Thứ Tư, 15/08/2012, 13:52 [GMT+7]
.
.

Tôi dọn toilet nuôi chồng phố Cổ

(Cân đàn ông)- Hàng ngày, tôi phải đi làm thuê ở các nhà hàng như dọn toilet, quét nhà vệ sinh, rửa sàn nhà chỉ để lấy 1 tháng 3 triệu đồng về nuôi ông chồng Phố Cổ.


Tôi xuất thân từ một gia đình quê ở Ứng Hòa, Hà Nội. Nhà không có điều kiện nên các chị em tôi chỉ học hết cấp III rồi nghỉ học lấy chồng. Năm 2004, tôi lên Hà Nội xin việc làm thêm tại một nhà hàng ở phố Nguyễn Du. Tại đây, tôi gặp anh mà tôi phải cưới làm chồng bây giờ.

Anh làm đầu bếp còn tôi làm phụ bếp như nhặt rau, làm salat. Hai người hay nói chuyện với nhau nên lâu dần nảy sinh tìm cảm yêu thương. Yêu anh, tôi cũng không có tham vọng sẽ lấy được người Hà Nội mà đơn giản yêu thì cưới.

Một năm sau, chúng tôi làm đám cưới. Lúc đó, chồng làm lương cũng ổn. Tuy nhiên, tiền làm ra anh đưa hết cho mẹ để lo cho gia đình 6 miệng ăn. Ngày lấy vợ, anh chẳng có một đồng nào trong người.

Tôi đưa anh về quê ra mắt, mọi người đều mừng vì tôi lấy được trai Hà Nội tử tế. Ai cũng nghĩ người Hà Nội gốc xịn thì thanh lịch, điềm đạm lắm.

Nhà chồng tôi cũng rơi vào cảnh chật chội chung của khu phố nên tôi thông cảm với điều đó. Hạnh phúc của chúng tôi chẳng kéo dài được bao lâu. Từ khi có con, chồng tôi nghỉ hẳn việc, không đi làm. Tiền vốn liếng hai vợ chồng không có, trong cữ tôi đã phải chạy ra ngoài bán hàng thuê để lấy tiền mua sữa cho con.

Con trai tôi một năm mà chỉ được 9kg. Nhìn con, nhà chồng tôi chẳng xót mà còn bảo “người để nuôi nên sẽ lớn dần”.

Nhà chật, chuyện mẹ chồng nàng dâu lúc nào cũng căng như dây đàn. Tôi nhờ mẹ bảo ban chồng đi làm thì bà bảo “nó vất vả rồi, để nó nghỉ ngơi một thời gian”.

Cuộc sống bí bích, tù túng quá khiến tôi mệt mỏi. Bố mẹ tôi chẳng bao giờ dám lên nhà con gái chơi vì cái chỗ ngồi cũng khó. Nhìn con gái đang nai lưng ra làm nuôi con rể và góp tiền sinh hoạt phí với đại gia đình, bố mẹ chỉ còn biết khóc.

Mỗi lần bảo chồng đi làm anh lại gạt đi. Cả gia đình đều bệnh vực anh. Ảnh minh họa
Mỗi lần bảo chồng đi làm anh lại gạt đi. Cả gia đình đều bệnh vực anh. Ảnh minh họa

Một thời gian sau, anh đòi tôi phải lo cho anh 100 triệu để anh mở quán ăn. Tôi nghĩ mở quán ăn cũng tốt nên về quê nhờ bố mẹ tôi vay hộ. Ai ngờ, anh đem chung tiền với bạn mở quán phở tận dưới Văn Điển.

Không có khách nên quán đóng cửa 3 tháng sau đỏ. Món nợ 100 triệu đồng đè nặng lên vai tôi và gia đình ở quê.

Vậy là 4 năm nay, anh không bao giờ đi kiếm tiền. Hàng ngày, anh chỉ ra những quán trà vặt ở đầu ngõ đánh cờ tướng và buôn chuyện. Tôi không có bằng cấp gì nên cũng khó xin việc ở đây. Bán hàng thuê thời gian mất nhiều mà lương chỉ 2 triệu đồng/tháng. Tôi chọn cách đi làm du kích.

Tôi xin vào làm tạp vụ cho một nhà hàng. Hàng ngày, công việc của tôi là lau sàn nhà, dọn nhà vệ sinh, rửa toilet cho thật sạch và thơm. Không chỉ làm riêng cho một nơi, tôi còn chạy làm mấy nơi theo kiểu ca nhỏ công việc tương tự.

Nhiều khi, đang dọn nhà vệ sinh, gặp những ông khách ngà ngà say vào ôm trầm lấy mình nhưng tôi chẳng dám kêu ai. Nghề của mình là vậy.

Chạy như thế nhưng một tháng tôi cũng chỉ cố kiếm được 4 triệu đồng. Tôi muốn ra ngoài thuê nhà ở để tránh chuyện va chạm mẹ chồng nàng dâu nhưng không có đủ tiền sinh hoạt nên đành bất lực. Tiền đi học của con, tiền ăn của ba người đều do tôi đảm nhiệm.

Người chồng có như không của tôi thi thoảng cũng chạy thêm xe ôm nhưng chỉ đủ đắp vào cái tính hay ăn của anh.

Gần 7 năm lấy anh, tôi chưa bao giờ được chồng và mẹ chồng nhớ đến ngày sinh nhật. Cả gia đình đều trịch thượng tự hào rằng nhà họ tấc đất, tấc vàng nên chẳng cần làm ăn.

Nghĩ đến cảnh hàng ngày tôi lao vào những khu nhà vệ sinh để dọn dẹp, rửa thuê kiếm tiền nuôi chồng “Phố Hàng” nước mắt tôi lại ướt nhòe. Đến bây giờ, tôi đành cam chịu vì đó là cái số của mình.
 

  • Hoàng Thanh
;
.
.
.