Chính phủ cân nhắc giảm 50% số Tập đoàn kinh tế đang thí điểm (đợi chú Dũng duyệt)

  (Petrotimes) – Trước những khó khăn trong cách điều hành các Tập đoàn kinh tế Nhà nước (TĐKTNN) thí điểm như thực tế những năm qua, Thường trực Chính phủ đang có hướng giảm số Tập đoàn kinh tế từ 13 như hiện tại xuống còn 5 đến 7 trong thời gian tới.

Trong buổi họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 8-2012 vừa được tổ chức tại Hà Nội chiều nay, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam thừa nhận, Chính phủ, mà trực tiếp Thủ tướng Chính phủ đã xem xét, rà soát lại nghiêm túc việc tổ chức lại các TĐKTNN theo hướng chỉ duy trì 5-7 Tập đoàn có sức vóc, tiềm năng và trách nhiệm xã hội lớn. Theo đó, trách nhiệm được phân cho Bộ chuyên môn, hoặc do Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tùy theo quy mô, mức độ ảnh hưởng đến số đông người dân, mang trọng trách xã hội hay điều tiết nền kinh tế vĩ mô...

Bộ trưởng Vũ Đức Đam thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ trong điều hành nền kinh tế

Các tập đoàn kinh tế ở Việt Nam được hình thành chủ yếu từ việc chuyển đổi và tổ chức lại các tổng công ty Nhà nước theo quyết định của Chính phủ. TĐKTNN hoạt động trong những ngành kinh tế mũi nhọn, những lĩnh vực then chốt của nền kinh tế theo mục tiêu chiến lược phát triển của từng tập đoàn mà tư nhân và các thành phần kinh tế khác khó có thể thực hiện được do hạn chế về năng lực tài chính hoặc kinh nghiệm quản lý, là một trong những công cụ điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ.

Với quy mô về vốn, tài sản đóng vai trò quan trọng trong hệ thống kinh tế nhà nước, hoạt động của tập đoàn, tổng công ty nhà nước vì vậy luôn song hành cùng tiến trình phát triển kinh tế của đất nước. Khối DNNN mà nòng cốt là các tập đoàn, tổng công ty, đã đóng góp gần 40% giá trị GDP, tạo ra 39,5% giá trị sản xuất công nghiệp, trên 50% kim ngạch xuất khẩu và 28,8% tổng thu nội địa (không kể thu từ dầu thô và thuế xuất nhập khẩu).

Một số TĐKTNN giữ vai trò cân đối lớn trong nền kinh tế quốc dân, như Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, đóng góp vào khoảng 30% GDP hằng năm. Quy mô vốn sở hữu của các TĐKTNN tăng lên đáng kể, các tập đoàn đã huy động được một lượng vốn khá lớn từ các thành phần kinh tế khác thông qua việc cổ phần hoá các công ty thành viên của tập đoàn và thành lập mới các công ty cổ phần

.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được đánh giá cao trong sản xuất-kinh doanh

Vốn và tài sản Nhà nước tại DNNN nói chung và ở các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước nói riêng là bộ phận chủ lực, cấu thành và không thể tách rời của tổng nguồn lực quốc gia, đóng vai trò quan trọng trong việc huy động sức mạnh tổng thể và chủ đạo của kinh tế Nhà nước nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nền kinh tế.

Chẳng hạn, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam cung cấp dịch vụ viễn thông cho vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo phục vụ nhiệm vụ chính trị, an ninh, quốc phòng; Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam thông qua thực hiện trồng cây cao su đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết công ăn, việc làm cho vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số và đã xây dựng được một lực lượng tự vệ với trên 10.000 người...

Nhiều tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đóng vai trò là công cụ quan trọng của Nhà nước trong việc điều tiết thị trường, ổn định giá cả, nhất là trong điều kiện nền kinh tế không ổn định, phải đối phó với những biến động về cung - cầu hàng hóa, về giá cả, cụ thể Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam, Tổng Công ty Thép Việt Nam... theo chỉ đạo của Chính phủ đã không tăng giá bán sản phẩm, mặc dù chi phí đầu vào tăng, để góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định thị trường.

13 Tập đoàn kinh tế Nhà nước hiện nay:

1. Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT)

2. Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin)

3. Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam)

4. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)

5. Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin)

6. Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex)

7. Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG)

8. Tập đoàn Tài chính - Bảo hiểm (Bảo Việt)

9. Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel)

10. Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem)

11. Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Việt Nam (HUD Holdings)

12. Tập đoàn Công nghiệp xây dựng Việt Nam (Songda)

13. Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex)

Hữu Tùng