Đừng cầm dao khoét sâu thêm vết thương

30/07/2012 18:13:02
- Khi biết bà lấy chồng gần 30 năm vẫn còn là con gái, nhiều đàn ông lấy đó làm cớ trêu đùa: "Em còn giữ mình đến bao giờ, phí hoài lắm"...
 
Chiến tranh đã qua đi, nhưng có cuộc chiến cũng khốc liệt không kém, đó là sự đấu tranh vượt lên số phận, nỗi đau từ những gì chiến tranh để lại. Họ, nhất là những người bạn đời của người lính rất cần sự cảm thông, chia sẻ, để không gục ngã trong cuộc chiến đời thường.
 
Họ đứng đằng sau những chiến công, nhưng thực sự tựa như những anh hùng, đã dũng cảm hiến tuổi thanh xuân, hạnh phúc của mình bù đắp cho những mất mát chiến tranh. Thật tiếc, có những người đã nhẫn tâm cười cợt trên sự hy sinh của họ.

"Giá lấy anh thì đâu đến nỗi!"

Khi cô gái trẻ Nguyễn Thị Dĩnh (Người thương binh "tàn" và mối tình không "phế") quyết định lấy anh thương binh liệt nửa người Vũ Xuân Hoa bố mẹ họ hàng ra sức phản đối vì sợ cô sẽ khổ. Không khổ sao được khi một mình cô cáng đáng hết kinh tế gia đình, nuôi con nhỏ trong thời kỳ cháo chẳng có mà ăn chứ nói gì đến cơm, chồng nằm một chỗ nay ốm mai đau... Vậy mà tất cả những điều đó với cô đều có thể chịu đựng được ngoại trừ nỗi đau từ chính lời đàm tiếu của người đời.

"Ngay từ khi mới cưới, mỗi lần đẩy xe lăn cho chồng đi dạo, tôi đã hay phải chịu những ánh mắt tò mò, xì xào bình phẩm của những người xung quanh. Nhất là những người bị tôi từ chối tình cảm thì nhiều khi nói cay độc lắm. Họ thường cười cợt: "Giá lấy anh thì đâu đến nỗi. Anh đưa đi khắp nơi có phải sung sướng không", bà Dĩnh mắt đượm buồn kể.

Còn chị Nguyễn Thị Loan (Có thương mình vợ mới ở lại) sau mấy lần sinh con đều không nuôi được do di chứng chất độc da cam từ chồng, người thông cảm cũng nhiều, nhưng không ít người khi gặp chị chép miệng hoặc nói sau lưng: "Trông phây phây thế kia mà tiếc quá". Mỗi lần nghe thế chị cảm thấy rất đau lòng.

Đặc biệt là bà Lê Thị Mịn (Anh lừa em yêu anh, em giận lắm) khi biết bà lấy chồng gần 30 năm vẫn còn là con gái, nhiều đàn ông lấy đó làm cớ trêu đùa. Bà thường xuyên nhận được những cú điện thoại bỡn cợt trong đêm: "Cô đơn không, có cần anh tới giúp không" hay "Em còn giữ mình đến bao giờ, phí hoài lắm"... Nhưng với những người phụ nữ vì một phút yếu lòng mà lỡ làng, thì lại phải chịu rất nhiều lời cay nghiệt. Như bà Nguyễn Thị Sinh (Có con với người khác, tôi có lỗi với chồng) đã mang tiếng là "trắc nết", "lăng loàn" tới tận bây giờ khi chồng vừa mới hy sinh đã mang thai với người khác.
Trước lời cợt nhả, nhiều lúc bà Dĩnh uất mà
Trước lời cợt nhả, nhiều lúc bà Dĩnh uất mà "bật" lại: Chồng tôi tuy nằm một chỗ, nhưng cho vợ tự do đi lại, chơi bời còn hơn nhiều nhà chồng lành lặn nhưng vợ lại bị "cầm tù".

Sức chịu đựng của con người có hạn

Theo chuyên gia tâm lý Minh Tâm, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, mỗi thương bệnh binh khi trở về là một mảnh đời, một số phận. Hạnh phúc hay khổ đau của họ phụ thuộc rất nhiều vào sự chăm sóc của những người thân. Những ai có được người bạn đời yêu thương, gắn bó, sẵn sàng hy sinh cả cuộc đời mình để chia sẻ những mất mát, đó là một may mắn.

Tuy nhiên, trong thời bình, khi bom đạn đã lùi xa, nhiều người đã quên mất cái giá mà biết bao người đã phải trả cho nền hòa bình mình đang được hưởng. "Tất cả những lời bỡn cợt, chế giễu những người có công với đất nước và người bạn đời của họ không chỉ cho thấy sự vô ơn mà đó còn là sự vô văn hóa, xuống cấp về đạo đức. Những kẻ đó tựa như người cầm dao khoét sâu thêm vết thương chưa lành".

"Khi quyết định gắn bó đời mình với những người lính thương tật, ngoài tình yêu thương, người bạn đời của họ đã có một ý chí kiên định, mạnh mẽ. Tuy nhiên sức chịu đựng của con người có hạn. Bị những người xung quanh cợt nhả, họ dễ buồn tủi cho thân phận, thấy cô đơn, mất niềm tin thậm chí đuối sức", ThS Minh Tâm phân tích.

Trong những tình huống như vậy, theo chuyên gia tâm lý Minh Tâm, những người trong cuộc nên nghĩ, đó chỉ như "con sâu bỏ rầu nồi canh". Hãy nhớ tới sự quan tâm, những nghĩa cử tốt đẹp của cộng đồng đã dành cho mình. Khi người bạn đời chẳng may mất đi, nếu có được sự yêu thương từ người khác phái thì cũng không nên khép lòng với quan niệm có lỗi với người đã khuất. Bởi hạnh phúc là một nhu cầu chính đáng, và mỗi người đều có quyền lựa chọn cho mình điều đó.

Mai Loan
.
Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu
.