Chính FPT làm dấy lên tin đồn TGĐ Trương Đình Anh "từ chức"?

Thứ hai 27/08/2012 07:06
(GDVN) - Theo TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế, chính việc thông báo không rõ ràng của FPT đã làm dấy lên hoài nghi việc từ chức Tổng giám đốc FPT của ông Trương Đình Anh.

Thông tin ông Trương Đình Anh xin nghỉ phép hai tháng vẫn làm nóng các diễn đàn mạng trong đó có những người thực sự quan tâm đến đời sống cá nhân của ông, cũng có những người quan tâm tới tình hình kinh doanh của FPT.

Ngày 14/8, thông tin ông Trương Đình Anh nghỉ phép được thông báo cụ thể trên website của tập đoàn FPT: “Tổng Giám đốc FPT Trương Đình Anh xin nghỉ phép từ ngày 1/8/2012 – 30/9/2012 để giải quyết công việc gia đình và các vấn đề sức khỏe cá nhân và đã được Chủ tịch Hội đồng Quản trị FPT chấp thuận. Trong thời gian ông Trương Đình Anh vắng mặt, Phó Tổng Giám đốc Chu Thị Thanh Hà được ủy quyền điều hành các công việc hàng ngày thay Tổng Giám đốc”.

Chính thông báo của FPT tạo nên hoài nghi ông Trương Đình Anh thôi giữ chức Tổng giám đốc.


Tuy nhiên, TS Nguyễn Minh Phong – chuyên gia kinh tế cho rằng việc thông báo này của FPT là sai vì không có chuyện xin nghỉ phép hẳn hai tháng. Luật lao động cũng không có chi tiết này, việc nghỉ phép chỉ kéo dài cùng lắm 10 ngày.

Còn việc ông Trương Đình Anh xin nghỉ có thể là nghỉ không lương hay như thế nào đó. Chính việc thông báo của FPT đã dấy lên hoài nghi việc từ chức Tổng giám đốc FPT của ông Trương Đình Anh.

Ông Phong cho rằng việc ông Trương Đình Anh “dỗi” chỉ là câu chuyện “ngồi lê đôi mách” của phụ nữ. Có thể trong sự việc này hành động nghỉ phép lâu như thế là một sự phản kháng cá nhân của ông Trương Đình Anh với tập đoàn. Một Tổng giám đốc của tập đoàn lớn không thể vì “dỗi” cá nhân mà lại nghỉ đặc biệt với tính cách của ông Trương Đình Anh. Ông ấy muốn nghỉ ngơi giữ sức, đã được HĐQT chấp thuận thì việc này cũng không có vấn đề gì với cá nhân ông Anh.

Bàn về việc Tổng giám đốc của một tập đoàn lớn, xin nghỉ phép dài ngày, dù có người ủy quyền có gây ra những ảnh hưởng kinh doanh của doanh nghiệp, ông Phong cho rằng: “TGĐ nghỉ 10 ngày còn ảnh hưởng huống chi nghỉ hai tháng”   

Trương Đình Anh một “yếu nhân” của FPT nên khi quyết định ghỉ phép, trừ những lý do bất khả kháng thì thường sẽ được chuẩn bị kỹ lưỡng, chứ không có chuyện “nay xin phép, mai nghỉ”. Thời gian không điều hành FPT của ông là 2 tháng cuối quý III, cũng là giai đoạn cực kỳ căng thẳng của doanh nghiệp trong việc chạy đua hoàn thành kế hoạch năm. Việc doanh nghiệp lớn như FPT thiếu Tổng giám đốc trong thời gian tương đối dài mang tính chất quyết định theo nhiều chuyên gia cũng kéo theo nhiều bất thường.

Được biết ngày 9/8, FPT công bố Nghị quyết của HĐQT về việc tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2012 với tỷ lệ 10%/mệnh giá, tức 1.000 đồng/CP với thời gian không muộn hơn ngày 30/9/2012. Và đến ngày 14, sau khi ông Trương Đình Anh đã nghỉ ngơi 2 tuần FPT mới đưa ra thông báo nghỉ phép.

Theo Điều 8 của Thông tư 52/2012/TT-BTC, công ty đại chúng phải công bố thông tin bất thường trong thời hạn 24 giờ nếu xảy ra sự kiện có ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc tình hình quản trị của công ty. Nhiều chuyên gia đứng ngoài không muốn bình luận, họ đoán rằng phía sau việc nghỉ phép của ông Trương Đình Anh còn có nhiều điều bất thường.

B.A