Trung Quốc bác bỏ nguy cơ chiến tranh Biển Đông
Bắc Kinh nói muốn giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với các nước láng giềng thông qua đàm phán, và bác bỏ ý kiến cho rằng Trung Quốc đang chuẩn bị cho chiến tranh.
> Trung Quốc đang tính gì ở Biển Đông
> 'Căng thẳng ở Biển Đông có thể thành xung đột'
|
Trung Quốc bác bỏ ý kiến cho rằng nước này đang chuẩn bị cho chiến tranh. Ảnh minh họa: Xinhua |
Phát biểu tại cuộc họp báo trước lễ kỷ niệm 85 năm thành lập quân đội Trung Quốc (PLA), phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Cảnh Nhạn Sinh bác bỏ ý kiến cho rằng Bắc Kinh đang chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh trên Biển Đông. Ông này cũng nói thêm rằng PLA phản đối bất kỳ sự can thiệp vũ trang từ bên ngoài nào ở khu vực này.
Một đội tuần tra sẵn sàng chiến đấu thường trực đã được thành lập ở những vùng nước mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Tuy nhiên, ông Cảnh nói rằng hoạt động tuần tra không nhằm vào một nước đặc biệt nào mà sẽ chỉ "bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và quyền hàng hải" của Trung Quốc.
Tuy nhiên động thái thành lập đơn vị đồn trú ở cái gọi là thành phố Tam Sa của Trung Quốc bị tố là vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm chủ quyền của Việt Nam.
Nhiều sĩ quan cấp cao và khách mời đặc biệt cũng có mặt trong cuộc họp của ông Cảnh. Một số người bác bỏ những tiếng nói cứng rắn ở bên trong Trung Quốc khi đề cập cách thức giải quyết tranh chấp ở Biển Đông, theo China Daily.
Đàm phán "là phù hợp khi chính phủ đang nỗ lực giải quyết vấn đề bằng con đường hòa bình", ông Niu Jun, giáo sư chính trị quốc tế Đại học Bắc Kinh nhận xét. "Có một vài tiếng nói diều hâu trong nước nhưng theo quan điểm của tôi, họ chỉ đang hành động vô trách nhiệm mà không giúp giải quyết được tình hình".
Zhai Dequan, phó tổng thư ký Hội liên hiệp Kiểm soát và Giải trừ quân bị Trung Quốc, phát biểu: "Không ai được lợi từ chiến tranh cả".
Trước đó, tại lễ đón tiếp các quan khách tổ chức ở Đại lễ đường Nhân dân sáng qua, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt cũng nhấn mạnh quan điểm trên. "Chúng ta chắc chắn sẽ lựa chọn con đường phát triển hòa bình, đi theo chính sách ngoại giao hòa bình và tiếp tục tiến hành các trao đổi và hợp tác hữu nghị với lực lượng vũ trang của các nước", ông Lương nói.
Tuy vậy trên thực địa, tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng gần đây leo thang. Bắc Kinh và Tokyo cùng tuyên bố chủ quyền đối với chuỗi đảo Điếu Ngư/Senkaku ở biển Hoa Đông. Trên Biển Đông, Trung Quốc đối đầu với Philippines ở bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham, và có những hoạt động rầm rộ xâm phạm chủ quyền Việt Nam tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Gần đây nhất, Trung Quốc thành lập cái gọi là thành phố Tam Sa, đặt trụ sở trên đảo Phú Lâm, tỉnh Hải Nam và thiết lập quân đồn trú, thể hiện tham vọng chiếm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà Việt Nam đã tuyên bố chủ quyền.
Việt Nam và Philippines đều lên tiếng chỉ trích Trung Quốc đang làm cho tình hình Biển Đông thêm phức tạp. Nhóm Nghiên cứu Khủng hoảng Quốc tế (ICG) có trụ sở tại Bỉ, một tổ chức nghiên cứu quốc tế uy tín, cũng cảnh báo rằng tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông có thể leo thang thành xung đột bởi lực lượng vũ trang ngày một lớn mạnh của các nước trong khu vực, đặc biệt là Trung Quốc. Nước này đã không ngừng tăng cường sức mạnh hải quân và lực lượng bảo vệ bờ biển trong bối cảnh tranh chấp.
Anh Ngọc