng cho rằng, cách tính điểm về tội phạm trên cơ sở nước nào bắt giữ nhiều vụ vi phạm thì là nước có mức độ về tội phạm loài hoang dã cao đã loại trừ những nỗ lực của Việt Nam trong việc thực thi pháp luật. Trên thực tế, Việt Nam đã có nhiều hành động cụ thể trong việc ngăn chặn buôn bán quốc tế trái phép các loại ĐVHD, tham gia vào việc bảo tồn chung của thế giới, như: thành lập Ban chỉ đạo liên ngành về thực thi pháp luật loài hoang dã của Việt Nam, hợp tác với nhiều nước và bắt giữ nhiều vụ vận chuyển trái phép mẫu vật ĐVHD có nguồn gốc từ nước ngoài…
Bên cạnh đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam về quản lý, kiểm soát buôn bán loài hoang dã đã được xây dựng và dần hoàn thiện, tiến sát với các quy định quốc tế, trong đó có các quy định của CITES. Việt Nam đã được Ban thư ký CITES xếp trong nhóm 1 gồm những quốc gia có hệ thống pháp luật đảm bảo thực thi CITES.
Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam đã đưa ra các dẫn chứng khẳng định Việt Nam tuân thủ nghiêm ngặt và thực hiện có hiệu quả CITES.
Đối với việc quản lý nuôi, bảo tồn hổ, cơ quan Quản lý CITES Việt Nam đã cùng với các cơ quan chức năng ngăn chặn tình trạng săn bắn, buôn bán trái phép mẫu vật hổ; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng các quy định của CITES và pháp luật quốc gia.
Đối với mẫu vật tê giác, cơ quan Quản lý CITES Việt Nam đã phối hợp với các tổ chức liên quan để kiểm soát chặt chẽ các hoạt động nhập khẩu hợp pháp mẫu vật tê giác theo đúng các quy định của CITES. Trong những năm qua, cơ quan chức năng Việt Nam đã bắt giữ hàng chục vụ buôn bán, vận chuyển trái phép mẫu vật tê giác vào Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đang xem xét cấm nhập khẩu tất cả các loại mẫu vật săn bắn tê giác vào Việt Nam.
Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam cho biết, sẵn sàng hợp tác và cung cấp thông tin minh bạch, chính xác với các cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài nước, và các bên liên quan.
Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã thế giới (WWF) vừa có báo cáo về tình trạng bảo vệ động vật hoang dã trên thế giới, với tiêu đề “Đánh giá việc tuân thủ và thực hiện cam kết CITES về Hổ, Tê giác và Voi”. Theo đó, báo cáo đã xếp 23 quốc gia của châu Phi và châu Á vào nhóm các quốc gia đang phải đối mặt với mức báo động cao nhất của nạn săn bắn, vận chuyển và tiêu thụ bất hợp pháp ngà voi, sừng tê giác và các bộ phận của Hổ.
Hiện trạng tuân thủ và thực hiện cam kết CITES (Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp) của từng quốc gia đối với từng loài sẽ được đánh giá theo 3 loại thẻ màu: xanh, vàng hoặc đỏ. WWF thấy rằng các hoạt động bất hợp pháp liên quan tới động thực vật hoang dã đều tồn tại ở 23 quốc gia này, và việc sử dụng thẻ màu là để phân biệt những quốc gia đạt được những nỗ lực thỏa đáng để ngăn chặn tình trạng này so với những quốc gia chưa có được các nỗ lực cần thiết.
Báo cáo của tổ chức WWF đánh giá rằng, Việt Nam là một trong các quốc gia có việc thực thi đáng lo ngại nhất, với thẻ màu đỏ đối với hai loài Tê giác và Hổ.
Theo đó, Việt Nam là quốc gia tiêu thụ sừng tê giác với số lượng lớn nhất và được coi là tác nhân gây ra khủng hoảng săn bắn trộm tại Nam Phi. Năm 2011, có đến 448 cá thể Tê giác đã bị giết hại để lấy sừng tại Việt Nam, và đã mất thêm 262 cá thể khác cho đến thời điểm này năm nay. Nam Phi cũng là quốc gia nhận thẻ vàng trong đánh giá tuân thủ và thực hiện cam kết CITES đối với loài Tê giác.
Cũng tại báo cáo này, Trung Quốc, nước có thị trường buôn bán các sản phẩm từ động vật hoang dã bất hợp pháp lớn nhất thế giới, bị đánh giá thẻ vàng, xếp vị trí thứ hai trong danh sách của WWF; vị trí thứ ba thuộc về Lào. Thái Lan bị thẻ đỏ liên quan đến vấn đề ngà voi. |
Bá Mạnh
|
|
Dành cho quảng cáo
|