LTS: Sau khi thông tin về sách Tiếng Việt 3 (tập 2) có bài tập đọc kể chuyện Hai Bà Trưng đánh giặc, nhưng không nói rõ giặc nào, nhiều độc giả gửi thư về Báo Giáo dục Việt Nam chia sẻ quan điểm, trong đó có những ý kiến cho rằng “tác giả sợ thế lực Trung Quốc”. Để làm sáng tỏ vấn đề này, Báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với GS Nguyễn Minh Thuyết - Chủ biên của cuốn sách.
- Thưa GS Nguyễn Minh Thuyết, nội dung câu chuyện về Hai Bà Trưng đánh giặc trong sách Tiếng Việt lớp 3 đã được giữ như vậy nhiều năm qua, nhưng cho tới giờ lại có ý kiến cho rằng “không nói rõ đánh giặc nào là một thiếu sót”, mà phải chăng vì tác giả e sợ điều gì đó?
GS Nguyễn Minh Thuyết: Năm 2001, tôi bắt đầu tham gia bộ sách Tiếng Việt dành cho học sinh tiểu học cùng với các đồng nghiệp. Sau đó, sách được dạy thử nghiệm 3 năm, cho tới năm 2004 sách lớp 3 mới được triển khai dạy trên toàn quốc.
Xét về yếu tố lịch sử, vào thời điểm chúng tôi hoàn thành cuốn sách, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc không có gì căng thẳng tới mức phải e dè. Hơn nữa, chuyện Hai Bà Trưng đánh giặc là giá trị lịch sử từ hàng nghìn đời trước. Tôi là con dân đất Việt, tự hào về khí phách của Hai Bà và đã chọn truyện Hai Bà Trưng để mở đầu chủ điểm “Bảo vệ Tổ quốc”. Tôi chẳng việc gì phải e sợ ai, chẳng e sợ thể lực nào.
Khi chúng tôi viết sách, không có ai yêu cầu tôi phải tránh né Trung Quốc, mà nếu có yêu cầu như vậy thì tôi cũng chẳng nghe. Tôi chẳng việc gì phải sợ Trung Quốc. Trên thực tế, ngay sau bài tập đọc Hai Bà Trưng có hàng loạt bài chính tả, bài tập nói chuyện đánh giặc Nguyên, giặc Minh.
|
Nội dung câu chuyện về Hai Bà Trưng đánh giặc trong sách Tiếng Việt lớp 3
|
- Vậy GS giải thích thế nào về chi tiết không nhắc tên giặc Hán trong bài tập đọc ấy?
GS Nguyễn Minh Thuyết: Từ một truyện dài tới 33 trang của tác giả Văn Lang, tôi phải co lại chỉ còn khoảng 250 chữ để dạy trong 1,5 tiết, vì yêu cầu đặt ra với sách tiếng Việt lớp 3 là vậy. Trong không gian ngôn ngữ ngắn ngủi như vậy, lại phải giữ được giọng văn của tác giả, đó chính là cái khó. Điều này thì các thầy cô giáo từng tham gia biên soạn sách giáo khoa sẽ thấu hiểu.
Học sinh lớp 3 chưa học lịch sử. Cho tới lớp 4, học sinh được học lịch sử và sách viết rất rõ: “Đầu thế kỷ thứ I, nước ta bị nhà Hán đô hộ…”.
Nếu đây là bài học trong sách Lịch sử dạy về cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng mà không nêu rõ hoàn cảnh bị nhà Hán đô hộ thì rõ ràng là một thiếu sót quá lớn, nhưng đây chỉ là bài tập đọc trong sách Tiếng Việt, nhằm rèn kỹ năng sử dụng tiếng Việt cho trẻ. Vì thế, tôi đã cân nhắc và để câu đầu là: “Thuở xưa, nước ta bị giặc ngoại xâm đô hộ”. Cũng không nói rõ thời điểm xảy ra sự kiện này vào năm nào, thế kỷ thứ mấy, và cũng không có chữ “công nguyên”… vì học sinh lớp 3 chưa hiểu được những điều ấy. Kể cả có thực hiện yêu cầu tích hợp thì cũng chỉ có thể thực hiện được ở một mức độ nhất định thôi, nhằm tránh quá tải cho trẻ.
Thêm một điểm nữa cần lưu ý là bài tập đọc (khác với các bài tập chính tả, từ ngữ, ngữ pháp) phải giải thích những từ ngữ khó và kiến thức mới. Không thể dồn ép quá nhiều kiến thức vào một bài được. Dung lượng bài và các câu hỏi rất vừa phải, nhẹ nhàng. Thí dụ, với bài dạy 1 tiết ở sách Tiếng Việt lớp 3 thì chúng tôi chỉ cấu tạo bài tập đọc trên dưới 150 chữ, và bài ấy không được phép vượt quá 3 câu hỏi; còn với bài 2 tiết thì không được quá 250 chữ, và không được vượt quá 4 câu hỏi (mỗi câu hỏi chỉ trên dưới 10 chữ).
|
GS Nguyễn Minh Thuyết: Viết sách giáo khoa như làm dâu trăm họ. |
- Có nghĩa là GS vẫn bảo lưu quan điểm không đưa cụm từ “đánh giặc Hán” vào bài này?
GS Nguyễn Minh Thuyết: Quan điểm của tôi là giữ nguyên nội dung như hiện nay. Tôi xin nhắc lại, đây không phải bài học lịch sử. Dạy học cũng như đá bóng, có phối hợp và phân công, có các lớp bọc lót cho nhau. Chỉ 6 tháng sau bài tập đọc này học sinh đã học về khởi nghĩa Hai Bà Trưng trong sách Lịch sử lớp 4. Những câu chuyện về lòng yêu nước chúng tôi dạy trong môn Tiếng Việt ở lớp 3 chỉ là những hạt gieo lượt đầu. Còn về từ ngữ, thú thật là tôi chưa thấy ai viết, ai nói “giặc Hán” bao giờ, mặc dù nói như thế là đúng sự thật lịch sử và đúng tiếng Việt. Nhà văn, nhà báo có thể sáng tạo ra những cách nói mới, nhưng viết sách giáo khoa thì phải dùng những từ ngữ phổ biến, chứ không thể thích là sáng tạo ra một từ mới được.
- Nội dung của các cuốn sách dựa trên quy chuẩn nào, thưa GS?
GS Nguyễn Minh Thuyết: Chuẩn của sách giáo khoa Tiếng Việt là là chương trình Tiếng Việt. Căn cứ vào quy định về mục tiêu, nội dung chương trình và chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình (ví dụ, học sinh lớp 3 phải đọc với tốc độ bao nhiêu chữ/1 phút, biết ngừng nghỉ như thế nào, biết đặt và trả lời câu hỏi như thế nào v.v…), tập thể tác giả phải cụ thể hoá thành những quy định, quy ước thích hợp với từng lớp. Những quy định, quy ước này còn phải dựa trển kiến thức tâm lý, sư phạm và sự trải nghiệm của các tác giả. Nếu bạn đọc để ý sẽ thấy các tác giả rất cân nhắc trong việc lựa chọn tác phẩm để giữ gìn sự trong sáng của tâm hồn con trẻ.
Nếu viết sách mà cứ đưa lấy được, không lưu tâm đến tâm lý, khả năng tiếp nhận của các em học sinh thì khó đạt yêu cầu. Ví dụ ở sách Tiếng Việt lớp 2 , tập 2, trang 130 có dạy bài thơ “Lượm” của Tố Hữu, bắt đầu từ “Chú bé loắt choắt/Cái xắc xinh xinh”… rồi kết thúc ở câu “Đương quê vắng vẻ/Lúa trổ đòng đòng/Ca lô chú bé/Nhấp nhô trên đồng”.
Vì sao lại dừng ở đó? Giáo dục tinh thần yêu nước, chống xâm lược để bảo vệ quê hương là yêu cầu rất quan trọng. Nhưng cũng phải làm sao để tránh cho trẻ bị tổn thương tinh thần khi còn quá bé, do đó tôi đã bỏ đoạn nói về cái chết của chú bé liên lạc: “Bỗng lòe chớp đỏ/Thôi rồi Lượm ơi!/Chú đồng chí nhỏ/Một dòng máu tươi! …”. Vả lại, đối với lớp 2, bài thơ đến đấy cũng đã dài.
Viết sách giáo khoa là làm dâu trăm họ, rất dễ bị săm soi, nhiều khi gặp phải những tình huống giống như con dâu phải chịu đựng một bà mẹ chồng khó tính. Nhưng xin nhắc lại một lần nữa, tôi chẳng e sợ thế lực nào, Trung Quốc thì càng không có gì phải sợ.
- Vậy GS có bình luận gì về những động thái của Trung Quốc tại khu vực biển Đông thời gian qua, đặc biệt là những gây hấn trên khu vực quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam?
GS. Nguyễn Minh Thuyết: Tôi đã nhiều lần lên tiếng trên báo chí về việc này. Nay chỉ xin nhắc lại vắn tắt: Từ hơn một năm nay, Trung Quốc có những hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam một cách thô bạo. Họ tuỳ tiện mời thầu các ô dầu khí, trong đó có cả khu vực thuộc lãnh hải và vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam; lập thành phố Tam Sa, lập quân đồn trú; xua hàng ngàn tàu cá kèm theo tàu quân sự đánh bắt cá ở vùng biển chung, thậm chí là ở cả vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam v.v…
Đó là chuỗi hành động tiếp tục những hành động xâm lược từ trước đến nay. Đầu năm 1974, họ trắng trợn đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Tới năm 1988, lại lợi dụng tình hình khó khăn của ta để chiếm một số đảo và bãi đá ngầm ở Trường Sa. Họ nã súng vào các chiến sĩ của ta, khi mà trên tay, trên thân mình chiến sĩ ta chỉ có lá cờ Tổ quốc. Đó là những hành động dã man, nhưng cũng hết sức đê hèn, không thể nào tha thứ được.
Tôi cho rằng, lúc này chúng ta cần tỉnh táo, khôn ngoan, nhưng tuyệt đối không được để mất chủ quyền, mất lãnh thổ, nói như các cụ thời xưa thì “một tấc đất cũng không được để mất”. Để đối phó với Trung Quốc, ta phải kết hợp nhiều biện pháp: một mặt tiếp tục đàm phán hòa bình, một mặt phải mài sắc cảnh giác, tăng cường tiềm lực quốc phòng, cố kết lòng dân, liên kết với các nước có chủ quyền liên quan, tranh thủ sự ủng hộ từ công luận quốc tế và cả từ những người yêu công lý, hoà bình ở Trung Quốc.
Trân trọng cảm ơn Giáo sư!
GS Nguyễn Minh Thuyết là Giảng viên cao cấp thuộc Khoa Ngôn ngữ học ĐH Khoa học Xã hội và Nhân Văn (ĐHQG Hà Nội) từ 1990-2003.
Ông là Đại biểu Quốc hội khóa XI, XII; nguyên Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.
Ông từng nói "Làm Đại biểu Quốc hội là một công việc dễ va chạm", và là người có nhiều chất vấn thẳng thắn làm "nóng" Quốc hội, đề cập thẳng vào nhiều vấn đề nóng bỏng của đất nước, nổi tiếng với nhiều câu hỏi gai góc và quyết "truy" tới cùng vấn đề.
Ông là người đã nhiều lần lên tiếng phản đối các hành động ngang ngược của Trung Quốc tại khu vực biển Đông, đặc biệt là những xâm phạm thô bạo vào Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam.