Thứ hai, 6/8/2012, 08:36 GMT+7

Phận éo le của những phụ nữ liều mình qua biển lửa

Cơ thể biến dạng, nhan sắc bị huỷ hoại; chồng "ngoảnh mặt" bỏ đi khi mình thập tử nhất sinh trên giường bệnh... là bi kịch, nỗi đau của nhiều nữ nạn nhân trong vụ cháy kinh hoàng tại xưởng may Thuận Phát (Hải Phòng).
> 13 công nhân chết cháy, chủ xưởng bị phạt 12 năm tù / Vì lợi nhuận, ông chủ bất chấp tính mạng công nhân

Cuối tháng 7, phiên xử 5 người liên quan vụ hoả hoạn làm 13 người chết, 25 người bị thương tật 30% - 90% vừa được mở tại TAND Hải Phòng. Chủ xưởng may Nhiếp Thiếu Phong (42 tuổi, quốc tịch Trung Quốc) cùng vợ không hôn thú Bùi Thị Hiền (25 tuổi) và 3 bị cáo khác bị xét xử về tội vi phạm quy định phòng cháy, chữa cháy.

Trong hai ngày, phòng xử lúc nào cũng chật cứng nạn nhân và người thân của họ. Các cô gái gương mặt, chân tay bị biến dạng cùng nhiều di ảnh hiện diện trong phòng xử lớn nhất của tòa án như càng khắc thêm về sự kinh hoàng, hậu quả thảm khốc của vụ cháy xưởng may Thuận Phát hơn một năm về trước.

Ngồi ở hàng ghế thứ ba là nạn nhân Hoàng Thị Hải Quỳnh (19 tuổi, ở xã Tân Dân) bị bỏng hơn 90%. Một bên tai và từ cằm xuống cổ Quỳnh chằng chịt sẹo. Tứ chi của thiếu nữ này vẫn phải quấn băng, chỉ hở những ngón tay co quắp. Ngồi trong tòa, Quỳnh gãi liên tục do vết thương đang lên da non.

Nhớ lại biển lửa hôm 29/7/2011, Quỳnh kể cô và những công nhân khác đang làm việc thì lửa bốc ngùn ngụt. "Mọi người náo loạn, cố chạy ra ngoài nhưng gió thổi khiến lửa, khói tạt từ cánh cửa duy nhất vào làm không ai ra được", Quỳnh khó nhọc kể lại. Trong khi một số người chui vào phòng vệ sinh, Quỳnh cùng nhiều đồng nghiệp liều mình băng qua ngọn lửa... mong có cơ hội thoát thân.

Các nạn nhân trong vụ cháy xưởng gia công giày da tại Tòa. Ảnh: Việt Dũng.
Các nạn nhân trong vụ cháy xưởng gia công giày da tại Tòa. Ảnh: Việt Dũng.

Quỳnh bị cháy, bỏng khắp cơ thể, hôn mê suốt nhiều tháng. Khi tỉnh lại, cô mới biết bác sĩ đã thực hiện nhiều cuộc phẫu thuật cứu sống mình. Chi phí chữa chạy đều được các nhà hảo tâm giúp đỡ. "Em mới đi làm được 3 tuần, chưa nhận được tiền lương mà tai họa ập đến", thiếu nữ 19 tuổi kể, nước mắt chực trào.

Gần một năm qua, Quỳnh mặc cảm, tự ti nên ít khi bước ra khỏi căn buồng nhỏ, lụp xụp. Nhìn đứa cháu gái vốn hoạt bát, yêu đời giờ gầy gò, héo hon, u uất, bà Phạm Thị Thìn chỉ còn biết khuyên cháu cố gắng ổn tinh thần, tĩnh dưỡng để các vết thương lành lặn rồi phẫu thuật thẩm mỹ. "Nói vậy để an ủi cháu thôi, chứ chúng tôi làm nông nghiệp, bố mẹ kiếm vài triệu mỗi tháng cũng chỉ đủ sinh hoạt thuốc thang, kiếm đâu ra tiền chữa cho cháu", bà Thìn buồn bã nói.

Không chỉ phải chịu nỗi đau thể xác như Quỳnh, chị Đào Thị Liễu còn suy sụp hơn khi "gánh" bất hạnh trong cuộc sống gia đình. Người phụ nữ 36 tuổi với cơ thể chằng chịt sẹo bỏng cho biết, người chồng "đầu ấp tay gối" hơn 13 năm đã "ngoảnh mặt" bỏ đi khi thấy vợ bị nạn. Anh về sống với nhà bố mẹ đẻ, mặc vợ với những cuộc phẫu thuật đau đớn.

Chị Liễu tâm sự, công việc nhà nông với vài sào ruộng không đủ trang trải nuôi hai con ăn học nên xin vào xưởng may của Hiền làm với mức lương gần 2 triệu đồng một tháng. Chị làm được vài ngày thì hỏa hoạn xảy ra. "Cũng may, tiền chữa trị của tôi được các nhà hảo tâm giúp đỡ, chứ gia đình lấy đâu tiền để phẫu thuật", người phụ nữ mang thương tật đang phải chăm 2 con kể trong nước mắt.

Chị bảo, tai họa ập đến quá bất ngờ. Thấy ngọn lửa bùng lên ở xưởng may kín như cái hũ nút, mọi người hoảng sợ đổ dồn ra phía lối ra vào duy nhất. Chị lao vào đám lửa mong có cơ hội thoát ra ngoài nhưng vướng phải người bị cháy nằm dưới nền nên bị ngã. Ngọn lửa bao vây khiến chị "bị cháy hết quần áo, nhưng vẫn cố bò dậy vì nghĩ đến các con".

Đau đớn thể xác rồi cũng qua, nhưng hậu quả của nó cùng nỗi đau tinh thần vẫn đang ngày ngày hiện hữu trong nạn nhân này. Khoảng một tuần trước phiên xử, chồng chị Liễu về nhà lấy những vật dụng còn lại mang đi. Sức khỏe yếu, chưa lao động được nên việc ăn uống, sinh hoạt của các con chị đành nhờ ông ngoại và các bác cưu mang, giúp đỡ.

Người cha tàn tật đến tòa mang theo di ảnh cô con gái mới 16 tuổi. Ảnh: Việt Dũng.

Người tham dự phiên tòa không thể rời ánh mắt khỏi di ảnh của Vũ Thị Phương Linh (16 tuổi) có gương mặt sáng, đôi mắt trong trẻo. Người đàn ông gương mặt khắc khổ, đen xạm cầm di ảnh của con gái trước ngực.

Ông kể, Linh là con lớn trong gia đình có hai chị em. Ông bị tàn tật hai chân nên công việc đồng áng đều nhờ vợ và con gái cả. Học hết cấp 2, thương bố mẹ vất vả, Linh xin nghỉ học, xin vào làm ở xưởng giày da. "Em nó mới làm được một tháng 9 ngày nhưng mới chỉ nhận được lương của 9 ngày thì bị chết cháy", người cha đau đớn tâm sự.

Khi hỏa hoạn xảy ra, ông vội vã lao đến xưởng. Gọi vào điện thoại của con, thấy chuông vẫn đổ, ông chỉ biết cầu mong con thoát nạn. Nhưng rồi ông lạnh người khi nghe thông báo, Linh nằm chết cùng 7 người trong phòng vệ sinh của xưởng. "Con tôi bị chết ngạt, nằm chồng chất cùng những nạn nhân khác, kỳ lạ điện thoại nằm trong túi quần còn nguyên vẹn", người cha đau khổ kể.

Một năm qua, vợ ông thương con nên bệnh tật triền miên, không lao động được. Gia đình chỉ ăn rau cháo, nhờ vào người thân để sống. Nhiều đêm nhớ thương con, ông chỉ biết giấu vợ mà khóc.

Ngày 29/7/2011, trong khi hàn cột thu lôi tại xưởng gia công giày da Thuận Phát ở xã Tân Dân (huyện An Lão, Hải Phòng), do Nhiếp Thiếu Phong (42 tuổi) làm chủ, Lê Văn Bẩy đã làm các vảy hàn rơi xuống xưởng gây hỏa hoạn.

Vụ cháy làm 13 người chết, 25 người thương tật 30% - 90%. Vợ chồng Hiền cùng 3 người liên quan bị đưa ra xét xử tội Vi phạm quy đình phòng cháy, chữa cháy. Ngày 31/7, TAND Hải Phòng phạt bị cáo Phong 12 năm tù, Hiền 11 năm, các bị cáo còn lại nhận 3 năm 6 tháng đến 10 năm. Tổng số tiền vợ chồng Phong, Hiền phải bồi thường cho các nạn nhân là 4,7 tỷ đồng.

Việt Dũng

Link Site
Sát thủ cuồng bạo ngày đầu trong trại giam
Kẻ cuồng dâm sát hại bé gái 4 tuổi
Bạn cần cài Flash Player để xem được Clip này.
 
Lien he quang cao