Sinh viên trường Luật gửi tâm thư tới chiến sĩ Trường Sa, Hoàng Sa

Thứ hai 06/08/2012 06:52
(GDVN) - Trường Sa, Hoàng Sa - nơi gửi gắm yêu thương, lòng cảm mến và trân trọng của mỗi chúng ta.

Dường như có một sự phủ định tương đối cho việc viết thư tay khi khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ như ngày nay. Thế nhưng, nó có một lý do riêng đủ thuyết phục để duy trì sự tồn tại trong cuộc sống của con người. Các bạn trẻ ngày nay đã quá quen thuộc việc sử dụng mạng internet để liên lạc. Hầu như mọi thư từ, giấy tờ đều được soạn thảo trên máy vi tính. Trong sự tiến bộ của nhân loại đấy là hành động xã hội tất yếu. 

Thế nhưng, nếu như có một ngày nọ, bạn nhận được một bức thư viết tay từ nhân viên bưu điện, chắc hẳn cảm xúc lúc ấy sẽ hoàn toàn khác biệt với những giờ kiểm tra email. Đôi khi điều kiện tự nhiên, xã hội bị giới hạn, con người bị thiệt thòi về sự thụ hưởng thành quả từ lao động sáng tạo. Cho nên, có một thực trạng ở Việt Nam, vẫn còn một số vùng chưa được kết nối mạng. Tuy nhiên, điều đó không ảnh hưởng tới sự liên lạc với nhau, giữa họ ra bên ngoài.

Những dòng suy nghĩ ấy càng khiến tôi nhớ nhiều hơn về bức thư đã bị thất lạc ba năm về trước. Bức thư ấy đã được tôi chăm chút từng câu văn, nét chữ. Tôi đã gửi gắm vào đó một niềm tin yêu và hy vọng. Nhưng không hiểu vì lý do nào đó mà thư không nhận được hồi âm. Tôi từng an ủi mình rằng, có lẽ do địa chỉ gửi hoặc đến bị một vài sai sót. Hơn nữa, tôi có thể viết nhiều bức thư khác nữa. 

Nơi đầu sóng ngọn gió, những người chiến sĩ hải đảo vẫn tăng gia sản xuất

Đó là một bức thư gửi cho anh chiến sĩ nơi biển đảo xa xôi, cách biệt với Sài Gòn sầm uất này hằng trăm cây số. Và có một điều không thể giấu được là tôi rất thần tượng và cảm thông cho trách nhiệm và công việc của những người chiến sĩ ấy. Từ thuở bé, khi tôi chưa hiểu nhiều về biển đảo nước ta, chỉ mơ hồ biết Trường Sa và Hoàng Sa là hai quần đảo lớn ngoài biển Đông thuộc chủ quyền Việt Nam; tôi đã rất ủng hộ và yêu thích công việc ấy. 

Ngay cả trong bài thi vẽ theo đề tài “nghề nghiệp yêu thích” năm lớp ba tôi đã không nghĩ ngợi nhiều và vẽ ngay hình anh lính hải quân, tay cầm súng hướng lên trời, đứng trên hòn đảo rêu phong và xung quanh là biển xanh dạt dào. Ý tưởng là thế nhưng do tôi không có hoa tay cho lắm nên chỉ đạt điểm tám. 

Đó là những tình cảm chân thật nhất của tôi khi còn bé, lớn hơn chút nữa thì mọi thứ hầu như không đổi, tôi vẫn quý mến những con người ấy. Ấy thế mà, tôi đã không tiếc công ngồi viết một lá thư dài hai đôi giấy bằng bút mực xanh. Và tất nhiên tôi buồn lắm khi lá thư bặt vô âm tín. Nội dung của bức thư tôi chia sẻ về những suy nghĩ bản thân về công tác bảo vệ Tổ quốc của người khoác trên mình chiếc áo lính hải. Tôi kể cho người ấy (người đăng thông tin trên báo) việc học tập cùng sở thích và ước mơ của mình và kèm theo những lời tâm sự để có thể kết nối nhau, những con người đang cùng mang trên mình quốc tịch Việt Nam.

Tình cờ, trên kênh HTV, tôi được xem một phóng sự phỏng vấn “những hậu phương vững chắc” của người ngoài khơi xa đang ngày đêm canh gác. Tôi hiểu ra nhiều hơn, tôi càng cảm thông nhiều hơn. Họ đã rất dũng cảm hy sinh những ngày tháng ấm êm bên gia đình như chúng ta để ra đi bất cứ lúc nào “Tổ quốc gọi”. Những ngày Tết họ cũng không được ở lại lâu, về và đi trong sự bí mật. Công việc quan trọng như thế và vất vả lắm thế nhưng đức hy sinh cùng lòng yêu nước đã là một động lực góp sức mạnh cho họ. Ai trên cõi đời này lại không cần gia đình, không muốn sống trong yêu thương, hòa thuận và được chăm sóc lẫn nhau dưới mái nhà có tên là gia đình. Tuy nhiên, những con người như vậy đã đặt an ninh quốc gia, sự bình yên, hưng thịnh của đất nước lên hàng đầu. Họ ra đi bằng niềm tin vào sự tươi đẹp của nước nhà, tận tụy với công việc bằng tình cảm nhận được từ “hậu phương” gửi đến.

Các chiến sĩ ngoài Trường Sa, Hoàng Sa

Vì những lẽ như vậy thế nên làm sao ngăn họ khỏi sự xúc động khi nhận được một bức thư tay của người thân. Có thể đó là thư của người yêu, vợ, con cái hay bà con, bạn bè thân thiết,… Những bức thư đã vượt qua sóng gió đại dương. Những bức thư không cần phải vượt qua khói lửa của đạn bom như thời chinh chiến. Giờ đây, nó dễ dàng lưu thông và nhanh chóng hơn. 

Mặc dù chúng ta không thể so sánh với những bức thư điện tử về tốc độ truyền nhưng xét trên hoàn cảnh cụ thể thì nó chứa đựng nhiều ý nghĩa, giá trị tinh thần hơn. Dẫu nhà nước ta đã hết sức nỗ lực trong công tác hỗ trợ cơ sở vật chất cho họ nhưng còn những khó khăn nhất định tồn đọng. Và đặc biệt hơn nữa, ngay những lúc như thế này, những bức thư như thế càng trở nên ý nghĩa. Dường như, ta cảm nhận được rằng nó đang mang trên mình một sứ mệnh đặc biệt. Nó là sự nối kết yêu thương giữa con người với con người, tạo nên sự gắn kết, đồng lòng.

Ngày xưa, sinh thời Bác Hồ đã dạy chúng ta rằng trong một dân tộc phải biết đoàn kết, cùng nhau phấn đấu cho sự nghiệp chung. Tất nhiên, lời dạy quý báu ấy vẫn giữ nguyên giá trị và thậm chí còn giúp nhiều người giác ngộ ra mục đích của sự tồn tại cá nhân. Những bức thư chính là một trong vô số biểu hiện của sự đoàn kết gắn bó. Mọi người biết chia sẻ, yêu thương nhau. Câu chuyện về những bức thư vượt biển Đông để đến với hải đảo xa xôi thân yêu ấy chắc có lẽ chúng ta đã được biết ít nhiều. Với các bạn sinh viên thì càng phổ biến hơn, vì không chỉ có những tờ báo, tạp chí mới tạo điều kiện cho các sinh viên giao lưu qua thư từ mà tại trường cao đẳng, đại học có hẳn những phong trào phát động và triển khai thực hiện theo quy mô hiệu quả. Nhờ đó các bạn sinh viên được dịp gửi gắm những suy nghĩ của mình.

Có một sự mặc định, thanh niên là tương lai của đất nước. Điều này không cần phải khẳng định lại cũng như không thể nào phủ định tính đúng đắn của nó. Hành động mỗi thanh niên chúng ta sẽ là yếu tố quyết định nên bộ mặt xã hội, dân tộc ta có tươi đẹp, vinh hoa hay không. Như khoa học nhận thấy, con người ngày càng chịu áp lực từ công việc nhiều hơn. Tuy vậy, đây không thể là lực cản cho việc sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng, dân tộc. Sống có trách nhiệm bản thân nó là một biểu hiện quan trọng của sống đẹp. Do đó, trách nhiệm cần được hiểu và thực hiện như thế nào có lẽ mỗi chúng ta đều đã hiểu nếu chưa thì phải nhanh chóng bồi đắp sự thiếu sót này.

Trường Sa và Hoàng Sa là hai quần đảo của dân tộc ta, thuộc chủ quyền của nước Việt Nam. Trong tư duy của từ bé đến giờ điều ấy vẫn không hề thay đổi. Mặc cho những thế lực thù địch đang dùng mọi âm mưu để chiếm đoạt nhưng trong tôi niềm tin vào chủ quyền của ta ở hai quần đảo này rất vững mạnh.

Những hành động nhỏ nhặt như “Góp đá xây Trường Sa”, những cuộc thi tìm hiểu về biển đảo, những buổi tọa đàm là vô cùng thiết thực và bổ ích cho tôi và có lẽ nói rộng thêm là cho tất cả mọi người dân Việt Nam. Những lời yêu thương, chia sẻ cùng nhau chỉ là một hành động xây dựng niềm tin trên mặt tinh thần. Hơn thế là những việc làm cụ thể có ích mà nhà nước cho phép, hướng dẫn và xã hội ủng hộ, đồng tình. 

Hiện tại, trên danh nghĩa là một sinh viên, bản thân tôi hiểu được sự trang bị về kiến thức và vốn ngoại ngữ là vô cùng quan trọng. Hơn thế nữa, tôi cũng như tất cả những bạn sinh viên luật càng đi sâu trong công tác tìm hiểu chuyên môn, đặc biệt trong lĩnh vực này, coi đó như một nghĩa vụ cần kíp của bản thân. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều khi được tiếp xúc với một bạn sinh viên năm nhất của trường, bạn từ miền Trung vào Thành phố Hồ Chí Minh để lĩnh hội những kiến thức về pháp luật với mục đích chủ yếu giúp quê nhà phát triển.

Tôi biết không chỉ một cá nhân mà tôi được tiếp xúc có những suy nghĩ tích cực như vậy mà cũng còn rất nhiều bạn nữa, không chỉ là sinh viên luật mà nhân rộng ra ở các trường khác, và kể cả những bạn đang học nghề và làm việc. Trong tim mỗi chúng ta, hình ảnh của Trường Sa và Hoàng Sa sẽ giữ mãi một vị trí đẹp. Ý thức về việc bảo vệ và phát triển ở mỗi người là khác nhau nhưng nhìn chung cũng đều hướng về Trường Sa.

* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Mai Thị Thanh Tuyền