Thê lương chuyện "của quý" của thái giám Việt xưa
Vốn là nhóm người đặc biệt, thái giám có thể bẩm sinh khuyết tật: có dương vật nhưng không có tinh hoàn, hoặc không có cả dương vật lẫn tinh hoàn, hoặc mất đi do tự thiến...
Ở Việt Nam, thái giám được ghi nhận có từ thời nhà Lý, nhưng đến triều Nguyễn, họ được chia làm năm trật: Quản vụ Thái giám và Điển sự Thái giám; Kiểm sự Thái giám và Phụng nghi Thái giám; Thừa vụ và Điển nô Thái giám; Cung sự và Hộ nô Thái giám; Cung phụng và Thừa biện Thái giám.
Vui như làng đẻ được ông Bộ
Theo tài liệu của Công sứ A. Laborde (Pháp) cũng như câu cửa miệng kháo nhau tại các vùng nông thôn Thừa - Thiên Huế là "Ăn mà đẻ ông Bộ cho làng nhờ", hay "Vui như làng đẻ được ông Bộ", thì có thể thấy ông Bộ - tức giám sinh, hiểu sâu xa hơn là người có phần bộ hạ có vấn đề, rất được coi trọng ở mỗi làng quê xưa. Vậy, nguyên do là thế nào?
Các thái giám phục vụ trong Đại nội. Ảnh chụp lại từ ảnh sưu tập của nhà nghiên cứu Phan Thuận An. |
Sử sách chép rằng, dưới các vương triều phong kiến Việt Nam, làng nào có ông Bộ thì được triều đình miễn thuế trong nhiều năm; nhà có ông Bộ được cấp ruộng đất và tiền bạc rất hậu hỹ. Ông Bộ mà được tiến cung, nghiễm nhiên được hưởng bổng lộc như các quan đại thần nên sống rất sung sướng. Vì thế, theo luật Vua ban, làng nào có ông Bộ từ 10 tuổi trở xuống thì phải trình lên Bộ Lễ để lập hồ sơ tâu lên Vua. Nếu giấu giếm trong nhà, lúc phát hiện ra sẽ bị phạt nặng, cho ở tù. Bộ Lễ chịu trách nhiệm đào tạo ông Bộ cho đến 12 tuổi thì đưa vào triều học lễ nghi cung đình... để trở thành thái giám phục vụ công việc thường ngày trong cung cấm.
Đau đớn trải qua thủ thuật "tịnh thân"
Loại trừ những người khi sinh ra đã có khuyếm huyết ở bộ phận sinh dục, đa số thái giám phải qua một thủ thuật "tịnh thân" hết sức đau đớn. Theo một số tài liệu, có 4 phương pháp để thiến: cắt toàn bộ âm kinh và dịch hoàn, chỉ cắt bỏ dịch hoàn, đè cho vỡ nát dịch hoàn, cắt bỏ ống dẫn tinh. Ngoài ra, còn có một phương pháp thiến nữa là dùng dây cột chặt dịch hoàn của đứa bé hoặc cho đứa trẻ uống một thứ thuốc tê gọi là ma tuý dược, rồi dùng kim chích nhiều lần vào dịch hoàn đứa trẻ, lâu dần thực khí mất công năng, bị chết đi.
Tuy nhiên, phương pháp trên vẫn nhân đạo vì nói đến thái giám là nghĩ ngay đến chuyện "của quý" bị cắt tận gốc. Điều này có nghĩa là dùng dao sắc hoặc một vật dụng kim loại như kiếm hoặc rìu cắt đứt tận gốc dương vật của nam giới. Cách thức này được miêu tả như một hình thức vô cùng tàn bạo, vì những người sau khi sử dụng phương pháp này đều rất đau đớn, thậm chí có thể bị hôn mê kéo dài...
Có tài liệu cho biết, sau khi cắt bỏ bộ phận sinh dục, âm nang, âm hành của thái giám được gọi dưới tên bảo cụ - được dùng những kỹ thuật riêng để bảo tồn và coi như một món đồ quý, được giữ gìn cẩn thận. Trước khi bảo cụ được tẩm vôi bột cho khỏi thối và hút hết máu mủ còn trong đó để cho khô ráo, thì sau đó dùng giấy bản hoặc vải lau sạch, mới được đem ướp trong hương liệu để dầu thấm vào, đặt trong bao bằng lụa, cất trong hộp gỗ rồi hàn kín lại.
Sau khi chọn ngày lành tháng tốt, người ta cung kính đưa chiếc hộp đó đến từ đường họ người bị thiến, treo nó trên xà nhà. Sau đó mỗi năm, họ lại rút cái hộp đó lên cao thêm một chút, ý chúc tụng cho người bị hoạn phục vụ trong triều đình được thăng quan tiến chức.
Giữ gìn "bảo cụ" để làm gì?
Dù đã bị thiến, nhưng thái giám lúc nào cũng canh cánh nỗi lo phải giữ "bảo cụ". Lý do là mỗi khi được thăng thưởng, thái giám phục vụ trong cung đình đều phải trình cho thượng quan xem bảo cụ để chứng minh rằng quả thực mình đã được tịnh thân. Song, điều quan trọng không kém là mong muốn chết được toàn thây. Khi thái giám chết đi, lúc tẩm liệm, người ta sẽ hạ "của quý" bị cắt mà đang treo trên xà nhà xuống, may cho dính lại như ban đầu, còn tờ đơn tình nguyện xin cắt bỏ bộ phận sinh dục sẽ được đốt trước linh sàng để người chết được khôi phục nguyên trạng thân thể, dưới cửu tuyền còn mặt mũi gặp cha mẹ tổ tiên, nếu có đầu thai thì kiếp sau cũng được toàn vẹn thân thể.
Tương truyền, có thái giám đã giữ bảo cụ làm của riêng nhằm bán lại hoặc cho ai đó thuê nếu muốn thăng quan tiến chức. Vì thế, những thái giám này rất dễ không giữ được món đồ của mình vì bị thất lạc hay bị kẻ gian ăn cắp mất. Mỗi khi có biến loạn ở kinh thành, nhiều thái giám đã hoảng hốt chạy đi tìm “bảo cụ” của mình, có khi tranh cướp nhau...
Minh chứng cho điều này là theo nhiều người cao tuổi kể lại, vào cái ngày “thất thủ kinh đô” (1885), khi trận phục thù của tướng quân Tôn Thất Thuyết thất bại, quân Pháp phản công dữ dội, người người chạy đạp lên nhau để thoát thân. Trong Tử Cấm Thành, các vua chúa, cung nữ, quan lại... hoảng loạn tìm đường tháo chạy, chỉ riêng các thái giám cũng chạy đi chạy lại nhưng không phải tháo thân mà là tìm cái “thực khí” của mình đã cắt bỏ khi vào cung để dù có chết cũng không phải hối hận gì.
Theo sử sách, loại thái giám "kinh doanh" bảo cụ của mình đã không được triều Lý chấp nhận ngay từ năm 1162. Nhà Lý đã xuống chiếu kẻ nào tự thiến, xử 80 trượng, thích 23 chữ vào mặt. Quốc triều hình luật nhà Lý cũng ghi: "Ai tự hoạn xử tội lưu, ai thiến hộ hoặc chữa chấp giảm tội một bậc, xã quan không phát giác xử tội đồ, tức giam cầm làm khổ sai".
Như vậy, có thể nói rằng, vì có cấu tạo không bình thường về mặt tâm sinh lý như thế, thái giám luôn mang nét mặt nhợt nhạt, vóc dáng mảnh mai, giọng nói khao khao, bộ điệu rụt rè, tính tình nhút nhát khác với người bình thường.
(Theo Đất Việt)