Thứ Bẩy, 28/07/2012 - 09:04

Số lãnh đạo bị xử lý quá ít so với số vụ tham nhũng được phát hiện

(Dân trí) - “Thực tế thực hiện quy định xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng tại đơn vị vẫn còn khó khăn, số người đứng đầu bị xử lý còn ít so với số vụ việc tham nhũng được phát hiện, xử lý”, báo cáo của Chính phủ nêu.

Bản tổng hợp trả lời chất vấn, kiến nghị cử tri gửi đến các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, cơ quan tư pháp vừa được Văn phòng Quốc hội chuyển các đại biểu Quốc hội. Một vấn đề “nóng” Chính phủ nhận nhiều chất vấn, kiến nghị là việc xử lý trách nhiệm lãnh đạo các cơ quan, đơn vị để xảy ra tham nhũng.

Xử “thẳng tay” bất kể người tham nhũng là ai, ở vị trí nào

Cử tri tỉnh Ninh Thuận đặt vấn đề, pháp luật hiện hành tuy đã quy định tối chặt chẽ về việc quy trách nhiệm cho người đứng đầu các cơ quan nhà nước khi để xảy ra sai sót, làm thiệt hại cho nhà nước, nhân dân… nhưng trên thực tế ít có trường hợp xử lý được trách nhiệm của người đứng đầu. Cử tri dẫn vụ Vinashin, cho đó là ví dụ điển hình. Cử tri đề nghị Chính phủ có biện pháp xử lý nghiêm khắc hơn, quy trách nhiệm cụ thể hơn đối với người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trực tiếp có liên quan.

Trong phần trả lời, Chính phủ xác nhận, việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu thực tế vẫn còn khó khăn. Số người đứng đầu bị xử lý còn ít so với số vụ việc tham nhũng được phát hiện, xử lý.

Bên cạnh đó một số nơi còn có sự nhầm lẫn giữa xử lý người đứng đầu do có hành vi sai phạm, tham nhũng với xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách. Nói về vụ Vinashin, đơn vị trả lời “chỉnh” lại, ở vụ việc này, người đứng đầu Tập đoàn là người đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, do đó sẽ phải chịu trách nhiệm trực tiếp về những vi phạm đó.
 
Số lãnh đạo bị xử lý quá ít so với số vụ tham nhũng được phát hiện
Nhiều cán bộ lãnh đạo cấp cao đã bị xử lý trách nhiệm qua những vụ án tham nhũng lớn bị phát hiện thời gian qua.

Cử tri thành phố Cần Thơ thì cho rằng trách nhiệm người đứng đầu tại nơi để xảy ra tham nhũng thời gian qua chưa được Chính phủ và các cơ quan liên quan xem xét, xử lý. Cử tri rất mong vấn đề này được công khai.

Thanh tra Chính phủ dẫn báo cáo mới nhất khẳng định, trong 5 năm qua, cả nước có 678 người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó xử lý hình sự 101 trường hợp, xử lý kỷ luật 577 trường hợp.

Cử tri địa phương này cũng nêu hiện tượng còn nhiều cán bộ, công chức chưa toàn tâm, toàn ý với việc công và kiến nghị xử lý nghiêm khắc cán bộ công chức có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, gây khó khăn phiền hà cho công dân. Theo đó, Chính phủ cần có những biện pháp kiên quyết hơn từ trên xuống, xử lý thật nghiêm, không có ngoại lệ nào.

Chính phủ xác nhận, để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, một giải pháp trong thời gian tới là các cấp ủy đảng, cán bộ chủ chốt, nhất là người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị phải đi đầu, làm trước và phải thật sự gương mẫu để cấp dưới và nhân dân noi theo.

Trọng tâm công tác được xác định là tăng cường công tác thanh, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử; xử lý kiên quyết, kịp thời các hành vi tham nhũng, bất kể người có hành vi tham nhũng là ai, ở vị trí nào. Chính phủ đặt mục tiêu quyết thu hồi triệt để tài sản của Nhà nước, tập thể, cá nhân bị những kẻ tham nhũng chiếm đoạt.

Nhiều bộ phải kiểm điểm vì vụ Vinashin

Cũng về nội dung này, cử tri tỉnh Tiền Giang kiến nghị Chính phủ tăng cường kiểm tra và kiểm điểm cụ thể trách nhiệm quản lý nhà nước đối với các bộ, ngành chức năng và các địa phương để xảy ra sai phạm, kém hiệu quả trong công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, công tác bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, hoạt động phòng chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng…

Đại diện Chính phủ trả lời, Thanh tra Chính phủ khẳng định, việc chỉ đạo, đôn đốc và kiểm tra các bộ ngành, địa phương thực hiện các giải pháp phòng, chống tham nhũng được Chính phủ xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên. Tại các phiên họp hàng tháng, Chính phủ đều nghe báo cáo và có chỉ đạo về công tác PCTN; nhiều trường hợp Chính phủ đã có văn bản phê bình, nhắc nhở các bộ, ngành, địa phương do chưa thực hiện tốt công tác PCTN.

Chính phủ trực tiếp chỉ đạo Thanh tra Chính phủ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc thực hiện pháp luật về PCTN. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng xây dựng kế hoạch, tích cực tổ chức đôn đốc, kiểm tra công tác PCTN ở các bộ ngành, địa phương. Qua thanh tra, kiểm tra Thủ tưởng đều có văn bản chỉ đạo việc kiểm điểm trách nhiệm đối với những nơi có nhiều hạn chế, yếu kém trong PCTN.

“Đối với một số vụ án, vụ việc nghiêm trọng, Chính phủ đều chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan kiểm điểm trách nhiệm, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Điển hình như sau vụ Vinashin, nhiều bộ, ngành ở Trung ương đã phải tổ chức kiểm điểm trách nhiệm trước Chính phủ...” – văn bản trả lời nêu rõ.

P.Thảo

Số lãnh đạo bị xử lý quá ít so với số vụ tham nhũng được phát hiện Số lãnh đạo bị xử lý quá ít so với số vụ tham nhũng được phát hiện
7 10 3757