Vì sao Lịch sử là môn học bị coi thường nhất? (Phần 1)
"Lịch sử giữ vai trò quan trọng gắn liền với sự tồn vong của quốc gia, dân tộc. Tại sao môn học Lịch sử lại bị coi thường nhất trong các trường phổ thông hiện nay?" - Đó là câu hỏi bức xúc đặt ra tại cuộc hội thảo vừa được Bộ GD-ĐT và Hội Khoa học Lịch sử VN phối hợp tổ chức tại Đà Nẵng.
|
"Hội thảo khoa học quốc gia về dạy và học Lịch sử (LS) ở trường phổ thông Việt Nam" do Bộ GD-ĐT và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức trong hai ngày 18 - 19/8 tại Đà Nẵng - Ảnh: HC |
Mối quan tâm rất lớn
Có thể nói "Hội thảo khoa học quốc gia về dạy và học Lịch sử (LS) ở trường phổ thông Việt Nam" vừa được Bộ GD-ĐT và Hội Khoa học LS Việt Nam phối hợp tổ chức trong 2 ngày 18-19/8 là một trong những hội thảo có quy mô lớn nhất từ trước đến nay về dạy - học môn LS ở trường phổ thông. Hiếm có hội thảo nào diễn ra trong hai ngày nghỉ cuối tuần mà đến tận phút cuối cùng hội trường vẫn chật kín người.
Điều đó cho thấy mối quan tâm sâu sắc của hàng trăm đại biểu là các nhà lãnh đạo, quản lý từ cấp TƯ đến các địa phương, các nhà giáo thuộc nhiều thế hệ và các nhà sử học đối với thực trạng đầy bức xúc như Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển thừa nhận: "Hiện nay đa số học sinh (HS) không hứng thú học LS, chất lượng giáo dục LS còn thấp. Bộ GD-ĐT đã có nhiều cố gắng để khắc phục tình trạng này. Tuy nhiên tình hình cũng chưa được cải thiện một cách căn bản".
Do vậy, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã đề nghị các đại biểu tham dự hội thảo cần tập trung làm sáng tỏ những nguyên nhân quan trọng nhất của thực trạng này và phân tích, so sánh với kinh nghiệm quốc tế để thấy rõ hoàn cảnh, điều kiện cụ thể về khách quan lẫn chủ quan đã dẫn tới những nguyên nhân đó. Và đã có đến 99 tham luận được gửi đến BTC hội thảo cùng 46 ý kiến trình bày tại các phiên họp chính và các cuộc thảo luận ở các tiểu ban.
Vậy mà như Giáo sư - Viện sĩ, Nhà giáo Nhân dân Phan Huy Lê (Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam) cho biết, hôm khai mạc hội thảo, ông nhận thấy nhiều đại biểu có vẻ mặt vừa bức xúc nhưng cũng vừa rất hăm hở. Và đến khi bế mạc hội thảo, vẫn còn nhiều đại biểu "ấm ức" vì chưa được nói hoặc nói chưa hết ý của mình!
|
GS-VS, NGND Phan Huy Lê: "Hiện Lịch sử là môn học bị coi thường nhất trong các trường phổ thông!" - Ảnh: HC |
Lịch sử gắn liền với sự tồn vong của quốc gia, dân tộc Việt Nam
Theo GS-VS, NGND Phan Huy Lê, nhiều nước trên thế giới coi LS cùng với Văn, Toán là những môn cơ bản trong nền giáo dục phổ thông. Bởi lẽ, môn LS không chỉ trang bị vốn kiến thức cần thiết về LS dân tộc, LS thế giới mà còn góp phần quan trọng bồi dưỡng lòng yêu quê hướng xứ sở, chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa nhân văn, tinh thần tôn trọng các giá trị LS văn hoá nhân loại, hình thành nhân cách và bản lĩnh con người, ý thức trách nhiệm công dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
"Đối với bất cứ nước nào, môn LS đều có chức năng quan trọng trong đào tạo năng lực của HS. Trong năng lực của HS, tôi cho rằng quan trọng bậc nhất là nhân cách, là tư duy độc lập sáng tạo, là những tố chất tạo nên bản lĩnh con người; trong đó kiến thức cơ bản và giá trị LS văn hoá là nền tảng" - GS-VS, NGND Phan Huy Lê nói.
Ông cũng nêu rõ, với Việt Nam, LS càng giữ vai trò quan trọng gắn liền với sự tồn vong của quốc gia - dân tộc. Do vị trí địa - chính trị và địa - quân sự nên từ khi hình thành nhà nước đầu tiên cho đến nay, nước ta phải đương đầu với nhiều nguy cơ xâm lược đến từ các đế chế lớn của châu Á, châu Mỹ, châu Âu; trong đó gần như thường xuyên là các đế chế Đại Hán phương Bắc. Trong quá trình đó, nhân dân ta đã sáng tạo ra LS với tất cả công sức và tính mạng của mình nên rất yêu mến LS, qua LS mà nuôi dưỡng ý chí dân tộc và lưu truyền cả một kho tàng kinh nghiệm đánh giặc rất phong phú, sáng tạo.
"Ngày nay, nhiệm vụ xây dựng đất nước vẫn gắn chặt với nhiệm vụ bảo vệ đất nước, giữ gìn chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Thế hệ trẻ lớn lên qua nền giáo dục phổ thông mà không yêu mến LS dân tộc, không có một vốn hiểu biết cần thiết về LS và văn hoá dân tộc và nhân loại, không có một niềm tự tin dân tộc, không kế thừa các truyền thống dân tộc, thì làm sao có thể hoàn chỉnh được phẩm chất của người công dân Việt Nam. Từ đặc điểm đó, môn LS càng phải được đặt đúng vị thế và chức năng của nó trong hệ thống giáo dục phổ thông!" - GS-VS, NGND Phan Huy Lê nhấn mạnh.
|
Cho đến tận phút cuối của cuộc hội thảo diễn ra trong hai ngày nghỉ cuối tuần, hội trường vẫn chật kín các đại biểu! - Ảnh: HC |
Nhưng môn học Lịch sử lại bị coi thường nhất!
GS-TSKH Vũ Minh Giang (ĐHQG Hà Nội) kể: "Cách đây ít năm, khi có dịp tiếp xúc với một nhóm HS phổ thông nước ngoài, tôi có thử hỏi trong các môn học, các em thích môn nào nhất? Thật bất ngờ không chỉ cho tôi mà cả một số nhà học học tự nhiên cùng có mặt ở đó khi có tới 7/10 em trả lời đó là môn LS. Tôi hỏi tiếp vì sao các em thích học môn LS thì các em đều trả lời khá giống nhau là thầy dạy hay, có nhiều chuyện rất hấp dẫn, thường được học ngoại khoá ở các bảo tàng, xem phim LS. Có em còn nói thích học LS vì hiểu biết sâu về LS được các bạn coi là người uyên bác, có trí tuệ!
Trong khi đó, qua 2 ngày hội thảo, hầu hết ý kiến phát biểu đều nêu lên thực trạng: Hạn chế nặng nhất của giáo dục môn LS ở các trường phổ thông Việt Nam hiện nay là đại bộ phận HS không thích môn này, xem đây là môn học của các sự kiện và năm tháng, môn học của trí nhớ, khô khan và nhàm chán. Đặc biệt trong những năm gần đây, thực trạng dạy và học môn LS trong trường phổ thông đã gây ra bức xúc, nỗi lo âu của xã hội. Điều đó không chỉ được phản ánh qua điểm số các kỳ thi tốt nghiệp phổ thông và thi tuyển vào đại học, cao đẳng mà còn qua kết quả điều tra xã hội học, qua các sân chơi truyền hình và qua dư luận xã hội.
GS-VS, NGND Phan Huy Lê nhấn mạnh: "Hiện LS là môn học bị coi thường nhất trong các trường phổ thông. Minh chứng rõ nét nhất là trong các môn thi tốt nghiệp phổ thông, LS bị coi là môn phụ, có năm thi năm không. Năm nào không thi thì nhà trường cho học dồn để dành thời gian cho các môn khác. Thầy, cô giáo dạy LS cũng dễ dàng được thay thế bằng thầy, cô giáo các môn khác, có khi là môn thể thao chẳng hiểu gì về LS. Một môn học đã bị coi nhẹ đến như vậy thì làm sao có thể nhận được sự quan tâm của HS?".
HẢI CHÂU
Tin liên quan:
>> Có học sinh Đà Nẵng không biết Hoàng Sa bị Trung Quốc xâm chiếm?