Triều Tiên, trong thế giới những quốc gia bí ẩn, được lãnh đạo bởi một nguyên thủ quốc gia trẻ tuổi nhất thế giới. Các nhà phân tích không chắc chắn trong nhiều chi tiết về cuộc đời Kim Jong Un, như tuổi tác hay trình độ giáo dục với một thời gian theo học tại Thụy Sĩ.
Từ khi lên nắm quyền hồi tháng 4, nhà lãnh đạo trẻ đã có nhiều bước đi có thể gọi là đầy cố gắng hòng cải tổ đất nước: bãi chức một quan chức quân sự cấp cao, khởi động một chương trình đưa lao động Triều Tiên đi làm việc tại Trung Quốc, và đặt trọng tâm phát triển kinh tế lên trên chính trị quân sự. Nhiều nhà phân tích trước đó dự đoán nhà lãnh đạo trẻ này sẽ nhanh chóng thất bại, bởi không giống như người cha Kim Jong Il, ông không có những năm tháng để trang bị trước khi lên cương vị mới. Một số người thì dự đoán, Kim Jong Un sẽ theo đuổi mô hình của Đặng Tiểu Bình để cải cách Triều Tiên, trang bị sẵn sàng cho người dân tham gia vào thế giới.
Vậy mầm mống của một cuộc cải tổ đã thực sự xuất hiện tại Triều Tiên? Câu trả lời là có.
Bóng dáng của Đặng Tiểu Bình có lẽ đang thấp thoáng đâu đó ở Bình Nhưỡng, với những dấu hiệu cho thấy vị nguyên thủ trẻ tuổi nhất thế giới sẽ cố gắng xốc lại đất nước đang bị cô lập và nghèo đói của mình. Từ việc bất ngờ cho thôi chức một quan chức quân sự cấp cao, với lý do "bệnh nặng", đến một buổi biểu diễn nhạc pop có sự tham gia của các nhân vật mang tính biểu trưng của Mỹ như chuột Mickey và Rocky Balboa, cho đến một chương trình cho lao động đi làm việc ở nước ngoài đầy mới lạ, trong đó cho phép người dân Triều Tiên sang làm việc kiếm sống tại Trung Quốc, Kim Jong Un đã củng cố vững chắc quyền lực, ngay cả khi ông nới lỏng hơn các quy định và kêu gọi các quan chức tiến hành những thử nghiệm mới.
Trước quân đội hàng triệu binh sĩ và một chương trình vũ khí hạt nhân, người ta phải đặt câu hỏi là liệu Kim Jong Un có thể đưa nước CHDCND Triều Tiên hòa bình bước qua thế kỷ 21. Nhưng hình ảnh về những nỗ lực ban đầu của Đặng Tiểu Bình trong việc hiện đại hóa và ôn hòa hóa một Trung Quốc còn mang nặng tư tưởng ý thức hệ cho thấy những điểm tương đồng nhiều hứa hẹn.
Một số chuyên gia về Triều Tiên không hy vọng nhà lãnh đạo trẻ có thể tiến xa. Sau khi Kim Jong Il qua đời hồi tháng 12, cựu giám đốc Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ Victor Cha dự báo Triều Tiên sẽ sụp đổ trong vòng vài tháng. Nhưng rồi, sự kế nhiệm của Kim Jong Un trẻ tuổi vẫn nhanh chóng diễn ra dù chỉ mới có sự chuẩn bị từ năm 2008 - không giống như cha ông, người đã được trang bị chu đáo trong hàng chục năm trước khi trở thành Lãnh tụ tối cao. Việc buộc phải chuyển giao quyền lực được dự báo sẽ chính là chiếc áo đánh gục con lừa vốn đã quá mệt mỏi.
Nhưng dự đoán cũng chỉ là dự đoán. Triều Tiên vẫn còn đó, với một Kim Jong Il trẻ tuổi và non kinh nghiệm cầm lái. Ông hoạt động khá năng nổ, khi đọc bài diễn văn chính sách quan trọng, khi thể hiện sức mạnh trước dân chúng, binh lính, cán bộ và trẻ em đi học. Dĩ nhiên, sự cầm quyền của ông vẫn mới trong giai đoạn non trẻ. Nhưng, phong cách lãnh đạo, với thiên hướng và thái độ chính trị hướng ra thế giới của Kim Jong Un, đang bắt đầu được chú ý đến - và một bất ngờ lớn là ông có vẻ đang hướng đến cái mà ông miêu tả là "định hướng mới, sáng tạo và mang tinh thần doanh nghiệp", dịch chuyển khỏi đường lối cũ của người cha là "chính trị quân sự hàng đầu" tiến đến nhấn mạnh vào phát triển kinh tế mang tính thực tiễn hơn, giống như Đặng Tiểu Bình trước kia.
Ông Kim Jong Un |
Một dấu hiệu ban đầu cho thấy Kim Jong Un sẽ có cách điều hành khác hơn so với người cha chính ở cách hai người đọc diễn văn. Trong khi cha ông không bao giờ để người dân nghe thấy giọng nói của mình thì Kim Jong Un lại liên tục lên sóng truyền hình hồi tháng 4 và tháng 6. Tương tự, Kim Jong Un cũng vẫn sử dụng truyền thống gọi là "vi hành", qua đó cho phép nhà lãnh đạo tối cao này giữ được mối dây liên lạc trực tiếp với người dân Triều Tiên, để phát đi những tín hiệu về cách tiếp cận mới của mình. Phong cách "vi hành" của người cha đã dần được thay thế - dù một cách rất khó xử - như trong một trang web hài hước lưu các tấm ảnh về Kim Jong Il trong các chuyến đi. Người con đã thoải mái hơn nhiều trước các đối tượng. Thay vì tự bó buộc trong những sự bảo vệ, ông giao tiếp gần gũi với người dân. Trẻ em vây quanh ông để chụp ảnh, binh lính vây quanh ông khóc trong niềm vui, còn các vị bô lão giữ chặt tay ông theo kiểu truyền thống Triều Tiên. Ông cười vui vẻ trong tất cả những hoàn cảnh đó, đi qua đi lại và thậm chí có những cử chỉ còn gần gũi hơn, cho thấy một hình ảnh đầy năng lượng và nhiệt tình.
Ngọn đuốc sống của Kim Jong Un thu hút làn sóng quan tâm từ truyền thông toàn cầu sau khi ông xuất hiện tại một buổi biểu diễn nhạc pop bên cạnh một người phụ nữ ăn mặc rất phong cách, mà sau đó được tiết lộ chính là phu nhân Ri Sol Ju, khi họ đang xem các nhân vật trong phim hoạt hình Disney nhảy múa trước một màn hình lớn ghi những hình ảnh trong bộ phim Rocky IV. Gây chú ý hơn chính là bộ trang phục váy ngắn của các ca sĩ trong ban nhạc. Dù ai đó có thể nhanh chóng coi đây chỉ là một hiện tượng nhỏ, nhưng thực tế những thay đổi về phong cách như vậy lại gợi đến những ngày đầu trong cuộc chuyển biến lớn lao của Trung Quốc những năm 1970-1980. Thay đổi trong hình ảnh quốc gia thông qua truyền thông nhà nước trong một hệ thống chính trị theo kiểu ước lệ cao như ở Triều Tiên mang hàm ý một sự thay đổi tư duy quản trị, kinh tế và chính sách đối ngoại đang ngầm diễn ra.
Quả thực, có nhiều dấu hiệu trong bài diễn văn và các chuyến đi thực tế của Kim Jong Un là những sự thay đổi căn bản đang xuất hiện cùng với phong cách đó. Trong một buổi nói chuyện dài với các lãnh đạo cấp cao của đảng hồi tháng 4, Kim Jong Un đã kêu gọi các quan chức thử nghiệm những ý tưởng mới và bớt ôm nặng tư duy ý thức hệ. "Các quan chức nên làm việc với thái độ sáng tạo và tinh thần doanh nghiệp... [và] cố gắng tránh xa quan điểm ý thức hệ đã lỗi thời và phương pháp hay lề lối làm việc lạc hậu". Điều này rất giống với bài diễn văn nổi tiếng tháng 12/1978 của Đặng Tiểu Bình khi phát động công cuộc cải cách tại Trung Quốc, trong đó ông kêu gọi các đảng viên hãy là "người mở lối dám tư duy, khám phá con đường mới và tìm tòi những ý tưởng mới".
Sau bài diễn thuyết, Kim Jong Un có một chuyến "vi hành" rất được chú ý tới một công viên giải trí ở Bình Nhưỡng, nơi quang cảnh rất tiêu điều, và ông đã khiển trách các quan chức vì tình trạng bỏ rơi công viên. Cải tạo công viên, Kim Jong Un nói, "nên được coi là dịp để bỏ đi quan điểm ý thức hệ đã lỗi thời khỏi đầu óc các quan chức và chấm dứt lối làm việc đó của họ". Ông sau dó đã chỉ định cho người đứng đầu nội các và một nhân vật quân sự cấp cao đích thân giám sát quá trình cải tạo. Công viên giờ đây là một dự án chứng tỏ yêu cầu về "sáng tạo và tinh thần doanh nghiệp" của Kim Jong Un đối với cac quan chức.
Chỉ trích tình trạng đổ nát của một công viên chỉ là một trong số rất nhiều ví dụ cho thấy vị lãnh đạo mới này đã ý thức được những vấn đề trong nước, dù còn hạn chế, nhưng có thể báo trước một sự thay đổi lớn trong triết lý điều hành.
Cộng đồng quốc tế được chứng kiến một thực tế mới tại Triều Tiên hồi tháng 4, khi Bình Nhưỡng thừa nhận vụ phóng tên lửa thất bại. Dưới thời Kim Jong Il, các cuộc thử nghiệm tên lửa tầm xa đều được công bố là thành công tuyệt đối, dù còn rất xa mới đạt đến mục tiêu. Nhưng hiện nay, qua việc CNN đưa tin trực tiếp từ Quảng trường Kim Nhật Thành, Bình Nhưỡng dám thừa nhận vụ phóng tên lửa thất bại vì những nguyên do kỹ thuật.
Truyền thông quốc tế đua nhau suy luận về câu chuyện sau đó. Nhưng ở bên trong Triều Tiên, sự thừa nhận này chẳng qua chỉ là sự bắt đầu của một tinh thần mới - dám thừa nhận vấn đề. Dù chưa hẳn đã thẳng thắn công khai hoàn toàn, nhưng Kim Jong Un đã dám nói thẳng về vấn đề lương thực, hàng hóa tiêu dùng của Triều Tiên và tầm quan trọng của việc "giải quyết triệt để các vấn đề nảy sinh trong quá trình phát triển kinh tế và cải thiện đời sống của người dân".
Trong bài diễn văn cuối tháng 4 đó, ông cũng nếu vấn đề quân đội phải tự lực hơn, nghĩa là phải sẵn sàng với tình trạng cắt giảm chi tiêu quân sự để tập trung phát triển "kinh tế nhân dân".
Mặc dù Kim Jong Un không nói về "chủ nghĩa xã hội thị trường", nhưng ông vẫn cho phép các thị trường tư nhân nhỏ tồn tại, khuyến khích thành lập các đặc khu kinh tế và cử cán bộ đi tập huấn kinh tế ở nước ngoài. Cùng với chương trình đưa lao động đi làm việc tại nước ngoài mới được dự báo sẽ giúp hàng chục nghìn cư dân Triều Tiên có cơ hội kiếm được nguồn thu nhập cao hơn tại Trung Quốc, chính sách kinh tế của Triều Tiên cho thấy dấu hiệu thực dụng hơn, mang tính thực nghiệm và minh bạch hơn - đây cũng là điểm mấu chốt trong sự thay đổi từ Mao Trạch Đông sang Đặng Tiểu Bình.
Ảnh hưởng của chính sách đối ngoại mang tinh thần Đặng Tiểu Bình tại Bình Nhưỡng vẫn chưa quá rõ ràng. Ngoài ra, Seoul, Wasshington, Bắc Kinh cũng đang bận bịu với các cuộc bầu cử, đại hội đảng sắp diễn ra. Khi những vấn đề chính trị trong nước lắng xuống trong năm nay, bức tranh rõ hơn sẽ hiện ra sẽ cho thấy thái độ sáng tạo và tinh thần doanh nghiệp của Kim Jong Un có thể mang hơi thở mới vào những nỗ lực đang trì trệ là mang thịnh vượng đến Triều Tiên và hòa bình đối với Đông Bắc Á hay không.
John Delury là giáo sư Nghiên cứu Đông Á tại Khoa Nghiên cứu quốc tế sau đại học của trường ĐH Yonsei (Hàn Quốc) và thành viên cấp cao Trung tâm Quan hệ Trung-Mỹ, Asia Society. Ông dạy lịch sử và chính trị Trung Quốc tại Đại học Columbia, Brown, Bắc Kinh và nhận bằng tiến sĩ lịch sử Trung Quốc tại ĐH Yale.
Đình Ngân theo Yaleglobal